Được xuất bản lần đầu cách nay hơn nửa thế kỷ (1958), “Quê hương tan rã” được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đánh giá là tiểu thuyết thể hiện sâu sắc sự lụi tàn của nền văn hóa truyền thống châu Phi trước sức công phá của những thế lực văn minh hiện đại - mà cụ thể là sự xâm lấn của thực dân phương Tây hồi cuối thế kỷ XIX.
Tác giả đã chọn chương 13 - con số rủi ro theo quan niệm của người phương Tây - để kết thúc những mô tả về những bản sắc văn hóa của bộ tộc Ibo rồi sau đó bắt đầu kể về những mất mát khôn lường mà bộ tộc ấy phải gánh chịu kể từ khi người da trắng dùng phương tiện tôn giáo như là những bước dò dẫm đầu tiên trên hành trình đô hộ.
Nội dung chương 13 ấy kể: Do một lỗi không cố ý, Okonkwo, nhân vật chính được tác giả dựng lên như một biểu tượng cho tính cách con người ở lục địa đen, theo luật tục, đã phải rời bỏ quê nhà đi lánh nạn. Bảy năm sau, khi được trở về, Okonkwo đau đớn nhận ra hình ảnh quê hương bản quán mà từ lâu mình đau đáu đã không còn nguyên vẹn như xưa: người da trắng đã đem tín ngưỡng và luật pháp của họ áp đặt lên mảnh đất Ibo thiêng liêng và lôi cuốn những người đồng hương, trong đó có đứa con đầu của Okonkwo, báng bổ lại những điều mà bộ tộc ông hằng tin tưởng.
Thiên truyện kết thúc bằng cái chết treo cổ của nhân vật chính sau khi giết một tên lính người Anh. Cái chết tất yếu bởi Okonkwo nhận ra không thể lôi cuốn được đồng bào mình cùng đứng lên cứu lấy quê hương đang trên đà tan rã.
Bằng bút pháp giản dị mà sống động, Chinua Achebe đã dẫn dắt người đọc đến tận cội nguồn bản sắc văn hóa châu Phi qua những chi tiết về phong tục hết sức đặc trưng: chuyện đám cưới, đám tang; chuyện vợ chồng, chuyện sinh nở, bệnh tật; chuyện cầu cúng, kiêng kỵ…
Trong mỗi câu chuyện ấy, người đọc nhận ra một tính cách cộng đồng mạnh mẽ, một cách sống đậm nét nhân văn, một đời sống tín ngưỡng mà trong đó thế giới thần linh trở thành mối dây liên hệ thiêng liêng cố kết con người Ibo, giúp họ vượt qua bao khắc nghiệt của thiên nhiên để tồn tại và bảo vệ các giá trị tinh thần được cả cộng đồng công nhận.
Không mô tả bằng định kiến và đầy cảm tính như nhiều tác giả viết về đề tài thực dân ở châu Phi, “Quê hương tan rã” đã thể hiện một cách lý giải khách quan và hết sức công bằng của Chinua Achebe về quá trình lụi tàn của những nền văn hóa các bộ tộc Phi châu trước sự thâm nhập vừa cưỡng bức vừa tinh vi của người phương Tây trên bước đường chinh phục thuộc địa. Qua những trang viết ấy của ông, bạn đọc của các nước từng sống trong hoàn cảnh thuộc địa như các xứ châu Phi càng thêm thấm thía.
