Bạn chỉ còn đúng năm phút để tới kịp lễ khai mạc buổi hội thảo vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp của mình trong khi vẫn đang loay hoay tìm chỗ đậu xe, và bạn chỉ có hai lựa chọn: chấp nhận bị phạt hành chính vì đỗ xe sai nơi quy định để tới hội thảo đúng giờ hay tiếp tục tìm kiếm bãi đỗ xe và đến muộn.
Đây chỉ là một ví dụ trong vô số bài toán kinh tế mà mỗi chúng ta phải giải hằng ngày. Như vậy, kinh tế học hóa ra không chỉ là một lĩnh vực tri thức cao siêu, xa vời dành riêng cho những nhà kinh tế học, chính khách hay doanh nhân, nó hiện diện trong mọi quyết định lớn nhỏ của đời sống. Nhận thức được tầm quan trọng của những hiểu biết kinh tế học căn bản đối với con người trong xã hội đương đại nhiều biến động khó lường, Niall Kishtainy đã trang bị cho độc giả đại chúng một “công cụ” sắc bén, hữu ích mà lại rất dễ dàng tiếp cận.
Lược sử kinh tế học chọn lọc và trình bày theo trật tự biên niên những hình thái, học thuyết, vấn đề và quy luật kinh tế then chốt trong các xã hội phương Tây suốt mấy ngàn năm qua với một góc nhìn khách quan, cách diễn giải cuốn hút và những ví dụ minh họa rất sinh động, gần gũi. Có lẽ, không ít độc giả, sau khi gấp cuốn sách này lại, sẽ không còn muốn chuyển kênh khi chương trình ti vi tường thuật một buổi tọa đàm của các chuyên gia kinh tế.***
Cuốn sách thích hợp cho những người hứng thú với kinh tế học, nhưng lại cảm thấy lạc lối giữa những cuốn giáo trình kinh tế dài cả hàng nghìn trang hay đau đầu bởi những thuyết kinh tế “khô khan”. Chỉ với độ dày hơn 300 trang, “Lược sử kinh tế học” đã trình bày hầu như đầy đủ những cột mốc quan trọng trong quá trình nền kinh tế hình thành và vận hành; đề cập và giải thích những lí thuyết kinh điển, cũng như những hiện tượng kinh tế phát sinh trong đời sống hàng ngày.
Kinh tế đã gắn liền với con người ngay từ khi những nền văn minh nhân loại đầu tiên được hình thành. Kinh tế cũng chính là nguyên nhân và động lực thúc đẩy các mối quan hệ xã hội phát triển. Vì thế, việc hiểu về kinh tế sẽ là lợi thế cho một cá nhân trong cuộc sống đầy biến động ngày nay. Và Niall Kishtany sẽ mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về kinh tế thông qua quyển sách này. Chỉ vọn vẹn 40 chương sách nhưng ông đã bao quát được toàn cảnh nền kinh tế, từ lúc nền kinh tế đơn giản khởi nguồn là vấn đề “khan hiếm”-con người chỉ lo tìm đủ thức ăn, đến khi sản xuất dư thừa và rồi vấn đề kinh tế trở nên phức tạp hơn: xuất hiện sản lượng thặng dư dẫn đến các hoạt động trao đổi mua bán. Cả một quá trình xuyên suốt lịch sử và song song với sự phát triển của nền văn minh nhân loại, kinh tế học ngày nay không chỉ xoay quanh việc xem xét cách chúng ta sử dụng nguồn lực khan hiếm để thỏa mãn các nhu cầu, mà theo Niall Kishtany, kinh tế học còn “đề cập đến việc làm thế nào để giúp mọi người sống sót, khỏe mạnh và được giáo dục”.
Những con thiên nga bay lên: các nhà kinh tế học đầu tiên là ai?
Có lẽ khi nhắc đến kinh tế học, bạn sẽ nghĩ ngay đến Adam Smith-cha đẻ của kinh tế học cổ điển và nổi tiếng với tác phẩm đồ sộ “Sự giàu có của các Quốc gia”. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi, kinh tế học xuất hiện từ khi nào và ai là những nhà kinh tế học đầu tiên? Ắt hẳn bạn sẽ gặp khó khăn khi cố gắng tìm kiếm lời giải đáp trong những quyển sách kinh tế khác, bởi hầu hết các quyển sách kinh tế ấy đều sẽ tập trung vào một số lí thuyết kinh điển hoặc các hiện tượng kinh tế xung quanh ta.
