Lương Văn Can - Xây Dựng Đạo Kinh Doanh Cho Người Việt

Thể loại: Marketing kinh doanh
Tác giả : Nguyễn Hồng Dung
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 61
  • Kích thước : 890 KB
  • Số trang : 167
  • Số lượt tải : 7
  • Read on mobile :

Cùng bạn đọc: Kiếm tiền hay phụng sự xã hội?

Bộ sách mà bạn đọc đang cầm trên tay là kết quả của dự án nghiên cứu mang tên “Đi tìm Đạo Kinh doanh của Việt Nam và Thế giới” do Tổ Hợp Giáo Dục PACE thực hiện trong suốt 14 tháng vừa qua.

Chúng tôi đặt tên cho bộ sách này là “Đạo Kinh doanh Việt Nam và Thế giới” với mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc doanh nhân và bạn đọc quan tâm đến kinh doanh, những kiến giải về hàng loạt các câu hỏi như: “Kinh doanh là gì?”, “Doanh nhân là ai?”, “Đâu là “đạo” của nghề kinh doanh?” và “Tại sao kinh doanh là một nghề cao quý và xứng đáng được xã hội tôn vinh?”...

Từ câu chuyện của những huyền thoại doanh nhân thế giới

Đội ngũ chuyên gia của PACE cùng các cộng sự đã nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của 25 doanh nhân huyền thoại, đến từ 25 tập đoàn kinh doanh dẫn đầu trong những bảng xếp hạng doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhằm tìm kiếm “cái đạo”, cái triết lý cốt lõi trong kinh doanh của họ. Mục đích là để lý giải xem vì sao họ là những người kiếm tiền nhanh nhất, kiếm tiền nhiều nhất và kiếm tiền bền vững nhất thế giới, đồng thời họ lại được xã hội đặc biệt kính trọng?

Phân tích từng chặng đường, từng mốc sự nghiệp, từng bước thăng trầm... của những huyền thoại doanh nhân này, chúng tôi đã đúc kết được những nét chung nhất, nói chính xác hơn, là những yếu tố khiến họ trở nên vĩ đại, trở thành những doanh nhân huyền thoại.

Đó là sự khao khát, là niềm đam mê một cách mãnh liệt để sáng tạo, để đem đến thật nhiều giá trị mới cho cuộc sống và cho xã hội. Họ đã thực hiện được điều đó bằng việc cống hiến cả cuộc đời mình lẫn việc truyền đạt, dẫn đường cho hậu thế. Vì vậy mà ngày nay chúng ta đã có hàng loạt những câu chuyện về họ:

Đó là câu chuyện ông chủ hãng ô tô Ford đã “đặt cả thế giới lên bốn bánh xe”, làm cho trái đất “quay” nhanh hơn khi trao cho đông đảo mọi người trong xã hội cơ hội sở hữu chiếc xe ô tô - vốn trước đó chỉ dành riêng cho giới thượng lưu và những người giàu có. Chỉ một quyết định giải quyết “nhu cầu lưu chuyển” cho xã hội, Henry Ford đã làm thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta.

Đó là câu chuyện chàng trai Larry Page tin tưởng tuyệt đối vào sứ mệnh “tổ chức lại hệ thống thông tin thế giới” của mình, kiên trì cùng Google theo đuổi giấc mơ một ngày nào đó, Google sẽ là người dẫn đường cho mọi người tham gia vào thế giới mênh mông của tri thức, thông tin trực tuyến.

Đó là câu chuyện chàng thanh niên Akio Morita bằng mọi giá phải đáp ứng nguyện vọng được nghe đài phát thanh để cập nhật thông tin cuộc sống của một nước Nhật hoang tàn sau chiến tranh, đến khát vọng “kiến tạo một nền giải trí tương lai” cho cả thế giới mà Sony đang sống và sáng tạo mỗi ngày.

Đó là câu chuyện Jorma Ollila, bằng chiếc điện thoại Nokia cùng những giá trị được tạo ra trong nó, ông không những góp phần định dạng lại đất nước Phần Lan trên bản đồ toàn cầu mà còn kết nối cả thế giới này và làm cho mỗi chúng ta trở nên “gần nhau” hơn.

Đó là câu chuyện khi nhắc đến máy tính IBM, có lẽ chúng ta sẽ không thể không nghĩ đến hình ảnh chữ “Think” và người khai sinh ra nó, Thomas Watson Sr. IBM trở thành “gã khổng lồ của thế giới” trong suốt gần 100 năm qua cũng chính là nhờ chữ “Think” đó, mà theo Thomas Watson Sr. thì nó nghĩa là: “Mọi rắc rối đều có thể giải quyết nếu người ta chịu khó suy nghĩ”. Suy nghĩ để phục vụ con người chính là bí quyết thành công của các thế hệ IBM...