Đời sống người châu Phi hôm nay chắc chắn khác rất nhiều thời của nhân vật Okonkwo; nhưng, trên một vài phương diện nào đó, những bài học xung đột mà Chinua Achebe mô tả vẫn còn nguyên tính thời sự.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà những người dịch tác phẩm này (Nguyễn Hiến Lê và Hoài Khanh) đã giới thiệu như sau trong lời Tựa “… tác phẩm giúp ta hiểu về châu Phi hơn các bộ sách nghiên cứu về châu đó”.***
Cho tới cuối Thế chiến vừa rồi, nhờ những hình trong các sách giáo khoa về địa lý, nhờ các phim chiếu trên màn ảnh và nhờ ít cuốn du ký hay thám ký, chúng ta có được một số ấn tượng rõ rệt về châu Phi Da Đen: cảnh rừng già âm u, cảnh đồng cỏ mênh mông với sư tử, tê ngưu, cá sấu, với những cây baobab khổng lồ cả chục người ôm, những thổ dân đen bóng như than mỏ Hồng Gai bị chứng bụng ỏng hoặc da voi, những cuộc săn đầu người rùng rợn, những cuộc vũ ngoáy mông trong tiếng trống thùng thùng trước một dãy chòi như hình nón úp, những ông thực dân da trắng đội nón “cát” đi “ghệt”, nghễu nghện trên lưng lạc đà hoặc voi, phía sau là một đoàn dài nô lệ da đen khiêng các rương hành lý và các thùng quân nhu, đạn dược... Chúng ta thỏa mãn về những ấn tượng đó, tự cho là có ý niệm đúng về châu Phi Da Đen rồi, chẳng cần tìm hiểu tâm lý, phong tục thổ dân ra sao, tin chắc rằng họ không có một nền văn minh, chỉ là một giống người “ở ngoài lề”, không đáng cho mình quan tâm tới. Vì tình nhân loại, chúng ta coi họ là những con người, chứ không phải là người như chúng ta, mặc dầu ta với họ đều ở trong một hoàn cảnh như nhau: dưới ách thực dân da trắng. Lỗi đó không về ta, mà về thực dân: chính họ chiếm đất của người da đen, bóc lột dân da đen mà khinh bỉ người da đen, không tìm hiểu người da đen. Chúng ta học lại họ, nên cũng ngu xuẩn như họ.
Nhưng hai chục năm nay, từ khi các dân tộc châu Phi lần lần được giải phóng - mới gần hết chứ chưa hết - thì tình cảnh đảo ngược lại. Không kể các chính khách hoạt động luôn luôn vị lợi, chúng ta đã thấy nhiều học giả Âu, Mỹ nghiên cứu về các dân tộc Da Đen như G. Balandier, G. Padmore, Mannoni, Jean-Paul Sartre, nhất là W. E. B. Du Bois, tác giả cuốn Âmes noires đã được tái bản lần thứ hai mươi lăm... Các nhà đó đều nhận rằng có một nền văn minh da đen độc đáo, một thời đã rực rỡ, thời đó cách đây bốn ngàn năm miền Sahara còn phì nhiêu, xanh tốt, chưa thành một sa mạc - mà trước kia người phương Tây không biết; và người da đen chỉ khác chúng ta ở màu da chứ tâm lý và trí tuệ cũng như chúng ta, không thể bảo họ là một giống người thấp kém được.
Đồng thời, từ khi được độc lập, không bị thực dân áp chế, cấm đoán nữa, vô số học giả, văn nhân, thi sĩ da đen, viết về văn minh, phong tục, đời sống của họ, cất lên tiếng kêu ai oán để khóc những đau khổ, tủi nhục cùng hi vọng của họ như T. Olawale Elias, Engelbert, Mveng, Dominique Traoré, Amas Tutuola, Mongo Beti, Léopold Séder Sanghor, Aimé Cesaire (tác giả tập thơ Return to my Native land, rất nổi danh), C. A. Diop (tác giả các cuốn l Unite culturelle de l Afrique noire, Nations negrest et culture), và Chinua Achebe mà hôm nay chúng tôi xin giới thiệu với độc giả.
Achebe sinh năm 1930 ở Ogidi, một làng lớn miền Tây Phi, xa biển và cách con sông Niger khoảng sáu bảy cây số. Tổ tiên ông thuộc bộ lạc Ibo sống trên vùng hạ lưu sông Niger. Khi những nhà truyền giáo Anh bắt đầu tới trong miền (khoảng 1870) thì ông nội ông niềm nở đón tiếp họ, cho một người con trai theo học họ, người con này năm 1904 thành một trong những nhà giáo Ibo đầu tiên, kết hôn với một thiếu nữ gia đình thợ rèn - nghề này rất được dân chúng trọng vì tin rằng có bùa phép - và sanh ra Chinua Achebe.
