Con Kỳ Lân Cuối Cùng

Tác giả : Peter S. Beagle
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 3
  • Kích thước : 918 KB
  • Số trang : 218
  • Read on mobile :

Đầu xuân năm nay, (1973), tôi được anh bạn thân trao cho cuốn THE LAST UNICORN với lời giới thiệu trước rằng đây là một trong những best-sellers hiện thời. Tôi vốn không tin cẩn những best-sellers nên cũng chỉ hững hờ đọc mươi trang đầu, nhưng rồi kế đó tôi đọc miết mải và đọc kỹ. Peter S. Beagle là một trong những tác giả Tây Phương hiếm hoi thấu hiểu tinh thần Dịch lý âm trung chi dương, dương trung chi âm, và tinh thần phá chấp, vô cầu cực kỳ thanh thoát của Thiền. Tôi dịch THE LAST UNICORN với một tinh thần tri kỷ.

Hãy xin ghi chú rất nhanh quan điểm dịch của tôi. Tôi muốn tác phẩm được thật gần gũi với độc giả Việt Nam, nên chủ trương dịch thật thoát nghĩa. Rất nhiều khi tôi phải thêm lời vào cho tròn trịa ý của nguyên tác, và cũng đôi khi tôi tước bỏ đi một vài ý nhỏ xét ra chỉ làm rườm lời tối nghĩa với độc giả Việt Nam. Đặc biệt những bài thơ, những bài đồng dao trong tác phẩm, hầu hết tôi chỉ giữ lấy ý chính, còn hoàn toàn sáng tác lại theo lời Việt, tinh thần Việt. Tất cả những thay đổi nhào nặn nhỏ đó chỉ để phục vụ nguyên tác, luôn luôn theo sát nguyên tác về ý, cũng như về giọng điệu. Đặc biệt cách viết và trình bày đối thoại, tôi cố ý giữ đúng theo dáng dấp nguyên bản, vì đó là nét đặc biệt của văn chương Anh ngữ mà tôi muốn chúng ta làm quen dưới hình thức Việt ngữ.

Còn về nội dung CON KỲ LÂN CUỐI CÙNG - THE LAST UNICORN ra sao đây? Tôi không dại gì tiết lộ trước tình tiết câu truyện ra đây để các độc giả mất thú bất ngờ, chỉ xin ghi mấy cảm nghĩ nhân đọc và dịch CON KỲ LÂN CUỐI CÙNG mà nẩy sinh. Những cảm nghĩ rất rời rạc, tôi cố ý vậy và cũng chẳng thể nào khác hơn, nhưng khi các bạn đọc xong tác phẩm những cảm nghĩ rời rạc đó sẽ kháp lại thành một hệ thống tô đậm mang nhiều ý nghĩa hơn. Xin được tuần tự nêu như sau đây:

- Kỳ lân, lý tưởng chân thiện mỹ, nay với người đời chỉ còn là một huyền thoại thôi hay sao? Có thực người đời ngày nay sa đọa đến nỗi không những quay đi, mà còn cười mũi vào những gì là lý tưởng chân thiện mỹ, nhìn con kỳ lân cuối cùng mà cho là con ngựa cái trắng? Biết kính trọng kỳ lân, mỉa mai thay, lại là lũ gà, vịt, ngan, ngỗng, và bất kỳ con vật lớn nhỏ nào. Nhận được ra kỳ lân chỉ có mấy người: Schmendrick và Molly vốn yêu kỳ lân; Bà Má Định Mạng và Vua Haggard, kẻ thì muốn dùng kỳ lân như phương tiện, kẻ thì muốn độc quyền kỳ lân.

Kể ra giữa đám người trần mắt thịt nhìn kỳ lân ra ngựa cái, thì kẻ nhận ra kỳ lân, dù với tâm trạng nào, cũng vẫn là những cặp mắt tri kỷ. Có điều Bà Má Định Mạng ở vào trường hợp tài bất cập chí, thực tội nghiệp, như đứa trẻ cố sử dụng cây trùy lớn hơn mình và bị trùy đè bẹp. Giá trị phù phép của Bà Bá Định Mạng nhẹ như hình nộm mà lại nhốt giữ hai trái núi Thái Sơn của Thiện (lân) và của Ác (ác điểu Celaeno). Bùa phép chỉ là thứ bụi phấn vô cùng mong manh phủ ngoài, khi được tự do, những thứ thiệt cỡ lớn đó chỉ sẽ rùng mình là phủi đi hết, có còn gì nữa đâu. Sự thực nung chảy tà thuyết. Bi kịch của những kẻ tài bất cập chí, đi vào tà đạo lừa người và tự lừa mình bằng ảo thuật là ở đó. Chúng ta há chẳng đương sống trong thời đại yêu thuật của tuyên truyền chính trị? Vua Haggard mới đích thực là phù thủy thứ thiệt đại diện cho Ác, kẻ muốn độc quyền kỳ lân, kẻ có một chính sách vô úy, dùng Con Bò Mộng Đỏ làm phương tiện khủng bố, đẩy hiệu năng tới mức vô tiền tuyệt hậu. Chỉ còn chút xíu nữa, bắt nốt con kỳ lân cuối cùng, là ông ta làm bá chủ, dìm cả thế giới vào vùng ảo thuật đen của ông, trong đó tất cả những vì sao lý tưởng đều bị dập tắt ngấm.

