Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường đặt ra và gây được ấn tượng ở các vấn đề chìm và nổi, ở bề mặt và bề sâu trong sự đan xen giữa nền nếp ý thức và sinh hoạt tinh thần ở nông thôn nói chung, trong những người nông dân nói riêng; các vấn đề gia tộc và dòng họ; hôn nhân và gia đình; các quan hệ làng xã và lề thói nông xã...
Không chỉ là chất thơ mà còn là bi kịch, và là những bi kịch gọi nhau. Không chỉ những con người nhân danh đủ dạng trong thế bài trừ tiêu diệt lẫn nhau mà còn là đủ những người dị dạng bị đẩy ra hoặc hút vào những giao tranh quyết liệt đó.
Tóm lại đó là nông thôn trong một tổng chân dung những con người vừa là tội nhân vừa là nạn nhân, mà lịch sử đang giao cho họ một trách nhiệm có lẽ là quá lớn, quá tầm của họ; nhưng lại không thể chuyển cho ai khác, vì nói như Ăng-ghen, vẫn phải rđặt lên vai những con người do lịch sử để lại...
Tuy vậy, truyện không làm cho người đọc bi quan. Có thể do giọng điệu hài hước của tác phẩm. Có thể do kết thúc sáng sủa của câu chuyện tình, sự thức tỉnh của chiến thắng của cá nhân và hạnh phúc cá nhân trước uy quyền dòng họ. Nhưng chủ yếu có lẽ là ở chỗ tác phẩm cho người ta nghe thấy tiếng dội của một thời đại mới đang vang động từ trong hậu trường: nhân dân đang thực hiện quyền dân chủ của mình. Âm khí còn nặng nề nhưng dương khí đã bắt đầu phát triển. Thế giới ma quỷ đã rơi vào khủng hoảng dữ dội để tự huỷ diệt do những xung đột của chính bản thân nó.
Cuốn sách không chỉ dừng lại ở việc miêu tả mối quan hệ dòng họ, nhưng những trang tâm đắc nhất hình như không ngoài việc miêu tả ấy. Một văn phong mang dáng dấp của Tắt đèn, từ cách lựa chọn thời gian để biểu đạt (thời kỳ giáp hạt ở nông thôn luôn mang ý nghĩa điển hình), đến số phận của bà Son, cô Đào, lão Quềnh... Nhưng nét hiện đại đã chen vào trong câu văn của Mảnh đất lắm người nhiều ma. Từ sử dụng độc đáo và đích đáng các khẩu ngữ, thành ngữ, đến việc ẩn giấu, lẩn quẩn một giọng điệu bi hài để soi xét và nghiền ngẫm tận tâm can con người.
Trang viết của Nguyễn Khắc Trường, vì vậy quánh đặc hệt như một thứ nước cốt mà ai đó, những nhà văn ít tài năng có thể pha loãng ra làm văn của mình.***
Trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma nhân vật dường như tự bộc bạch nỗi lòng của mình mà không cần đến sự khơi gợi hay thúc ép của tác giả.Tất cả những tình huống bi kịch trong tiểu thuyết được tác giả giải thích dưới hình thức châm biếm, hài hước. Đằng sau giọng điệu cười đùa bỡn cợt là một tấm lòng yêu thương ưu ái với đời.
Đọc những dòng viết về lão Quềnh bị chôn lần thứ hai, bạn không khỏi thấy đau đớn “lão phải hy sinh một lần nữa để cứu danh dự cho người khác đấy”. Mỗi một nhân vật của Nguyễn Khắc Trường đều có một cá tính riêng biệt độc đáo không giống bất cứ ai, không trùng lặp. Mưu mô thủ đoạn như Thủ, Phúc, láu lỉnh cơ hội như Sửu, nhu nhược cả tin như Son, mạnh mẽ, quyết liệt, bộc trực như Đào, Tùng, Minh... tất cả tạo nên một bức tranh sinh động về cuộc sống của những người dân quê.
Bên trong những con người dân quê đó, bên cái phần người là phần ma, ma quỷ ám ảnh cuộc sống con người. Nó chi phối làm tê liệt các giác quan khỏe khoắn của biết bao người về cuộc sống. Nhiều đoạn văn trong Mảnh đất lắm người nhiều ma sắc lạnh gây một cảm giác rờn rợn khi đọc.Giá trị thẩm mỹ cao nhất của tác phẩm văn học là hình tượng nghệ thuật. Tác giả Nguyễn Khắc Tường đã góp phần vào cho nền tiểu thuyết hôm nay những hình tượng nhân vật mang giá trị thẩm mỹ giáo dục sâu sắc.
