Khởi đi từ việc phân tích dưới góc độ khoa học di truyền, viện sĩ Richard Dawkin giải mã động lực của tiến hoá và cho rằng ích kỷ chính là tập tính con người, thậm chí, là văn hoá của nhân loại.
Cuốn sách này nên được đọc như thể nó là một viễn tưởng khoa học. Nó được viết theo cách để lôi cuốn sự tưởng tượng. Nhưng nó không phải là một khoa học viễn tưởng: nó là khoa học.
Cho dù có sáo rỗng hay không thì cụm từ "lạ hơn cả viễn tưởng" vẫn diễn ra một cách chính xác cảm giác của tôi về sự thật. Chúng ta là những cỗ máy sống - những phương tiện rô-bốt được lập trình một cách mù quáng để bảo tồn các phân tử vị kỷ được gọi là các gen. Đây là một sự thật vẫm đầy ngạc nhiên đối với tôi...(Richard Dawkins)***
Thật dễ chịu khi nhận ra rằng tôi đã sống nửa đời mình với cuốn Gen vị kỷ, cho dù điều đó là tốt hay xấu. Nhiều năm qua, mỗi khi một trong bảy cuốn sách sau này của tôi ra đời, các nhà xuất bản đã tổ chức các chuyến đi để tôi quảng cáo sách. Bất kể đó là cuốn nào đi chăng nữa, độc giả đều phản hồi lại, với sự nhiệt tình hài lòng, sự khen ngợi lịch sự và những câu hỏi thông minh. Và sau đó họ lại xếp hàng để mua và yêu cầu tôi ký tặng cuốn… Gen vị kỷ. Điều này hơi quá cường điệu. Một vài trong số họ cũng mua những quyển sách mới và vợ tôi đã an ủi tôi bằng cách lập luận rằng những người mới biết đến một tác giả nào đó thường có xu hướng tìm lại quyển sách đầu tiên của anh ta, những người còn lại, khi đã đọc cuốn Gen vị kỷ, chắc hẳn họ sẽ tìm ra xu hướng của mình thông qua cuốn sách mới mà họ yêu thích nhất.
Tôi sẽ bận tâm nhiều hơn nếu tôi có thể thừa nhận rằng cuốn Gen vị kỷ đã trở nên rất lỗi thời. Đáng tiếc (theo một khía cạnh nào đó) là tôi không thể làm điều đó. Những chi tiết đã thay đổi và những ví dụ thực tế đã đâm chồi mạnh mẽ. Nhưng với một ngoại lệ mà tôi sẽ thảo luận trong giây lát, có một phần nhỏ của cuốn sách mà tôi phải nhanh chóng đính chính lại hoặc phải xin lỗi vì nó. Arthur Cain, giáo sư môn động vật học tại Liverpool, một trong những người thầy đầy cảm hứng của tôi tại Oxford những năm 60, đã mô tả cuốn Gen vị kỷ năm 1976 là một “cuốn sách của người trẻ tuổi”. Ông ấy đã chủ tâm trích dẫn một người bình luận trong Logic và sự thật ngôn ngữ của AJ. Ayer. Sự so sánh đó đã tâng bốc tôi lên, cho dù tôi biết rằng Ayer đã phải sửa lại rất nhiều trong cuốn sách đầu tiên của ông ấy và tôi cũng khó có thể bỏ qua điểm ngụ ý của Cain rằng tôi nên làm tương tự như vậy vào thời điểm thích hợp.
Hãy cho phép tôi bắt đầu bằng vài ý nghĩ về tiêu đề cuốn sách. Năm 1975, qua sự giới thiệu của bạn tôi là Desmond Morris, tôi đã đưa một phần của cuốn sách hoàn thiện cho Tom Mascher, một người có tiếng trong giới xuất bản ở London, và chúng tôi đã cùng thảo luận trong căn phòng của ông ta ở Jonathan Cape. Ông ấy thích cuốn sách nhưng không thích tiêu đề. Ông ấy nói: “Vị kỷ là một từ ‘không đắt’. Tại sao không gọi nó là Gen bất tử? Bất tử là một từ ‘đắt’, và sự bất tử của thông tin di truyền là ý trọng tâm của cuốn sách, Gen bất tử cũng có sự hấp dẫn tương tự như Gen vị kỷ” (Tôi nghĩ, không ai trong chúng tôi để ý đến tiếng vang của tác phẩm Người khổng lồ vị kỷ của Oscar Wilde). Bây giờ tôi mới nghĩ rằng Mascher có thể đã đúng. Nhiều nhà phê bình, đặc biệt là những nhà phê bình lớn tiếng, được đào tạo về mặt lý thuyết như tôi được biết, chỉ thích đọc một quyển sách dựa vào tiêu đề của nó. Điều này rất đúng với những tác phẩm như Truyền thuyết về Benjamin Bunny hay Sự suy thoái và sụp đổ của đế chế La Mã, nhưng tôi có thể thấy chắc chắn rằng bản thân tiêu đề Gen vị kỷ không cần đến ghi chú của cuốn sách, có thể đủ để diễn tả nội dung của nó. Ngày nay, một nhà xuất bản Mỹ sẽ khăng khăng đòi có sự thuyết minh trong bất kỳ trường hợp nào.
