Kéo, Búa, Bao - Lý Thuyết Trò Chơi Trong Cuộc Sống Thường Ngày

Tác giả : Len Fisher
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 198
  • Kích thước : 1.4 MB
  • Số trang : 259
  • Đọc trên điện thoại :
  • Đọc Kéo, Búa, Bao - Lý Thuyết Trò Chơi Trong Cuộc Sống Thường Ngày trên điện thoại

Kéo, búa, bao - trò chơi không dành riêng cho trẻ nhỏ?

Thuở nhỏ, chắc hẳn trong những lúc vui đùa với bạn bè, chúng ta vẫn hay bày ra những trò đấu trí. Những trò chơi trẻ con ấy nhiều vô kể, nào ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, trốn tìm, rồng rắn lên mây… Và chắc chắn sẽ có những cô bé, cậu bé chơi cực hay một số “trò tủ” của mình, không để cho bạn bè có cơ hội thắng cuộc.

Nhưng tôi dám chắc có một trò chơi rất quen thuộc mà không ai dám vỗ ngực xưng là mình luôn toàn thắng. Đó chính là Oẳn tù tì, hay còn gọi là Kéo, búa, bao.

Lý do rất đơn giản, vì hơn nửa cơ hội chiến thắng của bạn trong trò này phụ thuộc vào “chiến lược” của đối thủ. Bất kể trước mặt bạn là một người thông minh hay khờ khạo thì cơ hội chiến thắng của bạn vẫn như nhau. Không phải ngẫu nhiên mà đây được xem là trò chơi may rủi dành cho trẻ con, và chỉ có trẻ con mới thích phân định thắng thua bằng may rủi.

Ấy thế mà người lớn chúng ta vẫn đang chơi Kéo, búa, bao mà không biết đấy. Hãy thử nghĩ mà xem. Bạn luôn chọn hàng người ngắn nhất khi đến tính tiền tại siêu thị, đinh ninh người đi hướng ngược lại phải bước xuống nhường đường khi bước trên một vỉa hè hẹp hay lấy dư vài ba chiếc ống hút khi lấy đồ uống ở quầy tự phục vụ. Bạn hẳn tự nghĩ mình là người khôn khéo khi làm thế đúng không. Phải đấy, nhưng hãy cứ chờ đến lúc trước mắt bạn là những hàng người cứ dài mãi ra, hay khi va phải người đi đối diện vào phút cuối, hay ngơ ngác trước hộp để ống hút trống không mà xem.

Vấn đề ở đây chính là người khác cũng có cùng suy nghĩ như bạn. Và khi đó, cả bạn và tất cả những người còn lại sẽ cùng bị thiệt. Đó cũng là nội dung chính trong quyển sách Kéo, búa, bao của Tiến sĩ Len Fisher. Qua kinh nghiệm bản thân và nhiều năm nghiên cứu, ông đã trình bày rất nhiều ví dụ và tình huống trong đó những bên tham gia luôn cố giành lợi ích về mình. Tuy chúng hơi khác với trò Kéo, búa, bao nhưng lại có một điểm chung: Chiến lược của các bên sẽ dần đi đến một điểm cân bằng, trong đó tất cả đều chịu tổn thất hoặc thất bại.

Vậy bạn phải làm gì để thoát khỏi những tình thế tiến thoái lưỡng nan đó, thoát khỏi kết cục thảm hại đang chờ đợi mình? Chỉ có một cách duy nhất, đó là phối hợp với đối phương để cùng giành thắng lợi. Tất nhiên, mỗi tình huống sẽ có những cách phối hợp khác nhau, những chiến lược khác nhau để thuyết phục đối phương và giành lấy lợi thế cho mình.

Và những chiến lược đó là gì? Xin mời bạn khám phá trong phần sau nhé.***

Gần đây, một người bạn gọi cho tôi báo rằng một nhóm các nhà khoa học vừa công bố một nghiên cứu lý giải tại sao những chiếc thìa để tại khu vực sử dụng chung trong văn phòng cứ dần dần biến mất. Anh bạn tôi hét lên đắc thắng: “Lý thuyết trò chơi đấy!”. Tôi cảm ơn anh rối rít, thế là lại có thêm một ví dụ nữa để đưa vào tập hồ sơ vốn đã dày cộp của tôi.

