Lời nói đầu
_______________
Không phải là quá khó để tìm ra “bí quyết” của thành công. Bạn càng giỏi giao tiếp với mọi người thì cuộc sống của bạn càng dễ chịu.
Lần đầu tiên tôi phát hiện ra những bí quyết để hoà hợp với mọi người khi đang làm nghề nhiếp ảnh thời trang và quảng cáo. Cho dù là chụp ảnh một người mẫu cho tạp chí Vogue hay 400 người trên boong tàu để quảng cáo cho chiếc tàu du lịch biển của Na Uy, tôi đều thấy rõ sự thành công của nhiếp ảnh có liên quan với con người hơn là với chiếc máy ảnh. Hơn nữa, việc chụp ảnh diễn ra trong sảnh khách sạn Ritz ở San Francisco hay tại một túp lều xiêu vẹo trên sườn núi châu Phi đều không quan trọng: những nguyên tắc của việc thiết lập quan hệ là như nhau.
Từ trước tới nay, tôi có thể hoà hợp được với mọi người rất dễ dàng. Đó có phải là năng khiếu không? Liệu có khả năng thiên phú dễ hoà đồng với mọi người hay đó chỉ là điều ta có thể học dần?
Và nếu đó là thứ có thể học được thì liệu có dạy được nó cho người khác không?Tôi quyết định đi tìm câu trả lời.
Từ kinh nghiệm 25 năm làm nghề chụp ảnh cho các tạp chí trên khắp thế giới, tôi biết rằng thái độ và ngôn ngữ cơ thể là điều quan trọng nhất để tạo ấn tượng hình ảnh có sức thuyết phục - những quảng cáo trên tạp chí chỉ có chưa đến 2 giây để thu hút sự chú ý của độc giả. Tôi cũng nhận thức được rằng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói có thể khiến những người hoàn toàn xa lạ cảm thấy thoải mái và sẵn sàng hợp tác. Việc dùng từ ngữ hay cũng có thể khuyến khích người khác biểu lộ tâm trạng và hành động trong hầu như tất cả mọi chủ đề. Nằm lòng những hiểu biết như vậy, tôi quyết định đi sâu nghiên cứu vấn đề này. Tại sao ta lại dễ dàng thân thiện với một số người này hơn là những người khác? Tại sao ta có thể trò chuyện say sưa với một người vừa mới gặp trong khi người đó lại bị xem là tẻ nhạt và đáng sợ? Rõ ràng là có điều gì đó diễn ra ngoài sự nhận thức có chủ ý của chúng ta, nhưng đó là gì vậy?
Chính trong quá trình tìm kiếm tôi tình cờ đọc được cuốn sách của Tiến sỹ Richard Bandler và John Grinder thuộc Đại học UCLA viết về vấn đề với cái tên dài dòng là Lập trình Ngôn ngữ Thần kinh học, gọi tắt là NLP. Hai tác giả và đồng nghiệp của họ đã dẫn chứng bằng tài liệu và phân tích cái gọi là “nghệ thuật và khoa học của sự vượt trội cá nhân”, trong đó có nhiều điều tôi đã thực hiện theo trực giác của một nhà nhiếp ảnh. Trong nguồn dồi dào những nhận thức mới, họ chỉ ra rằng ai cũng có “giác quan được ưa chuộng nhất”. Tìm ra giác quan đó, bạn sẽ có chìa khoá mở cửa tâm hồn và trí tuệ của người khác.
Khi ý tưởng mới trở nên rõ ràng hơn, tôi gác máy ảnh sang một bên và quyết tâm tập trung tìm hiểu nội tâm cũng như vẻ bề ngoài của con người. Mấy năm sau đó, tôi theo học Tiến sỹ Bandler tại
London và New York và giành được giấy phép hành nghề Lập trình Ngôn ngữ Thần kinh học. Tôi đã học Những mô hình ngôn ngữ quyến rũ ở Mỹ, Canada và Anh, rồi nghiên cứu sâu về những gì liên quan đến vai trò của bộ não trong mối liên hệ giữa người với người. Tôi đã làm việc với các diễn viên, nghệ sỹ hài, giáo viên sân khấu ở Mỹ và những người kể chuyện ở châu Phi để cải biến những bài luyện, ứng tác thành những bài tập củng cố kỹ năng hội thoại.
Kể từ đó, tôi đã tổ chức những buổi hội thảo và nói chuyện trên khắp thế giới, làm việc với tất cả các nhóm và cá nhân khác nhau, từ những người bán hàng đến giáo viên, từ những người đứng đầu các tổ chức, những người tự vỗ ngực cho mình là hiểu biết, đến những đứa trẻ nhút nhát tới mức người ta nghĩ chúng ngu đần. Và sự việc trở nên rõ ràng: làm cho người khác thích bạn trong vòng 90 giây là một kỹ năng có thể dạy được cho người khác một cách dễ dàng và tự nhiên.
Mọi người cứ luôn bảo tôi rằng: “Nick, vấn đề này hay đấy. Sao anh không viết thành sách?”. Thế là tôi nghe họ, bắt đầu viết. Và đây là cuốn sách.
- N.B