Dạy Con Kiểu Nhật (Giai Đoạn 0 Tuổi)

Tác giả : Kubota Kisou
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 91
  • Kích thước : 6.16 MB
  • Số trang : 106
  • Số lượt tải : 5
  • Read on mobile :

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình thông minh. Tuy nhiên, con cái học giỏi không có nghĩa đã là thiên tài. Trong quá trình trưởng thành điều quan trọng đối với con người không chỉ là có trí thức mà còn là có trí tuệ. Đó là khả năng độc lập suy nghĩ, thông cảm với mọi người, có tính xã hội. Nếu có trí tuệ ắt sẽ có kiến thức. Bộ sách này sẽ giới thiệu phương pháp để trẻ trở thành thiên tài với trí tuệ phi thường. Bạn hãy kiên trì đừng cho rằng "không thể" và bỏ cuộc. Khả năng của trẻ cao hơn chúng ta tưởng.***

Tác giả:

Kubota Kisou là học giả về khoa học thần kinh, giáo sư danh dự của trường đại học Kyoto. Hiện tại, ông là hiệu phó trường Cao đẳng kỹ thuật y tế quốc tế, tham gia làm cố vấn nghiên cứu cho Bệnh viện Morinomiya và Viện nghiên cứu cơ bản Hitachi.

Ngoài ra, ông đã cùng với vợ mình là bà Kayoko thực nghiệm cách nuôi dạy con có ứng dụng khoa học về não bộ. Ông đã hệ thống hóa cách nuôi dạy con theo công thức Kubota rồi mở lớp học, đã và đang đào tạo được rất nhiều thiên tài.

Ông có khá nhiều tác phẩm như "Nuôi dưỡng não bộ trẻ", "Nuôi dưỡng não bộ trẻ từ 2-3 tuổi" (Nhà xuất bản Shufunotomo), "Thói quen tốt và thói quen xấu cho não bộ" (Công ty phát hành sách ASCII), "Học tập và não bộ" (Công ty phát hành sách Saiensu), "Tạo nên bộ não kiện toàn trong 14 ngày" (Nhà xuất bản Daiwashobo) v.v...

Trọn bộ gồm 3 cuốn:

Dạy Con Kiểu Nhật - Giai Đoạn 0 Tuổi

Dạy Con Kiểu Nhật - Giai Đoạn 1 Tuổi

Dạy Con Kiểu Nhật - Giai Đoạn 2 Tuổi

***

Phương pháp Kubota

Hỏi: Bây giờ con tôi mới 7 tháng tuổi, vậy nếu bắt đầu rèn luyện từ bây giờ thì có hiệu quả không?

Trả lời: Có, bạn hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay!

Nếu não bộ làm việc, các khớp thần kinh sẽ được tạo ra để kết nối các tế bào thần kinh và hình thành các mạch thần kinh. Sau khi sinh đến giai đoạn 2-3 tháng tuổi là khoảng thời gian các khớp thần kinh được hình thành với số lượng lớn nhất, lúc này chính là thời kỳ số lượng khớp thần kinh đạt đến đỉnh điểm.

Ví dụ, đỉnh điểm của vùng thị giác là sau sinh khoảng 8 tháng, đỉnh điểm của vùng vỏ não trước trán là sau sinh khoảng 2 năm. Trong thời kỳ hình thành số lượng lớn các khớp thần kinh này, nếu các tế bào thần kinh đã được tạo ra khi còn trong bào thai làm việc sẽ được kết nối ngay mà không cần mất quá nhiều công sức.

Do vậy, điều quan trọng là tiến hành giáo dục cho trẻ ngay từ khi sinh ra. Sau khi vượt quá giai đoạn này mới bắt đầu giáo dục thì vẫn có hiệu quả nhưng năng suất học tập sẽ giảm. Như vậy sẽ cần tăng thời gian cũng như cường độ luyện tập.

Nếu bạn bắt đầu giáo dục từ khi trẻ 7 tháng tuổi có nghĩa là trong suốt thời gian trước đó cho não chơi hoàn toàn mà không luyện tập gì nên hầu như các khớp thần kinh không hình thành. Để bù đắp được 7 tháng đã qua, bạn phải ghi nhớ rằng trong thời gian ngắn phải cho trẻ trải nghiệm nhiều hơn.

Bắt đầu từ tháng thứ 7 thì dù có luyện tập đến mức độ nào đi nữa, số lượng các khớp thần kinh tối đa cũng ít hơn so với những trẻ đã bắt đầu luyện tập từ sớm. Bạn hãy chú ý tạo ra nhiều cách kích thích hơn so với những trẻ đã bắt đầu luyện tập từ sớm.

Hỏi: Tôi đang cho con đi nhà trẻ. Như vậy có thể áp dụng việc giáo dục từ 0 tuổi không?

Trả lời: Có, nhưng cẩn tính hiệu quả và có kế hoạch.

Bạn phải nhận thức rằng đi nhà trẻ (chỉ là trông giữ trẻ) không phải nơi nào người ta cũng thực hiện giáo dục cho trẻ. Do đó, thời gian giáo dục cho trẻ sẽ ít đi. Có nghĩa là, bạn nên nghĩ rằng xác suất để trẻ trở thành thiên tài, con người ưu tú sẽ ít đi.

Nếu bạn mang trẻ đi gửi thì phải giáo dục cho trẻ một cách có hiệu quả trong thời gian ngắn. Bạn phải lên kế hoạch thật kỹ để xem tạo cho trẻ kích thích gì và khi nào để giáo dục trẻ. Nếu bố mẹ bận không thể giáo dục đầy đủ cho trẻ thì cần thuê người trông giữ trẻ để thực hiện giáo dục riêng hoặc gửi trẻ đến các nhà trẻ có thực hành phương pháp giáo dục 0 tuổi.