Lý thuyết trò chơi biểu hiện xung quanh chúng ta. Gọi là “trò chơi”, nhưng nó không chỉ bàn về các trò chơi mà còn về các chiến lược chúng ta áp dụng hằng ngày khi tiếp xúc với người khác. Từ lúc tôi thông báo ý định viết sách về chủ đề này, bạn bè đã gửi cho tôi các ví dụ trên báo và cả những kinh nghiệm cá nhân của họ. Tôi muốn tìm hiểu xem liệu những kiến thức mới mẻ và đáng ngạc nhiên đó có giúp chúng ta xây dựng nên những chiến lược mới để hợp tác với nhau không, đồng thời cũng thử áp dụng chúng trong các môi trường khác nhau, từ khuôn khổ lịch thiệp của một bữa dạ tiệc kiểu Anh cho tới các trận bóng chày, từ những vỉa hè đông đúc, các trung tâm mua sắm cho tới những con đường đông nghịt ở Ấn Độ hay các quán rượu xa xôi của nước Úc.

Lý thuyết trò chơi cho chúng ta biết những gì đang diễn ra phía sau những cuộc đối đầu, những lời hứa không thành và những trò bịp đơn giản mà chúng ta vẫn thường gặp trong các trận cãi vã gia đình, tranh luận với xóm giềng, bất đồng giữa các công ty cùng ngành và trong những vụ ly hôn đình đám của người nổi tiếng. Nó cũng là chỉ dẫn cho những chiến lược tốt nhất để áp dụng trong các tình huống cạnh tranh hay xung đột - và đây chính là lý do tại sao các doanh nghiệp lớn và cả quân đội đều cần đến nó “như cá cần nước” kể từ khi lý thuyết này được đề xướng lần đầu vào cuối thập niên 1940. Nó mang lại cho doanh nhân các chiến lược để vượt lên đối thủ và dẫn đường cho lối tư duy quân sự phương Tây lên đến đỉnh cao. Các chuyên gia về lý thuyết trò chơi thường tham gia cả hai lĩnh vực trên. Điển hình như cả năm lý thuyết gia trò chơi từng đoạt giải Nobel kinh tế học đều được mời làm cố vấn cho Lầu Năm Góc(1).

Nhưng lý thuyết trò chơi còn có một khía cạnh khác gắn liền với sự cộng tác thay vì đối đầu, hợp tác thay vì cạnh tranh. Các nhà sinh học đã vận dụng điều đó để tìm hiểu sự tiến hóa của hình thức hợp tác trong giới tự nhiên trước cuộc cạnh tranh sinh tồn mà trong đó, “chỉ có kẻ thích nghi nhất mới tồn tại”. Giới xã hội học, tâm lý học và khoa học chính trị cũng vận dụng nó để lý giải tại sao chúng ta lại gặp cùng những vấn đề đó khi hợp tác, bất chấp sự thật rằng chúng ta cần hợp tác với nhau hơn bao giờ hết nếu muốn giải quyết những vấn đề quan trọng và đáng lo ngại như ấm lên toàn cầu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, khủng bố và chiến tranh.

Cá nhân tôi muốn tìm hiểu liệu ta có thể áp dụng nó vào những tình huống thường ngày và tìm hiểu xem liệu những bài học rút ra từ đó có giúp ích trong việc giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi lớn hơn hay không. Hay chí ít tôi nghĩ mình cũng có thể tìm ra manh mối cho thấy chúng ta có thể giải quyết những vấn đề trên ra sao dưới góc độ cá nhân.

