David Lurie, một giáo sư dạy tiếng Anh người Nam Phi, là người mất mát mọi thứ: uy tín, công việc, sự yên bình trong tâm trí, vẻ ngoài bảnh bao, những giấc mơ về thành công trong môn mỹ thuật và ngay cả khả năng bảo vệ đứa con gái của chính mình, ông cũng không còn. Ông đã ly hôn hai lần, không thỏa mãn với công việc làm giáo sư môn Thông tin. Ông đang dạy một lớp học chuyên đề về Thơ ca lãng mạn tại một trường đại học kỹ thuật ở Cape Town ở Nam Phi.
Ông bị “ruồng bỏ” sau khi ông dụ dỗ một trong những sinh viên của mình mà không làm bất cứ điều gì để bảo vệ chính bản thân mình tránh khỏi những hậu quả của việc làm đó. Thời điểm bị mọi người trong trường xa lánh, dè chừng, Lurie đang viết vở nhạc kịch Byron ở Italy. Lurie từ bỏ địa vị, công việc giảng dạy trong trường và quyết định tới thăm cô con gái Lucy đang sống một mình tại một trang trại ở Eastern Cape. Một quãng thời gian dài ba tháng, ông sống hòa nhập với cuộc sống nơi thôn dã, tham gia vào công việc chăm sóc những con vật bị bỏ rơi tại bệnh viện Phúc lợi Động vật, cùng cô con gái chăm sóc vườn tược và mấy chú chó.
Nhưng rồi, một ngày nọ, sự yên bình ấy đã bị phá vỡ. Có ba kẻ lạ mặt đã tới trang trại, đánh đập và tính thiêu cháy ông, cưỡng hiếp con gái ông. Sau cuộc tấn công ấy, ông phải đối mặt với sự xa cách ngày một lớn với cô con gái mà ông vô cùng yêu quý nhưng lại không đủ quyền lực và tình yêu thương để dẫn dắt cô.***
John Maxwell Coetzee (sinh ngày 9/2/1940) sinh trong gia đình gốc Đức tại miền Tây Nam Phi, từ nhỏ đã giỏi cả tiếng Anh và tiếng Đức; học các trường đại học tổng hợp Cape Town và Texas; dậy tiếng Anh và văn học; bắt đầu viết văn từ năm 1969 và ngay lập tức được dư luận chú ý từ cuốc sách đầu tiên, nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Giữa miền đất ấy (In the heart of the country, 1977) viết về tính bạo lực và thói ghẻ lạnh là bản chất của chính sách thuộc địa của người da trắng.
“Ruồng bỏ” (Disgrace) của John Maxwell Coetzee - Một nhà văn hai lần đoạt giải Booker: Cuộc sống và thời đại của Michael K. (1983) và Ruồng bỏ (1999) - và đoạt giải Nobel Văn học năm 2003. Những tác phẩm của Coetzee được viết bằng giọng văn điềm đạm, ngắn gọn, ít phô diễn kĩ thuật, người mới đọc dễ nắm bắt được mạch tác phẩm của ông và hiểu được cốt truyện. Tất nhiên, để hiểu toàn bộ kĩ thuật hay dụng ý của Coetzee lại không đơn giản lắm.
Các tác phẩm của ông thường đi sâu vào cuộc sống và suy nghĩ riêng của một người nào đó đặt trong một bối cảnh có biến động, phức tạp vì chính trị hoặc bị xô đẩy bởi chiến tranh, như trong Cuộc sống và thời đại của Michael K. thì là hành trình của K. Ruồng bỏ là hành trình của David Lurie, hay Tuổi sắt đá là về bà Curren, một giáo sư sống và chết dần vì bệnh ung thư.
***
Trong suy nghĩ của ông, một người đàn ông năm mươi hai tuổi, đã ly hôn như ông, giải quyết vấn đề tình dục như thế là khá tốt. Cứ đến chiều thứ Năm, ông lái xe đến Green Point. Đúng hai giờ chiều, ông bấm chuông ở lối vào biệt thự Windsor, xưng tên và bước vào, Soraya đợi ông bên cửa căn hộ số 113. Ông vào thẳng buồng ngủ, căn phòng tỏa ánh sáng dịu dàng và có mùi dễ chịu, rồi ông cởi quần áo. Soraya từ phòng tắm đi ra, buông rơi áo choàng và trườn lên giường cạnh ông.
- Anh có nhớ em không? - cô hỏi.
- Lúc nào cũng nhớ em - ông đáp. Ông vuốt ve tấm thân màu nâu vàng óng, không hề rám ánh mặt trời của cô; ông duỗi người cô ra, hôn lên ngực cô, rồi họ làm tình.
