Harald Hjärne, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Viện Hàn lâm Thụy Điển
Căn cứ vào các qui chế của Quĩ Nobel, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã trao giải Nobel văn chương năm 1920 cho nhà tiểu thuyết người Na Uy - Knut Hamsun, với tác phẩm Nhựa của đất (1917) (Markens grøde). Sẽ là thừa nếu đưa ra một tuờng trình chi tiết về quyển sách mà chỉ trong một thời gian ngắn đã được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi, cả bằng nguyên tác và bản dịch.
Qua sự độc đáo về cốt truyện và phong cách, cuốn tiểu thuyết đã dấy nên sự quan tâm vô cùng sống động ở nhiều nước và được tiếp nhận nồng nhiệt bởi nhiều tầng lớp độc giả khác nhau. Mới đây, một nhà điểm sách hàng đầu và bảo thủ người Anh đã viết rằng quyển sách này chỉ mới xuất hiện ở Anh năm nay nhưng đã được dư luận ngợi khen là một kiệt tác. Lí do của thành công không thể phủ nhận này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của giới phê bình văn học trong một thời gian dài, nhưng ngay từ bây giờ, với những ấn tượng đầu tiên, thiết tuởng cần chỉ ra những lí do ấy, ít nhất là những nét chính.
Bất chấp những ý kiến hiện nay về thời đại chúng ta, những ai cho rằng trong văn học, cái cao hơn tất cả là sự tái hiện trung thành hiện thực thì sẽ thấy trong Nhựa của đất, sự tái hiện một cuộc sống là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của bất cứ xã hội nào nơi con người sinh sống và tạo dựng. Những miêu tả này không bị bóp méo bởi bất cứ hoài niệm nào về một quá khứ văn minh lâu dài. Hiệu quả tức thì ở chỗ khơi lên cuộc đấu tranh gay gắt ngay từ đầu giữa con người tích cực (dĩ nhiên trong những điều kiện bên ngoài khác nhau) bền bỉ chống lại một thiên nhiên bất phục và khắc nghiệt. Khó lòng hình dung sự đối lập nào choáng ngợp hơn giữa cuốn sách này với những tác phẩm thường được gọi là "cổ điển".
Tuy nhiên, ta vẫn có thể gọi tác phẩm này một cách chính tắc là cổ điển, nhưng theo nghĩa sâu xa hơn, nếu ta dùng tính ngữ này thể hiện một điều gì đó khác hơn và nhiều hơn một lời ngợi khen mơ hồ. Cái cổ điển, trong nền văn hóa mà chúng ta thừa kế từ xa xưa, chỉ phần nào là cái hoàn thiện buộc ta bắt chước, còn phần nhiều là những gì có ý nghĩa, được rút ra trực tiếp từ đời sống và tái hiện dưới dạng một giá trị bền vững với cả các thời đại sau. Theo ý niệm này, những gì không có ý nghĩa, những gì tự chúng không quan trọng, chỉ có thể xem như cùng một loại với những gì được chính thức coi là tạm bợ hay khiếm khuyết. Nhưng ngoài ra, bất cứ điều gì quí giá trong cuộc sống con người, dù có vẻ bình thường, đều có thể xếp vào cùng một phạm trù với cái khác thường và cái sáng láng, với một ý nghĩa và dạng thức giá trị tương đương, chừng nào nó được hiển bày lần đầu tiên trong ánh sáng đích thực của nó. Với ý nghĩa này, không hề nói quá nếu cho rằng trong Nhựa của đất, Hamsun đã mang đến cho thời đại chúng ta cái cổ điển có thể so với cái đẹp nhất mà chúng ta từng có. Trong khía cạnh này, cái cổ xưa không có đặc quyền bất khả xâm phạm đối với các thế hệ sau, vì cuộc sống luôn luôn mới và phong phú vô tận, và có thể được tái hiện dưới những hình thức mới bởi những thiên tài mới.
Tác phẩm của Hamsun là một bản hùng ca về lao động, trong đó tác giả nói về lao động bằng những áng thơ hoành tráng. Đây không phải là chuyện phân công lao động vốn chia rẽ những con người mà là chuyện lao động cần cù, tập trung, thứ lao động mà trong hình thức thuần khiết nhất của mình tạo nên toàn bộ con người, xoa dịu và mang lại gần nhau những tâm hồn chia cách, bảo vệ và gia tăng thành quả của mình trong một quá trình đều đặn và liên tục. Sức lao động của người tiên phong và người nông dân đầu tiên, với tất cả những khó khăn, dưới ngòi bút của nhà thơ, mang tính cách một cuộc đấu tranh anh hùng không hề thua kém chút nào so với cái vĩ đại của sự hi sinh lẫm liệt cho tổ quốc và chiến hữu. Cũng như nhà thơ nông dân Hesiod miêu tả lao động trên đồng ruộng, Hamsun đặt lên hàng đầu trong tác phẩm người lao động lí tưởng, người hiến trọn cuộc đời và sức lực mình cho việc vỡ đất và vượt qua những trở ngại mà con người và thiên nhiên dựng lên để chống lại anh. Nếu Hamsun đã vứt bỏ sau lưng mọi hoài niệm nặng nề về văn minh, thì tác phẩm của ông cống hiến một cách hiểu chính xác về nền văn hóa mới mà kỉ nguyên chúng ta đang chờ đợi sẽ nảy sinh từ tiến trình lao động chân tay như một sự tiếp nối nền văn minh cổ xưa.
