Du Hanh Cung Herodotus

Tác giả : Ryszard Kapuscinski
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 3
  • Kích thước : 1.39 MB
  • Số trang : 428
  • Read on mobile :

Bạn có thể đọc vội, lướt qua, nhảy cóc hay bỏ đoạn một cuốn sách nào đó, nhưng xin đừng làm vậy với Du hành cùng Herodotus. Bởi như vậy, nghĩa là bạn đã tự khép lại trước mắt mình một cánh cửa độc đáo mở ra thế giới, đã rút ngắn một con đường mà kẻ ham hiểu biết cần đi, đã góp phần lãng quên một sử gia cần được hồi sinh, và nhất là, đã tự dập tắt khao khát bản năng và cháy bỏng trong mỗi con người: khao khát được xê dịch và khám phá!

Nước Ba Lan xã hội chủ nghĩa những năm 1950, nghèo nàn và phong bế, phóng viên trẻ Kapuscinski chỉ có một ao ước duy nhất: được bước sang bên kia biên giới. Và khao khát ấy đột ngột trở thành hiện thực khi một năm sau, Kapuscinski được tổng biên tập cử đi công cán tại Ấn Độ, quà tặng lên đường không gì khác là tập Sử ký của Herodotus.

Mang theo cuốn sách của người cha của lịch sử, niềm hứng khởi vô bờ trong tim và khuôn mặt ngơ ngác của kẻ lần đầu bước ra thế giới, Kapuscinski bắt đầu cuộc hành trình kép của mình. Một bên là những miền đất trải dài theo đường kinh độ và vĩ độ, sông ngòi và thác lũ, biển cả và núi non, còn bên kia là con đường qua từng trang sách để tìm lại dấu chân một trong những triết gia vĩ đại trong lịch sử nhân loại: Herodotus. Nếu bạn là người thích nối liền hai khoảng thời gian quá khứ và hiện tại, hãy theo con đường thứ hai, nơi Kapuscinski, bằng niềm ngưỡng vọng dành cho bậc triết nhân từ nhiều thế kỷ trước, đã nêu lên những câu hỏi, phỏng đoán và suy ngẫm về cuộc đời, thân thế, triết thuyết của Herodotus. Còn nếu bạn là người thích nối liền những khoảng cách không gian, hãy khoác ba lô lên và đồng hành cùng Kapuscinski trên con đường lầm bụi thứ nhất. Đó là Italy nhìn từ trên cao như một dòng sông ánh sáng, và duyên dáng với những piazza lúc lại gần, là Ấn Độ với đoàn người áo trắng lặng lẽ hành hương về sông Hằng thiêng, nơi những bè hỏa táng đang cháy rực trong đêm tối, là Bắc Kinh nghiêm cẩn xa lạ, khác với vẻ hào hoa cổ kính của đất Thượng Hải kề bên. Và cái nóng như tắm lửa buổi ban ngày và rét thấu xương của sa mạc đêm khiến bạn không thể quên Ai Cập.

Có hai điểm nổi bật trong cách tiếp cận và khám phá một vùng đất mới của Kapuscinski, đó là: tiếp cận đối tượng từ góc độ thời sự và văn hóa. Bằng lối trần thuật tỉ mỉ, khách quan không khí, nếp sống, những bất ổn chính trị, Kapuscinski đã truyền cho người đọc hơi thở mỗi vùng đất ông qua. Algiers đang trong tâm bão của cuộc đảo chính những ngày Kapuscinski tới, im lặng và căng thẳng! Ngọn lửa nồng nhiệt của ông hoàng nhạc jazz Louis Amstrong không đủ làm loãng không khí nghi kỵ đặc quánh tại Ai Cập, và chế độ đẳng cấp tồn tại nghìn năm ở Ấn Độ, hiện lên sinh động hơn qua chân dung những người kéo xe, hầu phòng khách sạn hay đuổi ruồi đời con nối tiếp đời cha trong dinh thự lãnh chúa.

Chuyển tải một cách trung thực những sự kiện trên trong hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm, Kapuscinski xứng đáng được tôn vinh trong vai trò của một thông tín viên quốc tế. Và giúp người đọc nhìn nhận mỗi vùng đất từ khía cạnh khác: khía cạnh văn hóa, Kaspuncinski xứng đáng được tôn vinh trong vai trò một nhà văn hóa. Hơn nửa thế kỷ trước, con người của xê dịch và du hành ấy đã nhìn thấy bên cạnh một Châu Phi bạo động bất ổn, là một Châu Phi của bản sắc văn hóa, với những diễn viên đường phố, những điệu nhảy cuồng nhiệt cùng hàng nghìn mặt nạ độc đáo góp phần tạo nên một thế giới bí ẩn và khác biệt. Những dòng so sánh sắc sảo, thú vị và hóm hỉnh giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng là điểm đáng dừng lại và đọc kỹ trong cuốn sách “Người Hindu là một cá thể thoải mái, người Trung Quốc- cứng nhắc và cảnh giác. Đám đông người Hindu là không định dạng, trôi nổi và chậm chạp, đám đông người Trung Quốc được xếp thành hàng, trật tự và bước đều bước. Tôi cảm thấy trên đám đông người Trung Quốc có một vị chỉ huy, một người có uy quyền, trái lại trên đám đông người Hindu là hội đồng tối cao các thánh thần không đếm xuể và có phần dễ dãi…”.