Soraya cao, mảnh dẻ, mái tóc đen dài, cặp mắt đen trong trẻo. Nói một cách nghiêm túc, ông đáng tuổi bố cô; nhưng cũng nói cho nghiêm túc, người ta cũng có thể làm bố ở độ tuổi mười hai. Ông yêu quý cô hơn một năm nay; ông thấy cô hoàn toàn thỏa mãn. Suốt tuần lễ như ở trên sa mạc, ngày thứ Năm trở thành một ốc đảo của xa xỉ và khoái lạc.
Trên giường, Soraya không phải là người nồng nàn. Thực ra, tính cô khá bình lặng, dịu dàng và ngoan ngoãn. Theo quan điểm của cô, cô là một người đạo đức đáng ngạc nhiên. Những vị khách du lịch để ngực trần trên các bãi tắm công cộng làm cô bất bình (cô gọi chúng là “vú bò”); cô mong gom những kẻ lang thang lêu lổng lại và bắt đi quét phố. Ông không hỏi làm sao cô có thể dung hòa những quan niệm với công việc của cô.
Ông thích cô, sự thích thú ấy không bao giờ cạn, và ông ngày càng yêu mến cô hơn. Ông tin rằng ở một mức độ nào đó, sự yêu mến này đang được đền đáp. Yêu mến có thể không phải là tình yêu, nhưng chí ít cũng như tình họ hàng. Cả hai người đều lấy làm may mắn trong mối quan hệ không hứa hẹn gì của họ: ông tìm được cô, và cô tìm được ông.
Hiểu sự đa cảm của mình, ông thỏa mãn, thậm chí bị xỏ mũi. Dù sao ông vẫn khư khư giữ lấy đặc tính đó.
Ông trả tiền cho chiếc R400 của cô, từng đợt chín mươi phút một, một nửa thời gian trong đó là tìm Người tháp tùng bí mật. Đáng tiếc là Người tháp tùng bí mật lại nhiều đến thế. Nhưng họ sở hữu căn 113 và nhiều căn khác trong biệt thự Winsor. Về mặt tình cảm, sở hữu cả Soraya, đây là nhiệm vụ, và nghề nghiệp của cô.
Ông đùa cợt với ý nghĩ bảo cô đến gặp ông trong khoảng thời gian riêng của cô. Ông muốn chia sẻ mọi thứ với cô, có khi suốt cả đêm. Nhưng không phải là sáng hôm sau. Ông biết quá rõ bản thân mình, chiều chuộng cô cho đến sáng hôm sau, lúc ở một mình, ông sẽ là người lạnh lùng, cáu kỉnh và thiếu kiên nhẫn.
Tính ông là như thế; ông đã quá già nên không thay đổi được tính nết. Tính ông đã ổn định. Tính tình ông đi theo đầu óc ông: đó là hai phần khó khăn nhất trong con người.
Với ông, tính tình không phải là một triết lý sống, ông không đề cao nó bằng cái tên ấy. Nó chỉ là một quy luật, giống như Luật của dòng tu Benedict.
Ông khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn. Ông có nghề chuyên môn, hay nói đúng hơn, ông là một học giả, sự uyên bác của ông vẫn đầy hứa hẹn, là cốt lõi của ông. Ông sống bằng thu nhập, đúng tính khí và những cảm xúc của mình. Ông có hạnh phúc không? Trong hầu hết những tiêu chuẩn, ông tin rằng mình hạnh phúc. Tuy vậy, ông không quên câu đồng ca cuối cùng trong vở Oedipus: Không thể gọi một người là hạnh phúc cho đến lúc người ấy chết.
Mặc dù tính tình nồng nhiệt, trong lĩnh vực tình dục ông chưa bao giờ say đắm. Nếu chọn totem (vật thờ), ắt là ông sẽ chọn hình tượng con rắn. Ông hình dung những cuộc ái ân của ông với Soraya giống như sự giao cấu của loài rắn: dài dòng, mê mải, nhưng khá buồn tẻ, khá khô khan, ngay cả những lúc hăng hái nhất.
Liệu totem của Soraya có là rắn không nhỉ? Chắc chắn với những người đàn ông khác, cô trở thành một người phụ nữ khác: một người đàn bà năng động. Có thể tin rằng với tính khí của cô, say đắm ông nhất định không phải là giả vờ.
Dẫu cho vì nghề nghiệp, cô có là người phóng túng, ông vẫn tin cậy cô trong một giới hạn nào đó. Trong những lần gặp gỡ, ông trò chuyện với cô khá thoải mái, thậm chí có lần ông còn bộc bạch nỗi niềm với cô. Cô biết nhiều sự việc trong đời ông. Cô đã nghe nhiều chuyện về hai cuộc hôn nhân của ông, biết về con gái ông và những nỗi thăng trầm của con gái ông. Cô biết nhiều quan điểm của ông.
