Nếu là thầy thuốc của Y Đạo thì mạch, bịnh, chứng, thuốc, cách chữa đều phải ăn khớp khít nhau như những khớp xương sọ người mới được. Thí dụ: Trái thường của mạch của bịnh là đàm khí nghịch, hữu Thốn nghịch thì phép trị liệu dù cho ăn uống thuốc men, châm cứu… chăng nữa cũng phải thấy kết quả bịnh chứng khí nghịch, mạch nghịch, ứng theo phương pháp chữa trị mà lần giảm một cách rõ rệt thì mới gọi là có hiệu lực kết quả. Nếu trong vòng ba ngày theo dõi liên tiếp mà mạch tượng vẫn đâu nằm đấy, bịnh chứng vẫn y nguyên thì phải chấp nhận là mình chưa biết nó. Nếu phải theo đến nửa tháng đến 20 ngày mới mong thấy hiện kết quả, đó không phải là công của thầy thuốc.
Cho nên phép chẩn đoán trước hết phải biết rõ nguồn bịnh hầu định bịnh cho được đảm bảo chính xác. Muốn được như thế phải hội đủ tứ chẩn kết hợp thành bài toán để có được đáp án con số thành, từ đó mới căn cứ trên sự thấy biết ấy mà hoạch định một bản đồ trị liệu, để tiến bước nào là vững chắc bước nấy, chẳng khác nào một ông tướng lão thành đương đầu với trận địa một cách bình tĩnh hiên ngang hay như tổ cờ thế, vừa đặt tay xuống là chuyển động cả bàn cờ. Có như thế mới xứng đáng gọi là lương y của Y Đạo.***
Chơn Nguyên là tác giả, soạn giả của nhiều cuốn sách chuyên ngành về Y học như Dược học tham luận, Chẩn đoán học Y đạo, và Hoàng Đế nội kinh vốn là tác phẩm kinh điển của nền y học Đông phương đồng thời là quyển sách gối đầu giường của các bậc danh y từ cổ chí kim.***
Hình hài thuộc cơ thể, còn khí sắc thì tập trung trên khuôn mặt, lý rất nhiệm mầu không dễ thông đạt. Đây chỉ nêu lên đại lược cho người học được nẻo tắt mà vào. Tây y chưa từng khảo sâu về quan sát hình sắc. Năm sắc chánh hợp với nội tạng thì Gan màu xanh, Tim màu đỏ, Phổi màu trắng, Tỳ màu vàng, Thận màu đen. Tạng Gan mắc hệ thống với gân; Tim với mạch; Phổi với da; Thận với xương. Bộ óc là tinh hoa của tạng phủ, cơ cấu hệ thống thần kinh mắc liền với bộ óc, vì thế mỗi thành phần đều có hệ thống cơ cấu thần kinh chi phối. Thế thì mỗi tạng đều có bản sắc của nó, để khi sắc biến có thể nghiệm biết. Lại có hệ thống mắc liền để khi biến cố có thể biết được chỗ bệnh. Ví dụ màu xanh thuộc Gan, hệ thống gân, thì biết được bệnh ở Gan. Các tạng khác cũng thế.
Loài người trên thế giới không chỉ là một màu da, mà có cả vàng, xanh, trắng, đỏ, đen. Đây tuy chúng ta chỉ trực tiếp nhắm vào dân tộc Việt Nam, người da vàng mà nói, nhưng trong đó vẫn có cái lý dung thông, chớ không phải chỉ đóng cứng trong một màu. Xem như trong thiên “Ngũ Tạng Sanh Thành” của Nội Kinh có nói: “Xanh như cỏ úa là chết, vàng mà khô như da trái Chỉ Thiệt là chết, đen như khói mây là chết, đỏ như màu máu cam là chết, trắng như xương khô là chết. Đó là nói năm sắc chết hiện. Còn xanh như lông cánh non là sống, đỏ tươi như màu mồng gà là sống, vàng ánh như da bụng cua bể là sống, trắng tươi nhuận như mỡ heo là sống, đen mướt mượt như lông cánh quạ là sống. Đó là năm sắc sống”. Lại nữa, trong thiên “Ngũ Sắc Tuyên Minh” có nói: “Đỏ phải giống như lụa bọc son chớ không được như màu đá đỏ; trắng phải mướt mượt như lông cánh ngỗng, không được trắng như màu muối rang; xanh phải xanh mướt như màu ngọc thạch, đừng xanh như màu chàm; vàng phải như lụa bọc Hùng Hoàng, đừng vàng như đất sét; đen phải đen bóng như sơn mài, chớ đừng đen như đất đen”. Những điều kể trên là ý muốn nói màu gì thì màu, hễ sắc tươi nhuận có thần là tốt, không tươi nhuận âm u là xấu. Cổ nhân thường nói: Bên trong có gì tất hiện ra ngoài. Chúng ta thường thấy nhan sắc những người mạnh mẽ tròn đầy là hiện tượng đúng mức bình thường. Nếu suy kém tức là hiện tượng bệnh. Càng trái thường là hiện tượng càng bệnh. Nặng hơn nữa là hiện tượng chết.