Có Chí Thì Nên

Thể loại: Tâm Lý Kỹ Năng
Tác giả : Nguyễn Văn Y
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 101
  • Kích thước : 363 KB
  • Số trang : 51
  • Số lượt tải : 2
  • Read on mobile :

Mục lục

I. - LÀM NGƯỜI PHẢI CÓ CHÍ

II. - COI THƯỜNG THẤT BẠI

III. - NOI GƯƠNG NGƯỜI HIẾU HỌC

IV. - LÀM BẠN VỚI QUYỂN SÁCH

V. - KHÔNG Ỷ LẠI VÀO NGƯỜI

VI. - MẤY ĐIỂM TỰA CẦN THIẾT

VII. - KẾT

PHỤ LỤC

A. - NGƯỜI CHÍ KHÍ

B. - NGHỊ LỰC

C. - CHÂM NGÔN ĐỂ LUYỆN CHÍ

D. - NẾU…

LÀM NGƯỜI PHẢI CÓ CHÍ

Với thời gian và sự kiên nhẫn, lá dâu biến thành tấm lụa.

Ngạn ngữ Trung Hoa

Người Đông phương từng truyền lại câu chuyện mang tính ngụ ngôn như thế này:

Ngày xưa có chàng nông phu theo truyền thống lâu đời của gia đình, năm nào cũng chăm chỉ cày bừa đào xới đất ruộng, dù mười hai năm liền trời không mưa.

Ngày nay phần đông chúng ta chỉ cần một năm trời hạn hán là đâm ra chán nản, không muốn tiếp tục cày ruộng nữa. Chúng ta thường là những kẻ thiếu ý chí, quên lời dạy của cổn hơn: “ở đời không có con đường nào bước một bước mà đến nơi bao giờ.”

Chúng ta muốn thành công, ham hạnh phúc, mong hưởng tất cả lạc thú cõi trần gian, nhưng chúng ta chỉ xây vinh quang trong mộng tưởng, cất lâu đài trên bãi cát, chúng ta không chịu khó kiên nhẫn mỗi ngày bước từng bước một đi lần đến nơi lý tưởng. Có lẽ ở đời chúng ta không nên sợ nghèo, lo mình chẳng nổi danh, mà chỉ ngại mình không có chí. Người có chí thì dẫu tay trắng rồi sẽ làm nên sự nghiệp, người không có chí thì dẫu may mắn sanh vào nơi giàu sang quyền quý cũng không chắc gì giữ được trọn đời sung sướng. Có chí thì có tất cả.

Ở Ấn Độ ngày xưa, ông Hoàng Siknader thấy dân chúng phần đông quá lười biếng, không ai muốn ra công trồng tỉa làm ăn, bèn định tâm dạy cho dân một bài học luyện chí kiên nhẫn: Ông bắt đầu ương một hột đậu trắng trong góc vườn hoang. Khi hột đậu nảy mầm thành cây đậu con, ông hết lòng chăm nom săn sóc nó. Ba tháng sau, đậu ra trái, ông hái được ba mươi hột. Ông đem gieo hết ba mươi hột đậu đó; sau đậu lớn lên ông hái được chín mươi hột. Ông lại gieo chín mươi hột đậu ấy, và cứ tiếp tục trồng trọt như vậy suốt mấy năm liền, rồi bán mấy lần cả vườn đậu của ông được 160.000 đồng tiền. Ông dùng số tiền đó mướn thợ dựng một ngôi đền thờ và đặt trên là Đền Hột Đậu, cố ý để cho dân Ấn nhớ rằng chỉ với một hột đậu nhỏ tí ông đã xây dựng một ngôi đền vĩ đại.

Danh tướng Mã Viện, từng làm quan dưới triều vua Quang Vũ nhà Hán, thuở nhỏ mồ côi sớm, nhà nghèo nhưng lúc nào cũng chăm chỉ làm việc, chăn nuôi cày cấy, rồi trở thành đại phú gia. Ông là người có nhiều chí khí, thường nói với mọi người rằng: “Làm tài trai, lúc cùng khổ, chí càng phải bền“.

