Vào năm 1936, hai tác giả đã bắt tay vào viết cuốn truyện về sự xuất hiện của con người, về việc con người tập làm việc, tập suy nghĩ, rồi tìm ra lửa, ra sắt, về việc con người đã chinh phục được thiên nhiên, đã nhận thức được thế gới và cải tạo thế giới.
Thuở sơ khai, con người vốn dĩ cũng ở trên cây, nhưng con người không chấp nhận đời sống an nhàn như loài chim kia. Sức mạnh của con người nằm ở chỗ, dám trèo xuống khỏi cành cây đó, và đối mặt với bao loài thú ăn thịt dữ tợn. Vì Tạo Hoá không trao tặng cho con người khả năng bay lượn, nên Ngài bù lại cho họ khối óc tinh quái của lão Tôn, để con người tự chắp cánh cho chính mình.
Quá trình trở thành "khổng lồ" của con người, được khởi đầu từ bước chân đầu tiên họ đặt lên mặt đất, và vốn chưa bao giờ kết thúc, ngay cả tại thời điểm bạn đang đứng.
Và rằng khó khăn, chỉ là một nấc thang đưa chúng ta lên vị trí cao hơn mà thôi. Vì chúng ta sinh ra là dòng dõi khổng lồ, nên hãy làm cho tổ tiên ta tự hào hơn nữa, bạn nhé!***
Thời xưa, con người chưa phải là khổng lồ, mà còn là một con vật nhỏ bé, chẳng những không làm chủ được tự nhiên, mà chỉ là một kẻ nô lệ ngoan ngoãn.
Con người hầu như không có quyền lực gì đổi với thế giới, cũng như chẳng có tự do y như muôn thú trong rừng, chim chóc trên trời.
Người ta thường hay nói: “Tự do như chim”.
Nhưng thực ra con chim có hoàn toàn tự do đâu!
Đúng là nhờ đôi cánh, chim có thể bay qua các khu rừng, vượt biển cả, núi cao. Chúng ta ai mà chẳng thèm muốn được như những đàn sếu, cứ mùa thu đến là bay đi tìm những xứ sở ấm áp để tránh giá rét mùa đông. Chúng lũ lượt kéo đi từng đàn trên trời cao tít, khiến mọi người ngửa cổ nhìn theo mà nhủ thầm: “Chao ôi, loài chim sung sướng quá! Chúng tha hồ muốn bay đến đâu thì bay!”.
Nhưng có loài chim thật như thế không? Có phải là đàn chim kia bay đi chỉ vì chúng thích những cuộc viễn du hay không? Chắc chắn không phải như vậy! Chúng bay đi từng đàn như thế đâu phải là để thỏa cái thích riêng của chúng. Chúng bay đi là một điều tất yếu để gìn giữ sự sinh tồn mà biết bao thế hệ các loài chim đã làm trong suốt bao nghìn năm.
Loài chim di chuyển dễ dàng đến nỗi ta có thể tưởng rằng giống chim nào cũng có thể sinh sôi nảy nở khắp mọi nơi trên trái đất.
Nếu quả đúng như vậy thì ta sẽ gặp chú vẹt với bộ lông xanh đỏ ở trong các rừng thông và rừng bạch dương, sẽ nghe thấy tiếng chim sơn ca hót cả ở trong các rừng cây lớn. Nhưng sự thật lại khác: loài chim không được tự do như ta tưởng. Mỗi giống chim có một chỗ ở nhất định trên trái đất. Có giống ở trong rừng, có giống ở thảo nguyên, có giống ở bờ biển.
Hãy lấy đại bàng làm ví dụ. Cánh nó khỏe biết bao. Thế nhưng ngay cả đại bàng cũng chọn một khu vực nhất định để sinh sống, khu vực ấy có thể khoanh lại dễ dàng trên bản đồ. Giống đại bàng lông vàng không bao giờ làm tổ ở thảo nguyên ít cây cối. Giống đại bàng thảo nguyên, thì chẳng khi nào làm tổ trong rừng.
Hầu như giữa rừng và thảo nguyên có một bức tường vô hình ngăn cách; bức tường này không phải mọi giống thú và loài chim đều có thể vượt qua được.
Không bao giờ các bạn có thể thấy ở thảo nguyên những muông thú trong rừng như sóc, gà rừng, chim chích. Trái lại trong rừng thì không thấy những giống vật sống ở thảo nguyên như chim báo, chuột nhảy chẳng hạn.
Và ngay cả ở trong rừng và ở thảo nguyên cũng có những bức ngăn vô hình phân chia thành muốn vàn thế giới nhỏ riêng biệt.