Những Câu Chuyện Khoa Học Hiện Đại

Tác giả : Phạm Việt Hưng
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 82
  • Kích thước : 1.88 MB
  • Số trang : 268
  • Số lượt tải : 3
  • Read on mobile :

Nếu bạn là người quan tâm đến số phận của vũ trụ, trong đó có số phận của chính bạn và tôi, hẳn là bạn sẽ phải thích thú với bài báo của Micheal Lemonick trên tạp chí TIMES ngày 25 tháng 06 năm 2001, nhan đề “How The Universe Will End” (Vũ trụ sẽ kết thúc ra sao). Nội dung bài báo này nói về “ngày tận thế của vũ trụ”, về cái ngày vũ trụ sẽ không còn tồn tại nữa, mọi thứ sẽ hoá ra hư không.

Xin nói ngay rằng đây không phải là “ngày phán xử cuối cùng” trong Kinh Thánh. Không ai có tội lỗi gì ở đây cả. Đây là một lý thuyết khách quan về những quy luật tất yếu của vũ trụ, một lý thuyết hoàn toàn mới của vũ trụ học, ra đời đúng vào phút bản lề chuyển sang thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới.

Để thấy rõ cái mới trong lý thuyết này, bạn phải biết rằng trước đây vài ba năm, các nhà vũ trụ học không tiên đoán số phận vũ trụ như thế. Mặc dù từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng vũ trụ dãn nở, nhưng không mấy ai nghĩ rằng vũ trụ sẽ dãn nở mãi mãi. Bởi lẽ như thế thì bức tranh tương lai của vũ trụ quá bi đát: Nếu dãn nở mãi mãi thì điều tất yếu là vũ trụ sẽ loãng dần, mật độ vật chất trong vũ trụ sẽ tiến tới 0, và vũ trụ sẽ tiêu vong.

Để tránh sự tiêu vong đó, các nhà vũ trụ học nghĩ ra nhiều mô hình về tương lai của vũ trụ. Các mô hình này đều tuỳ thuộc vào yếu tố mật độ vật chất trong vũ trụ.

Nếu mật độ vật chất quá nhỏ, lực hấp dẫn sẽ không đủ để giữ vật chất ở lại với nhau, khi đó cơn ác mộng vũ trụ dãn nở mãi mãi sẽ là hiện thực. Vật chất hiện nay mà chúng ta nhìn thấy, như các ngôi sao, các thiên hà, các cụm thiên hà, v.v. quả thật là quá ít so với số lượng cần thiết theo tính toán để giữ cho vũ trụ tồn tại được ít nhất ở mức như thiện nay. Vì thế các nhà khoa học quả quyết rằng ắt phải có những dạng vật chất bí ẩn - gọi là vật chất tối (dark matter) - mà khoa học chưa hề biết đã đóng vai trò chủ yếu vào việc giữ cho vũ trụ tồn tại. Việc thăm dò tìm kiếm những dạng vật chất tối này là một trong những đề tài quan trọng nhất của vũ trụ học và vật lý học hiện đại. Nhiều nhà khoa học tin rằng, những dạng vật chất tối đó có thể chiếm một tỷ lệ cực lớn so với vật chất nhìn thấy, và do đó tổng khối lượng vật chất trong vũ trụ sẽ tạo ra một lực hãm đủ mạnh để hãm dần tốc độ dãn nở của vũ trụ chậm lại, v.v.

Nhưng đùng một cái, năm 1998, tin tức phát đi từ California, Mỹ, đã làm toàn thế giới khoa học sửng sốt: những số liệu đo đạc và tính toán mới nhất của nhóm các nhà thiên văn dưới sự lãnh đạo của Perl Mutter tại Lawrence Berkeley Laboratory về các vụ nổ của các siêu-tân-tinh (supernova) dạng Ia cho thấy vũ trụ không hề dãn nở chậm lại như người ta hy vọng, mà ngược lại ngày càng nhanh lên. Nói cách khác, vũ trụ dãn nở với gia tốc. Điều này có nghĩa là chẳng có gì có thể kìm hãm đà dãn nở của vũ trụ được, và rằng cơn ác mộng vũ trụ dãn nở mãi mãi có thể sẽ là một hiện thực!