Trong thế cheo leo chỉ còn đường tơ kẽ tóc đó, phải làm thế nào để cứu mình và cứu người? Thực ra chẳng ai cứu nổi mình, nếu mình không có ý chí tự cứu mình trước. Điều này chẳng mới lạ gì, nhưng không vì thế, mà chúng ta không nhắc nhở luôn, khi có dịp. Trí nhớ con người nào hơn gì thỏ, dao năng mài mới sắc. Vai trò của chàng ảo thuật gia tưởng như nửa mùa, Schmendrick là ở đó. Chàng là hiện thân của nếp sống nghệ sĩ, chân thành trong thiên nhiên, tiên tri tiên giác dưới hình thức lẩm cà lẩm cẩm, đã dạy ta một cách trọn vẹn nhất về cái nhìn toàn diện và nếp sống vô cầu. Kỳ lân tiếc nuối khi phải trở về với bất tử, Schmendrick tràn trề hạnh phúc khi được trở lại kiếp phù du có sống có chết, nhưng chính vì có sống có chết mà trở thành sống động và quyến rũ muôn vàn, trong đó thiện ác đều có vai trò của chúng. Cái nhìn sâu sắc nhất của Peter S. Beagle chính là ở điểm này.

Tình yêu tất nhiên có sự hiện diện và đóng giữ vai trò tích cực lớn lao của nó. Nếu như con kỳ lân cuối cùng không qua kinh nghiệm làm người có sống có chết, có tình yêu trong cõi vô thường, con kỳ lân tất cũng bị dồn nốt xuống biển để cho vua Haggard hoàn toàn làm chủ thế giới bằng thứ ảo thuật đen của ông, dưới trướng là thứ phương tiện vô biên, sự khủng bố của Con Bò Mộng Đỏ. Chính tình yêu là điểm le lói cuối cùng nổ tung thành cả một vùng hào quang cứu lấy thế giới chỉ còn cách sự diệt vong có đường tơ kẽ tóc. Lý tưởng đơn thuần cao vòi vọi của kỳ lân vẫn có thể bị con Bò Mộng Đỏ dễ dàng nhận chìm, nhưng tình yêu thì không, dù là chỉ là một điểm nhỏ. Tình yêu thắp bừng ngọn đèn bất úy, điều kiện cần và đủ để thắng Khủng Bố dưới mọi hình thức mà cứu lấy thế giới này.

Cái Ác luôn luôn còn đó. Cái Ác không bao giờ bị tiêu diệt. Chỉ có chúng ta là có thể bị tiêu diệt nếu để mất tình yêu. Đó là bức thông điệp tác giả CON KỲ LÂN CUỐI CÙNG muốn để lại cho chúng ta.

Tất cả tình tiết truyện, nhân vật truyện, đối thoại, đều như xuất hiện trong một giấc mộng bàng hoàng, không hẳn là ác mộng mà chìm đắm miên man trong suy tư cho tới khi bừng tỉnh giữa ánh sáng, âm thanh, và hình ảnh quen thuộc thường nhật.

Thoạt vào truyện, quả tình, chúng ta có cảm tưởng như thế giới ngày nay hết chỗ cho kỳ lân, sau đó mới hay chẳng phải thế đâu. Mê có thể trải nhiều kiếp, nhưng ngộ có thể chỉ trong sát na liền. Thiện - Ác, Phúc - Tội chẳng hai! Như nước kia, gió thổi động thì thành sóng, gió dứt, sóng vẫn là nước, cũng là ý trong Pháp Bảo Đàn kinh mà ra. Nhưng tuổi trẻ nào cũng khao khát được chiêm ngưỡng lý tưởng tuyệt đối, được ôm ấp, được thờ phụng cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ tuyệt đối. Đành vậy chứ biết sao bây giờ. Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mạng. Đường đời là thế, chẳng thể đốt giai đoạn được.

Điều thành công - điểm cuối cùng tôi muốn ghi nhận nơi đây - của tác giả CON KỲ LÂN CUỐI CÙNG là đã khiến chúng ta phải lúng túng một cách đáng yêu khi đọc truyện này, lúng túng trong việc loay hoay tìm cách đặt những hình ảnh tượng trưng trong truyện sao cho khít khao với những hình ảnh ngoài đời. Ta cứ phải loay hoay hoài, nghĩa là phải suy nghĩ hoài, vì có cái gì trong lý tưởng tìm được chỗ nằm khít khao ngoài thế giới thực tai đâu. Tìm tòi, suy nghĩ hoài, thấy được một ít, tiếp tục tìm tòi suy nghĩ... Một tác phẩm mà đặt được những câu hỏi, những vấn đề vừa đứng đắn vừa ỡm ờ, vừa rõ ràng, vừa huyền ảo như vậy, ta còn đòi hỏi gì hơn?

DOÃN QUỐC SỸ

***

Peter S. Beagle sinh tại New York năm 1939. Ông tốt nghiệp Đại học Pittsburgh năm 1959 và hành nghề viết báo chuyên nghiệp. Suốt một thập niên viết báo và tiểu luận cho các tạp chí, ông chuyên trách nhiều lĩnh vực, từ đá gà tại Bắc Carolina cho đến Chiến dịch người nghèo ở Washington D.C. Từ giữa thập niên 1970, ông viết kịch bản cho điện ảnh và truyền hình, trong đó có một phần của bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng Cuộc du hành giữa các vì sao (Star Trek) và phim hoạt hình dựa theo tiểu thuyết Chúa nhẫn (Lord of the Rings).