Từ xưa đến nay, giới nghiên cứu vẫn “chia hai phe” khi luận bàn về công/tội của danh sĩ Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871). Có một thời, phái luận tội thắng thế. Những năm gần đây thì tình thế có thay đổi, khi mà nền học thuật nước nhà đã có nhiều bước chuyển biến tích cực và khách quan hơn trong đánh giá.
Tác phẩm Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (NXB Trẻ, 2013) của Nguyễn Đình Đầu, với nhiều sử liệu khả tín, là một công trình đi theo hướng tích cực này.
Bằng cách bám sát vào nhiều nguồn sử liệu và tài liệu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chỉ ra rằng việc quy kết Nguyễn Trường Tộ “tay sai, bán nước” là quá ấu trĩ. Lật giở lại hành trình tri thức và thái độ khoa học của Nguyễn Trường Tộ, sách không chỉ chứng minh được tài năng vượt bậc, tư duy táo bạo, quan điểm cấp tiến, canh tân… mà còn gián tiếp cho thấy lý do vì sao ông bị cô lập.
Như tựa đề, sách gồm hai câu chuyện song hành, một là về nhà canh tân bất thành Nguyễn Trường Tộ, một là về triều đình nhà Nguyễn thời vua Tự Đức, vốn khá bảo thủ, lạc hậu. Để qua đây, sách một lần nữa cho thấy sự tiếc nuối của hậu bối với tiền nhân, bởi tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ mà được áp dụng ngay đương thời thì tình thế của Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn lao.
Theo TS Giáp Văn Dương, cùng thời và cùng tư tưởng canh tân với Nguyễn Trường Tộ, nhưng Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã thành công rực rỡ vì bối cảnh xã hội Nhật Bản đã sẵn sàng cho điều này từ lâu.
Với kiến thức sâu rộng, kết hợp được tư tưởng Đông Tây, các sách lược canh tân của Nguyễn Trường Tộ đi thẳng vào các lĩnh vực từ nông nghiệp, thương mại, quốc phòng… cho đến ngoại giao, văn hóa, giáo dục, xã hội, kiến trúc, xây dựng…
“Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ, ngẫm ra là một nghịch lý khó tin nhưng có thật. Yêu nước nhưng không được giúp nước vượt qua đại họa ngoại xâm; thực sự có tài năng xuất chúng nhưng vấp phải vật cản quá lớn - sự trì trệ bảo thủ, dị ứng với chủ trương duy tân, tự cường của triều đình Tự Đức và sự nghi ngờ dai dẳng của họ với những người tin theo Kitô giáo. Bi kịch lớn lao ấy bình thường ra có thể nhấn sâu những con người nặng lòng với đất nước vào tình trạng trầm cảm, u uất, bế tắc. Nhưng với Nguyễn Trường Tộ thì không. Ông đã bộc lộ một phẩm chất đáng tôn trọng: sự kiên trì nhẫn nại - nhẫn nại đến mức phi thường” - PGS.TS Trần Hữu Tá viết.
Và ông khẳng định: “Giờ đây, trong hoàn cảnh đất nước đang quyết tâm đổi mới, tự cường, khắc phục nguy cơ tụt hậu, đọc lại tập Điều trần của Nguyễn Trường Tộ, tin rằng mỗi trí thức cao cấp cũng như mỗi độc giả bình thường đều sẽ có những cảm nhận đặc biệt. Có thể đó là sự xúc động về lòng yêu nước chân thành nồng nhiệt của người đã khuất. Dường như ông không phải viết bằng mực bình thường mà bằng máu từ chính trái tim mình - một trái tim luôn quặn thắt trước tình hình ngày càng bi đát của đất nước”.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
***
Năm 2011, Đức giám mục Vinh - Nguyễn Thái Hợp có thiện ý muốn tổ chức kỷ niệm 140 năm (1871-2011) ngày qua đời của nhà yêu nước Nguyễn Trường Tộ ngay tại quê hương và phần mộ ở Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, thành phố Vinh nay. Nhiều học giả đã tán thành và gửi bài tham luận. Rất tiếc năm 201 là năm có nhiều vấn đề nhạy cảm mà vấn đề Nguyễn Trường Tộ nằm trong số đó! Nên không có gì để kỷ niệm Nguyễn Trường Tộ cho đáng với một nhân vật lịch sử lớn như ông.