Abraham Lincoln hồi nhỏ rất nghèo, chỉ đi học ở trường chừng một năm, rồi ở nhà nhờ bà kế mẫu dạy cho biết đọc, biết viết và bốn phép toán cộng trừ nhơn chia. Còn ông tự học lấy các môn khác, vậy mà cuối cùng cũng trở thành một luật sư, một nghị sĩ, một vị tổng thống lừng danh nước Mỹ. Nhiều bài diễn văn danh tiếng của ông được khắc lên cẩm thạch và được quần chúng coi như những áng văn hay nhứt của dân tộc ông.

Benjamin Franklin mười bốn tuổi đã thôi học, nhà nghèo phải đi làm công sớm, học nghề làm đèn cày, đi buôn, làm thợ nhà in, bán báo… vậy mà lúc nào cũng cố đọc sách học hỏi thêm để về sau trở thành một nhà vật lý học, một triết gia, một chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ trong thế kỷ 18.

Gương của Gleen Cunningham, người đã chiếm kỷ lục về môn điền kinh, còn đáng cho chúng ta khâm phục cái ý chí phi thường của con người hơn nữa. Lúc còn nhỏ ông chẳng may bị què chân trong một cơn hỏa hoạn. Các y sĩ tuyên bố chỉ còn có phép lạ mới mong làm cho ông đi được thôi. Nhưng ông không nản chí, tự cố gắng luyện tập mỗi ngày, trước hết ông tựa mình trên cái cày để tập đi trong các thửa ruộng, dần dần ông dò dẫm đi thử một mình, và cuối cùng, trong một cuộc chạy đua cả ngàn dặm, Cunningham đã chiếm giải quán quân.

Biết bao nhiêu người trong số chúng ta có điều kiện sống tương đối tốt phước hơn những vị vừa nêu trên, nhưng rốt cuộc mãn đời chúng ta chỉ là những kẻ vô danh như cây cỏ trong rừng hoang, không giúp ích gì đáng kể cho nhơn loại, làm gương cho hậu thế soi chung. Thế mới hay không phải tiền của nhiều, thể xác to mới làm nên đại sự, con người biết lập chí thì bất kỳ ở cảnh ngộ nào cũng có thể thoát ra mà vươn lên được.

Nếu dở sử sách ra xem, chúng ta sẽ còn thấy biết bao tấm gương thành công chỉ nhờ chỉ mỗi cái chí mà thôi. Tạo hóa sinh con người ra có thể không bình đẳng vì kẻ nghèo, người giàu, kẻ yếu, người mạnh, nhưng mọi người đều có được hai mươi bốn giờ mỗi ngày và ai cũng mang một khối óc. Những ai có chí quyết tâm theo đuổi mãi mục đích mà mình mong đạt đến, chẳng chóng thì chầy thì cũng đến nơi đến chốn, như người theo dòng nước sông đi mãi thì tất có ngày phải gặp biển. Nhà bác học trứ danh người Anh là Newton đã từng thú nhận: “Nếu tôi có phát minh được một đôi điều gì, cũng là nhờ nghĩ ngợi mãi một việc và đem việc ấy mà quan sát đủ mọi phương diện. Nếu những phát minh của tôi có được một chút lợi ích cho đồng bào là do sự cần cù và đeo đuổi mãi một ý nghĩ mà không thôi vậy.”

Người Nhật Bổn có câu truyện cổ như sau:

Một thương gia đặt họa sĩ vẽ cho bức trang con gà trống, vẽ làm sao cho giống hệt như gà thật.