Soraya không hề thổ lộ về cuộc sống của cô ngoài biệt thự Windsor. Soraya không phải là tên thật của cô, đó là điều chắc chắn. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ cô đã sinh nở hoặc có nhiều con. Có lẽ cô không phải là gái điếm chuyên nghiệp. Có thể cô làm việc cho một hãng nào đó mỗi tuần chỉ một, hai buổi; và phần còn lại là một cuộc sống đứng đắn ở vùng ngoại ô Rylands hoặc Athlone. Điều đó thật không bình thường với dân Hồi giáo, nhưng ngày nay mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Ông ít nói về nghề nghiệp của mình, không muốn làm cô buồn chán. Ông dạy ở Trường đại học Kỹ thuật Cape, trước kia là Trường Đại học tổng hợp Cape Town. Đã có thời ông là giáo sư các ngôn ngữ hiện đại, từ khi Ngôn ngữ Cổ điển và Hiện đại bị cuộc hợp lý hóa vĩ đại bóp chết, ông là giáo sư phụ giảng môn Thông tin. Giống như tất cả những người bị hợp lý hóa, ông được mời mỗi năm dạy một lớp chuyên đề, không phải ghi vào danh sách, vì đó là thiện chí. Năm nay ông được mời dạy một lớp về Các nhà thơ Lãng mạn. Còn lại ông dạy Thông tin 101, “Kỹ năng thông tin” và Thông tin 201, “Kỹ năng thông tin tiên tiến”.
Mặc dù mỗi ngày dành nhiều giờ cho môn học mới, ông nhận thấy những tiền đề đầu tiên trong Cẩm nang Thông tin 101 thật vô lý hết sức: “ Xã hội loài người sáng tạo nên ngôn ngữ để chúng ta có thể thông báo với nhau những suy nghĩ, tình cảm và ý định”. Theo quan niệm của ông, nguồn gốc lời nói nằm trong bài hát, và nguồn gốc bài hát là từ nhu cầu lấp đầy tâm hồn quá rộng lớn và trống rỗng của loài người bằng những âm thanh.
Trong sự nghiệp trải dài một phần tư thế kỷ, ông đã xuất bản ba cuốn sách, chẳng cuốn nào gây nên tiếng vang gì: cuốn đầu tiên về opera (Truyền thuyết về Boito và Faust: Nguồn gốc của Mefistofele), cuốn thứ hai về nghe - nhìn (Cái nhìn của Richard về St. Victor), cuốn thứ ba về Wordsworth[1] và lịch sử (Wordsworth và gánh nặng của quá khứ).
Trong mấy năm gần đây ông ôm ấp ý tưởng viết một tác phẩm vể Byron. Lúc đầu ông có ý định viết một tác phẩm phê bình opera nữa. Nhưng ngay từ những dòng đầu tiên, ông đã bị sa vào cảnh tẻ ngắt. Thực ra, ông chán phê bình, chán văn xuôi dài lê thê. Thứ ông muốn viết là âm nhạc: Byron ở Italy, một khúc mộng tưởng về tình yêu khác giới dưới dạng một vở opera.
Trong lúc dạy các lớp Thông tin, những câu cú, âm điệu của bài hát trong tác phẩm chưa viết ra cứ vụt qua tâm trí ông.
Vì chẳng kính trọng gì những thứ ông giảng dạy, nên ông chẳng gây được ấn tượng gì với các sinh viên của ông. Trong lúc ông nói, họ nhìn lướt qua ông, và quên bẵng tên ông. Sự dửng dưng của họ làm ông cay đắng hơn ông thừa nhận. Dù sao thì ông cũng hoàn thành chu đáo nghĩa vụ của ông đối với họ, với bố mẹ họ và với nhà nước. Hết tháng này sang tháng khác ông sắp xếp, thu thập, giảng bài, chú giải các tiểu luận của họ, chữa dấu chấm câu, lỗi chính tả và cách dùng, chất vấn những lý lẽ không có sức thuyết phục, ký tên vào từng tờ trong bản tóm tắt, cân nhắc từng lời phê.
Ông tiếp tục giảng dạy vì nó cung cấp cho ông một kế sinh nhai; nó cũng dạy cho ông tính nhún nhường, giúp ông hiểu ông là ai trên cõi đời này. Sự trớ trêu không buông tha ông: có những người đến học được nhiều điều sâu sắc nhất trong các bài giảng của ông, trong khi những người khác đến học lại chẳng thu nhận được gì. Đây là một đặc điểm trong nghề nghiệp của ông mà ông không bình luận với Soraya. Ông cho rằng cô chẳng có sự trớ trêu nào tương xứng.