Hỏi: Tôi đang sống ở vùng địa phương. Vậy, nên nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ chuẩn phải không?

Trả lời: Chỉ cần trẻ không dùng các từ theo ngôn ngữ trẻ con là được, còn sử dụng tiếng địa phương cũng không sao.

Điều quan trọng khi nói chuyện với trẻ là để trẻ không phải sửa lại những từ đã nhớ. Khi trẻ bắt đầu biết nhớ từ ngữ, nếu để trẻ nhớ những từ như “mơm” là “cơm” thì sau này phải sửa lại cho trẻ một lần nữa.

Điều này rất lãng phí đối với não bộ của trẻ. Cho nên, bạn hãy chú ý đừng cho trẻ sử dụng những từ ngôn ngữ trẻ con còn tiếng địa phương thì không sao.

Hỏi: Con tôi rất sợ gặp mọi người!

Trả lời: Hãy giúp con có tính xã hội hơn.

Cơ chế não bộ của trẻ liên quan đến sự e thẹn vẫn chưa rõ ràng, nhưng đối với trẻ đã được giáo dục để sử dụng tốt vùng vỏ não trước trán sẽ có khuynh hướng không e thẹn. E thẹn là hành động xảy ra ở giai đoạn 6-12 tháng tuổi đối với những trẻ có tính xã hội kém.

Tuy nhiên, đây không phải là bệnh giống như chứng ám ảnh sợ xã hội mà chẳng qua chỉ do trẻ chưa có tính xã hội thôi. Nếu đặt địa vị của mình vào trẻ thì đây chỉ là phản ứng cự tuyệt đối với người mà trẻ không quen biết. Dần dần khi gặp người lạ nhiều và được mọi người bế ẵm, trẻ sẽ hình thành được tính xã hội và rèn luyện được vùng vỏ não trước trán. Bạn có thể áp dụng bài tập “Ú... Òa” đối với người mà trẻ e thẹn.

Hỏi: Con tôi không có hứng thú với đồ ăn!

Trả lời: Hãy cho trẻ nhìn lúc mẹ ăn rất ngon lành

Để tạo hứng thú của trẻ đối với đồ ăn, điều quan trọng là bạn hãy cho trẻ nhìn thấy lúc mình đang ăn đồ ăn đó rất ngon lành. Cách này áp dụng không chỉ riêng với đồ ăn mà ngay cả khi chơi đồ chơi cũng vậy, hãy cho trẻ nhìn lúc bạn đang chơi rất vui vẻ. Lúc đó trẻ sẽ cảm thấy có hứng thú. Lúc đầu có thể trẻ chưa tỏ ra hứng thú nhưng bạn hãy kiên trì tiếp tục thực hiện đến lúc trẻ muốn làm.

Hỏi: Con tôi đã 4 tháng tuổi rồi nhưng chơi trò “Ú… Òa” mà con không hứng thú!

Trả lời: Bạn hãy tìm nguyên nhân vì sao con không hứng thú!

Nếu não trẻ không có vấn đề gì mà không có hứng thú nghĩa là phải có nguyên nhân nào đó. Trước khi chơi trò “ú...ú...òa”, bạn có cho trẻ nhìn mặt mình không? Có để cho trẻ nhớ khuôn mặt mẹ không? Khi cho trẻ nhìn mặt mình, bạn có thấy trẻ vui sướng không?

Dù bạn đã cho trẻ nhìn mặt mình rồi mới giấu mặt đi thì trẻ vẫn cần ghi nhớ rằng mẹ ở đó. Bạn hãy ngồi đối diện với trẻ rồi thử làm lại từ chỗ bạn nhìn rõ được trẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ người khác chơi với trẻ để quan sát biểu hiện của trẻ.

Hỏi: Bản thân chúng tôi không thích học lắm, như vậy có ảnh hưởng gì hay không?

Trả lời: Điều quan trọng là cha mẹ có hứng thú hay không.

Việc nuôi dạy con để trở thành người ưu tú cũng là bài học đối với cha mẹ. Cho dù bạn không thích học nhưng vì con cái, bạn có thực hiện hay không? Cho dù thời đi học bạn có ghét học như thế nào đi nữa thì đấy không phải là vấn đề.

Để nuôi dạy được con, cha mẹ cũng cần phải học. Bạn hãy quyết định xem khi nào, làm cái gì, cho con học cái gì.

Bạn hãy nghĩ rằng cha mẹ từ bỏ việc học đồng nghĩa với việc từ bỏ việc nuôi dạy con cái.

Hỏi: Chồng tôi thỉnh thoảng mới giúp tôi dạy con!

Trả lời: Chỉ cần một người để nuôi dạy con trở thành người ưu tú!

Có lẽ với các bà vợ, điều lo lắng, trăn trở nhất là các ông bố không tham gia vào việc nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, nếu bạn mong muốn có thể nuôi dạy con mình có bộ não ưu tú thì việc giúp đỡ của các ông bố không phải là vấn đề.

Ngược lại, có khi thỉnh thoảng các ông bố mới giúp đỡ lại hay. Bởi chỉ có người hàng ngày chăm sóc trẻ mới biết tâm trạng, những biến đổi nhỏ của trẻ trong ngày hôm đó. Nếu bố không phải là người thường xuyên chăm sóc con thì sẽ bỏ qua những dấu hiệu quan trọng.