Achebe học ở trường Trung học Umuahia, sau lên đại học Ibadan, là một trong những người đầu tiên lập thân từ đại học này. Năm 1924 ông làm ở đài Phát thanh Nigeria, tám năm sau lên chức Giám đốc. Vừa làm việc ông vừa viết tiểu thuyết, viết khá mạnh: cuốn đầu tay Things fall apart (Quê hương tan rã) xuất bản năm 1958, hai năm sau ra cuốn No longer at ease (Không còn được yên ổn nữa), tiếp theo là cuốn Arrow of God (Mũi tên của Thượng đế).
Ông thành công ngay từ bước đầu: Quê hương tan rã được các nhà phê bình Phi, Âu, và Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt, coi là tiểu thuyết phong phú nhất, chính xác nhất, bố cục khéo léo nhất, mà bình tĩnh nhất của một người Phi châu viết về Phi châu Da Đen từ sau thế chiến tới nay. Tác phẩm đã được dịch ra các tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, bán được nửa triệu bản và hiện nay được dùng trong nhiều trường dạy Anh ngữ ở châu Phi, như một tác phẩm cổ điển vậy.
Người ta khen ông nhất là mới hai mươi tám tuổi mà đã có một bút pháp già dặn, có tinh thần khách quan, công bình, tưởng tượng dồi dào mà vẫn trọng sự thực, chỉ vẽ lại đúng xã hội Ibo ở hậu bán thế kỷ trước, khi người da trắng chưa tới rồi bắt đầu tới, không vì óc bài ngoại, tự ái mà đề cao đồng bào mình, mạt sát người da trắng, nhờ vậy tác phẩm có giá trị rất lớn về phương diện nghệ thuật và tài liệu. Ông không giảng giải, thuyết phục cũng không mạt sát nữa mà chúng ta vẫn thấm thía cái bi kịch của một dân tộc chất phác bị một tụi thực dân quỷ quyệt lừa gạt, chà đạp, bóc lột, làm cho nòi giống chia rẽ, quê hương tan nát, bi kịch đó là bi kịch chung của người da đen, da vàng thế kỷ trước, và tuy nói là đã chấm dứt sau thế chiến vừa rồi mà sự thực hiện vẫn còn kéo dài dưới một hình thức mới mẻ hơn, và cũng thâm hiểm hơn. Cho nên đọc tác phẩm, người Việt chúng ta không thể nào không liên tưởng tới thời bọn truyền giáo, thương nhân và quân đội Pháp xâm nhập nước ta dưới triều Nguyễn.
Truyện kể lại đời một anh hùng Obi tên là Okonkwo, vì thâm oán cảnh bần cùng do người cha vô tài, nhu nhược gây nên, mà can đảm, cương quyết tự lập thân, sau nhiều năm chiến đấu gay go, tạo được sự nghiệp và danh vọng trong thị tộc, rồi chẳng may vô ý phạm một tội nặng, phải bỏ cả nhà cửa, ruộng đất, dắt vợ con qua ở nhờ bên nhà ngoại bảy năm. Nhờ được một người bạn thân và bà con bên ngoại giúp, ông ta tính hết hạn bị lưu đày, sẽ trở về quê cha gây dựng lại dinh cơ đồ sộ hơn trước nữa, nhưng ông đã thất vọng chua chát vì trong bảy năm đó quê hương ông đã thay đổi hẳn: người da trắng đã tới.
Mới đầu chỉ là một vài nhà truyền giáo. Dân trong làng cho đạo Ki Tô là kì cục, nhưng không kì thị màu da, cũng không kì thị tôn giáo, mà còn khoan dung và hiếu khách, cho họ cất giáo đường và thuyết giáo, không hề ngăn cấm con em theo đạo. Nhưng ngoài giáo đường ra, người Anh còn lập một chính phủ nữa, dựng một tòa án, đem lính tráng, súng ống lại để xử tội người da đen theo luật da trắng. Rồi họ mở các tiệm buôn, vơ vét các sản phẩm địa phương, sau cùng cất dưỡng đường và trường học để dụ dỗ dân làng.
Dân Ibo theo mỗi ngày một đông, mới đầu là những kẻ nghèo nàn đê tiện, sau đó cả một số người khá giả, có chức vị trong làng. Đau đớn cho Okonkwo là đứa con trai lớn của ông Nwoye, là một trong những kẻ đầu tiên theo tôn giáo mới, từ bỏ cha mình.
