Đối với Xã hội kỹ thuật hóa, đây là một mặt thật của Kiếp người, sống trong thời buổi giá trị con người bị tiết giảm xuống con số không: nhân vị, cá nhân, tình cảm hầu như không còn nữa.
Máy móc. Tất cả đều sử dụng theo máy móc, đều hành động một cách máy móc, nên con người cũng bỏ lần nhân cách để theo kịp đà tiến hóa kỹ thuật rồi trở thành nô lệ cho kỹ thuật và lôi cuốn đồng loại mình vào trận cuồng phong, vào vực thẳm.
Có còn chăng chút hy vọng lập lại xã hội loài người, như lời mục sư Koruga, trong truyện:
“Sau rốt, Chúa lại đến phải xót thương con người, - như Chúa đã từng thương hại nhiều lần. Và, giống chiếc thuyền của ông Noé trên lượn sóng trận đại hồng thủy, vài người thật là người, còn giữ được chân tính, sẽ nổi trôi trên trận vận xoáy nhiễu loạn của đại nạn tai ương tập thể này. Và chính nhờ mấy người ấy mà loài người sẽ được bảo tồn cứu vãn, như đã trải qua bao lần trong lịch sử”.
Lời dịch giả
Thi sĩ kiêm văn sĩ Constantin Virgil Gheorghiu sanh ngày 15-9-1916 tại Razboeni-Neamtz xứ Roumanie, con của một vị linh mục ở Moldavie.
Học triết lý và thần học tại Đại học đường Bucarest và Heidelberg (Đức).
Ông sáng tác nhiều quyển sách mà thi phẩm Calligraphie sue la neige được giải thưởng Hoàng gia về thi ca (Prix Royal de Poésie) năm 1940, ở Roumanie.
Ông cưới vợ là nữ sĩ, năm ngày trước trận Thế chiến thứ Hai. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thi sĩ công phẫn và xúc động khi bọn thân phát-xít ám sát Thủ tướng dân chủ Armand Calinesco, nên viết quyển thi binh vực tự do, chống phát-xít, lấy tên là Armand Calinesco (1939). Hậu quả của thi phẩm này là ông suýt bị bọn “cơ quan sắt” thủ tiêu.
Và cũng với lòng công phẫn mà ông viết quyển “Bờ sông Dniestr bừng lửa”, xuất bản ở Bucarest, chống bọn chống phát-xít đã tàn sát một phần ba dân số miền Bessarabie, quê hương ông. Tác phẩm này về sau, đã làm dư luận Pháp chống lại ông. Nhưng theo ông, “đứng trước những tàn phá giết chóc dã man, bất cứ từ đâu đến, thi sĩ không thể không công phẫn”.
Năm 1943, hai vợ chồng phụ trách về liên lạc văn hóa tại Bộ Ngoại giao Roumanie ở Zaghreb. Được một năm, nước Roumanie theo phe Nga. Quân Đức bắt vợ chồng ông giam trong một trại giam các nhà ngoại giao tại Đức. Kế Đức quốc xã thua, vợ chồng ông bị quân Mỹ giam mỗi người một nơi, mãi hai năm sau (1947), mới được thả ra và gặp nhau ở Heidelberg (Đức).
Trong thời gian bị giam cầm, ông viết quyển “Giờ thứ hai mươi lăm”. Nhằm lúc đồng mark mất giá, không thể sống ở Đức, vợ chồng ông đi bộ sang Pháp, đem quyển này dịch ra Pháp văn và cho xuất bản ở Paris (1949).
Đây là một trong những tác phẩm bi đát nhứt của thời đại. Gabriel Marcel, trong bài tựa, đã viết: “Tôi tưởng không còn tìm ra một tác phẩm nào ý nghĩa hơn, phác họa rõ ràng hơn tình trạng hãi hùng mà nhân loại đang bị chìm đắm”.
Tác giả quyển sách bán chạy nhất, - bán 600.000 quyển trong vài tuần lễ, riêng tại Pháp đến 300.000 quyển, - lại bị dư luận Pháp chống đối (1950), khi biết ông là tác giả quyển Bờ sông Dniestr bừng lửa, nghĩa là ông binh vực phát-xít.
Trong một bài tự thuật, Virgil viết: “... Dấu ô nhục chống phát-xít đốt cháy da thịt ta ở Bucarest, và dấu ô nhục phát-xít bị đóng ở Paris chỉ là duyên cớ giản dị để quần chúng bóp chết ta...
Phải chăng người ta chỉ được lên án những sự độc ác dã man của một bên...
Không, nhà thơ ấy chỉ lấy vĩnh cửu làm khuôn vàng thước ngọc...”
Thi sĩ đã đi tu.
Lễ thăng thiên, ngày 23-5-1963, ông được Đức giám mục từ Nữu Ước đến làm lễ thụ phong linh mục giáo hội Chính Thống tại nhà thờ Lỗ-ma-ni ở Ba Lê.