Tôi cũng được vinh dự đóng góp một báo cáo nhỏ. Đó là bài Giả như kế hoạch đánh úp Gia Định của Nguyễn Trường Tộ được thi hành![1]. Tất nhiên, không có tọa đàm hay nghi thức kỷ niệm thì bài này không được ra mắt quý bạn đọc.
Sau ngày 30.4.1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, giới Công giáo thành phố Hồ Chí Minh thường biểu lộ lòng mến quê hương với bài ca rất phổ biến Trước khi là Công giáo tôi là người Việt Nam. Công giáo hay không, đều là người Việt Nam, đều có nghĩa vụ và quyền lợi của một công dân trung thành với tổ quốc dân tộc.
Thiển nghĩ Nguyễn Trường Tộ là nhân vật Công giáo nêu tấm gương yêu nước tuyệt vời ấy ngay từ thời “trung quân ái quốc”, trong một giai đoạn lịch sử cực kỳ phức tạp và đen tối. Ông đã điều trần Tự do tôn giáo[2]là quyền thiêng liêng, nhưng nhiệm vụ phụng sự đất nước cũng là bất khả kháng. Ngay từ khi Công giáo truyền vào Việt Nam hơn 400 năm trước, một sáng kiến thần học đã lập thuyết Tam phụ tức phải tôn kính ba cha: Trời, (thượng phụ). Vua (trung phụ) và đấng sinh thành (hạ phụ). Như vậy, càng kính Chúa và hiếu hạnh thì càng phải “trung quân ái quốc”. Lý thuyết đâu có trái nghịch với thực tế! Trong một điều trần, Nguyễn Trường Tộ giải thích về thuyết Tam phụ rất minh bạch và hấp dẫn, trước khi sáng tác điều trần Ngôi vua là quý, chức quan là trọng [3]. Tuy nhiên, với tư cách một thường dân tha thiết tới vận mệnh dân tộc, Nguyễn Trường Tộ đã đệ đạt lên triều đình Tự Đức những bài học lịch sử và thời sự quốc tế nhằm canh tân xứ sở và cứu nguy dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm này, tôi đã mạo muội viết một số bài trên tuần báo Công giáo và Dân Tộc ngõ hầu giới thiệu Nguyễn Trường Tộ như một tấm gương ái quốc chói sáng cho tín hữu chúng tôi. Từ xưa đến nay đã có nhiều học giả hay tác giả viết về Nguyễn Trường Tộ. Tôi đã học hỏi được nhiều, song tôi không thể trích dẫn hết các điều trần và những nhận xét sâu sắc của quý vị. Tôi chỉ dám lựa chọn một góc nhỏ: Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức (1861-1871) và đặc biệt sử dụng tư liệu tổng hợp về Nguyễn Trường Tộ của Trương Bá Cần[4]cùng bộ chính sử Đại Nam thực lục chính biên[5].
Chúng ta đều biết khoảng giữa thế kỷ XIX, sau khi thôn tính được nhiều thuộc địa trên thế giới, đế quốc Pháp khởi công xâm chiếm nước ta và các tiểu quốc thuộc quyền bảo hộ Việt Nam ở Đông Dương, với lý do Việt Nam không tôn trọng tự do tôn giáo! Ngày 19.6.1988, Tòa thánh phong hiển thánh cho 117 tín hữu, mà dưới ba triều Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức có tới 111 vị (58+3+50) tuẫn tử trong thời gian từ 1833 đến 1862. Đó là những năm Pháp đem tàu chiến và quân lực đến uy hiếp và đánh phá Việt Nam. Tín hữu hy sinh thực sự vì trung thành với đức tin, nhưng chính quyền cấm đạo và tàn sát tín hữu có lẽ vì lý do chính trị hơn tín ngưỡng. Tôi đã cố giải thích khúc mắc này qua tập sách nhỏ Tiểu sử Cha Khâm - Đặng Đức Tuấn[6].
Dẫu chỉ lựa chọn nghiên cứu vấn đề ở một góc hẹp và đa phần là trích dẫn các tư liệu chính xác, nhưng chúng tôi vẫn thành thực xin quý độc giả nhắc nhở cho biết những gì còn sai nhầm hay thiếu sót. Xin trân trọng cám ơn.
Cuối thu năm 2012
Nguyễn Đình Đầu