Đến những câu chuyện mà chúng tôi vẫn thường kể

Lời đầu của bộ sách, chúng tôi muốn kể lại với quý vị một vài câu chuyện mà PACE luôn tự hào khi tìm thấy nó trong hành trình “Khát Vọng Doanh Trí” của mình trong suốt những năm vừa qua:

Bà chủ một tiệm tạp hóa suốt ngày không vui vì buôn bán ế ẩm. Nhưng sau những ngày tháng nhìn vào “mắt” khách hàng, bà chợt nghĩ: “sao tôi không là người giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm cho cả xóm?”. Và mọi chuyện thay đổi. Từ đó, nhiều gia đình chưa khá giả trong khu phố có thể mua một, hai gói mì tôm (mà không cần phải mua cả thùng mì), một tép bột ngọt (mà không cần phải mua cả gói bột ngọt). Bà có thể mở cửa lúc mờ sáng hay nửa đêm, khi chẳng còn nơi nào bán hàng nữa để đáp ứng nhu cầu “hết chanh đột xuất” hoặc “nhà không còn nước mắm”. Hay hơn nữa, mọi người chỉ “xẹt” một hai bước chân là có ngay những vật phẩm cần thiết nhất cho gia đình. Lại thêm chuyện giá cả của bà so với chợ và siêu thị cũng chẳng chênh lệch là bao. Ai cũng đoán ra kết quả: cửa tiệm suốt ngày người ra kẻ vào, bà thì bán hàng luôn tay và cười nói luôn miệng. Không chỉ tiền lãi thu được tăng cao, mà bà còn có “lợi nhuận” lớn nhất là sự quý mến của mọi người dành cho một người biết kinh doanh như bà.

Câu chuyện thứ hai về một cơ sở sản xuất tủ sắt. Người ta thường mua tủ của cơ sở này về để đựng hồ sơ. Một cơ sở bé xíu rất đỗi bình thường thì liệu có mang trong người “sứ mệnh xã hội”? Trong một thời gian dài, cơ sở hoạt động cầm chừng, cho đến một ngày ông chủ của nó thay đổi cách nghĩ: tôi không “bán tủ sắt” nữa, mà sẽ “bán giải pháp lưu trữ hồ sơ văn phòng”. Từ đó, ông và đồng sự tiến hành nghiên cứu để tạo ra những cái tủ sao cho có thể chống được mối, mọt, chống thấm, ngăn tủ này thì có khóa kiên cố để đựng hồ sơ quan trọng, ngăn tủ khác thì không cần khóa để dễ kéo ra kéo vào... Ông cũng chịu khó đi đến các văn phòng để nghiên cứu màu sơn, thay đổi kích cỡ, kiểu dáng... Thế là sản phẩm của ông còn thêm tính năng làm đẹp cho cả văn phòng của các công ty. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở của ông đã lột xác và phát triển rất nhanh.

Như vậy, doanh nghiệp lớn hay nhỏ tùy thuộc vào vấn đề xã hội mà họ giải quyết được. Bà chủ tạp hóa của khu phố nọ cùng Sam Walton (ông chủ tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart) đều giải quyết vấn đề mua sắm của xã hội thông qua việc mở cửa hàng bán lẻ. Họ chỉ khác nhau về phạm vi: xã hội của bà chủ tiệm tạp hóa là một khu phố, còn xã hội của Sam mang tầm cỡ thế giới.

Điều xã hội quan tâm không phải là doanh nghiệp đó kiếm được bao nhiêu mà là họ đã mang lại gì cho cộng đồng. Chẳng hạn, trong khi tỉ phú Nhật, Toyoda (“cha đẻ” của Toyota), với tinh thần ái quốc được người Nhật xem như anh hùng dân tộc thì tỉ phú Nga, Khodorkovsky (ông chủ của Yukos), ông ta là ai trong mắt dân Nga thì chỉ người Nga mới thấu rõ. Sự khác nhau này có lẽ do cách thức kiếm tiền của họ.

