Con Người Cất Cánh

Tác giả : Vũ Thế Hưng
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 98
  • Kích thước : 2.17 MB
  • Số trang : 98
  • Số lượt tải : 6
  • Read on mobile :

Sách viết về lịch sử phát minh ra máy bay, về nguyên lý của sự bay, về cấu tạo của máy bay, các loại máy bay cũng như vai trò của ngành hàng không đối với cuộc sống, với nền kinh tế cũng như tương lai của ngành này.

***

Ngày xưa Đê-đan và I-ca mơ ước có đôi cánh như chim để thoát khỏi tù ngục. Ngày nay con người đã thực sự có đôi cánh với sức mạnh gấp hàng triệu lần cánh chim và thực hiện những ước mơ to lớn hơn nhiều, thu hẹp không gian, rút ngắn thời gian... làm cho con người dù là dân tộc, màu da có khác nhau, nhưng luôn luôn gần gũi nhau.

Máy bay ra đời và có những ứng dụng vô cùng rộng lớn, đã nâng tầm vóc con người lên tới đỉnh cao. Hàng không quả là một kỳ tích của thế kỷ XX.

Chúng ta đang sống trong thời đại của tốc độ nhanh, đang sống trong cuộc thi đua gay gắt với thời gian, không phải là giành giật từng ngày, từng giờ mà là từng phút từng giây. Trên thế giới này, cứ mỗi một giây rưỡi thì có một chiếc ô tô ra đời, 4 giây thì thêm một chiếc máy kéo, 6 phút thì một chiếc máy bay ra lò và cứ mỗi một giờ rưỡi thì lại mọc lên một nhà máy.

Ngành hàng không ngày nay quan trọng như thế đấy. Một điều chắc chắn là trong số các bạn đây, sẽ có những người trở thành công trình sư thiết kế máy bay phi công, kỹ sư và công nhân chế tạo máy bay. Mà ngành hàng không lại không thể tách rời các ngành khoa học, kỹ thuật khác như: luyện kim, chế tạo máy, điện, toán học, vật lý học, hóa học, thiên văn học, khí hậu học, y học... cho nên nếu muốn sau này trở thành những người có cống hiến cho ngành hàng không thì ngay từ bây giờ, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường các bạn phải học thật giỏi, nắm vững các môn khoa học, nhất là khoa học tự nhiên.

Mặc dù cho tới ngày nay trong lĩnh vực hàng không, con người đã đạt tới những đỉnh cao mà trước đây ba mươi năm ít người hình dung nổi, con người vẫn không bao giờ bằng lòng với thực tại mà luôn luôn mơ ước và tin chắc rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay.

Đó chính là động lực làm cho khoa học, kỹ thuật nói chung trong đó có ngành hàng không phát triển không ngừng.

Ở nước ta ngày nay, số người được đi máy bay còn ít, số hàng được chuyên chở bằng máy bay cũng chưa nhiều. Mà nhu cầu về ngành hàng không ở nước ta thật vô cùng lớn lao. Mong rằng các bạn sẽ là người thực hiện ước mơ và lòng mong mỏi đó.

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1 - Nhiều tác giả.

Hãy làm quen với máy bay.

Nhà xuất bản Quân đội Liên Xô, Mát-xcơ-va - 1965.

2 - Ghin-din.

33 bước lên trời.

Nhà xuất bản thiếu nhi Liên Xô. Mát-xcơ-va - 1963

3 - Ghin-be.

Chinh phục bầu trời.

Nhà xuất bản Quân đội Liên Xô. Mát-xcơ-va - 1972.

4 - Ê-phi-mốp.

Mạnh hơn gió, nhanh hơn tiếng động. Nhà xuất bản Thiếu nhi Liên Xô - Mát-xcơ-va - 1972

5 - Săm-bơ

Lịch sử hàng không.

Pa-ri - 1973

***

Ước mơ bay của con người có từ buổi hoang sơ. Khi nhìn cánh chim liệng giữa khoảng trời xanh bao la, con người tiền sử đã biết mơ ước có một đôi cánh như vậy để vượt qua sông sâu, thác xiết, vượt qua dốc đá cheo leo, để thoát khỏi nanh vuốt của bầy mãnh thú, để thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, để thỏa lòng ham thấy, ham biết... Ước mơ đó lớn lên cùng với sự phát triển của lịch sử loài người. Ước mơ đó để lại dấu vết trong trăm ngàn truyền thuyết của các dân tộc trên thế giới, trong những bức tranh đơn sơ trên vách hang đá...

Nhưng con người không chỉ biết ước mơ, họ còn biết thực hiện mơ ước. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, những con người thông minh nhất, dũng cảm nhất đã tìm đủ mọi cách để chắp cánh cho loài người. Nhiều người với những đôi cánh giả nhảy từ tháp cao, đã hy sinh dũng cảm. Họ chết, nhưng sự nghiệp của họ không chết.

0001

Trong cuốn “Lịch sử khí cầu ở nước Nga” của Xu-lu-ca-dép có kể lại một câu chuyện sau:

“Một buổi chiều cuối hè năm 1731, dân chúng tỉnh lỵ Ri-a-dan của nước Nga Xa hoàng sửng sốt nhìn thấy một quả bóng lớn đang lơ lửng trên không trung. Dưới quả bóng treo một chiếc sọt nan lớn và trong sọt, một người đàn ông đang ung dung nhìn xuống. Dân phố đổ ra xem ngày càng đông. Trẻ em thích thú reo hò. Các cụ già sợ sệt làm dấu thánh và lẩm nhẩm cầu kinh. Họ băn khoăn không biết đó là quỷ sứ hay thiên thần. Quả bóng theo gió lướt phía trên những cây phong và những ngôi nhà mái nhọn, bay về phía nhà thờ. Bỗng một cơn gió nổi lên, quả bóng va mạnh vào nóc gác chuông nhà thờ và nổ “bùm” một tiếng. Khói từ trong quả bóng bốc lên, quả bóng xẹp hẳn xuống. May thay, dây dợ như một tấm lưới bọc quả bóng mắc vào đỉnh tháp. Người đàn ông đu mình dưới chiếc sọt rồi chộp được sợi dây giật chuông mà tụt xuống.