Bạn Thật Sự Có Tài

Thể loại: Tâm Lý Kỹ Năng
Tác giả : Tina Seelig
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 124
  • Kích thước : 2.18 MB
  • Số trang : 283
  • Số lượt tải : 18
  • Read on mobile :

Cho tới gần đây, các sinh viên tương lai của trường All Soul thuộc Đại học Oxford vẫn phải thực hiện “bài thi một từ”. Bài Luận, đúng như cái tên của nó, là thứ mà sinh viên dự đoán được nhưng vẫn rất lo sợ. Các sinh viên sẽ mở đề thi cùng lúc để nhận được một từ duy nhất. Đó có thể là “Ngây thơ” hoặc “Phép lạ” hoặc “Nước” hoặc “Khiêu khích”. Thử thách cho sinh viên là viết một bài luận trong ba giờ về chỉ một từ đó thôi.

Không có câu trả lời đúng nào cho bài thi này. Tuy nhiên, cách trả lời của từng sinh viên sẽ thể hiện bề sâu kiến thức và khả năng nảy sinh những liên tưởng sáng tạo của họ. Thời báo NewYork Times trích lời một giáo sư của Đại học Oxford: “Việc biết được đó là từ nào gây hứng thú đến nỗi hàng năm, ngay cả người không phải là thí sinh cũng tụ tập bên ngoài trường, chờ đợi để nghe ngóng tin tức.”1 Thử thách này củng cố sự thật rằng mọi thứ - dù là một từ đơn lẻ - đều mang lại cơ hội tận dụng những gì bạn biết để phát huy trí tưởng tượng.

Đối với nhiều người trong chúng ta, loại hình sáng tạo này không được nuôi dưỡng. Ta không hề thấy mọi vật trong môi trường chung quanh là cơ hội để phát huy tài năng. Đúng ra, sáng tạo nên là điều bắt buộc. Sáng tạo giúp ta vượt lên trong một thế giới không ngừng thay đổi và mở ra một vũ trụ đầy tiềm năng. Khi được tăng cường trí sáng tạo, thay vì thấy vấn đề, bạn sẽ thấy triển vọng; thay vì thấy trở ngại, bạn sẽ thấy cơ hội; thay vì thấy thử thách, bạn sẽ thấy một giải pháp đột phá. Hãy nhìn ra xung quanh, bạn sẽ thấy rõ rằng giữa chúng ta, những người đổi mới là những người thành công trong mọi lĩnh vực, từ khoa học, kỹ thuật đến giáo dục, nghệ thuật. Dẫu vậy, người ta hiếm khi được dạy cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo nơi trường lớp, thậm chí họ còn cho rằng đó là kỹ năng không thể có được qua học tập.

Buồn thay, mọi người hay nhắc đi nhắc lại câu nói phổ biến: “Ý tưởng là thứ rẻ tiền”. Câu nói đó làm giảm giá trị của sáng tạo và cực kỳ sai lầm. Ý tưởng không rẻ, mà miễn phí. Nhưng chúng lại vô giá. Ý tưởng là nhiên liệu dẫn đến đổi mới trong kinh tế thế giới, giúp cho cuộc sống không bị nhàm chán và lặp lại. Ý tưởng là cần cẩu nâng ta ra khỏi sáo mòn và đặt ta lên con đường tiến bộ. Không sáng tạo, chúng ta không những sống buồn tẻ mà còn sống tụt hậu nữa. Thật ra, thất bại lớn nhất trong đời không phải là thất bại khi thực hiện, mà là khi tưởng tượng. Như nhà phát minh vĩ đại người Mỹ Alan Kay từng nói, “Cách hay nhất để tiên đoán tương lai là tạo ra tương lai”. Tất cả chúng ta đều phát minh ra tương lai của chính mình. Và sáng tạo là tâm điểm của các phát minh đó.

Như “bài thi một từ” cho thấy, mỗi lời nói, mỗi vật thể, mỗi quyết định, và mỗi hành động đều là cơ hội sáng tạo. Bài thi này, một trong nhiều bài kiểm tra trong nhiều ngày tại trường All Soul, được xem là bài thi khó nhất thế giới. Nó đòi hỏi cả kiến thức sâu, rộng và trí tưởng tượng phong phú. Matthew Edward Harris, người tham gia bài thi năm 2007, nhận đề bài là “hòa hợp”. Anh viết cho báo Daily Telegraph rằng anh cảm thấy mình “giống như một đầu bếp đang lục tung tủ lạnh để tìm kiếm những nguyên liệu khác thường cho một món xúp.”2 Ví von này là lời nhắc nhở rất hay rằng các yếu tố kể trên liên quan đến những kỹ năng ta có cơ hội sử dụng hàng ngày khi đối mặt với nhiều thử thách, từ đơn giản như làm món xúp cho đến lớn lao như việc giải quyết những vấn đề mang tầm thế giới.