Trong lịch sử lâu dài và hết sức phong phú của Trung Quốc, mỹ nhân là những người đẹp đóng vai trò quan trọng, có khi làm thay đổi hoặc làm sụp đổ cả một triều đại, quốc gia.
Lịch sử Trung Quốc được coi vào loại lịch sử vĩ đại và thăng trầm nhất nhân loại, không chỉ có “tứ đại mỹ nhân” Tây Thi, Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Ngọc Hoàn mà còn có nhiều người con gái khác, như: Bao Tự, Võ Tắc Thiên, Dương Quỳnh Chi, Trần Viên Viên, Trương Lệ Hoa, Triệu Phi Yến. Các mỹ nhân nói chung đều cậy vào nhan sắc trời cho của mình để gây ra tai hoạ mà một phụ nữ bình thường không thể làm được.
Viết với phong cách “tiểu thuyết” lịch sử “Thập đại mỹ nhân” sẽ thêm phần hấp dẫn bạn đọc, tuy nhiên vẫn tuân thủ logic lịch sử, sẽ giúp người đọc có một cái nhìn đầy đủ và sinh động về những giai nhân bạc mệnh ấy. Đồng thời, biết thêm những bí mật nơi thâm cung bí sử và những bộ mặt thật của nhiều đấng quân vương...***
Sau khi Chu Vũ Vương khởi binh tiêu diệt Trụ Vương, kiến lập nên chế độ mới với nhiều chính sách hướng về lợi ích nhân dân. Sở dĩ nhà Tây Chu đạt được những thành tựu ấy, là nhờ sự phò tá đắc lực của Chu Công, và cái gương nữ họa Đắc Kỷ còn rõ ràng trước mắt, trở thành 1 triều đại an thịnh và phồn vinh, nhân dân ấm no hạnh phúc. Trải qua mấy đời, từ Thành Vương cho đến Lệ Vương, thế nước dần dần suy đồi, hầu như không có 1 nhân tài nào kiệt xuất đứng ra phò tá cho các vua nhà Chu. Vì vậy, bá quan văn võ chỉ toàn bọn vô tài bất tướng, thi nhau theo gương nhà vua hưởng lạc. Tiếp đến đời Tuyên Vương lại càng hủ bại, bởi vì Tuyên Vương không những ham mê chơi bời, mà còn chẳng màng gì đến chính sự, mặc cho bọn quần thần dưới quyền lộng hành, hà hiếp dân đen. Tuy các chư hầu vẫn nhớ đến ân nghĩa phong hầu, cấp đất của nhà Chu; theo lệ cũ hàng năm vẫn tiến cống, nhưng đa số đều ngấm ngầm phẫn uất, bởi vì nhà Chu mỗi năm lại đòi hỏi tăng thêm để có đủ chi dụng cho việc hưởng lạc vô cùng xa hoa tổn phí. Dù là hôn quân mê ám, nhưng Tuyên Vương cũng biết lòng người không phục, nên trong lòng cũng rất lo lắng. Tuy không ngừng ăn chơi xa xỉ, song đồng thời lại cho tiến hành việc tăng cường binh lực để trấn áp mọi sự chống đối. Nhà vua hy vọng với quyền lực của mình, sẽ không có một chư hầu nào dám có ý nghĩ sẽ xâm phạm đến nhà Chu. Thế nhưng, nước Khuyển Nhung lại nghĩ khác, cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để thống nhất Trung Nguyên, nên ồ ạt kéo quân xâm phạm biên giới. Quân tướng nhà Chu tuy đông chẳng kém Khuyển Nhung, nhưng liên tiếp mấy trận đều đại bại, bởi vì quân sĩ không hết lòng vì nước, tướng soái thì bất tài, chỉ giỏi ăn chơi hơn là thao lược.