Cuốn sách có tên là Du hành cùng Herodotus, và chuyến du hành ngược dòng thời gian cùng sử gia Hy Lạp là một trong hai mạch chủ đạo của tác phẩm. Song song với việc tái hiện những điểm chính trong cuốn sử ký của Herodotus, Kapuscinski góp phần làm sống lại một trong những sử gia vĩ đại nhất qua những suy đoán về cuộc đời, cá tính, hành trình chép sử của Herodotus cũng như nhận định về văn phong, cách xử lý tư liệu của sử gia cổ đại này. Ở cuối chuyến đi, Kapuscinski đã tới thăm quê nhà của Herodotus, như một cuộc gặp gỡ sau hơn hai mươi thế kỷ, nhưng mỗi người đọc đều phần nào nhận ra rằng, hai con người này, dường như đã gặp gỡ từ những trang đầu của cuốn sách, bởi những địa điểm họ cùng đặt chân tới, bởi khả năng đi, nhớ, ghi chép, kể lại, và đặc biệt, bởi niềm tin rằng: có thể miêu tả được thế giới này. Những lời sau đây Kapuscinski dành để nói về Horodotus cũng là những gì người đọc muốn dành để nói về Kapuscniski - phóng viên đã góp phần nối liền không chỉ một thế giới: “Cuốn sách của Herodotus hình thành chính là từ những chuyến đi, đó là thiên phóng sự vĩ đại đầu tiên trong nền văn học thế giới. Tác giả của nó có trực giác phóng viên, tai và mắt phóng viên. Ông không biết mệt mỏi, phải vượt biển, băng qua thảo nguyên, đi sâu vào sa mạc- chúng ta trân trọng điều này. Ông làm chúng ta khâm phục vì sự dẻo dai của mình, không bao giờ than vãn mệt mỏi, không gì làm ông ngã lòng, ông chưa một lần nào nói rằng mình sợ hãi điều gì đó. Điều gì đã thôi thúc ông, để ông không mệt mỏi và không sợ hãi dấn thân vào cuộc phiêu lưu vĩ đại của mình? Tôi nghĩ đó là niềm lạc quan mà chúng ta, những con người hiện đại đã đánh mất từ lâu: niềm tin rằng có thể miêu tả được thế giới”.

***

Vài nét về Kapuscinski và Herodotus:

- Kapuscinski

Ryszard Kapuscinski (1932-2007) học lịch sử tại Warsaw rồi làm báo, trở thành phóng viên, chuyên viết về phóng sự nước ngoài, trong khoảng bốn mươi năm phụ trách các khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Ông rất thành công trong sự nghiệp phóng viên với các tác phẩm về chế độ Shah ở Iran hay các chế độ độc tài. Những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông gồm Du hành cùng Herodotus, Imperium, Gỗ mun...

- Herodotus

Sử gia người Hy Lạp, sống ở thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, ông được coi là người cha của môn sử học trong văn hóa phương Tây. Herodotus là nhà sử học đầu tiên sưu tầm tài liệu một cách có hệ thống, tự kiểm chứng độ chính xác và sắp xếp thành những thể truyện sống động, hấp dẫn. Tên tuổi của ông gắn liền với tác phẩm Sử ký - một tài liệu ghi chép những tra cứu về nguồn gốc cuộc chiến tranh Ba Tư - Hy Lạp xảy ra vào giai đoạn 490 đến 479 trước công nguyên, cũng như phong tục của các sắc dân sinh sống tại Châu Á, Phi, Âu.

***

Du ký là mảnh đất màu mỡ lúc xa xôi khi lạ lẫm vẫn là ấn tượng của con người vì thế giới rộng lớn bên ngoài. Tưởng chừng sự hoàn thành quá trình tìm hiểu cặn kẽ những miền đất lạ đã tước đi chỗ đứng của những nhà văn ưa phiêu lưu như Pierre Loti, Blaise Cendrars hay Rudyard Kipling, chấm dứt cái thời Paul Morand cảm khái mà thốt lên rằng: “Đi là chết một ít, nhưng ở lại là vỡ tan thành trăm mảnh” (Những cuộc du hành). Vậy nhưng, thế giới hiện đại của chúng ta vẫn còn những người như V.S. Naipaul và nhất là Ryszard Kapuscinski, một con người xê dịch, một thiên tài của quan sát và sự xâu chuỗi quá khứ với hiện tại. Nhà văn Ba Lan nhiều lần có tên trong danh sách ứng cử viên giải Nobel Văn học đã kể cho ta về châu Á, châu Phi trong một giọng văn đầy hứng khởi nhưng tỉnh táo và tỉ mỉ, mô tả con người ở khắp các ngóc ngách thế giới bằng một chủ nghĩa nhân văn được truyền lại theo con đường kỳ bí nào đó từ phần sáng chói của lịch sử nhân loại. Và không chỉ có vậy, ông còn mang trở lại cho chúng ta một sử gia Hy Lạp ít nhiều bị lãng quên: Herodotus.

***

“Rất ít nhà văn viết được đẹp đến vậy về những điều không thể nói ra. Rất ít nhà văn có được sự can đảm của ông, gần như không ai sở hữu tài năng lớn như ông. Những cuốn sách của ông thay đổi cách thức mà nhiều người chúng ta thường nghĩ về phi hư cấu.”

- The New York Times

“Mỗi khi có biến cố nào xảy ra trên thế giới, ông lại muốn lẻn một chiếc máy bay để tới. Nếu nghe nói về một con đường không ai đi nổi mà sống sót, ông sẽ đi vào đó, chỉ để xem mình có vượt qua được hay không. Cách hiểu thế giới của ông là đi tới điểm nóng, nơi mọi thứ đang sôi sục lên. Và quả thực tôi nghĩ không ai tự đẩy mình vào vòng hiểm nguy nhiều như ông lại hoàn toàn bình thường cho được.”

- Salman Rushdie

“Dù thế nào đi nữa ông cũng vẫn là một thiên tài đặc biệt có một không hai ở thời hiện đại, có lẽ ngoai trừ Kafka.”