Hamsun không đưa ra cái gọi là "loại hình nhân vật" trên sân khấu của ông. Các nhân vật nam và nữ của ông đều sống động, ngay cả trong những tình huống khiêm nhường nhất. Vài người trong số họ, những người tốt nhất, có những mục tiêu và tư tưởng mà chúng ta không thể hình dung, ví dụ nổi bật là nhân vật chính, người nông dân trầm lặng và lao động không mệt mỏi. Những người khác thì buông xuôi phó mặc, bất an và thậm chí hoang mang bởi những khát vọng ích kỉ và ý nghĩ xuẩn ngốc. Tất cả họ đều mang dấu ấn của dòng máu Na Uy, tất cả đều bị nhào nặn bởi những "quả của đất". Một trong những đặc tính của các ngôn ngữ cùng gia đình Scandinavie chúng ta, đó là cùng một từ biểu thị những sắc thái ý nghĩa rất khác nhau thông qua những hình ảnh mà chúng gợi nên. Khi người Thụy Điển chúng ta nói "quả của đất", ta nghĩ ngay đến một thứ gì đó màu mỡ, dồi dào, ngon lành, nhất là ở một vùng nông nghiệp nào đó đã được canh tác lâu đời. Tư duy trong tác phẩm của Hamsun không đi theo chiều hướng này. "Đất" ở đây là một vùng đất hoang sơ hung hiểm, gồ ghề sỏi đá. Trái quả của nó không tự rơi xuống như là lộc của trời, trái quả của nó là tất cả những gì có thể nảy mầm và lớn lên trên một mảnh đất khô cằn, dù tốt hay dở, đẹp hay xấu, giữa con người hay động vật cũng như trong rừng hay trên đồng ruộng. Đây là những loại quả mà tác phẩm của Hamsun mang lại cho mùa gặt của chúng ta.
Tuy nhiên, người Thuỵ Điển chúng ta, hay ít nhất là nhiều người Thuỵ Điển, không cảm thấy xa lạ về những phong tục, tập quán được miêu tả ở đây. Ta phát hiện nơi đây, bầu không khí miền Bắc với một phần hoàn cảnh tự nhiên và xã hội, với nhiều điểm tương đồng hai phía biên giới (giữa Na Uy và Thuỵ Điển, ND). Hơn nữa, Hamsun cũng miêu tả những người Thụy Điển bị lôi cuốn đến vùng đất mới khai phá và hầu hết bọn họ, không nghi ngờ gì nữa, đều bị hấp dẫn bởi ảo ảnh về thành công kinh tế, bởi những thành phố dọc theo bờ biển Na Uy xuất hiện nơi chân trời như cám dỗ về cuộc sống trần thế huy hoàng, nó quyến rũ những trái tim dễ xiêu lòng muốn thoát khỏi cảnh lao động nặng nhọc của vùng đất này.
Những tái hiện tâm lí đó, cũng như nhiều tái hiện khác, đầy tính người, hoàn toàn không làm giảm mà càng củng cố thêm ấn tuợng nhờ nội dung mang tính cổ điển của câu chuyện. Chúng xua đi nỗi sợ có thể nảy sinh trong ta khi nhìn thấy ánh sáng chân lí với cái giá phải trả là sự thật. Chúng đảm bảo tính chân thực trong từng chi tiết, của hình ảnh và nhân vật. Tính toàn nhân loại của chúng không bỏ sót một ai. Bằng chứng là tác phẩm đã được đón nhận bởi những người có tính cách, ngôn ngữ và phong tục khác nhau. Hơn nữa, bằng nụ cười hài hước nhẹ nhàng khi tái hiện những sự việc đau buồn nhất, tác giả chứng tỏ lòng cảm thông đối với số phận con người và bản tính con người. Nhưng trong câu chuyện, ông không bao giờ xa rời sự trong sáng nghệ thuật toàn bích nhất. Phong cách của ông loại bỏ mọi trang trí màu mè, chỉ tập trung vào tính chân thực và sự rõ ràng, và người đọc có thể phát hiện trong đó, dưới một hình thức độc đáo và mạnh mẽ, tất cả sự phong phú về sắc thái trong ngôn ngữ mẹ đẻ của nhà văn.
Thưa Ngài Knut Hamsun! Khi đương đầu với thời tiết khắc nghiệt cũng như nỗi mệt mỏi sau chuyến đi dài - mà trong thời gian này lại càng thêm bội phần cực nhọc - để đến nhận giải thuởng trao tặng cho Ngài, Ngài đã mang lại niềm vui lớn cho Viện Hàn lâm Thuỵ Điển, niềm vui nhất định sẽ được chia sẻ bởi tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ trọng đại này. Thay mặt Viện Hàn lâm, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cho phép, tôi đã cố gắng trình bày ít nhất những lí do chính tại sao chúng tôi đánh giá cao tác phẩm vừa được đăng quang của Ngài như vậy. Vì vậy, giờ đây, với tư cách cá nhân, tôi không muốn nhắc lại với Ngài những gì tôi đã nói. Tôi chỉ còn mỗi việc thay mặt Viện Hàn lâm chúc mừng Ngài và hi vọng Ngài sẽ giữ mãi những kỉ niệm về cuộc gặp gỡ của chúng ta, và đó sẽ là mối dây thắt chặt mối quan hệ giữa Ngài với chúng tôi trong tương lai.
Trần Tiễn Cao Đăng và Tân Đôn dịch (Theo VietNamNet)