Review Lược sử kinh tế học
Nhưng chương 2 của “Lược sử kinh tế học” sẽ mang đến cho bạn câu trả lời hết sức bất ngờ: những nhà kinh tế học đầu tiên là các triết gia Hy Lạp. Các triết gia Hy Lạp như Plato, Aristotle đã được ví von như “những con thiên nga bay lên” với những tư tưởng lỗi lạc, là khởi nguồn nguyên sơ của các ý tưởng về của cải, tiền, trao đổi và mua bán. Ở đâu có con người, ở đó nền kinh tế hình thành: các kiểu nền kinh tế phức tạp đầu tiên đã xuất hiện ở La Mã và Hy lạp, sau đó là vùng Lưỡng Hà trù phú.
Những lí thuyết kinh điển tưởng chừng khô khan nhưng lại cuốn hút không tưởng
Đến với “Lược sử kinh tế học”, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với các tư tưởng và thuyết kinh tế học kinh điển! Tác giả Niall Kishtany đã kế thừa truyền thống và giá trị cốt lõi của kinh tế học thông qua việc đề cập đến cách thức hoạt động của các đối tượng trong thị trường tự do, cùng với lí thuyết “Bàn tay vô hình” của Adam Smith; thuyết “Thế tiến thoái lưỡng nan của tù nhân”,…Tuy không khó để bắt gặp các thuyết này trong những quyển sách cùng thể loại, nhưng những trải nghiệm mà quyển sách này mang lại vô cùng mới mẻ, không hề “bình mới rượu cũ”. Bằng văn phong mượt mà, câu chữ gọn gàng đơn giản, tác giả đã trình bài, phân tích và giải thích rất rõ ràng xúc tích các vấn đề ấy. Bên cạnh đó, cuốn sách còn đề cập đến ứng dụng của các lí thuyết ấy trong đời sống hàng ngày để độc giả có thể tư duy sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn bản chất thay vì tiếp thu thụ động, gò ép. Chẳng hạn: việc bạn chọn lựa giữ tiết kiệm tiền bên mình, gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng hoặc đi đầu tư sẽ ảnh lưởng như thế nào đến lợi ích của bản thân bạn và nền kinh tế xã hội? Bạn chọn Coca hay Pepsi? Và còn rất nhiều những tình huống thực tế khác đang chờ đợi bạn khám phá. Vì thế, cuốn sách sẽ là một lựa chọn hữu ích cho những ai đang có ý định tìm hiểu về kinh tế học hoặc cả những người đã có hiểu biết về nó.
Tại sao bạn nên trở thành một nhà kinh tế học?
Đây chính là tiêu đề chương cuối cùng của quyển sách - chương 40 và cũng là câu hỏi của Niall Kishtany. Tác giả đã nêu ra một số thực trạng khá ảm đạm của nền kinh tế học: tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu,…Chính vì thế mà một số người nghi ngờ và chỉ trích vai trò của ngành khoa học kinh tế học nói chung và các nhà kinh tế học nói riêng. Nhưng khi đã đọc 39 chương trước, bạn sẽ hiểu, nền kinh tế không chỉ xoay quanh các vấn đề về thương mại, sản xuất, tiêu dùng mà nó còn ảnh hưởng đến khía cạnh đời sống xã hội, vấn đề đạo đức và môi trường. Sự nóng lên toàn cầu nguyên nhân một phần là do hoạt động sản xuất; tỉ lệ thất nghiệp gia tang do những cải tiến trong kĩ thuật công nghệ, những phúc lợi xã hội có thể bù đắp vào những tổn thất mà các doanh nghiệp gây ra cho môi trường,…Đó là những câu hỏi cấp thiết đặt ra cho chúng ta-những con người tham gia vào nền kinh tế. Và những nhà kinh tế học hiện nay đang nỗ lực tìm ra giải pháp cho sự cân bằng: làm thế nào để nên kinh tế mang lại hiệu quả cao nhất nhưng vẫn đảm bảo không gây ra các ngoại lai tiêu cực. Nếu bạn say mê kinh tế học và có những ý tưởng kinh tế tuyệt vời, biết đâu được trong tương lai, bạn sẽ trở thành một nhà kinh tế.