Nghề kinh doanh, xưa nay vẫn thường bị hiểu chỉ như là nghề “kiếm tiền”. Nhưng thực chất, không hề có nghề kiếm tiền, bởi nghề nào thì cũng kiếm tiền cả. Chẳng hạn, luật sư kiếm tiền bằng việc hành nghề luật, bác sĩ kiếm tiền bằng cách chữa bệnh cứu người... Và doanh nhân, người hành nghề kinh doanh, cũng kiếm tiền bằng cách lãnh đạo một doanh nghiệp và thông qua doanh nghiệp đó để giải quyết vấn đề hay đáp ứng nhu cầu nào đó của xã hội. Nhưng điều khác biệt của nghề kinh doanh là trong quá trình hành nghề của mình doanh nhân không hành động một cách đơn lẻ mà biết kiến tạo ra các chuỗi giá trị. Cụ thể hơn, họ nắm lấy một doanh nghiệp và tập hợp bên mình nhiều thành viên để cùng cộng hưởng lại nhằm hình thành một sức mạnh tổng lực, từ đó tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội. Đó cũng chính là lý do mà nghề kinh doanh thường kiếm được nhiều tiền hơn so với những nghề khác và vẫn được cộng đồng xã hội ủng hộ.

Nghiên cứu 25 huyền thoại doanh nhân thế giới cho thấy, dù có quá nhiều sự khác biệt nhưng họ đều có chung một tư tưởng chủ đạo: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”. Hay nói một cách đầy đủ hơn, “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, bằng cách dùng sản phẩm hay dịch vụ như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.

Cái “đạo” kinh doanh này đã được họ quán triệt ngay từ buổi đầu khởi nghiệp đầy gian khó cho tới lúc thành công. Và sự thật này cũng chính là lý do giúp họ kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất, bền nhất, còn bản thân họ thì được xã hội tôn vinh, nể trọng, và rồi họ đi vào lịch sử kinh doanh thế giới như những huyền thoại, doanh nghiệp của họ cũng vĩ đại và trường tồn.

Như vậy, với một tâm thế luôn hướng về cộng đồng, luôn khát khao làm cho xã hội quanh mình (có thể nhỏ gọn trong một ngôi làng hoặc rộng lớn bằng cả một hệ mặt trời) tốt đẹp hơn, chính họ, những doanh nhân (dù lớn hay nhỏ, dù “Tây” hay “Ta”, dù “cổ” hay “kim”) luôn được xã hội tôn vinh không phải vì số của cải khổng lồ họ kiếm được, mà vì những đóng góp vô giá của họ vào sự đổi thay của thế giới này.

Rồi quá trình định hình của “văn hóa doanh nhân Việt Nam”

Song song với những doanh nhân lẫy lừng của thế giới, điều khác biệt ở bộ sách này là chúng tôi đã khởi sự hành trình tìm kiếm những “huyền thoại doanh nhân Việt Nam” để, như một cố gắng, “định vị” xem ông cha ta ngày xưa đã khởi sự kinh doanh như thế nào. Và thật bất ngờ, trong lịch sử Việt Nam đã từng có những Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô... với những tư tưởng kinh doanh có thể gây ngạc nhiên cho đến tận bây giờ.

Gần 100 năm trước, một nhà yêu nước, một trí thức lớn và cũng là nhà kinh doanh Lương Văn Can đã khẳng định trên tờThực nghiệp Dân báo:

“Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt, buôn bán thịnh thời trong nước giàu mạnh không biết đến đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không biết đâu mà kể, cứ xem cái trình độ buôn bán một nước nào cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo, văn hay dã. Việc buôn bán thịnh suy có quan-hệ đến quốc-dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường, xem khinh được sao”.

Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của Thương học phương châm, cuốn sách giáo khoa đầu tiên của thương giới Việt Nam, cụ Lương Văn Can đã chia sẻ:

“Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu rất tiện...”.

Cụ Lương Văn Can còn chỉ ra những điểm hạn chế chính của những người làm kinh doanh Việt Nam thời bấy giờ: Không có thương phẩm, không có thương đạo, không có thương học, không biết giao thiệp, không biết trọng nghề, không có kiên tâm, không có tín thực...

Gần 100 năm sau, Người Việt gia nhập kỷ nguyên toàn cầu hóa, ngẫm lại, thấy thắt lòng vì những điều người xưa nói vẫn còn nguyên giá trị. Và dẫu hiện nay chúng ta đang cùng chung sống, làm ăn trong bối cảnh toàn cầu hóa thì doanh trí Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách quá xa so với doanh trí thế giới, cả về tư duy và tầm nhìn, cả về cái tâm và cái đạo.

Tuy nhiên, cũng trong việc lần giở những trang sử mà ông cha để lại, chúng ta bỗng vui mừng nhận ra những cột mốc quan trọng trên hành trình xây dựng đạo kinh doanh, định hình một nét văn hóa kinh doanh rất riêng của người Việt.