Các lý thuyết gia trò chơi đã phát hiện ra một mối liên kết đáng ngạc nhiên giữa tất cả những vấn đề trên - một rào cản ẩn khuất đối với sự hợp tác và đe dọa sẽ mang đến những tổn thất không kể xiết, trừ khi chúng ta tìm ra cách giải quyết nó một cách nhanh chóng. Rào cản này đặt trước chúng ta một cái bẫy logic vốn không thể vượt qua(2) và không ngừng xuất hiện (vì thường khó nhận thấy) trong các cuộc cãi vã gia đình, bất đồng với láng giềng, những tiếp xúc xã hội thường nhật cũng như các vấn đề toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó cũng là nguyên nhân tại sao những chiếc thìa đặt tại các khu vực chung của phòng làm việc cứ biến mất dần một cách bí ẩn.

Các nhà khoa học từng nghiên cứu về vấn đề này - tức những người hoàn toàn tỉnh táo và là các chuyên gia dịch tễ học đáng kính tại Úc - đã rất hào hứng hình dung ra những cách lý giải thiếu chắc chắn. Một trong những cách lý giải của họ là những chiếc thìa này đã trốn sang một hành tinh khác có dạng sống chủ yếu là những chiếc thìa, nơi chúng tồn tại một cách bình dị mà không phải chúc đầu xuống những tách trà hay cà phê nóng. Một lý giải khác là chủ nghĩa phản kháng - tức quan niệm cho rằng những vật vô tri vô giác có sự ác cảm bẩm sinh đối với con người, nên chúng luôn tìm cách gây khó dễ cho chúng ta. Như trong trường hợp này, những chiếc thìa trốn biệt đi khi chúng ta cần đến chúng nhất, hệt như khi chúng ta chỉ tìm thấy một trong hai chiếc tất trong máy giặt.

Tuy nhiên, cách lý giải nghiêm túc lại xem đây là một ví dụ cho Bi kịch của cái chung - một tình huống từng gây xôn xao dư luận khi nhà sinh thái học kiêm lý thuyết gia trò chơi Garrett Hardin giới thiệu trong một tiểu luận vào năm 1968 - dù các triết gia đã quan tâm tới nó từ thời Aristotle(3). Hardin đã mô tả lại vấn đề này trong câu chuyện ngụ ngôn về một nhóm người chăn thả gia súc riêng trên bãi đất chung, và mỗi người đều nghĩ tới chuyện thêm một con vật nữa vào đàn của mình. Con vật được thêm vào sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể cho người chủ, trong khi không gian chăn thả lại chỉ giảm đi một chút; nên có vẻ như việc bổ sung thêm một con vật nữa là hoàn toàn hợp lý. Nhưng bi kịch đã xảy đến khi tất cả người chăn đều nghĩ vậy. Tất cả đều mang thêm gia súc, thế là bãi chăn bị càn quét quá mức và chẳng bao lâu sau chẳng còn ngọn cỏ nào để ăn.

Các nhà khoa học cũng áp dụng lối lập luận trên đối với những chiếc thìa: “Người dùng thìa (dù vô tình hay cố ý) đinh ninh rằng tính thiết thực đối với họ (tức lợi ích đối với bản thân họ) sẽ được cải thiện khi họ lấy đi một chiếc thìa để phục vụ nhu cầu cá nhân, trong khi đó, tính thiết thực đối với những người khác chỉ giảm đi một phần nhỏ (“xét cho cùng, vẫn còn nhiều thìa thế kia cơ mà…”). Khi ngày càng có nhiều người dùng thìa quyết định như vậy thì khu vực để thìa chung cuối cùng sẽ sạch bóng thìa”.

Việc áp dụng lập luận này cho những chiếc thìa thoạt nghe có vẻ khôi hài, nhưng nếu bạn thay từ thìa bằng đất đai, dầu lửa, cá, rừng hay bất kỳ cái tên nào chỉ tài nguyên chung, bạn sẽ sớm nhận thấy một số vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trên toàn cầu bắt nguồn từ vòng tròn logic luẩn quẩn này, khiến cho sự hiện diện không mời của nó tạo cảm giác như lợi nhuận đang rơi vào tay một cá nhân hoặc một nhóm người, trong khi cả cộng đồng phải chịu tổn thất.

