Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe

Tác giả : Ma Văn Kháng
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 5
  • Kích thước : 1.51 MB
  • Số trang : 431
  • Số lượt tải : 1
  • Read on mobile :

Ma Văn Kháng lao động văn chương như một người H'Mông trồng bắp trên núi, lặng lẽ, cần cù, kiên nghị. Không ồn ào to tiếng với ai. Nét mặt anh cũng có cái vẻ chất phác núi rừng, ít nói, ít tranh luận, nghe ai nói nhiều chỉ gật đầu, hơi như ngơ ngác nữa.

Độc giả văn chương quen biết anh bằng tập Xa phủ (1969), tập truyện đầu tay, xinh xinh và đáng yêu như những chú thỏ non trong rừng rậm. Và sau đó thì đều đặn, năm in một tập, năm in hai tập, ở các Nhà xuất bản Văn học, Thanh niên, Phụ nữ, Công an nhân dân, Lao động và Kim đồng. Tính đến Đồng bạc trắng hoa xòe là ấn phẩm thứ mười một của anh trong vòng thập niên trở lại đây, thuần về miền núi.

Văn học miêu tả dân tộc miền núi, nói nghiêm túc, mới chỉ có sau Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến Việt Bắc. Những tiểu thuyết đường rừng của Lan Khai trước kia (Tiếng gọi của rừng thẳm, Truyện đường rừng, Suối đàn), ít nhiều của Thế Lữ (Vàng và Máu, Một đêm trăng), chỉ là những truyện mượn rừng núi nhằm gây một cảm giác ly kỳ rùng rợn. Người đặt nét bút đầu tiên khai phá vùng núi cao trong văn học Việt Nam phải kể là Nam Cao với Ở rừng (1948). Đấy mới chỉ là những phác thảo trong những trang nhật ký duyên dáng của anh, nhưng bóng dáng người miền núi hiện ra đã thật là có tình và đáng yêu. Rồi Nam Cao mất, chưa kịp làm gì thêm cho miền núi nữa.

Cùng sống với Nam Cao là Tô Hoài, có Núi Cứu quốc (1948). Vẫn chỉ là những nét phác thảo. Phải đến năm 1953, cái vùng đất biên cương núi non trùng điệp vòng phía Tây Bắc Tổ quốc mới lấp lánh trong văn học Việt Nam với Mường Giơn giải phóng và Vợ chồng A Phủ. Và sau nữa thì tiểu thuyết Miền tây (1967) khẳng định mảng văn học miền núi trong bức tranh toàn cảnh văn học cách mạng Việt Nam là không thể không chú ý được, là đã đóng chốt vào rồi. Nhà văn Tô Hoài với ngọn bút lão luyện và tài hoa, đã chấm phá bức tranh thủy mạc về người về cảnh miền núi chinh phục chúng ta từ nhiều năm nay. Con dế mèn phiêu lưu đã xòe cánh trên vùng Tây Bắc... một lời khen rất có duyên về anh, và chứng tỏ cái uy thế tuyệt đối của anh về địa bàn miền núi.

Lúc ấy Ma Văn Kháng vẫn còn là cậu học trò cần cù học, đọc và lầm lũi như chú bé dân tộc theo mẹ đi chợ, đi theo con đường của Nam Cao, Tô Hoài khai phá.

Tiếp bước cha anh... đấy là truyền thống dân tộc.

Đọc xong Đồng bạc trắng hoa xòe có cái mừng là thấy lớp người sau đã kế tục được lớp người trước. Và còn nhiều hy vọng vì còn trẻ, còn khỏe, còn như con ngựa mới chạy nước kiệu trên một quãng đường.

Ma Văn Kháng, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, gốc người làng Kim Liên, khu Đống Đa, Hà Nội, tham gia cách mạng năm mười hai tuổi, do thói quen chung hồi ấy, đổi tên là Nguyễn Kháng, cho nó bí mật tông tích. Lên dạy học Lao Kay kết nghĩa anh em với một cán bộ huyện họ Ma, và để tỏ sự quyết tâm sống bám vùng đất này, theo lời một cán bộ tỉnh ủy khuyên: “Vùng này không thua gì Sông Đông êm đềm đâu. Cậu muốn viết văn hãy cố sống ở đây hết một giai đoạn”. Kháng đã đổi họ Ma, và sống trên đó gần một phần tư thế kỷ.