Đầu tiên phải kể đến dấu ấn của thời điểm Hồ Chủ Tịch gửi thư cho các giới công thương Việt Nam, vào ngày 13 tháng 10 năm 1945. Bức thư có đoạn viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập “Công Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Đó không chỉ là một bức thư động viên để “chấn doanh khí” mà còn là sự khẳng định bản chất cơ bản, đạo lý cốt lõi trong nghề doanh thương của nước nhà, đó là: Giới doanh thương hãy hoạt động sao cho “ích quốc lợi dân”, ích nước lợi mình.

Rồi một lần khác, tại hội chợ triển lãm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 1958, báo Nhân Dân trích đăng lời Hồ Chủ Tịch: “Những người sản xuất phải cố gắng sản xuất nhanh, nhiều, tốt và rẻ. Hàng làm ra nhanh và nhiều nhưng không tốt và rẻ thì không ai mua. Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất, nhưng trước nhất người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải thực thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu. Giá cả phải chăng, không lừa dối người mua. Sản xuất phải thiết thực và đúng hướng, đảm bảo làm nhiều loại hàng tốt và rẻ cần dùng cho đông đảo nhân dân”.

Và chắc có lẽ bạn đọc cũng chưa quên cái khoảnh khắc mà Luật công ty năm 1990 ra đời với quan điểm người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Đến đúng 10 năm sau, Luật doanh nghiệp năm 2000 quy định lại: Người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

Nghề doanh nhân đã bước sang một giai đoạn mới trong lịch sử kinh thương của nước nhà. Và thật sự, chúng ta cũng không thể quên thời khắc Thủ tướng chính phủ ra quyết định chọn ngày 13 tháng 10 hằng năm là “Ngày doanh nhân Việt Nam”; và không thể quên những hàng tin chạy dài trên trang nhất tất cả các báo: “Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ X: Đảng viên được làm kinh tế tư nhân”.

Chúng ta tìm thấy gì trong những mốc son ấy? Đó chính là những bước ngoặt góp phần vào sự định hình mỗi ngày một rõ nét hơn của văn hóa doanh nhân Việt Nam.

Song cũng qua chính những mốc son ấy, chúng ta biết được rằng, “văn hóa doanh nhân Việt Nam” (còn gọi là “văn hóa kinh doanh Việt Nam” hay “Văn hóa của giới doanh nhân Việt Nam”) đang trong quá trình được định hình. Tuy nhiên, để có được một “văn hóa” như mong muốn thì trước hết cần phải có “tư tưởng”, đồng thời phải xác định được những “yếu tố hình thành” văn hóa cho giới doanh nhân của ta.

Và bằng những nghiên cứu của mình trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng, để giải quyết vấn đề “tư tưởng” thì ta phải xác định rõ “doanh nhân là ai?” và “kinh doanh là gì?”. Và lời đáp sâu xa của hai câu hỏi này nằm ở cái “đạo” của nghề kinh doanh, hay còn gọi là “đạo kinh doanh”.

Đọc lại cuộc đời và sự nghiệp của cụ Lương Văn Can, không ít người tự hỏi: Cái “thương đạo” (hay gọi là “đạo kinh doanh”) mà cụ vẫn hay nhắc đến thực ra là gì?

Phải chăng đó là chữ “tín” trong kinh doanh, là truyền thống buôn bán ngay thẳng, thật thà không gian dối mà bản thân cụ là một điển hình?

Phải chăng đó là cách thức liên kết trong làm ăn mà cụ thường gọi là “thương hội” để cùng nhau tạo nên sức mạnh tổng lực đẩy nền kinh tế quốc gia tiến về phía trước?

Phải chăng đó là cách đối đãi với khách hàng, đồng sự hay nhân công của mình một cách thấu tình đạt lý, tôn trọng, sẻ chia theo cách đôi bên cùng có lợi?

Hay phải chăng, đó là việc cố gắng kiếm được thật nhiều tiền, rồi mang phần lớn số tiền kiếm được đó để cống hiến cho xã hội bằng việc xây trường cho trẻ nghèo, gửi tiền cho kháng chiến, cứu trợ đồng bào gặp thiên tai hay lập quỹ khuyến học, khuyến tài...?

Tất nhiên, tất cả những yếu tố đó là một phần của đạo kinh doanh, của truyền thống kinh doanh cao đẹp mà Cụ đã chỉ ra, đã đề cao và kêu gọi mọi người học theo.

Nhưng cái “lõi” của “thương đạo”, cái “lõi” của “văn hóa doanh nhân” của giới doanh nhân Việt Nam lại hoàn toàn khác, cao hơn, rộng hơn, sâu hơn và phản ánh đúng bản chất của nghề kinh doanh hơn: “Kinh doanh, nghĩa là dùng sản phẩm hay dịch vụ của mình như là phương tiện để giải quyết những vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”.