***
Không dè cái đói giáp hạt này lại có đủ móng vuốt nhảy xổ vào cả xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã. Nơi đây nếu tính từ phía bắc xuống, là địa danh cuối cùng của đất trung du. Có đủ sông ngòi đồi sim: ruộng lúa. Làng vẫn còn khung cổng tiên cổng hậu như hai ụ súng ở đầu bắc và đầu nam. Những phiến đất nung màu gan gà vừa to vừa dày ốp khít vào nhau, chắc đến đập không vỡ. Con đường chính giữa làng dài một cây số được lát bằng gạch vồ mua từ dưới Hương Canh - Vĩnh Phúc, mà lát nghiêng, nên bây giờ vẫn chắc khừ. Có số gạch lát đường này là bởi ngay xưa làng có lệ mỗi đám cưới phái nộp 200 viên. Trai làng lấy gái làng nộp 200 thế tức là môi bên có một trăm viên thôi. Nhưng nếu trai gái làng đi lấy vợ chồng ở đồng đất khác, thì gia đinh cứ cũng phải chồng đủ 200 viên. Thế mới biết ngay một làng nhỏ như cái mắt muỗi, người ta cũng không khuyến khích xuất dương, không thích mở cửa ra ngoài! Làng còn quy định những người đỗ đạt từ tú tài trở lên được nhận chức từ lý trưởng trở lên, và cả thành phân này nữa, ấy là những cô theo cách gọi nôm na là hoang thai cũng phải nộp 200 viên gạch vồ. Thành thử đường làng được lát bằng những niềm vui hạnh phúc, sự kiêu hãnh, chức danh và được lát bằng cả nỗi khổ đau ê chề của những mảnh đời.
Nếu ví cả xã là cái bánh, là bông hoa, thì Giếng Chùa là cái nhân đường cái nhị mật: nghĩa là nơi có lề thói nhất, cái sang và cả cái gàn của Giếng Chùa cũng là nhất xã, ở đây liên tục có những người đỗ đạt và nhưng người có địa vị chức sắc, dù chỉ là chức sắc ở xã, nhưng cũng lại thường xuyên có một hai anh chàng chày cối, đến mức dù thời nào thì những gã xắng cá này cũng như sống ngoài vòng pháp luật! Từ lâu số nhà ngói ở đây vẫn đứng đầu toàn vùng, mà lại chơi cầu kỳ lợp toàn ngói ta, nhỏ và đều tăm tắp như vảy rồng... Trông rêu phong và cổ kính. ấy thế mà vố này cũng đói vàng mắt! Nhiều nhà nấu cháo phải độn thêm rau tập tàng. Nhiều nhà luộc chuối xanh chấm nuối. Đến cả bà Đồ Ngật, người vẫn quen ăn trắng mặc trơn, phiên chợ nào cũng xách làn mây đi mua hôm thì chân giò lợn ỉ, hôm thì, cá chép cả con còn giãy đành đạch.
Giờ cạn vốn, liền sáng chế ra bánh mạt ngô, thứ ngô trước đây chỉ dùng chưn gà, để ăn trừ bữa. Còn ông Quản Ngư, người được cả làng khen là chí lớn gan to, nước lã mà vã nên hồ. Bởi trong lúc khối anh có của nhưng chỉ ru rú bám váy vợ ở xó nhà, thì ông Quản với hai bàn tay trắng đã từng chu du đến nửa vòng trái đất. Hết Tân đảo, Tân-gia-ba, rồi mò mẫm sang đến cả đất tây từ thời còn bóng tối.
Khi về ông đã diện oách một bộ đồ dạ màu đất sét từ chân tới đầu.Quần dạ, áo dạ đính cúc đồng, mũ dạ tròn như cái nồi đồng úp ngược, lại thêm đôi giày săng đá, giữa mùa đông mà cũng trông bức đến phát sốt? Rồi lại thêm bộ răng vàng sáng choé cả mồm! Nói cái gì ông cũng độn thêm tiếng Tây, lưỡi cứng đá ngược lên tận mái ngói, đến quăng cả mồm miệng! Và mặc dù ông vẫn ở với bà vợ yếm trắng, răng đen,khăn mỏ quạ và vẫn chẳng có chức sắc, chẳng đỗ đạt gì; nhưng ông Quản cũng có quà mừng của kẻ hồi hương là biếu làng 200 viên gạch vồ Hưng Ký, viên nào viên ấy cứ vuông bằn bặn như những cái gối đầu, chín đỏ lìm lịm. Khối người còn rỉ tai là ông có của chìm nữa. Hỏi ông chỉ cười tủm tỉm loe loé ánh vàng! Bộ dạng rõ là coi tiền bạc chẳng ra gì, hãi thế!