Hai mươi hai năm ròng sống, làm việc, quan sát, và viết. Ma Văn Kháng tích lũy tư liệu cần cù đúng như một con kiến tha mồi vào tổ, mỗi ngày một ít, mỗi tháng một ít. Anh tham gia biên soạn lịch sử Đảng bộ Lao Kay, tham gia tổ chức hội nghị tỉnh ủy nghiên cứu chuyên đề thổ ty. Nhiều tư liệu ngấm vào anh thật tự nhiên, do việc cọ sát hàng ngày với những cán bộ H'Mông cùng cơ quan, những buổi công tác xuống huyện, xuống xã, đi tham dự các sinh hoạt dân tộc, những lễ ăn thề, lễ nào sồng, những phiên chợ, có mặt cả đám cưới đám ma các dòng họ H'Mông... Anh đọc nhiều và lấy làm biết ơn đã thừa hưởng thành quả những công trình nghiên cứu về dân tộc học, về phong tục tập quán, về ngôn ngữ H'Mông của Doãn Thanh, của Nông Trung, Lục Bình Thủy, Phạm Xuân Phúc, v.v... Anh thu thập cả những tài liệu nước ngoài viết về H'Mông như của Savina người Pháp, chuyên gia nghiên cứu H'Mông, có những nhận định về chính sách, cai trị vùng H'Mông: “H'Mông bao giờ cũng vẫn là H'Mông. Thổ ty là tất cả. Người Pháp phải tạo ra được các thủ lĩnh dân tộc ở từng địa phương và qua họ, mà cai trị đời đời ở các vùng miền núi". (Histoire des Miaos).

Cho đến khi ra mắt bạn đọc hôm nay, Đồng bạc trắng hoa xòe được viết đi viết lại bốn lần. Tôi đã nhìn thấy đống bản thảo dày gần hai gang tay, bằng đủ các loại giấy thếp, giấy học sinh, giấy đánh máy, chi chít những chỗ dập xóa, chú thích bên lề...

Công việc văn chương! Đáng thương biết mấy!*. Ông Goóc-ki có nói với bạn đọc, đại ý, ông khuyên những ai cho nghề viết văn là nhàn nhã, nắng không đến đầu, mưa không tới gáy, mà dấn thân vào thì thật là một lầm lẫn to lớn ở đời. Nghề viết văn thuộc lao động cực nhọc nhất trên thế gian này. Miếng da lừa (Balzac) có chín bản thảo khác nhau. Quan thanh tra (Gogol), năm bản. Người mẹ (Gorki) sáu bản, bản đầu và bản cuối cách nhau hai mươi năm. Riêng phần tả điệu múa Xalômê của Flô-be có mười bản, bản nào cũng gần như tuyệt vời.

Với số tuổi như Ma Văn Kháng, ta sẽ phải hình dung anh đã vật lộn cực nhọc như thế nào để đẻ ra nổi hơn sáu trăm trang giấy, tái hiện một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi, nhưng rắc rối vào bậc nhất của cách mạng Việt Nam hiện đại, tiến hành trên một vùng núi phong kiến thế tập phiên thần nghèo nàn và lạc hậu, lấy cái không gian tỉnh biên giới Lao Kay hừng hực, hỗn loạn, phức tạp, rối ren, bọc trong cái bối cảnh lịch sử ngàn cân treo sợi tóc của dân tộc: Nhật thua, Tưởng vào, Quốc dân Đảng về phá rối, Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ, rồi vào Hà Nội với Hiệp định mồng 6 tháng 3, v.v...

Giai đoạn lịch sử này ở miền núi lần đầu tiên được đưa vào tiểu thuyết. Có lẽ đã đến lúc rồi, chúng ta đã có điều kiện về thời gian, về khoảng cách lùi xa đủ tầm nhận thức những khúc ngoặt lịch sử có tính chất quyết định, mà tái hiện lại trong văn học đi thôi. Để cho tương xứng với tầm vóc những hy sinh to lớn, những đổi thay vĩ đại mà cuộc cách mạng theo học thuyết Mác — Lênin đã được những người cộng sản Việt Nam tiến hành trên đất nước này, cũng là lần đầu tiên trên thế giới. Và chỉ có loại hình tiểu thuyết mới kham nổi dung lượng ấy mà thôi.

