Cho Xem Đùi Nào, Leila

Tác giả : Rachid El-Daif
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 5
  • Kích thước : 531 KB
  • Số trang : 140
  • Read on mobile :

Trên giường bệnh viện, nhân vật chính hồi dần ký ức, anh nhớ ra rằng mình đã đâm phải cột điện và vào lúc tai nạn xảy ra, anh đang gọi điện cho cô bạn gái Leila. Chiếc xe hơi Nhật mua lại của người bạn liên tục đem tới đủ loại lo âu; khiến anh cảm giác mình đang lái một chiếc xe bị quỷ ám. Rắc rối bắt đầu vào cái ngày anh nhận được tin ông bố sáu mươi lăm tuổi của anh sẽ cưới vợ lẽ, và để thỏa mãn thói đỏng đảnh của cô vợ mới, ông sẽ bán căn hộ gia đình. Anh tìm cách ngăn cản đám cưới và không ngần ngại lập ra các mưu mẹo, ngày càng quái đản, thậm chí đề nghị cả nàng Leila dịu dàng và vô tội tới điều tiết cơn khát tình dục của người cha...

Rachid El-Daif mổ xẻ xã hội Libăng đương đại bằng một ngòi bút mạnh mẽ mà hài hước hiếm có, mở một cánh cửa vào cuộc sống nội tâm phức tạp của giới trẻ Libăng - đất nước Âu hóa bậc nhất trong thế giới Hồi giáo.***

Rachid El-Daif là một tác giả người Lebanon, viết bằng tiếng Ả Rập. Ông đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ba Lan, tiếng Thụy Điển, tiếng Hà Lan, tiếng Ý, tiếng Hy Lạp, tiếng Nhật và tiếng Việt.

Lần đầu tiên tôi gặp Rachid El-Daif là vào một ngày mùa thu cách đây gần hai năm. Tháp Eiffel mờ sau mưa bụi. Chúng tôi ăn trưa trong một quán nhỏ ven sông Seine cùng một người bạn chung. Lần đầu tiên được làm quen một tác giả Liban, tôi vô cùng háo hức, như thể đã đợi cuộc gặp gỡ này từ lâu lắm rồi. Văn chương Hồi giáo với tôi cho tới khi ấy là một vũ trụ hoàn toàn xa lạ, có cảm giác không thể không lạc lối nếu thiếu người bản xứ dẫn đường. Ấy vậy mà, cho tới giữa bữa ăn, cả văn chương lẫn Hồi giáo đều không phải là chủ đề được đẩy về phía trước như tôi tưởng. Tôi đã thử đề cập. Tôi gợi đến Kamel Daoud, người vừa nhận giải Goncourt cho tiểu thuyết thuyết đầu tay cách đó vài ngày.

Tôi bàn về chuyện vượt biển của di dân Syria đang rất thời sự. Nhưng người đàn ông vóc dáng thanh mảnh dù đã bước sang tuổi thất thập ngồi trước mặt tôi tỏ ra chỉ quan tâm tới món cá thờn bơn không hiểu hấp hay nướng mà người ta vừa mang ra cho ông. Lọc xương cá một cách tài tình bằng dao và dĩa, ông bảo cuối bữa sẽ xin bồi bàn cách nấu để dạy lại bà bếp của ông ở Beyrouth. Chà, nhà văn thời nay mà có người phục vụ cơm nước!

Tôi liền nói với ông rằng tất cả các tác giả Việt Nam mà tôi quen hay không quen đều là những tay bếp cừ khôi, còn các tác giả Pháp đương đại thì hầu như đã trở thành những kẻ tiêu thụ đồ hộp kỷ lục, một bên để đưa ẩm thực Việt ra thế giới, một bên để rút ẩm thực Pháp khỏi văn chương. Rachid nghe xong thì phá lên cười, một nụ cười phóng khoáng kèm tia nhìn láu lỉnh và cũng thật bình thản mà sau này tôi nhận ra là rất đặc trưng của ông.

