Từ sau Sắc, giới, sự quan tâm dành cho một Trương Ái Linh ẩn dật khác người đã được hồi sinh. Cho tới Chuyện tình giai nhân, một tập hợp các câu chuyện về các nhân vật đã tan vỡ mọi ảo mộng tình cảm bởi định mệnh hay hoàn cảnh, người ta càng thấm hơn cái nhìn nội tâm u uẩn và bút pháp tinh tế của một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Trung Quốc hiện đại. Những nhân vật của Trương Ái Linh luôn cô độc, đến với nhau bởi những xô đẩy sai lầm, và cuối cùng phải chia lìa nhau. Nhưng mãi mãi Trương Ái Linh sẽ được đọc đi đọc lại bởi những thế hệ người đọc, bởi bà đã chạm tới cảnh ngộ sâu thẳm của tâm hồn, nơi bất hạnh và tình yêu mãi mãi song hành, nơi con người đã quyết chọn tình yêu là giải thoát tuyệt đối, bất kể mọi thời. ***
Trương Ái Linh tên thật là Trương Anh, sinh ngày 30 tháng Chín năm 1920 tại Thượng Hải, trong một gia đình dòng dõi vô cùng hiển hách. Ông nội bà là Trương Bội Luân (1848-1903), một danh thần thời Mạt Thanh; bà nội là con gái lớn của trọng thần Lý Hồng Chương; cha Trương Chí Di (1896-1953) là típ người truyền thống điển hình, vô cùng lưu luyến thời đại cũ; mẹ Hoanâ g Tố Quỳnh (1893-1957) là cháu gái Đề đốc Trường Giang Hoàng Dực Thăng, đi theo trào lưu Âu hóa. Bà chỉ có một ngươiâ em trai là Trương Tử Tĩnh (1922-1997).
Tuy là một tiểu thư quý phủ, nhưng cuộc đời Trương Ái Linh vô cùng thăng trầm, tuổi thơ không êm đềm do cha mẹ có nhiều mâu thuẫn. Năm Trương Ái Linh 10 tuổi, cha mẹ ly hôn, bà sống với cha. Năm 11 tuổi, Trương Ái Linh vào học trường nữ sinh St. Mary’ Hall, bắt đầu đọc Hồng lâu mộng, viết văn và đăng các sáng tác đầu tay trên tạp chí của trường. Năm 18 tuổi, do xung đột với cha, Trương Ái Linh chuyển về ở với mẹ. Năm 1939, Trương Ái Linh giành được học bổng của đại học Luân Đôn, chuẩn bị sang Anh du học thì Chiến tranh thế giới lần hai bùng nổ, Trương Ái Linh đành học khoa Văn tại đại học Hồng Kông. Khi sắp tốt nghiệp, Hồng Kông lại bị Nhật Bản chiếm đóng, Trương Ái Linh phải quay về Thượng Hải, học tiếp tại đại học St. John, nhưng vì tài chính khó khăn, hai tháng sau bà thôi học. Từ đó, Trương Ái Linh chọn con đường sáng tác văn học làm sự nghiệp của mình.
Trong hai năm 1943 và 1944, Trương Ái Linh liên tục cho ra đời nhiều truyện ngắn và truyện vừa gây chấn động văn đàn, tiêu biểu như Chuyện tình giai nhân, Cái gông vàng... trở thành một tác giả nổi tiếng tại Thượng Hải.