Thế là có sự chia rẽ trầm trọng trong gia đình và bộ lạc Ibo. Okonkwo vốn là một chiến sĩ, có tinh thần dân tộc, trọng cổ tục, thấy nguy cơ tan rã của quê hương, muốn hô hào mọi người chống lại người Anh, nhưng ngay người bạn thân nhất của ông, Obierika cũng thấy là vô vọng, thở dài bảo ông:
“Anh nghĩ coi, làm sao chúng ta có thể chiến đấu được khi mà chính anh em chúng ta cũng chống lại chúng ta? Thằng da trắng quỷ quyệt lắm. Nó lặng lẽ, ôn hòa đem tôn giáo của nó lại đây. Chúng ta (...) cho phép nó ở. Bây giờ nó đã chinh phục được anh em của chúng ta và thị tộc không còn đoàn kết như một người để hành động nữa. Nó đã cắt những dây kết chặt chúng ta với nhau và chúng ta đã tan rã.”
Sau vì có tinh thần hiệp sĩ mà chất phác, Okonkwo và năm hào mục khác trong làng bị tên Ủy viên Anh lừa gạt: trong khi hai bên thương thuyết, hắn dùng một tụi tay sai da đen đập bọn Okonkwo, nhốt khám, cạo trọc đầu, làm nhục, bắt phải nộp tiền chuộc mạng. Được thả ra, Okonkwo uất quá, nhất định tự mình trả thù: ông chặt đầu tên sếp Kotma (tức mã tà) Anh, thấy dân chúng, bà con, anh em của ông sợ sệt, không dám cùng ông nổi dậy đánh đuổi người da trắng, ông tự treo cổ lên cây, tự nhận một cái chết mà người Obi cho là ghê tởm, ai oán nhất.
Truyệt kết thúc ở đó. Thế là một bộ lạc nổi tiếng là hào hùng chỉ vì bị ngoại nhân chia rẽ mà phải khuất phục; một nền văn minh vững bền hằng bao thế kỷ, có những cổ tục rất đẹp (tình cha con, tình vợ chồng, tình họ hàng, tình bạn bè rất thắm thiết) bị tiêu diệt; một xã hội tổ chức chặt chẽ, đoàn kết mà có trật tự, chỉ trong có mươi năm sụp đổ tan tành! Tác giả chép lại sự biến chuyển đó một cách trung thực, không hề thốt một lời phê bình hay than thở mà làm cho chúng ta lúc thì bùi ngùi, lúc thì căm phẫn. Ở Phi hay ở Á, thời xưa cũng như thời nay, chính sách thực dân bao giờ cũng vậy: đem lợi để nhử, dùng thuật chia rẽ để dễ trị, và chính vì có những kẻ bán nước nên nước mới mất.
Truyện đọc rất hấp dẫn vì tác giả tả nhiều phong tục lạ châu Phi, có những tục chúng ta cho là quái đản mà chắc hiện nay cũng đã gần mất rồi. Vì vậy có nhà phê bình cho rằng tác phẩm giúp ta hiểu châu Phi hơn các bộ nghiên cứu về châu đó. Riêng chúng tôi thấy chương XXI tả một người vợ của Okonkwo suốt đêm lén theo một bà cốt đã bắt đứa con gái độc nhất của mình, đáng coi là bất hủ trong văn học châu Phi: sức tưởng tượng của tác giả thật phong phú: không khí tác giả gây nên thật lạnh lẽo, rùng rợn; mà phần nhân bản cũng rất đẹp: tình mẹ con, tình vợ chồng, cả tình của bà cốt đối với đứa bé thật cảm động.
Để giữ mãi màu sắc địa phương, chúng tôi đã lựa chọn giải pháp là trực dịch, sát chừng nào hay chừng nấy, nhất là trong các đoạn đối thoại, vì hễ thay đổi lời nói thì phong tục, tín ngưỡng cũng thay đổi.
Trong truyện dùng nhiều danh từ Ibo, in ngả, mà bản tiếng Anh và tiếng Pháp đều không chú thích. Chúng tôi đoán nghĩa - có thể nhiều nghĩa đoán không đúng lắm - rồi gom lại thành một bản ở cuối sách để giúp độc giả dễ tra mỗi khi thấy bỡ ngỡ.