Sau mấy năm chờ đợi, người thương gia vẫn chưa thấy họa sĩ đá động gì về bức tranh con gà trống ấy cả. Quá nóng lòng và ngạc nhiên, ông bèn đến nhà họa sĩ xem sao. Đến nơi thì vẫn chưa thấy bức tranh mình đặt, họa sĩ mời ông ngồi rồi cầm cọ vẽ trong mười lăm phút thì xong hình một con gà trống tuyệt đẹp, giống y như gà thật. Người thương gia rất bằng lòng, nhưng họa sĩ đòi một số tiền quá cao, ông ta bất mãn buông những lời nặng nề với họa sĩ. Họa sĩ lẳng lặng chỉ cho ông xem một đống giấy to, cao gần tới trần nhà, tờ nào cũng có hình con gà trống, đoạn ôn tồn nói rằng:

- Đó ông xem, công việc tôi làm suốt ba năm qua đấy. Phải tốn công tập luyện hôm nay tôi mới vẽ được con gà trống giống như thật trong vòng mười lăm phút. Vì vậy ông đừng bảo tiền ông trả cho tôi là quá nhiều.

Người thương gia nghe ra phải lẽ, bằng lòng móc tiền ra trả ngay.

Người Trung Hoa cũng có câu truyện “Ngu công dọn núi” mà chúng ta không mấy người là chẳng biết:

Vì trước nhà có ngọn núi cao, cây cối rậm rạp, ác thú quá nhiều, đi lại khó khăn, Ngu công bèn quyết định cùng vợ con họ hàng phá hòn núi ấy đi, lúc ấy ông đã chín mươi tuổi.

Một ông lão ở gần miền thấy vậy cười Ngu công và can rằng:

- Sao khờ dại vậy! Mình thì tuổi tác, núi thì cao lớn, phá thế nào nổi?

Ngu công đáp:

- Ngươi không bền lòng. Bền lòng thì việc gì cũng phải được… Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời con ta, đã có chắt ta, con con cháu cháu sinh hạ vô cùng, còn núi thì bao giờ cũng vậy, lo gì không phá nổi.

Quả thật, sau này nhờ Ngu công mà vùng đất đó không còn núi non hiểm trở nữa.

Nếu ở đời ai cũng nuôi được cái chí sắt thép của Ngu công thì lo chi sự nghiệp không thành. Chúng ta ngày nay có thói quen ước muốn suông: “tôi muốn thế này… tôi mong được như vầy…” Rồi cứ để cho ngày tháng trôi qua, cam tâm sống một cuộc đời tầm thường, không chịu tiếp tục mỗi ngày làm công việc “nước chảy đá mòn”, “kiến tha lâu đầy ổ”.

Biết bao người khi đứng trước một khu vườn, một khu đất đã từng tự hỏi thầm:

- Không biết năm nay mảnh đất nầy sẽ đem cho ta được những gì?

Nếu mảnh đất kia mà biết nói, tất nó sẽ trả lời rằng:

- Thưa Ông, trước hết ông phải cho tôi biết ông quyết định cho tôi cái gì đã. Phần của ông được nhiều hay ít, tốt hay xấu, là do công việc ông làm, do ý chí ông quyết định, chứ nào phải do tôi hay bất kỳ ai khác đâu.

Chúng ta ai cũng muốn được thành công toại ý, nhưng thường lại quên rằng không có con đường thành công nào sẵn dành cho kẻ chân chưa đi đã ngại mỏi, việc chưa làm đã sợ khốn. Quả đúng như lời Nguyễn Bá Học viết: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Ở đời mỗi người phải nuôi cái chí quyết định lấy sự thành công của mình, không nên phó thác cho vận mạng, may rủi. Tục ngữ Anh có câu: “Thượng đế đã ban cho chúng ta một cái dạ dày để hưởng thụ con ngỗng quay. Nhưng thượng đế chờ chúng ta tự nhổ lông và quay con ngỗng lấy“. Chúng ta muốn làm nên sự nghiệp mà không có chí theo đuổi việc làm từ năm tháng này sang năm tháng khác thì có khác chi kẻ há miệng nằm dưới gốc sung chờ trái sung rụng vào mà ăn. Thành công chỉ dành cho người có chí.

