Lão Nô-Ê là một vĩ nhân. Chính lão vẫn tự khoe về mình như vậy. Khi một người bạn của tôi hỏi lão thế nào là một vĩ nhân, lão trả lời là một người giữ nhiều chức vụ trong cùng một lúc. Tính theo kiểu đó thì lão nhất định phải là một vĩ nhân, vì lão giữ hầu hết mọi chức vụ trong làng. Trước hết lão là lý trưởng, rồi hiệu trưởng, tiếp đến là trưởng ty thuế vụ, thứ tư là cảnh sát trưởng, tiếp theo đó là quan tòa, cha xứ, rồi giám đốc bệnh viện, giám đốc vườn nho, ngoài ra lão còn giữ nhiều chức vụ khác khi cần đến.
Quần áo và cung cách bề ngoài của lão thật đúng với mỗi chức vụ. Này nhé, cái mũ đen như hai nửa vỏ trứng xếp cạnh nhau là dấu hiệu của ông quan tòa, và khuôn mặt lão với từng thớ thịt lòng thòng là dấu hiệu của ông giám đốc vườn nho. Đôi lông mày dài muối tiêu, và bộ râu nghiêm nghị là dấu hiệu của ông hiệu trưởng. Đôi môi tím nhạt, dầy như hai con hải sâm là dấu hiệu của giám đốc nhà thương, cổ áo xanh viền vàng là dấu hiệu của đức cha chánh tòa. Mã bề ngoài của một người thu thuế là cái túi da lớn, lão đeo vắt ngang vai từ phải sang trái, trong khi đôi ủng đen và khẩu súng lục đeo ngang qua vai từ trái sang phải khiến ai cũng biết lão là cảnh sát trưởng. Ngoài ra, người lão luôn luôn chói lòa với mề đai, dây ngù, huân chương. Mỗi một thứ này đều là dấu hiệu của những chức vụ khác...
***
Kobo Abe sinh ngày 7.3.1924 tại Tokyo. Tên thực của ông là Kimifusa (“Kobo” là cách phát âm theo Hán tự của từ “Kimifusa”). Cha ông là bác sỹ tại một bệnh viện nằm trong trường Cao đẳng Y khoa Hoàng gia ở Manchuria.
Abe Kôbô là một trong những nhà văn hậu chiến Nhật Bản thế hệ Shôwa 30 (từ năm 1955 trở đi) có khuynh hướng đi tìm một thủ pháp mới với mục đích bắt gặp con người toàn thể như một sinh vật có tính xã hội và chính trị. Nhà văn thế hệ nầy đều muốn tìm hiểu đâu là lối sống thích hợp của con người trong điều kiện của xã hội hiện tại.
Với số lượng tác phẩm to lớn và những đóng góp đặc sắc của ông cho văn học Nhật Bản, Kobo Abe được đánh giá là một trong những tác gia quan trọng nhất của nền văn chương nước này ở thế kỷ XX.