Ma Văn Kháng đã cảm thấy thế. Từ một câu chuyện định viết về tiễu phỉ năm 1955, anh đã chuyển sang tiểu thuyết, khi bắt được tia chớp hai cán bộ Việt Minh đơn độc vào vùng các châu miền đông Lao Kay: Bắc Hà, Pha Long, Mường Khương, thuyết phục thổ ty Hoàng Yên Chao, La Văn Tờ, ba anh em viên tri châu họ Nông... cùng tham gia đánh Pháp, đánh Việt Nam Quốc dân Đảng, giải phóng Lao Kay 1946 (Sau này vào truyện anh có đổi tên đi ít chút, cho nó được thoải mái trong sự sáng tạo).

Cuốn truyện mở ra trước chúng ta cái thị xã biên giới Lao Kay đang bị bọn tranh giành quyền lợi Việt Nam Quốc dân Đảng chiếm đóng, rút chạy từ Vĩnh Yên, từ Việt Trì, từ Yên Bái dồn lại sống thoi thóp ở đây, thất vọng chán chường, vỡ mộng, nhưng vẫn đầy mưu mô xưng bá đồ vương, nhờ sự hà hơi của bọn Tàu Tưởng, theo Hiệp nghị, đã phải về bên kia biên giới. Những cán bộ Việt Minh được Đảng điều lên vận động quần chúng làm hậu thuẫn cho lực lượng vũ trang nhân dân: Vệ quốc đoàn, đã tiến đến Yên Bái, đang dừng lại chuẩn bị kế hoạch tấn công giải phóng thị xã Lao Kay.

Người đọc hào hứng đi theo hai cán bộ Việt Minh, cưỡi hai con ngựa, gần như tay không, vào một vùng đất lâu đời nơi biên cương heo hút, với các chế độ thổ ty kỳ quặc từ bao thế kỷ, những phong tục tập quán thật kích thích và lạ lùng, và nhất là với tâm hồn người dân tộc thiểu số anh em đáng thương và đáng quí mà chúng ta chưa được biết là bao.

Những đốm lửa cách mạng đã được đốt lên trên vùng hoang vắng trùng điệp núi non này, lòng yêu nước được khơi động, và quần chúng nhân dân anh em đã tề tựu dưới lá cờ Tổ quốc, cùng Vệ quốc đoàn tiến vào giải phóng Lao Kay, thành lập chính quyền Dân chủ nhân dân chậm nhất trong các tỉnh miền Bắc, nhưng đã thành công.

Cuốn truyện đóng lại vào cuối năm 1947, trong một trận đánh trên đèo Mã Yên Sơn, lúc này bọn thổ ty đã phản bội, liên kết với thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, hành quân chiếm đóng Lao Kay. Thị xã đã lệnh sơ tán, tiêu thổ kháng chiến, theo chủ trương trường kỳ kháng chiến bấy giờ. Cuốn sách dừng lại ở đầu một khúc ngoặt mới: Cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp, có ngụ ý mở cửa cho một cái gì sau này nữa đây.

Và Đồng bạc trắng hoa xòe đã dựng lên hàng loạt nhân vật, lối đa tuyến bình đồ, không ai là chính cả, hay nói một cách khác, nhân vật nào cũng có đường dây riêng, phát triển tâm lý và tính cách như là một nhân vật chính. Những tuyến nhân vật đan chéo nhau rối rắm như một mớ tơ vò, với những tâm trạng, những số phận, những cảnh ngộ nhiều hình nhiều vẻ, nhưng rồi cái nào vẫn kéo ra cái ấy, giống như một sợi tơ chuốt nõn trong tay người quay sa kéo ra từ đống tơ vò nọ. Không gian chuyển dịch luôn luôn, tạo một cảnh tượng rộng lớn cho bức tranh văn học, có điều kiện để các nhân vật thỏa sức vẫy vùng. Nhịp độ nhanh, nhiều sự việc, nhiều hành động. Lối dựng này đáp ứng được dung lượng rộng lớn của những cơn lốc cách mạng, hàng loạt người lột xác hoặc thoái hóa, sự đổ vỡ của những giá trị cố hữu, những ngã ba đường, sự đụng độ giữa chân thiện mỹ với những thế lực hắc ám đã tàn tạ. Lối dựng này rất ít thấy trong tiểu thuyết nước ta.