Con người sanh ra là để phấn đấu tìm hạnh phúc, chớ không phải tự nhiên ngồi không mà hưởng thụ mọi thứ.

Người có chí là kẻ suốt đời hoạt động, làm việc không ngừng. Thông minh tài trí thế mấy mà không nuôi được cái chí đó, thì tài trí cũng cùn nhụt tiêu ma, suốt đời không làm được bao nhiêu việc hữu ích cho đời. Vì thế, vị thủ tướng lừng danh nước Ý là Mussolini đã từng nói: “Ý chí có giá trị hơn tài năng”, và

Nho sĩ Trung Quốc là Uông Cách cũng cho rằng “Không gì nghèo bằng không tài, không gì hèn bằng không chí“.

Phần đông người già nước ta đến lúc tuổi già sức yếu thì khoanh tay bỏ việc ngồi hưởng nhàn, bắt chước các nhà nho thời cổ ngâm câu “Toán lai danh lợi bất như-nhàn” (Tính cho kỹ lại thì sự danh lợi không bằng được sống thư nhàn). Do đó bầu nhiệt huyết hăm hở làm việc dường như nguội dần theo năm tháng, ý chí cũng tiêu ma lần khi chân mỏi mắt mờ. Sao chúng ta không noi gương Caton, tám mươi bốn tuổi rồi mà còn vui vẻ học tiếng Hy Lạp. Văn hào Voltaire, lúc đã lớn tuổi, gần đất xa trời, mà vẫn giam mình cả năm vào phòng riêng để tìm hiểu về vật lý hóa học, chỉ vì ông muốn hiểu rõ khoa học như đã hiểu biết về văn chương; đến khi bảy mươi tuổi rồi mà ông vẫn vừa mở mang đồn điền Fermey, vừa viết sách, soạn kịch. Clémenceau, vị anh hùng cứu quốc của nước Pháp, lúc về già hưởng thú điền viên vẫn không hề để ngòi bút khô mực, lưỡi cuốc ten rỉ.

Những bậc trên tuy già mà lòng còn trẻ, trong khi bao nhiêu người trẻ tuổi mà chí khí đã cằn cõi, an nhiên ngồi nhìn năm tháng trôi qua rồi thở than mình sanh ra chẳng gặp thời, đổ thừa cho số kiếp không may. Sao chúng ta không nghĩ việc gì người khác làm được thì ta cũng có thể làm được, người ta hơn thua nhau chỉ ở chỗ có chí cùng không mà thôi. Để kết luận, tôi xin kể lại một câu chuyện khá thú vị đại khái như sau:

“Mỗi ngày ba tôi - theo lời của một nhà văn kể - đem một tấm ván dầy ra bắt tôi dùng dao nhỏ rạch lên đó một cái, chỉ một cái thôi. Tôi thật vô cùng ngạc nhiên, nhưng ba tôi không hề hé môi giải thích. Tôi cứ tiếp tục rạch mỗi bữa vào chỗ cũ như vậy, và cuối cùng, sau mấy trăm ngày, tấm ván đứt ra làm hai. Bấy giờ, ba tôi mới vịn vai tôi mà bảo rằng:

- Con thấy không? Với sự bền chí cầm con dao bé nhỏ nầy cứa mỗi ngày một cái, con có thể làm cho tấm ván dầy đứt ra làm hai. Bao nhiêu việc đời cũng chỉ như thế mà thôi: Người ta nếu biết quyết chí mỗi ngày làm mãi công việc mà mình đeo đuổi thì ắt phải có ngày thành công. Đó là bài học luyện chí mà ba nghĩ là một gia tài lớn lao nhứt ba truyền lại cho con vậy.”