Bi kịch của cái chung sẽ phát huy sức mạnh phá hoại của nó khi ai đó trong chúng ta hợp tác vì lợi ích chung, nhưng kẻ khác lại nhận thấy họ có thể thu lợi nhiều hơn cho bản thân bằng cách phá vỡ sự hợp tác đó (theo cách nói của lý thuyết trò chơi là sự đào thoát hay lừa gạt). Vậy nên, họ có thể làm thế - cho đến khi mọi người bắt đầu cùng suy nghĩ theo hướng đó, khiến sự hợp tác bị phá vỡ và gây hại cho tất cả. Do chạy theo logic vị kỷ, nên bằng cách nào đó, họ đã đưa tất cả mọi người vào tình cảnh trong đó sự vị kỷ là điều ít được trông đợi nhất.

Nghịch lý logic nan giải này có mối liên hệ với sự biến mất của nghề đánh bắt cá tuyết ở đảo Newfoundland, với cuộc nội chiến tàn khốc ở Sudan, với sự bành trướng trên quy mô lớn của các trạm điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Trung Quốc và với thói quen lái xe hơi ngốn xăng, lãng phí của nhiều người dân Mỹ. Nó đứng sau nạn phát tán thư rác trên Internet, trộm cắp, chen hàng và nhiều vụ tai nạn giao thông. Nó có lẽ cũng là logic dẫn tới việc chặt hạ đến cái cây cuối cùng ở đảo Phục sinh(4). Và chắc chắn nó cũng là logic khiến mọi người thích quẳng túi rác vào một khu nhà hoang hơn là đổ rác đàng hoàng, hay nói quá lên thiệt hại để đòi tiền bảo hiểm, hay “quên” không khai báo thu nhập cho cơ quan thuế. Nó cũng là logic mà các chính phủ dùng tới khi họ từ chối ký kết những thỏa thuận quốc tế như Nghị định thư Kyoto(5). Mà quan trọng hơn cả: nó là thứ logic leo thang. Dưới đây là lời bài hát phản chiến tuyệt vời hồi thập niên 1970:

Ai cũng kêu đòi hòa bình cho thế giới,

Ngay khi ta chiến thắng cuộc chiến này(6).

Khi cả hai bên sử dụng cùng một thứ logic như thế này, thì sẽ chẳng bao giờ có hòa bình trên thế giới này cả.

Chúng ta có thể tránh được Bi kịch của cái chung nếu biết thay đổi hành vi, sống có đạo đức hơn, chân thành hơn và quan tâm tới láng giềng như với chính bản thân mình. Thật tuyệt biết bao nếu điều đó xảy ra, nhưng thực tế, chúng ta nào phải Mẹ Teresa(7); và tốt hơn chúng ta nên chấp nhận thực tế rằng mình chỉ hợp tác khi nhận thấy điều có lợi cho mình. Điều này cũng ứng với các quốc gia cũng như với cá nhân. Chẳng hạn, tác giả cuốn sách ảnh có hưởng lớn The Stern Review on the Economics of Climate Change (tạm dịch: Đánh giá nghiêm khắc về khía cạnh kinh tế của thay đổi khí hậu) xuất bản năm 2006 đã chỉ ra rằng, các quốc gia chỉ hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi họ nhìn thấy được những lợi ích kinh tế trực tiếp và ngắn hạn đối với mình.

Lý thuyết trò chơi không phán xét về mặt đạo đức đối với những thái độ như vậy. Nó chỉ chấp nhận thực tế rằng lợi ích bản thân là một trong những động lực chính của chúng ta, và chúng ta đánh giá các chiến lược khác nhau tùy thuộc chúng phục vụ lợi ích đó như thế nào. Các nghịch lý và vấn đề sẽ xuất hiện khi chiến lược hợp tác vốn nhằm dẫn tới kết quả khả quan nhất cho mọi bên liên quan, nhưng mỗi bên lại muốn đạt kết quả tốt hơn cho bản thân mình, để rồi mắc kẹt trong tình cảnh tồi tệ bởi chính lòng tham của mình, hệt như con tôm hùm bị bắt vào lọ vậy.