Viết Rừng động, Mạc Phi đã rất công phu thu thập tư liệu, muốn dựng lên một bức tranh lớn về những đổi thay của đồng bào Thái Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chuyển mình chín năm của dân tộc. Anh đã có những thành công về vùng người Thái. Cũng như Nguyên Ngọc đã có những thành công về miêu tả dân tộc anh em Tây Nguyên trong Đất nước đứng lên. Ma Văn Kháng đặc biệt thành công về các nhân vật người H'Mông. Nhiều người đọc sách anh cứ đinh ninh tác giả là người dân tộc. Dân tộc H'Mông, tất nhiên. Không phải lòe thiên hạ bằng những ngôn từ cụ thể lối so sánh chất phác với cái tên cây cối trong rừng, ví von với con hươu con nai bằng tiếng gọi địa phương là lạ, hoặc đôi lúc nhét một vài từ dân tộc trong lời thoại cho nó có sắc thái là người miền núi. Nghe cứ tức anh ách. Ma Văn Kháng học theo lối sử dụng cách nói miền núi của nhà văn Tô Hoài. Và cái chính là anh đã sống nhiều năm với người miền núi. Sống có tình. Anh mô tả các dân tộc Lao Kay bằng một thứ tình cảm chồng vợ, anh em ruột thịt. Những con người xa lạ tưởng như khó hiểu và man rợ trên vùng núi biên cương, bỗng nhiên thành gần gũi thân quen, đúng là anh em một nhà. Những cảnh sắc tưởng như buồn tẻ, hoang sơ, từ khai thiên lập địa, bỗng rực rỡ đẹp... Ma Văn Kháng đã làm như nhà văn Tô Hoài, chấm phá vẩy hồn vào cảnh vật, khiến chúng lung linh, rực rỡ, hấp dẫn, kích thích làm sao! Và tôi đoán chắc rằng, những ai thường ngần ngại khi được điều lên công tác Lao Kay, đọc xong cuốn truyện, hẳn sẽ an tâm đi nhận công tác, trút thoát được cái nặng nề trong tâm khảm vô căn cứ, khi đã đeo con mắt của tác giả Đồng bạc trắng hoa xòe.

Bút pháp trong Đồng bạc trắng hoa xòe thường dùng theo lối vẽ long trong mây. Con rồng đẹp cứ giấu mình trong mây che chỉ lộ ra những khúc lượn vàng son có hạn, nhưng cho người xem vẫn nhận được đủ cái vóc dáng mạnh mẽ thanh thoát của toàn bộ con rồng.

Bút pháp trong Đồng bạc trắng hoa xòe thường dùng lối uống rượu sớm mai. Độ rượu chỉ đủ để gây ngây ngất, quá nữa là say, dưới một chút coi là chưa uống. Biết dừng lại để gây ngây ngất mới là người biết uống rượu. Trong văn chương biết dừng lại là quí hóa lắm. Nghệ thuật viết văn của Đông Tây kim cổ thâu tóm lại cũng chỉ trong ba tiếng biết dừng lại mà thôi.

Một lao động văn chương nghiêm túc thường có nhiều tác dụng lắm. Thử đeo đôi mắt một chính khách, đọc Đồng bạc trắng hoa xòe, bỗng nhận ra rằng: Thì ra bọn Pháp trước đây, bọn Mỹ vừa rồi, bọn phản động hiện nay đều chú ý đến vấn đề người H'Mông vùng Đông Nam Á chính vì thế đấy. Người H'Mông sống trên núi cao vùng giáp giới các nước Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Miến Điện, móc nối nhau như một tam giác — khu tam giác vàng theo từ ngữ của Mỹ. Dân tộc H'Mông gan dạ và kiên nghị nhưng bị vây hãm bằng ngu dốt và man dại trong lịch sử, tạo cho họ một mặc cảm kỳ thị chủng tộc nặng nề, một niềm mong ước tự trị tha thiết run rẩy, đã góp phần hình thành một tính cách H'Mông đặc biệt.

