Ngày nay đời sống vật chất và tinh thần của thiếu nhi đã được nâng lên rõ rệt. Các em được vui chơi, học tập, được gia đình và cộng đồng thường xuyên quan tâm, chăm sóc để phát triển một cách toàn diện. Bên cạnh các môn khoa học, các em còn được tiếp xúc với một số nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, thi ca… Tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa ý thức được vai trò của thơ ca trong việc gieo hạt giống tâm hồn và giáo dục nhân cách cho thiếu nhi. So với các đề tài khác thì hiện nay thơ viết cho thiếu nhi vẫn còn ít và những bài thơ có thể lôi cuốn, hấp dẫn được các em chưa nhiều. Song vẫn còn đâu đó những nhà thơ bằng tình yêu dành cho lứa tuổi thần tiên đã viết lên những vần thơ trong trẻo, trẻ trung, đáng yêu, đầy tính sáng tạo và chứa chan tình cảm. Thành Đô là một nhà thơ như vậy!
Trên tay quý độc giả là tập thơ “Cánh diều no gió” một thi tập rất tâm huyết của anh.
Còn nhớ ở thế hệ chúng tôi khi còn nhỏ hầu như ai cũng say mê đọc truyện: “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài - tập truyện không chỉ có cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn mà còn giàu giá trị nhân văn và có tính giáo dục cao.
Về thơ thì chủ yếu là đọc thơ Trần Đăng Khoa bởi thơ anh hồn nhiên, trong sáng, giàu tính nhân văn. Giờ đây các em nhỏ thường thích đọc truyện tranh hơn bởi truyện tranh với những hình vẽ rất sinh động, bắt mắt làm khơi gợi trí tò mò và tưởng tượng của người đọc, các nhân vật trong truyện rất đa dạng, câu chuyện và lời thoại ngắn. Truyện tranh thường mang tính chất giải trí nhiều hơn là mang tính giáo dục và nghệ thuật.
Trở lại với tác giả Thành Đô, ông không viết truyện mà đưa các em đến với những vần thơ giản dị, dễ hiểu mà chứa đựng ý nghĩa rất sâu sắc. Tất cả những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của lứa tuổi thần tiên cùng những câu truyện dân gian mà tác giả sưu tầm được ông đã viết thành thơ, rất sinh động, dễ đọc và dễ nhớ.
Hãy xem nhà thơ đưa các em nhỏ đến với bầu trời mơ ước qua cánh diều no gió: “Diều được làm từ tre/ Toàn thân làm bằng giấy/ Còn có tiếng sáo trong/ Chiều chiều ở trên đê/ Trời trong xanh gió mát/ Cưỡi trâu đi thả diều/ Diều bay vút lên cao/ Vì gặp làn gió mát/ Chơi diều là thú vui/ Nghe tiếng sáo vui tai/ Lại còn ngắm trời xanh/ Cùng diều bay no gió”; (Chơi thả diều). Tác giả tiếp tục đưa các em đi khám phá thế giới nhiệm màu: “Trăng tròn như quả bóng/ Lơ lửng trên bầu trời/ Mãi mãi mà không rơi/ Em đi trăng đi theo/ Để soi sáng con đường/ Cho em đi khỏi ngã” (Trăng và em).
Cái hay của thơ Thành Đô là ở tính giáo dục. Thông qua thi phẩm của mình anh đã dạy các em nhỏ nhiều bài học quý để các em tiếp nhận một cách rất tự nhiên, nhẹ nhàng: “Em bé ngoan/ Em bé giỏi/ Thích xem tranh/ Thì nhẹ nhàng/ Giở từng tờ/ Không làm nhàu/ Thì tranh đẹp” (Học giở sách). Nhà thơ dẫn dắt các em nhỏ vào các câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn và lồng ghép vào đó sự giáo dục về nhân cách đạo đức rất khéo léo. Đó là bài học về sự nhường nhịn nhau trong cuộc sống để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc: “Có hai chú Dê con/ Cùng qua một cái cầu/ Đến giữa cái cầu nọ/ Nhưng không ai nhường ai/ Cả hai đành húc nhau/ Và cùng nhau xuống vực/ Đáng đời hai Dê con/ Vì không biết nhường nhịn” (Hai Dê con). Đó là bài học về sự dũng cảm, sẵn sàng giúp đỡ người khác những lúc khó khăn, những lúc nguy nan: “Chú Thỏ con tội nghiệp/ Bị Cáo chiếm mất nhà/ Trâu muốn cứu giúp Thỏ/ Nhưng chẳng biết làm sao/.
Chú Gà trống dũng cảm/ Đã dụ được con Cáo/ Thò đầu ra cửa sổ/ Liền bị mỏ nhọn hoắt/ Mổ liên hồi vào đầu/ Cáo già không chịu được/ Bèn chạy biến vào rừng.” (Chú gà trống dũng cảm). Ở bài “Cái kim đồng hồ”; tác giả đã thông qua cách hướng dẫn xem giờ để nhắc nhở các em phải học bài chăm chỉ, đúng giờ: “Kim ngắn chỉ giờ/ Kim dài chỉ phút/ Kim ngắn chạy chậm/ Kim dài chạy nhanh/ Đến giờ học rồi/ Ta phải học thôi!”.
Và đây là bài học về sự an toàn, giúp các em ngay từ nhỏ đã có hiểu biết và ý thức khi tham gia giao thông: “Đến giữa ngã tư/ Bé cần người dắt/ Đi qua ngã tư/ Cột đèn xanh đỏ/ Nhắc bé điều gì?/ Màu đỏ dừng lại/ Màu xanh bé đi/ Màu vàng bé đợi/ Bé ơi nhớ nhé!” (Đi qua ngã tư). Trong tập thơ này Thành Đô đã sử dụng các biện pháp nghệ thuật miêu tả, so sánh, ẩn dụ, nhân hóa… để làm toát lên dụng ý nghệ thuật của mình: “Mèo con ơi! Mèo con!/ Khăn mặt đâu không lấy?/ Mà dùng tay để lau/ Lại còn dùng lưỡi liếm/ Ôi, thật là bẩn quá!/ Làm thế không sạch đâu!” (Mèo rửa mặt). Không những thế tập thơ còn cho thấy cái tài quan sát của tác giả. Chính vì có óc quan sát, luôn tìm tòi, khám phá lại vận dụng vào thơ rất khéo léo, tài tình nên thơ ông tránh được sự khô khan, tẻ nhạt: “Tôi là một con rùa/ Sinh ra nơi biển cả / Tôi đội cả mái nhà/ Không sợ mưa sợ nắng/ Tôi bước đi chậm chạp/ Mỗi khi tôi mệt mỏi/ Hay có kẻ thù nào/ Thì đầu tôi rụt vào/ Cả chân và đuôi nữa” (Tôi là một con rùa). Tập thơ: “Cánh diều no gió” đã cho thấy tình yêu của tác giả Thành Đô dành cho thơ và cho tuổi thần tiên.
Thơ anh chân thật, mộc mạc mà sâu sắc, lắng đọng lại trong tâm trí người đọc. Đó là những vần thơ chứa đựng giá trị nhân văn cao cả. Tin rằng tập thơ sẽ nằm ở một vị trí trang trọng tủ sách yêu thích của mỗi gia đình.
Nhà báo Vương Hùng