Tập truyện ngắn, truyện vừa… mà càng đọc càng thấy đã. Tưởng tượng là dân Nam Bộ thì vỗ đùi đánh đét mà khen. Dân Bắc Bộ, Trung Bộ thì tò mò, thèm thuồng được một lần Hành phương Nam, mà nhâm nhi, mà tận hưởng cái bao la hồn hậu của đất và người Nam Bộ. Đây cũng là một trong những tập sách của nhà văn Sơn Nam được in rất trang trọng.
Tập truyện ngắn Biển Cỏ Miền Tây - Hình Bóng Cũ gồm có:Cấm Bắt Rùa
Con Bà Tám
Con Cá Chết Dại
Đường Về Quê
Hai Cõi U Minh
Kéo Trúm
Lũ Trẻ Chăn Trâu
Mây Trời Và Rong Biển
Một Chuyện Khó Tin
Một Người Hàng Xóm
Ngày Hội Ba Khía
Ngày Xưa Tháng Chạp
Ngó Lên Sở Thượng
Người Đi Đêm
Qua Hiệu Sách
Trong Lòng Bàn Tay
Tục Lệ Ăn Trộm
Vẹt Lục Bình
Vọc Nước Giỡn Trăng
Hình Bóng Cũ
***
Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá. Do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch, tên khai sinh của ông bị viết sai thành Phạm Minh Tày.
Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu. Sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.
Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống...
Năm 1960-1961, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Toàn bộ các sáng tác của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền. Ông qua đời ngày 13 tháng 08 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
***
Hồi cuối năm 1949, tôi tản cư ra chợ Rạch Giá, ăn nhờ ở đậu tại xóm Sân banh, sát mé biển. Ở tỉnh nhỏ, thật khó kiếm một chân giáo viên tư thục hoặc thơ ký hãng buôn, vì vậy suốt ba bốn tháng trường, tôi cứ nằm nhà mà tập tành việc văn chương, gởi những bài thơ thuộc loại “đồng quê” cho hầu hết các nhựt báo, tuần báo ở Sài Gòn với hy vọng sẽ được các nhân viên tòa soạn lưu ý nâng đỡ. Đôi ba lần tên tôi được nêu trong mục Cánh nhạn bốn phương với kiểu trả lời: “Bạn Hoài Hương: nhận được tác phẩm của bạn. Rất tiếc vì nội dung cưỡng ép, kỹ thuật hơi vụng... nên chúng tôi hy vọng vào những sáng tác về sau. Chúc bạn cố gắng”. Có bạn phụ trách mục Cánh Nhạn, Thư Tín vô tình hay cố ý gọi tôi là cô Hoài Hương và (điều này chắc họ vô tình) đã loan tin nhận được một thiên tiểu thuyết của tôi với nhan đề quá lạ vì chưa bao giờ tôi gởi đến báo ấy thiên tiểu thuyết nào cả. Thế rồi “hết cơn bĩ cực tới hồi thới lai”, đến bài thơ thứ mười lăm, tôi hân hạnh được giới thiệu trong mục Vườn Hoa. Họ trích đăng vài câu, kèm theo đôi hàng bình luận, liệt nó vào xu hướng “tiến bộ, lành mạnh” - những danh từ quá khái quát mà tôi chưa hiểu rõ nghĩa. Tháng sau, vài bài thơ của tôi được đăng trọn, đóng khung, bên góc lại thêm bức tranh con trâu ăn cỏ, cô gái gặt lúa. Trong làng thơ, tôi tự nhận rằng mình đã bắt đầu có chỗ ngồi. Những bài ấy tôi cắt ra, dán kỹ vào quyển Nhựt ký. Đêm đêm, tôi thao thức, sáng tác thật nhiều, hy vọng đến năm sau sẽ hoàn thành một tập thơ khá dày chứa đựng nhiều đề tài độc đáo, phong phú. Vài người bàn cận đã quở trách:
- Cỡ này sao chú hút thuốc vàng móng tay, đầu tóc rối nuồi, quần áo ít giặt. Coi chừng bịnh đa. Xóm Biển này nhiều âm binh khuấy rối.