Cuối cùng, chính con cá thờn bơn đã cho tôi cái cớ để mở đầu câu chuyện có tính riêng tư hơn. Rachid El-Daif sinh năm 1945 ở Zgharta, một vùng núi cao của Liban, trong một gia đình đông con và bình dân, mẹ ông một thời gian dài thậm chí còn mù chữ. “Tôi luôn chọn những cách biểu đạt giản dị nhất có thể, cô đoán tại sao không?” Rachid hỏi, rồi trong khi tôi còn lúng túng chưa tìm được cách trả lời thì ông nheo mắt tinh nghịch: “Cho tới khi qua đời, mẹ tôi đã đọc hết những gì tôi viết trước đó.”

Tôi im lặng, nhớ ra rằng mẹ của chính tôi, một kỹ sư nông lâm, không bao giờ vượt qua nổi chục trang đầu bất cứ cuốn tiểu thuyết nào của tôi nhưng luôn có chiều hướng khuyên tôi nên viết như những tác giả mà tôi cũng không bao giờ vượt qua nổi chục trang đầu. Vâng, lúc ấy tôi im lặng không đáp lại lời Rachid, nhưng vài ngày sau, khi bắt tay vào dịch Cho xem đùi nào, Leila!, tôi mới choáng váng nhớ lại câu nói kia của ông.

Thật khó lòng tưởng tượng mẹ ông, một phụ nữ Hồi giáo lớn tuổi, vừa thoát nạn mù chữ, lại có thể bỏ chiếc mạng truyền thống sang một bên mà đọc những trang viết tràn đầy tự do như thế, cho dù tính hài hước đã được tác giả găm gài rất nhiều để người đọc thường xuyên được phá lên cười thay vì nhíu mày, nhăn trán. Cặp nhân vật chính - hai người đàn ông - được gắn kết với nhau bằng mối quan hệ gia đình mật thiết, nhưng lại bị chia rẽ nặng nề bởi những quan niệm đối lập về tình dục, trách nhiệm và... nàng Leila.

Ông bố, sau cái chết của vợ, khao khát làm lại cuộc đời bằng cách cưới một phụ nữ khác, không cần đẹp, không cần trẻ, không cần cả nhu mì, nhưng nhất thiết phải bảo đảm cho chồng một cuộc sống tình dục bền vững, và để đổi lại, ông sẵn sàng chiều lòng người vợ tương lai, thậm chí đồng ý có con ở tuổi lục tuần. Ngược lại, cậu con trai, một thanh niên thành công và quyến rũ, thừa sức có một cuộc sống tình dục bền vững, nhưng chỉ chọn lên giường với các phụ nữ xinh đẹp, và nhất quyết không đánh đổi vui thú bằng bất cứ cái gì, không nhận trách nhiệm trước bất kỳ ai, mối quan tâm lớn nhất là xe hơi và đô-la.

Nàng Leila dạn dày mà ngây thơ, bình dân nhưng ưa hàng hiệu, sẽ chen chân như thế nào vào những mâu thuẫn vốn đã chồng chất giữa hai người đàn ông - một già và một trẻ, một rộng lượng và một ích kỷ, một ham sống và một hủy diệt? Có phải cũ bao giờ cũng đồng nghĩa với xấu xa, còn mới với tốt đẹp? Bằng văn phong tao nhã, hiện đại và phóng khoáng, Rachid El-Daif đã mở một cánh cửa vào xã hội Liban vốn được coi là Âu hóa bậc nhất trong thế giới Hồi giáo nhưng vẫn mang trên mình những vết thương chiến tranh và giới hạn tín ngưỡng.

Tuy thế, qua sự nghiệp gồm ba tập thơ và hàng chục tiểu thuyết, tôi tin rằng đóng góp lớn nhất của ông không nằm ở chỗ ông dám tấn công những thói giả dối, những xung đột về giới, những bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội, mà là ở chỗ ông dám tấn công lối dùng ngôn ngữ văn chương phức tạp, bóng bảy và hùng biện, bằng cách tối giản các hình thức biểu đạt, ngôn từ, cấu trúc, ngữ pháp, hình ảnh...