Tiểu thuyết Chuyện của thiên tài của tác giả trẻ Nguyễn Thế Hoàng Linh đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Người ta đánh giá thành công của cuốn sách ở nhiều góc cạnh, riêng tôi tìm thấy trong đó những “bi kịch”, “mâu thuẫn”, “giằng xé” vốn đã, đang có trong suy nghĩ của mỗi trẻ em, mà nói rộng ra là thanh, thiếu niên hôm nay (chỉ có điều nó ít được lưu tâm, đề cập trực diện).
Nên, từ đây nảy ra ý nghĩ, văn học, bằng khả năng gọi tên cảm xúc, truyền cảm, lan tỏa của mình hãy nói nhiều hơn về tâm tư của lớp người này, góp phần xóa bỏ những quan niệm đã lỗi thời làm ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của họ...
“Chuyện của thiên tài” có những trang viết đặt người ta vào bộ óc của một “người còn bị coi là trẻ”, khiến ta bị giằng xé, va đập giữa rất nhiều trạng thái, cảm xúc... Cũng chóng mặt nhưng lại nhận ra được rất nhiều điều về tâm tư của những “búp trên cành” đang sống cạnh ta mà có thể ta không hiểu hết.
Trang 172 và 173, Nguyễn Thế Hoàng Linh đề cập tới rất nhiều vấn đề mà ta có thể gọi đó là những nội dung của lạm dụng trẻ em. “Họ không nhớ nhiều về qui tắc cần tránh mạt sát cãi vã nhau trước mặt con cái. Người mẹ không nhớ nhiều về những cơn thịnh nộ khi đi họp phụ huynh về (...). Những điều đó gây nên sự hỗn loạn trong "tâm hồn trẻ”, và “đôi lúc họ (bố mẹ) quá mệt mỏi và dồn nén đến độ không nhận thức rõ hành động của mình (...). Họ không hiểu biết nhiều về phương pháp giải tỏa. Và lũ trẻ, cái thứ mà vẻ ngoài thể hiện chúng không biết trả đũa, thù dai, nhớ lâu... đôi lúc làm cái khao khát giải tỏa, trút giận của họ lóe lên. Chúng như một cái thớt để họ xả nỗi hận con cá”.
Tác giả phân tích, lý giải nhiều điều về những nguyên cớ của cha mẹ khiến cho con cái có thể “tha thứ, tha thứ mãi”, song vẫn phải hạ bút ghi “nhưng những vết thương lòng cứ thế mà nhiều và sâu hơn”...
Đọc những dòng này và nhiều nhiều nữa những tiếng nói của trẻ em trong Chuyện của thiên tài, cha mẹ có thể bình tĩnh và suy nghĩ nhiều hơn về cách đối xử với con hôm qua. Một cách chuyển thông điệp gián tiếp không gây bức xúc cho nhau - đó là văn học. Điều này giống như một câu chuyện nổi tiếng đã kể: hai mẹ con chuyên “nói chuyện” với nhau bằng cách viết thư bỏ vào một cái lọ. Nhờ thế họ không làm “mất mặt” nhau mà lại dễ bề sửa những thói xấu của mình.
Với xã hội, với các bậc phụ huynh, không dễ gì nói cha mẹ lạm dụng con cái. Thay đổi một quan điểm thật khó. Nhưng với cách nói của văn học, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng và thấm sâu hơn.