Nhớ lần đầu đọc Bức thư của người đàn bà không quen do bạn giới thiệu, đọc không thể dứt và đọc xong buốt lạnh cả sống lưng! Thật không thể hình dung được một chuyện như vậy lại có thể xảy ra và người ta (cô gái, ông nhà văn, thượng đế hay thánh Allah, Phật tổ) có thể để nó xảy ra như vậy. Tôi cố gắng hình dung và gọi tên mối tình của người con gái ấy nhưng không sao làm được, nó khác tất cả mọi mối tình từng được mô tả trong sách báo, thơ văn và cả ngoài đời. Không phải chỉ là lãng mạn vì cô gái hiểu rõ người đàn ông kia, rõ từ cái hay, cái dở, cho đến từng giây từng phút trong thói quen sinh hoạt của ông ta. Phải, khi cô còn bé, sống trong sự thiếu thốn tình cảm, có thể tình cảm đó xuất phát từ sự lãng mạn + ngưỡng mộ + nhu cầu giao cảm. Nhưng rồi cô lớn lên, cô trải nghiệm cuộc sống, cô hiểu bản thân và hiểu người tình của mình rất rõ, tình yêu của cô vẫn như vậy, thậm chí còn nồng nàn hơn bởi nó đã mang dáng dấp tình yêu của một người phụ nữ với tư cách là một người phụ nữ hoàn chỉnh.
Từ chỗ không thể gọi tên mối tình câm lặng ấy, tôi đâm ra nghi ngờ không biết liệu có thể có thật hay không - một tình cảm trong bối cảnh như vậy. Tôi đọc lại bức thư, đọc lại nhiều lần nữa và nhận thấy, nó có thể, có thể có thật vì tất cả diễn ra đều rất logic và có thể hiểu được. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể nào gọi tên hay mô tả tình yêu của cô gái một cách ngắn gọn được.
Đã có lúc tôi tự hỏi tay nhà văn kia có phải người xấu không, có xứng đáng được nhận một tình cảm như vậy hay không? Có lẽ nếu tay nhà văn đó không xứng đáng thì tôi cũng nhẹ đi một chút, có chỗ để mà xỉ vả cho bõ tức - thói xấu muốn trút tình cảm vào một cái gì đó mà. Nhưng đọc đi đọc lại, tay nhà văn đó cũng chả có gì xấu hết. Bác ấy sống phóng túng trong tình cảm, sống trong sự đầy đủ về vật chất, viết văn, và chả hề có ý định che dấu các điểm hay, điểm dở trong phong cách của mình. Lúc nào cũng thế, tình cảm và phớt lạnh, nồng nàn và hời hợt - không che giấu chút nào. Và cô gái yêu đúng con người đó, không phải một hình tượng mà nhà văn cố tình tạo ra để thu hút, cũng không phải cô gái chủ động vẽ lên để mê hoặc bản thân.
Đoạn kết, nhà văn nhìn bình hoa và không thể nào hình dung ra rõ rệt bất cứ điều gì về người con gái ấy. Một mình trong căn phòng vắng lặng với bình hoa mà trong những năm trước, có một hình bóng âm thầm cắm những bông hoa trắng cho ngày sinh nhật của ông. Không hiểu nhà văn cảm nhận sự mất mát đó như thế nào khi mà ông chưa bao giờ biết rằng mình có để mà biết mình có thể mất...
