Cuốn sách “Để Con Bạn Giỏi Như Einstein” được xem là làn gió mới đối với những bậc phụ huynh và các nhà giáo dục (Steven Pinker Giáo sư Tâm lý Đại học Harvard nhận xét). Bởi cuốn sách này chia sẻ đến các bậc cha mẹ, những người đảm nhận trọng trách nuôi dạy trẻ, và những người có nhiệm vụ đề ra các chính sách giáo dục những vấn đề rất đáng chú ý trong sự phát triển của trẻ. Với rất nhiều “nội dung dễ học hỏi”, giúp bạn có thể “phát hiện khả năng tiềm ẩn” của con trẻ, đồng thời giúp bạn trang bị những kỹ năng cần thiết để nuôi dạy và đóng góp cho xã hội những công dân thông minh, khỏe mạnh, và hạnh phúc. Các tác giả với hy vọng sẽ giúp nền giáo dục của chúng ta thoát khỏi căn bệnh thành tích. Mục tiêu của quyển sách là mang lại cho các bậc phụ huynh, thầy cô và những nhà làm chính sách giáo dục một cái nhìn bao quát và những khái niệm cần thiết để có cách làm hiệu quả nhất trong việc giáo dục con em mình. Đây cũng là nỗ lực chống lại làn sóng bệnh thành tích và thói quen thúc ép con trẻ học hành. Một khi đã am hiểu sự phát triển trí tuệ của trẻ, người lớn sẽ có thể song hành một cách đồng điệu với cách thức học hỏi và tiềm năng phát triển tự nhiên của trẻ, từ đó tìm được những thời điểm thích hợp để giúp trẻ tích lũy những kiến thức thật sự chứ không chỉ là những sự kiện rời rạc phải cố nhét vào đầu.Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngày nay, nhiều bậc huynh và giáo viên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức khi dạy dỗ trẻ. Chúng ta cứ bị cuốn vào những giả định của xã hội về phương thức nuôi dạy, giáo dục thế hệ tương lai. Trong chuyện học hành của con trẻ, ai cũng bảo cần thúc đáy trẻ “càng nhanh càng tốt”. Mọi người cho rằng từng giây từng phút của trẻ đều cực kỳ quan trọng, rằng trẻ con như những tờ giấy trắng và người lớn phải là họa sĩ để vẽ lên đó những hình họa đặc sắc nhất. Những giả định đó và sự phát triển của trẻ hoàn toàn đi ngược lại các thông điệp rút ra từ các trường đại học, nơi các chuyên gia về sự phát triển của trẻ em đã miệt mài nghiên cứu về quá trình phát triển và học hỏi của trẻ. Quyển sách này sẽ cho bạn cái nhìn mới mẻ về sự phát triển của trẻ dưới góc độ khoa học, từ đó góp phần loại bỏ thực trạng “sống vội” của vô số trẻ em, phụ huynh và giáo viên.
Phụ huynh và giáo viên ngày nay thường kêu trời vì kiệt sức bởi công cuộc dạy dỗ các mầm non của tương lai. Vì sao thầy cô và cha mẹ bị đẩy vào cuộc “trường chinh” khốn khổ mang tên giáo dục, còn trẻ em thì bị tước đoạt hết ngây thơ trong một guồng quay hối hả, bận rộn? Liệu có phải xã hội đã mắc căn bệnh thành tích trầm kha, không ngừng chạy đua với yêu cầu nhanh hơn, nhiều hơn, giỏi hơn?