Phê phán lòng tham cũng không ích gì, tuy việc này thực ra cũng hữu ích nếu mọi người (và các quốc gia) chịu chấp nhận hưởng đúng phần mình trong nguồn tài nguyên của thế giới. Quan trọng hơn, chúng ta phải hiểu rõ cái bẫy; đây chính là bước đầu tiên để tìm đường thoát khỏi nó, đồng thời đạt được những giải pháp mang tính hợp tác để giải quyết vấn đề.

Cái bẫy này tồn tại với chúng ta từ rất lâu. Ta có thể tìm thấy nhiều dẫn chứng từ Kinh thánh, Kinh Koran, các thư tịch cổ, sách sử, cốt truyện tiểu thuyết, kịch opera và nhiều câu chuyện tin tức hiện đại. Tuy nhiên, phải đến cuối thập niên 1940, chúng ta mới hiểu rõ bản chất thật của cái bẫy này, khi lý thuyết trò chơi xuất hiện và giúp John Nash, nhà toán học đoạt giải Nobel (tên nhân vật phản diện chính bị tâm thần phân liệt trong bộ phim Một tâm hồn đẹp(8)) hé lộ cơ chế bên trong của nó.

Và cơ chế bên trong đó cũng là chủ đề chính của cuốn sách này. Chúng ta bắt gặp chúng trong hàng loạt thế lưỡng nan xã hội vốn được các lý thuyết gia trò chơi đặt cho những cái tên sống động. Một trong số đó là Bi kịch của cái chung. Một ví dụ nổi tiếng khác nữa là Thế lưỡng nan của người tù, ví dụ điển hình cho hình thức thỏa thuận lời khai(9) ở Mỹ và cũng là chủ đề của chương 1. Tiếp đến là trò chơi Kẻ nhát gan (từng suýt gây thảm họa thế giới khi Kennedy và Khrushchev sử dụng nó trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba), Thế lưỡng nan của tình nguyện viên (nội dung này gói gọn trong một từ duy nhất: mamihlapinatapai - trong tiếng Yagán tại quần đảo Tierra del Fuego, Nam Mỹ, từ này có nghĩa là “hai người nhìn nhau, mỗi người đều hy vọng người kia sẽ làm điều mà hai người đều muốn thực hiện nhưng không muốn tự mình thực hiện”). Hoặc Cuộc chiến giữa hai giới tính (trong đó, một cặp đôi muốn ra ngoài chơi, nhưng người đàn ông muốn đi xem bóng chày trong khi người phụ nữ lại muốn xem kịch).

Trong tất cả những trường hợp trên, sự hợp tác sẽ mang lại kết quả tổng thể tốt nhất, nhưng cái bẫy của Nash (nay được gọi là Định lý Cân bằng Nash), lại dẫn dụ chúng ta bằng logic về lợi ích cá nhân, khiến chúng ta rơi vào tình huống trong đó ít nhất một trong các bên sẽ chịu thiệt hơn; và nếu cố thoát ra, họ sẽ còn chịu thiệt hơn nữa. (Đó là nguyên nhân cái bẫy lại hiệu quả đến vậy). Nếu muốn học cách hợp tác hiệu quả hơn, chúng ta cần phải tìm đường tránh hoặc thoát khỏi cái bẫy đó. Lý thuyết trò chơi đã nhận diện được vấn đề. Vậy nó có cung cấp được đầu mối nào giúp chúng ta giải quyết được vấn đề không? Câu trả lời là có.

Một số những đầu mối đó đã xuất hiện từ những nghiên cứu về sự tiến hóa của phương thức hợp tác trong tự nhiên. Số khác lại xuất phát từ việc nghiên cứu kỹ lưỡng những chiến lược mà chúng ta thường áp dụng nhằm giành lấy và duy trì sự hợp tác. Các chiến lược hợp tác hứa hẹn từng xuất hiện bao gồm biến thể của phương thức Tôi chia bạn chọn, những phương pháp mặc cả hợp tác mới (bao gồm một ứng dụng tuyệt vời của cơ chế lượng tử) thể hiện sự tín nhiệm bằng cách tự giới hạn các lựa chọn của mình để đánh lừa hoặc từ bỏ và thay đổi cơ chế lợi ích để loại bỏ ham muốn phá vỡ những thỏa thuận hợp tác.

