Trong bối cảnh xã hội hiện nay đang có những biến đổi mạnh mẽ, việc nuôi dạy, giáo dục trẻ em ở nhà và ở trường ngày càng trở nên thách thức hơn. Đa số người lớn đều mong muốn con em, học sinh của mình có ý thức kỷ luật, giữ gìn nề nếp tốt, chủ động, tự tin, là “con ngoan trò giỏi”.
Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được điều đó luôn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh, giáo viên trăn trở, đặc biệt là đối với những trẻ em thường bị coi là bướng bỉnh, hay quậy phá, mắc lỗi. Trong rất nhiều trường hợp khi trẻ mắc lỗi, người lớn thường dùng các hình phạt hà khắc như đánh đập, mắng chửi để mong muốn trẻ thay đổi, sửa sai và không phạm lại lỗi đó nữa. Song kết quả thường không được như họ mong muốn. Thay vì làm theo ý người lớn, nhiều trẻ trở nên khó bảo hơn, lì lợm và chống đối; cũng có nhiều trẻ trở nên khép mình hơn, trầm cảm và thiếu tự tin. Hậu quả là trẻ thường học tập kém, phát triển không toàn diện về thể chất, tinh thần và mối quan hệ với người lớn ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Mặc dù nhiều người biết việc trừng phạt, đánh đập, mắng chửi không làm trẻ tốt hơn, nhưng họ không biết nên làm cách nào khác. “Phương pháp kỷ luật tích cực” có thể là một giải pháp tốt mà chúng tôi muốn giới thiệu với các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo.
Trong khuôn khổ dự án “Phòng chống trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em” do Tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện tại 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đã tiến hành biên tập, thử nghiệm và tập huấn về “Phương pháp kỷ luật tích cực”. Nội dung tập huấn và tài liệu thử nghiệm đã nhận được các phản hồi tích cực và đánh giá rất cao từ các giáo viên, phụ huynh, cán bộ quản lý nhà nước và các chuyên gia về tâm lý, giáo dục, quyền trẻ em. Dựa trên các đánh giá và phản hồi đó, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện bộ tài liệu về “Phương pháp kỷ luật tích cực”.
Bộ tài liệu này sẽ giúp các bậc phụ huynh, giáo viên hiểu rõ hơn về trẻ em, tâm lý lứa tuổi, tác dụng tiêu cực của việc trừng phạt trẻ em và trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng nhằm giáo dục, kỷ luật trẻ em một cách tích cực và hiệu quả. Bộ tài liệu này giúp họ học cách kiềm chế sự tức giận, căng thẳng của mình khi thấy trẻ bướng bỉnh, làm sai lời. Họ có thể học được cách đưa ra những lời khuyên hay, những nội quy tốt để trẻ dễ làm theo. Họ có thể học được cách lắng nghe một cách tích cực để hiểu trẻ hơn, hiểu bản thân hơn. Họ có thể sẽ học được cách động viên, khích lệ khi trẻ làm việc tốt. Và họ sẽ học được cách làm thế nào để con em, học sinh mình trở nên ngoan ngoãn, học giỏi mà không phải dùng tới các hình phạt.
Bộ tài liệu này được biên soạn thành các cuốn sách khác nhau. Trong tay các bạn là cuốn hướng dẫn dành cho những tập huấn viên, những người sẽ tiến hành các lớp tập huấn cho các bậc phụ huynh, giáo viên và những người chăm sóc trẻ. Ngoài ra, tài liệu sẽ được biên tập và xuất bản dưới dạng thông tin trực tiếp dành riêng cho phụ huynh và thông tin hướng dẫn dành cho giáo viên.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Viện tâm lý học, người đã rất tâm huyết cho việc biên soạn và là tác giả chính của cuốn tài liệu này.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn Tiến sĩ Đỗ Ngọc Khanh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hường, Cử nhân Phùng Thị Quỳnh Hoa đã đóng góp xây dựng ý tưởng cho việc biên soạn tài liệu này.
Phương pháp Kỷ luật tích cực
Chúng tôi xin cám ơn các chuyên gia trong và ngoài nước về tâm lý, giáo dục, quyền trẻ em, ban giám hiệu các trường đã tiến hành thử nghiệm tập huấn, các bậc phụ huynh, giáo viên và cán bộ đã phản hồi, đóng góp tích cực cho nội dung tài liệu này.
Chúng tôi xin cám ơn các cán bộ của Tổ chức Plan là Anne Marie Davies, Peter Van Dommelen, Shikha Ghildyal, Nguyễn Thị An, Lương Quang Hưng, Đỗ Thị Thanh Huyền và Phạm Hồng Hạnh đã dành thời gian góp ý, biên tập và hoàn chỉnh bộ tài liệu này.
Chúng tôi xin cám ơn văn phòng Plan Phần Lan đã hỗ trợ tài chính cho việc biên soạn và thử nghiệm cuốn tài liệu này. Chúng tôi xin cám ơn văn phòng Plan Bỉ đã hỗ trợ tài chính cho việc xuất bản bộ tài liệu này.
Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn nữa cuốn tài liệu này trong những lần tái bản sau.
Thay mặt Tổ chức Plan tại Việt Nam