Nằm giữa Ấn độ và Pakistan, Kashmir là một trong những nơi đẹp nhất trên Trái đất. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây lại là một thực tế hoàn toàn khác. Kể từ khi phong trào ly khai bùng phát vào năm 1989, hàng vạn người đã bị giết trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực này.
Basharat Peer đã tái dựng hiện thực kinh hoàng của vùng đất này trong cuộc xung đột. Đó là câu chuyện về bước đầu gia nhập trại huấn luyện vũ trang ở Pakistan của một thanh niên, về một người mẹ chứng kiến con trai mình bị toán quân Ấn Độ buộc ôm một trái bom, về một nhà thơ đi tìm đức tin tôn giáo khi toàn bộ gia đình ông bị giết, về các chính khách sống trong các phòng tra tấn được tân trang, những ngôi làng bị xé toang bởi mìn và các đền thờ Sufi cổ kính bị đánh bom tan hoang…
Tác phẩm là một thiên phóng sự của một cây bút trẻ can đảm, người mang cả một thế giới mới - sống động và chân thực - đến với độc giả.
***
“Con người bị mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử bị mắc kẹt trong con người.”
• Những ghi chép của người con trai bản xứ, - James Baldwin
“Cái thành phố, nơi không tin tức nào có thể đến được, lúc này hiện ra mồn một trong đêm giới nghiêm của nó đến nỗi thứ tồi tệ nhất cũng trở nên xác thực: Từ cầu Zero, một cái bóng bị rượt đuổi bởi ánh đèn pha đang bỏ chạy để đi tìm thân xác của nó.”
• Đất nước không có bưu điện, - Agha Shahid Ali
***
Tôi sinh ra vào mùa đông ở Kashmir. Làng tôi nằm trên rìa một rặng núi ở vùng phía nam của Anantnag. Bao quanh những ngôi nhà được đắp bằng bùn và gạch là những cánh đồng lúa xanh mướt vào đầu hè và vàng ươm khi thu đến. Vào mùa đông, tuyết trượt chầm chậm từ trên mái nhà của chúng tôi rồi đổ uỵch xuống mặt cỏ. Tôi và đứa em trai cùng đắp những thằng người tuyết với đôi mắt làm bằng những mẩu than vụn. Và khi mẹ bận rộn với việc nội trợ và Ngoại đi ra ngoài, chúng tôi phóng lên mái nhà, bẻ mấy cục nước đá trên đó, trộn chúng với hỗn hợp sữa và đường ăn cắp ở nhà bếp rồi cùng ăn món kem tự chế của mình. Bọn tôi thường đi trượt tuyết trên sườn đồi, nhìn xuống làng mình hoặc chơi cricket trên một cái hồ đóng băng. Chúng tôi cũng liều, vì chơi như thế có thể bị Ngoại, cũng là hiệu trưởng của trường tôi, mắng mỏ hoặc đánh đòn. Nếu bắt gặp chúng tôi chơi cricket vào mùa đông, ông sẽ bộc lộ chủ trương chú trọng sách vở hơn là cricket bằng tiếng quát tháo khiếp đảm: “Cái lũ ăn hại!” Nghe tiếng quát quen thuộc của ông, mấy đứa chơi cricket tản ra và lẩn đi mất. Không chỉ lũ cháu ngoại mà tất cả trẻ con trong làng đều sợ ông thầy hiệu trưởng như lính sợ quân luật.
Những chiều mùa đông, Ngoại và mấy người hàng xóm ngồi trước những cửa tiệm và sưởi ấm bằng kangris, một loại bình giữ lửa tiện dụng, rồi tán gẫu, hoặc nói chuyện tuyết rơi sẽ ảnh hưởng thế nào đến vụ mù tạt vào mùa xuân. Sau khi thầy tu báo giờ triệu tập cuộc lễ chiều, họ rời các cửa tiệm để về nhà, cho đàn gia súc ăn, cầu nguyện ở đền thờ trong làng, rồi quay lại mấy cửa tiệm đó để trò chuyện tiếp.