Phần thiếu sót của cuốn sách không đáng kể. Có chăng ở cảm giác đọc hơn một trăm trang đầu chưa thú vị lắm. Lối dựng các nhân vật phản diện Quốc dân Đảng theo một đường mòn thường thấy, đã là phản động thì xấu từ bên trong ra đến diện mạo, ăn mặc lố lăng, ngôn ngữ đểu cáng, rượu, gái, sợ chết, lại thường bị đẩy vào những tình huống tức cười ngớ ngẩn (Buổi họp thị trấn. Cảnh đón Vũ Khanh. Buổi họp ở nhà Cercle khiến chúng như một hành thi (thây ma đi, từ Đông y) đẩy ngón tay út cũng ngã. Có thể ở những đoạn mô tả các quán ăn chơi bời trước kia, tác giả chỉ được nghe kể lại, phải tưởng tượng ra nhiều hơn là từng trải (Quán Biên thùy). Có thể ở cả tâm trạng các loại người cũ, cũng thanh khí nhưng khác lạ hẳn lớp người anh, mà anh động chạm tới họ bằng những khắc họa ước lệ (Ngọc, Trọng). Sự thiếu sót này chỉ đáng ví như người đứng xem tranh thấy một vài nét màu vulgaire (tầm thường) lẫn lộn trong bức tranh sắc độ màu rất noble (cao nhã) của anh.

Điều đáng tiếc thứ hai, bút lực của anh, sao mà không nhấn thêm, đậm hơn lên cái đoạn mô tả cảnh Pao lao động. Anh có thể làm được lắm! Như anh đã mô tả những đoạn tuyệt hay về cảnh hành quyết người Mèo, cảnh Pao vật ngựa, cảnh Châu Quán Lồ dạy ngựa, cảnh ngày hộ sư các lực lượng vũ trang dân tộc... Với quan điểm yêu quí người lao động như anh, bút pháp của anh, mà chỉ chấm phá vài nét cảnh Pao đi cày, thật đáng tiếc. Anh có cho biết là sợ trùng lặp với một cuốn sách khác của anh, đã mô tả kỹ cảnh này, có trích học trong sách giáo khoa. Đừng câu nệ, anh Ma Văn Kháng ạ. Cứ phải cho vào đây, để hoàn chỉnh một bức tranh đẹp, chặt chẽ về mặt nội dung tư tưởng. Công phu ra thì vẽ lại với một nuance (sắc độ) khác càng hay.

Cuốn sách chưa kết thúc, nó chỉ nên coi là tập I. Chắc tác giả sẽ còn cho các nhân vật gặp nhau trong tập II, giai đoạn cuộc kháng chiến chín năm sẽ có nhiều thăng trầm, mâu thuẫn, xung đột gay cấn hơn nữa. Số phận của Châu Quán Lồ, của Pao, Lử, anh em Seng, Tếnh; những Chính, Đắc, Ngọc; những Triệu Đại Lộc, Phô-rô-pông, các viên thổ ty... còn biết bao là tâm trạng, là cảnh ngộ, là tính cách, sẽ va chạm nảy lửa.*

Nếu coi đây là kết thúc thì cuốn sách lộ ra một nhược điểm lớn. Nhiều nhân vật xử lý chưa hết mức. Có những nhân vật xuất hiện ở phần một rồi mất hút (ông lão Lìu, bào lãi Lìu, sĩ quan cận vệ Mộng Huyền, võ sĩ Vận). Nếu chỉ thế thì tác giả giống như một phù thủy non tay quyết, gọi âm binh lên dày đặc, nhưng không đủ sức sai phái chúng làm hết việc, để chúng rơi vãi, thậm chí quên cả chúng đi.

Ma Văn Kháng còn sung sức. Chúng tôi tin là anh còn đủ sức dắt dẫn nhân vật đi tiếp trong văn học, cho chúng ta thưởng thức những trang sách hay hơn nữa.

Với Đồng bạc trắng hoa xòe, Ma Văn Kháng đã khẳng định là đứng được trong loại hình tiểu thuyết. Nó có thể coi như một cái mốc trên bước đường văn học của anh tính từ Xa phủ.

Một phần năm thế kỷ sống ở miền núi, và quan sát, và viết. Một phần năm thế kỷ ấy thật đáng giá với Ma Văn Kháng. Và sự trân trọng của bạn đọc hôm nay với các tác phẩm của anh, đặc biệt với Đồng bạc trắng hoa xòe là một sự trả giá đầy ý nghĩa.

Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Ma Văn Kháng":