Đột Nhiên Có Tiếng Gõ Cửa là kết hợp hiếm có của sự thâm thúy và sự gần gũi, những câu chuyện của Keret tràn ngập những điều vừa ngớ ngẩn vừa hài hước, những nỗi khao khát và niềm đam mê, dù cho hoàn cảnh câu chuyện thường vô cùng lạ lùng và quái dị, mọi nhân vật của ông lại thường chứa đựng những tính cách rất đỗi con người, quen thuộc và mãnh liệt. ***
Tập truyện ngắn mang tựa đề Đột nhiên có tiếng gõ cửa là tác phẩm thứ sáu của Etgar Keret. Trong truyện cùng tên, người kể chuyện khuyết danh bị giữ làm con tin bởi một nhóm người yêu cầu anh kể một câu chuyện “đừng có trút thực tế xuống đầu bọn tao như một cái xe chở rác. Mày phải dùng trí tưởng tượng của mày, sáng tạo, phát minh hoặc bằng cách nào cũng được.” Và thế là nhà văn đã làm đúng như vậy.
Tất cả các câu chuyện đều chứa đựng nhiều ngụ ý, là những cuộc thử nghiệm trí não. Thế này thì sao? Tại sao lại không? Cái quái gì vậy? Tôi rất vui được biết rằng cuốn sách này, được chuyển ngữ thành tiếng Việt, sẽ mang lại cho độc giả một trải nghiệm rất Israel thông qua những hình ảnh phản chiếu được khúc xạ qua lăng kính của nhà văn về những hỗn độn và ngẫu nhiên vẫn tồn tại hằng ngày.
MEIRAV ELON SHAHAR
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Israel tại Việt Nam
***
Độc giả thân mến,
Sau khi đọc bản thảo mới nhất của nhà văn Etgar Keret, chúng tôi biết Đột nhiên có tiếng gõ cửa là nhan đề phù hợp nhất cho một tập truyện ngắn súc tích và giàu ý nghĩa đến nhường ấy. Có lúc hài hước, có lúc tối tăm, nhưng luôn luôn sáng tạo, Đột nhiên có tiếng gõ cửa là sản phẩm của một trí tưởng tượng kỳ lạ. Những câu truyện cực ngắn, mà âm hưởng lại quá dài. Cuộc sống - trong mắt Etgar Keret - đầy rẫy những bất ngờ, bấp bênh, cô đơn, và trống rỗng.
Cô gái Ella trong truyện “Lột vỏ” vô tình tìm thấy dưới lưỡi bạn trai mình một cái khóa. Cô mở khóa ra và thấy một con người khác - con người thật - của bạn trai mình. Hóa ra, anh ta uống rượu rất nhiều và không yêu cô như cô vẫn tưởng, rồi cuối cùng anh ta bỏ đi. Rồi đột nhiên, Ella cũng thấy dưới lưỡi mình có một cái khóa. Và những băn khoăn được đặt ra: chúng ta liệu đã hiểu hết những người xung quanh mình? Họ là những gì họ thể hiện, hay chỉ là vỏ bọc cho một con người khác - con người mà chúng ta chưa được biết? Và cả bản thân chúng ta nữa, liệu chúng ta có phải là con người như mình nhìn thấy trước gương mỗi ngày?
Anh chàng Haggai trong truyện “Nhắm mắt” dù đã có vợ con nhưng luôn mơ mộng vợ mình là một người khác, những đứa trẻ khác là con mình. Cô gái trong truyện “Ari” yêu đến 28 người cùng tên là Ari và rốt cuộc vẫn chưa tìm ra Ari “thực thụ” của mình.
Vì những bất ngờ, bấp bênh, cô đơn, và trống rỗng ấy, mà chúng ta cần có nhau, cần được chia sẻ và yêu thương, hay nói cách khác - cần được kết nối, một trong những vấn đề lớn của xã hội ngày nay. Nhân vật Sergei trong truyện “Bạn ước gì từ con cá vàng” sẵn sàng đánh đổi một điều ước vô giá chỉ để giữ lại con cá vàng làm bầu bạn. Hay anh chàng trong truyện “Bạn mang gì trong túi” luôn ních chật túi mình với đủ thứ vớ vẩn, từ bật lửa, kẹo ho, tem thư cho đến vài đồng tiền lẻ - tất cả chỉ để không phải bỏ lỡ cơ hội được mở lòng với người khác. Nhỡ có ai đó cần, nhỡ có ai đó hỏi… Hình ảnh “tiếng gõ cửa”trong tựa đề cuốn sách có gì đó giống niềm khắc khoải chờ đợi yêu thương của mỗi cõi lòng.
Bằng trí tưởng tượng đặc sắc của mình, Etgar Keret - hay “bậc thầy về cô đọng” như cách gọi của một số người dành cho nhà văn độc đáo này - mang đến cho người đọc một cách nhìn mới mẻ về thế giới, mà xuyên suốt là sự khao khát, niềm thương yêu, da diết mà không ảm đạm u sầu.
Cả một cuộc sống đa sắc thái được ngồn ngộn hiện bày trong những câu truyện ngắn, với những câu chữ đôi khi cũng gọn lỏn không kém. Và này anh nhà văn, chắc anh đã quen với cảnh ngồi một mình trước màn hình máy tính mà không biết viết gì? Thực tại xung quanh anh, như cách anh cảm nhận, là tẻ nhạt và chẳng có gì đáng viết? Vậy anh thử làm theo cách của Etgar Keret xem sao: đừng bận tâm tới việc lục tung khắp chốn tìm đề tài để viết nữa, thay vào đó, hãy để cuộc sống tự gõ cửa nhà anh, gí súng vào đầu anh, hoặc cầm dao kề cổ anh mà bắt anh phải kể cho nó nghe bằng được một câu chuyện - mà không phải là thứ chuyện anh thích kể sao thì kể, phải là thứ chuyện theo đúng yêu cầu của cuộc sống kia. Biết đâu, lúc đó, kiệt tác của anh sẽ ra đời.
Viết lời giới thiệu dài dòng cho một tuyển tập truyện cực ngắn, thực là một sự mỉa mai. Bây giờ, sách đã mở, mời bạn cùng chu du vào thế giới đượm màu siêu thực của nhà văn Israel đương đại Etgar Keret. Và biết đâu, bạn sẽ gặp mình trong thế giới ấy.
Trân trọng giới thiệu,