Một số những đầu mối quan trọng nhất xuất phát từ các trình mô phỏng máy tính, trong đó các chiến lược khác nhau sẽ được so với nhau để xác định xem chiến lược nào thành công, chiến lược nào thất bại. Những kết quả ban đầu đã xuất hiện trong cuốn sách The Evolution of Cooperation (tạm dịch: Sự tiến hóa của hợp tác) của Robert Axelrod, xuất bản năm 1984 từ chính nhà xuất bản của cuốn sách bạn đang cầm trên tay. Trong phần mở đầu, nhà sinh học Richard Dawkins đã viết: “Cần phải giam tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới vào một phòng, bắt họ đọc hết cuốn sách này rồi mới thả ra”. Xét trên lịch sử 20 năm vừa qua, có rất ít nhà lãnh đạo trên thế giới nắm lấy cơ hội nhìn nhận vấn đề hợp tác theo cách mới mẻ và mang tính xây dựng.

Điểm mấu chốt ở đây là chiến lược ăn miếng trả miếng (và nhiều biến thể khác được phát hiện sau này), có thể dẫn tới xung đột leo thang, nhưng cũng có thể mang lại phương thức hợp tác có qua có lại trong cả tự nhiên lẫn xã hội của chính chúng ta. “Thứ gì sẽ xuất hiện” có thể là câu hỏi rất khó trả lời, khi chỉ một thay đổi nhỏ trong bối cảnh cũng tạo ra sự khác biệt lớn trong kết quả - điều đã xảy đến trong các chu kỳ bùng nổ và suy thoái của nền kinh tế cũng như quá trình mở rộng và thu hẹp các quần thể động vật. Các nhà toán học gọi điểm mấu chốt này là điểm phân nhánh, trong đó viễn cảnh của hai tương lai hết sức khác nhau sẽ tùy thuộc ta đi theo lối nào. Vấn đề hợp tác thường là vấn đề tìm ra một chiến lược nhằm nghiêng cán cân “ăn miếng trả miếng” về phía một tương lai hợp tác “có qua có lại” hơn là gia tăng xung đột.

Các nghiên cứu gần đây đã cung cấp một số gợi ý hấp dẫn về cách đạt được điều này. Tuy như thế không có nghĩa lý thuyết trò chơi là thứ thuốc chữa bách bệnh - đó sẽ là một lời tuyên bố nực cười - nhưng nó chắc chắn sẽ mang đến những hiểu biết mới về hướng tiến hóa của sự hợp tác, đồng thời đưa ra những chiến lược mới cũng như những bước ngoặt mới trong chiến lược cũ. Trong cuốn sách này, tôi mô tả những nỗ lực của mình trong việc tìm hiểu những chiến lược trên, đồng thời thử nghiệm chúng lên chính bản thân trong các tình huống hằng ngày. Mục đích của tôi là ráp lại một bộ công cụ gồm các chiến lược hợp tác khả dĩ - giống như cách tôi đã tạo ra bộ công cụ gồm các thủ thuật giải quyết các vấn đề khoa học trong cuộc đời khoa học gia của mình. Cuộc sống đó thật thú vị, nhưng không thể sánh bằng khi tôi tiến hành những thí nghiệm về hợp tác. Kết quả đem lại đôi khi hài hước, đôi khi đáng sợ, nhưng luôn khai sáng và mang đến những bài học về những điều cần làm để khiến mọi người hợp tác - và tiếp tục hợp tác.

Cuối cùng, tôi nên nhấn mạnh một ý rằng tôi không phải một lý thuyết gia trò chơi chuyên nghiệp, mà chỉ là một nhà khoa học quan tâm tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi cấp bách nhất trong xã hội chúng ta. Lý thuyết trò chơi soi sáng những câu hỏi này từ một góc độ mà nhiều người sẽ cảm thấy xa lạ; và tôi muốn tìm hiểu xem những câu trả lời của nó thỏa đáng ra sao đối với các vấn đề trong đời thực. Tôi hy vọng bạn sẽ thích thú khi bước vào hành trình khám phá này cùng tôi.