Đây là cuốn sách đầu tiên của Aristotle được xuất bản ở Việt Nam, nhưng sức ảnh hưởng từ những tư tưởng, luận điểm cũng như những di bút thông thái khác của ông đã trở thành nền tảng chế ngự tư tưởng Châu Âu suốt hơn 2000 năm qua.
“Chính trị luận” của Aristotle là một tác phẩm nổi tiếng nhất nói về các khái niệm mà từ đó các quốc gia và chính phủ định hình. Mặc dù chỉ thảo luận về nhà nước và các định chế thời Hy Lạp cổ đại nhưng tác phẩm này của ông đã đặt nền tảng cho khoa học chính trị hiện đại.
Trong tác phẩm, ông viết những suy nghĩ của mình một cách rõ ràng, với độ chính xác siêu phàm. Dịch giả Nông Duy Trường có nhận định: “Theo Aristotle, một người tốt không thôi chưa đủ. Nếu người dân tốt mà không tích cực tham gia vào đời sống chính trị của chế độ thì chế độ đó có cơ nguy trở nên thoái hóa và trở thành một chế độ xấu”. “Chính trị luận” của ông là tác phẩm được xem là căn bản cho Chính trị học Tây Phương.
***
Thông tin tác giả: Aristotle là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thày dạy của Alexandros Đại đế. Di bút của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học, ngôn ngữ học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristotle là một trong ba cột trụ của văn minh Hy Lạp cổ đại.
***
Là một nhà bác học, Aristotle đã để lại cho hậu thế một kho tàng tư tưởng đồ sộ về nhiều phương diện như triết học, khoa học, toán học, thiên văn học, và chính trị học. Chính Trị Luận là một trong những tác phẩm kinh điển của Aristotle về triết lý và lý thuyết chính trị của Tây phương, và trên nền tảng này những lý thuyết chính trị khác - như của Cicero, St. Augustine, Aquinas (cổ đại), Hobbs, Rousseau, Locke (thời hiện đại và Khai Sáng) - đã được xây dựng và phát triển. Mãi cho tới hôm nay, Chính Trị Luận vẫn còn là một trong những cuốn sách phải đọc của sinh viên ngành khoa học chính trị và được học giả thế giới công nhận là một trong những cuốn sách vĩ đại của nhân loại.
Lâu nay, chúng ta vẫn thường hiểu chính trị theo nghĩa xấu là những mưu đồ tranh chấp quyền lực, bất chấp đạo đức nên giữ thái độ “kính nhi viễn chi” với chính trị, nhưng chỉ với câu nói bất hủ “Con người là một sinh vật chính trị,”1 Aristotle đã lý giải là con người không thể tách rời khỏi đời sống chính trị của cộng đồng mà nó sinh sống. Chính trị, tự nó không xấu, chỉ có những mô hình và chế độ chính trị do con người tạo ra mới có tốt và có xấu vì không nhận thức rõ được về bản chất của con người.
Điều thú vị khi đọc những vĩ nhân Tây phương là thái độ và tinh thần phê phán khoa học của họ, dù ngay đối với những nhận định của các bậc thầy của mình. Trong Chính Trị Luận, Aristotle đã phê phán cái mô hình chính trị lý tưởng do Plato - thầy của ông - đề ra trong tác phẩm Cộng Hoà. Chính Trị Luận còn miêu tả cho người đọc bối cảnh văn hoá, tập tục, lịch sử và chính trị của Tây phương cổ thời mà Hy Lạp là một thí dụ điển hình, cũng như quan niệm của Tây phương về đời sống xã hội, đạo đức và tâm linh.
Được xem là triết gia sáng lập ra trường phái Duy Thực (Realism), Aristotle đã phân tích một cách tỉ mỉ và thực tế những mô hình chính trị, mà ngày nay mặc dù tên gọi có khác, nhưng bản chất vẫn không thay đổi như mô hình quả đầu (tập đoàn cai trị), quý tộc (thành phần ưu tú lãnh đạo), và dân chủ, cùng những biến thể và sự suy vong của những thể chế này và đề nghị một mô hình khả thi nhất, cùng với việc xây dựng một nền giáo dục quốc gia. Trải qua hơn hai nghìn năm, dĩ nhiên một số nhận định cùng lập luận của Aristotle trong Chính Trị Luận không còn hợp thời nữa, nhưng những lý luận cơ bản về chính trị của Aristotle vẫn còn nguyên giá trị ứng dụng trong thời đại hôm nay.
Chính Trị Luận đã được nhiều học giả Anh, Mỹ dịch sang Anh ngữ, tiêu biểu như Benjamin Jovett, Peter
Simpson, Ernest Barker, W. E. Bolland, và H. Rackam. Dịch phẩm này được thực hiện dựa theo bản dịch của
Benjamin Jovett đăng tải trên website của The Internet Classic Archive2 và tham khảo thêm bản dịch của Ernest Barker do Đại học Oxford ấn hành năm 1958.
Nhằm thực hiện một trong những sứ mệnh của Học viện Công Dân là góp phần đóng góp vào kho tàng tri thức và học thuật của nước nhà, nhất là về phương diện các tác phẩm kinh điển của Tây phương, người dịch đã mạo muội tiến hành dịch Chính Trị Luận vào Mùa Xuân 2008 và hoàn tất dịch phẩm này vào ngày cuối năm 2011.
Khi chuyển dịch tác phẩm này sang Việt ngữ, người dịch đã cố gắng chuyển dịch thật trung thực và đúng ý của bản dịch Anh ngữ, đồng thời chú giải những dữ kiện lịch sử và điển tích của Tây phương mà tương đối xa lạ với độc giả Việt Nam. Người dịch cũng tránh không đưa ra bình luận của riêng mình và không dịch những nhận định, lập luận của những học giả khác về Aristotle và Chính Trị Luận để cho người đọc không ban hưởng và có định kiến trước khi tìm hiểu về Aristotle và tư tưởng chính trị của ông. Mặc dù đã cố gắng hết sức, người dịch tin rằng vẫn còn những thiếu sót và sai lầm khi thực hiện công trình này, và ước mong được sự chỉ giáo của độc giả và các bậc cao minh.