Quyển sách kinh tế này được chia thành 40 chương với những chủ đề tuy riêng biệt nhưng lại xuyên suốt cùng nhau. Điều này giúp cho độc giả có thể thoải mái đọc theo sở thích của mình. Bạn có thể tra mục lục và tìm đọc chương mình thích, ngược lại, nếu cảm thấy chương đang đọc thật nhàm chán, bạn có thể bỏ qua nó. Một điều thú vị của quyển sách này chính là cách đặt tên từng chương rất đặc biệt. Khi đọc mục lục của sách, chắc chắn bạn sẽ phải tò mò bởi tên chương! Nó gợi cho bạn niềm hưng phấn muốn lật giở ngay từng trang sách và ngấu nghiến để xem nội dung của chương là gì. Một số tên chương rất mĩ miều như “Cái đầu lạnh và trái tim nóng”, “Tắt nắng”,” Sự phá hủy để sáng tạo”, ”Sự hòa hợp ngọt ngào”. Đọc đến đây, có lẽ bạn sẽ không khỏi kinh ngạc và khó tin: làm sao tôi có thể liên tưởng được chúng có liên quan gì đến kinh tế học chứ? Hãy tìm đọc quyển sách này, để có thể giải đáp thắc mắc ấy của bạn nhé, bạn sẽ không thất vọng đâu!
***
Kinh tế học không phải là chủ đề quá xa lạ với những ai đã kinh qua môi trường Đại học. Nhưng những học thuyết đồ sộ cùng cách tiếp cận có phần khô cứng và thụ động trong môi trường giáo dục (của mình) có thể đã không mang lại hiệu quả như kì vọng. Việc tìm đến những nguồn tài liệu khác, phổ quát và đại chúng hơn là nhu cầu thiết yếu đối với những người mới bắt đầu tìm hiểu về kinh tế. “Lược sử kinh tế học” của Niall Kishtainy đã làm khá tốt vai trò này.
Thứ nhất, tác giả đã làm rất tốt việc diễn giải những học thuyết và tư tưởng kinh tế một cách đơn giản và dễ hiểu nhưng vẫn giữ vẹn nguyên được những điều cốt lõi. Cách kết hợp yếu tố lịch sử để nêu ra các quan điểm và tư tưởng theo từng thời kì, từng bối cảnh xã hội giúp người đọc dễ hình dung và có cái nhìn khách quan về từng học thuyết.
Thứ hai, tác giả không bao giờ chỉ đưa ra các học thuyết đơn thuần mà không gắn nó với những ví dụ thực tiễn. Tất cả những khái niệm đều có thể lấy ví dụ dễ dàng trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bạn có thể sẽ bắt gặp mình đang tư duy như một nhà kinh tế học khi đối diện với một vài vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ khi mình nói chuyện với một người bạn về tình yêu, mình đã nghĩ đến khái niệm hiệu suất cận biên giảm dần:)))
Thứ ba, cách tác giả đưa thêm những giai thoại lịch sử về các nhà tư tưởng khiến cuốn sách giữ được nhịp độ vừa phải và khơi gợi trí tò mò của người đọc. Đặc biệt, tác giả luôn biết cách giải thích, đánh giá các tư tưởng và tính liên hệ thực tế với bối cảnh hiện đại và đặt ra những câu hỏi thách thức với nhiều vấn đề còn tồn đọng trên thế giới.
Tuy nhiên, việc một đôi chỗ tối nghĩa, diễn giải chưa thoát ý (có thể một phần do dịch thuật), khiến trải nghiệm đọc sách của mình chưa được trọn vẹn. Khối lượng 40 chương tương ứng với gần 40 học thuyết cũng khá đồ sộ, nếu trải nghiệm đọc liên tục sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa các học thuyết và khó nắm bắt hệ thống.
Nhìn chung, đây vẫn là một cuốn sách mà mình sẽ giới thiệu với bất kì ai mới bắt đầu tìm hiểu về kinh tế. Kinh tế học là nhàm chán, có thể. Nhưng nghiên cứu về kinh tế trên phương diện kiến thức phổ quát cũng sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về những mối tương quan của con người trong xã hội. Vai trò của các nhà kinh tế học cũng rất quan trọng trong việc định hướng và dẫn dắt những bước tiến tiếp theo của xã hôi loài người. Nếu bạn đang cần những những kiến thức về kinh tế học, một cách đầy đủ mà đơn giản nhất, cuốn sách này là dành cho bạn.
Mời các bạn đón đọc Lược Sử Kinh Tế Học của tác giả Niall Kishtainy & Tạ Ngọc Thạch (dịch) & Nguyễn Trọng Tuấn (dịch).