Năm 1944, Trương Ái Linh làm quen với một nhà văn thành danh thời đó là Hồ Lam Thành, cuộc hôn nhân với ông trở thành nỗi bất hạnh lớn của đời bà. Hồ Lam Thành rất đào hoa, thường có người bên ngoài. Tháng Tám năm 1945, Nhật Bản đầu hàng, Hồ Lam Thành trốn tới Ôn Châu, Triết Giang, và chung sống với một phụ nữ khác. Năm 1947, Trương Ái Linh ly hôn. Năm 1949, Thượng Hải xây dựng chính quyền mới, Trương Ái Linh ở lại đây ba năm. Từng tham gia đoàn đại biểu văn nghệ Thượng Hải về nông thôn cải tạo trong hai tháng, nhưng do không viết nổi những tác phẩm “ca ngợi cải cách ruộng đất”, bà cảm thấy mình không hòa nhập được với xã hội mới. Năm 1952, Trương Ái Linh chuyển đến Hồng Kông, làm việc tại Sở Thông tấn Mỹ, bắt đầu viết tiểu thuyết lấy bối cảnh thời kỳ cải cách ruộng đất. Do không phù hợp với trào lưu khi đó, tác phẩm bị xếp loại ấn phẩm “độc hại”; Trương Ái Linh bị coi là nhà văn đối lập điển hình tại Đại lục trong một thời gian dài, cho mãi đến thời kỳ cải cách mở cửa sau này của Trung Quốc, mới được nhìn nhận lại. Năm 1955, Trương Ái Linh di cư sang Mỹ, gặp và kết hôn với nhà biên kịch 65 tuổi Ferdinand Reyher. Năm 1967, sau khi chồng qua đời bà được mời về trường Radcliffe College. Năm 1969, bà về dạy tại đại học Berkeley ở California. Năm 1973, Trương Ái Linh định cư tại Los Angeles, sống nốt tuổi già và qua đời năm 1995.
Trương Ái Linh là nhà văn lớn trong lịch sử văn học Trung Quốc. Được giáo dục tại các trường học của phương Tây, nhưng bà lại đi theo nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc, tự nhận đã kế thừa truyền thống của Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, dưới ngòi bút của bà, văn học đã thực sự trở nên có sinh mệnh. Câu chuyện của bà rất thế tục, nhưng có thể miêu tả sự thế tục đến mức tinh diệu như vậy, e rằng cũng hiếm có người thứ hai. Trương Ái Linh có tài phát hiện và viết ra câu chuyện, nhưng để dành cho người đọc tự cảm nhận. Đọc sách vốn dĩ là việc mang lại nhiều cảm hứng cho người đọc, một cuốn sách đặc biệt có thể giúp người ta hiểu về đạo lý, hay thu nhận thêm các kiến thức, hoặc xúc động mạnh mẽ; văn chương của Trương Ái Linh khiến người đọc thực sự được thưởng thức, dù là với những câu chuyện có phần bi kịch như Cái gông vàng, Chuyện tình giai nhân...***
Để “tiết kiệm thời gian”, tất cả đồng hồ ở Thượng Hải đều được chỉnh nhanh hơn một tiếng, thế nhưng chỗ nhà họ Bạch lại bảo: “Đồng hồ nhà chúng tôi là loại đồng hồ cổ,” mười giờ của nhà họ là mười một giờ của nhà khác. Họ hát sai nhịp, không theo kịp khúc hồ cầm của cuộc sống.
Cây hồ cầm được kéo lên réo rắt, trong màn đêm muôn vạn ánh đèn, dây mã vĩ đưa đi đưa lại, câu chuyện thê lương không hồi kết - không hỏi đến âu cũng đành thôi!... Câu chuyện trên cây hồ cầm nên để cho cô ca nương kiều diễm diễn xướng mới phải, đôi gò má phấn hồng thon dài kẹp lấy chiếc mũi trắng như tuyết, nào hát, nào cười, nào ống tay áo che miệng... vậy mà ở đây chỉ có cậu Tư nhà họ Bạch ngồi một mình, kéo hồ cầm trên ban công tồi tàn, âm u.
Cậu Tư đang kéo đàn, chuông cửa dưới nhà chợt reo. Đây là một việc hi hữu ở nhà họ Bạch, theo quy định xưa nay, buổi tối tuyệt đối không được tiếp khách. Tối mà có khách đến, hoặc không dưng nhận được một cú điện báo, vậy ắt hẳn là việc khẩn cấp tày trời, chắc là có người chết.