Bản thân tôi bị choáng váng bởi thông tin này, bởi tôi là kẻ yêu đời, ước mong sao cho thế gian tồn tại mãi mãi. Chắc bạn còn nhớ bản nhạc “The End of the World” của The Carpenters? Lới bài hát thật tuyệt vời:

“Do they know it’s the end of the world,

It ended when you said good-bye …“

(Chúng có biết chăng thế gian này đã đến

phút tận cùng kể từ ngày em nói lời chia tay …).

Thế đấy, chỉ có những người thất vọng vì tình ái mới có thể chấp nhận thế giới kết thúc. Còn tôi, tôi lo lắng cho số phận của vũ trụ, mặc dù theo lý thuyết vũ trụ mới mẻ nói trên, “Kỷ Đen Tối” (Dark Era) - tức là lúc vũ trụ chỉ còn một màn đêm tuyệt đối vì chẳng còn ngôi sao nào nóng bỏng chiếu sáng nữa - cũng còn phải mất một thời gian rất lâu nữa mới xẩy ra. Chắc chắn là lúc đó chúng ta không còn trên thế gian này nữa, và không chắc toàn bộ loài người lúc đó còn tồn tại nữa, vậy mà tôi vẫn thấy hồi hộp!

Vì thế tôi quyết định đem câu chuyện này tâm sự với một người bạn, một chuyên gia vật lý lý thuyết mà tôi rất kính nể. Nhưng anh dội cho tôi một gáo nước lạnh: “Làm gì có chuyện đó, làm gì có chuyện vũ trụ dãn nở gia tốc, chuyện ở đâu ra vậy?”. Tôi ngẩn người, thuật lại đầu đuôi mọi chuyện, dẫn chứng sách vở khá chi tiết. Vậy mà anh vẫn nhất định không chịu, khăng khăng nói rằng đó là chuyện vô lý, và bản thân anh chưa từng đọc thông tin ấy ở bất kỳ đâu, kể cả trên sách vở, báo chí, lẫn Internet.

Tôi buồn quá, không tranh luận nữa, vì thực tế tôi chỉ định hỏi ý kiến anh, mong anh có những luận cứ khoa học giúp tôi hiểu rõ vấn đề hơn mà thôi. Và lúc đó tôi chợt nhận ra rằng vấn đề thông tin khoa học quan trọng thật. Tôi chẳng qua là may mắn đã có thông tin khá đầy đủ về sự kiện nói trên, cả trên báo, trên sách, lẫn trên Internet, nên mới biết rõ hơn anh một chút mà thôi. Có thể bạn tôi mải mê dạy học suốt ngày nên không có điều kiện nắm bắt thông tin mới chăng?

Nhiều người hiện nay tuyên bố khá tự tin rằng trong thời buổi thông tin Internet, bất kể điều gì cũng có thể nắm bắt được hết, miễn là có một chiếc computer nối mạng. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng 50% thôi. Internet quả thật là một biển thông tin vô hạn, nhưng chắc chắn không phải có sẵn và đầy đủ mọi thông tin mà bạn cần biết, ít nhất đó cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi và của rất nhiều người sử dụng internet khác. Sách báo vẫn là những thứ không thể có gì thay thế được, đặc biệt những sách báo kinh điển. Thí dụ: Một phát minh được loan báo trên Internet đồng thời được in trên một ấn bản hàn lâm định kỳ truyền thống, thì xin thưa rằng văn bản in trên ấn bản đó mới được coi là văn bản gốc, chính thức. Vả lại chắc gì bạn đã dễ dàng khai thác được một thông tin quý báu trên Internet nếu bạn không “đánh hơi” được nguồn của nó. Cách thu thập thông tin tốt nhất vẫn là cách tổng hợp mọi nguồn thông tin, trong đó sách báo vẫn đóng một vai trò rất quan trọng. Những người vội tin rằng thời đại Internet sẽ chôn vùi sách báo có lẽ đã nhầm. Sách báo chắc chắn còn sống mãi cùng với loài người, thậm chí ngày càng phát triển hơn. Xét cho cùng, các hình thức thông tin khác nhau không loại trừ lẫn nhau, mà chúng bổ xung cho nhau.

Vì thế tôi quyết định gửi những bài báo của tôi đã được đăng trong nước đến nhà xuất bản, chủ yếu bao gồm những câu chuyện khoa học hiện đại. Hy vọng những thông tin trong cuốn sách này sẽ thật sự bổ ích với độc giả, vì hầu hết đó là những thông tin về những khám phá, phát minh khoa học và công nghệ mới nhất trong vài năm gần đây, tất nhiên trong đó có những phần liên quan đến câu chuyện vũ trụ nói trên.