Cuốn sách này gồm 2 truyện vừa, bên cạnh Bức thư của người đàn bà không quen là 24 giờ trong đời một người đàn bà, đều đã được dựng thành phim. Bên cạnh nguyên tác văn học, cuốn sách còn cung cấp thông tin và hình ảnh đẹp về các bộ phim làm theo hai câu chuyện đầy bi kịch về tình yêu đơn phương không được đền đáp của những người phụ nữ. 24 giờ trong đời một người đàn bà là hồi ức của một người phụ nữ lớn tuổi kể về mối quan hệ tình cờ và kỳ dị với một chàng trai mê cờ bạc. Giằng co giữa niềm tin đạo đức và sự tha hóa của con người, những nhân vật trong truyện dường như tuyệt vọng trong việc chiến thắng định mệnh, để rồi số phận đẩy đưa đến những lối rẽ không dừng được. Một trích đoạn nhỏ trong 24 giờ trong đời một người đàn bà, thay cho lời kết của bài viết này: “… Và bây giờ ông đã hiểu tại sao tôi bỗng quyết định kể về số phận của tôi cho ông nghe khi ông bênh vực bà Hawngrriet say sưa giữ ý kiến rằng hai mươi bốn giờ có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời người đàn bà, tôi cảm thấy như những lời đó nhằm vào tôi: Tôi biết ơn ông vì đây là lần đầu tiên, có thể nói là tôi được minh oan và thế là tôi nghĩ rằng, có lẽ giải thoát tâm hồn mình bằng cách thú tội, cái gánh nặng và nỗi ám ảnh vĩnh cửu của quá khứ sẽ mất đi và mai đây, tôi có thể sẽ trở lại nơi đó, đi vào gian phòng mà tôi đã gặp số phận của tôi, không còn oán hận cả anh lẫn tôi. Thế là khối đã đè nặng tâm hồn tôi sẽ được nhấc lên, tất cả sức nặng của nó sẽ đè xuống quá khứ, đè chặt lấy quá khứ không cho nó thức dậy nữa, như trong hầm mộ”…***
Stéfan Zweig (28 tháng 11, 1881 - 22 tháng 2, 1942) là một nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và nhà viết tiểu sử người Áo nổi tiếng trên thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả gốc Do Thái ở thành phố Viên, Áo. Không tìm thấy động lực rõ ràng, ông bỏ học sớm. Việc học của ông chỉ bắt đầu khi ông đi qua nhiều nước ở châu Âu và kết giao với nhiều nhân vật quan trọng vào thời đại của ông. Ông có nhiều chuyến đi đến Ấn Độ, châu Phi, Bắc và Trung Mỹ, cũng như Nga. Trong Thế chiến thứ nhất, vì lý do sức khỏe yếu, ông không phải ra mặt trận mà được làm thủ thư, phụ trách quản lý tư liệu chiến tranh. Nhưng chỉ đến khi sống một thời gian ngắn gần trận tuyến, ông mới nhận ra sự điên rồ của chiến tranh, và từ đó trở thành người cổ vũ mạnh mẽ cho hoà bình.
Là một nhà văn có sức làm việc mạnh, ông đã viết nhiều tập tiểu sử (như quyển Ba bậc thầy bàn về Honoré de Balzac, Charles Dickens và Fyodor Dostoyevsky, xuất bản năm 1920), thêm truyện dài và truyện ngắn. Ông được ca ngợi là có óc phân tích tâm lý độc đáo, và có tài chắt lọc bỏ ra những tiểu tiết khiến cho những tập tiểu sử của ông đọc hấp dẫn như tiểu thuyết. Đến thập niên 1930 ông là một tác giả có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.
Tháng 2 năm 1942, trong thời gian lễ hội ở Rio de Janeiro ( Brasil), vì tâm trạng cô đơn và mệt mỏi, Stéfan Zweig và vợ Lotte cùng nhau tự tử.
Năm 1948 truyện Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen Biết đã được dựng thành phim có tựa “Letter from an unknown woman", với Joan Fontaine thủ vai cô gái nhân vật chính, Howard Koch viết kịch bản và John Houseman là nhà sản xuất.***
Lời Dịch Giả:
Với tôi, cái tên Stéfan Zweig, ngoài biểu tượng văn chương tuyệt đỉnh của loài người, còn gợi cho tôi nhiều kỉ niệm về quá khứ, về tuổi trẻ, về chiến tranh...
Tôi “biết” Stéfan Zweig từ khá sớm: Thuở mười tám đôi mươi, tức là hơn sáu mươi năm trước. “Biết” đây tất nhiên không hiểu theo nghĩa cụ thể - quen biết - bởi chúng tôi cách nhau bao xa cả về thời gian lẫn không gian, mà là có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm của ông. Năm 1951, trong chiến dịch Hà Nam Ninh, tôi “gặp” Stéfan Zweig: Tôi tìm thấy trên bàn giấy của viên đồn trưởng một cuốn sách nhan đề Amok, ou le fou de Malaisie (Amok hay gã điên ở Malaysia). Đó là một tập gồm 3 truyện vừa: Amok, Bức thư của người đàn bà không quen và Ngõ hẻm dưới ánh trăng. Tôi bắt đầu “mê” Zweig từ dạo ấy.
Tôi chọn “Bức Thư Của Người Đàn Bà Không Quen" của S. Zweig. Tôi dịch ngay tại chỗ, tại phòng đọc của thư viện. Tôi viết thẳng vào một cuốn sổ tay, ngòi bút cứ như tự động lia đi. Liền một mạch 3 ngày. Những trang cuối, tôi vừa dịch vừa khóc.