Cách tốt nhất để giải thích tiêu đề này là tìm ra các điểm nhấn. Nếu bạn nhấn mạnh vào từ “vị kỷ”, bạn sẽ nghĩ rằng cuốn sách này viết về sự vị kỷ, trong khi đó, dù sao đi nữa, nó lại tập trung nhiều hơn vào tính vị tha. Từ cần phải được chú ý đến trong tiêu đề là “gen” và hãy để tôi giải thích tại sao. Tranh luận chủ yếu trong học thuyết Darwin có liên quan đến đơn vị mà nó thực chất đã chọn lọc: dạng thực thể nào đã tồn tại hoặc không tồn tại như một hệ quả của chọn lọc tự nhiên. Đơn vị đó, ít hay nhiều, cũng sẽ trở thành “ích kỷ” theo định nghĩa. Tính vị tha có thể được ưu tiên nhiều hơn ở một mức độ khác. Liệu chọn lọc tự nhiên có chọn lựa giữa các loài? Nếu vậy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng các cá thể sinh vật sẽ hành xử một cách vị tha “vì cái tốt của loài”. Chúng có thể sẽ hạn chế tỷ lệ sinh để tránh việc tăng dân số quá mức, hoặc hạn chế hành vi săn bắt để bảo tồn nguồn thức ăn trong tương lai của loài. Đây là sự hiểu nhầm học thuyết Darwin được phổ biến rộng rãi, điều đã thúc đẩy tôi viết cuốn sách này.
Hay liệu chọn lọc tự nhiên, như tôi đã nhấn mạnh ở đây, có lựa chọn giữa các gen? Trong trường hợp đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các cá thể sinh vật hành xử một cách vị tha “vì cái tốt của các gen”, ví dụ như nuôi nấng và bảo vệ người trong dòng tộc có chung bản sao của các gen giống nhau. Đức hy sinh dòng tộc như vậy là cách duy nhất mà sự vị kỷ của gen có thể diễn giải bản thân nó thành tính vị tha của cá thể. Cuốn sách này giải thích việc này xảy ra như thế nào cùng với sự tương hỗ, một yếu tố chính sinh ra tính vị tha trong học thuyết Darwin. Giả định tôi đã từng viết lại cuốn sách này như một sự biến đổi muộn màng sang “nguyên lý vật cản” của Zahavi/Grafen. Tôi cũng sẽ dành một khoảng cho ý tưởng của Amotz Zahavi rằng sự hiến tặng mang tính vị tha có thể là một kiểu “cống tế” của dấu hiệu khống chế: hãy xem ta mạnh hơn ngươi như thế nào, ta có thể thoải mái hiến tặng cho ngươi!
Hãy để tôi nhắc lại và mở rộng lý lẽ của từ “vị kỷ” trong tiêu đề. Câu hỏi quan trọng ở đây là cấp bậc nào của sự sống sẽ trở thành “vị kỷ” thật sự, và chọn lọc tự nhiên tiến hành ở mức độ nào? Loài vị kỷ? Nhóm vị kỷ? Sinh vật vị kỷ? Hệ sinh thái vị kỷ? Hầu hết những cấp bậc này đều có thể được một hoặc nhiều tác giả biện luận và giả thiết một cách không chắc chắn, nhưng tất cả chúng đều sai. Người ta cho rằng thông điệp của Darwin sẽ được tóm lược rõ ràng như một cái gì đó vị kỷ, và rằng cái gì đó hóa ra lại là gen, nhân tố được lập luận thuyết phục trong cuốn sách này. Cho dù bạn có chấp nhận nó hay không thì đó cũng là cách giải thích cho tiêu đề của cuốn sách.
Tôi hy vọng có thể quan tâm đến những hiểu lầm nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng mình cũng có những sai lầm tương tự. Đặc biệt có thể tìm thấy chúng ở Chương 1, điển hình là câu “Hãy cùng giảng dạy tính rộng lượng và lòng vị tha bởi vì chúng ta là những kẻ vị kỷ bẩm sinh”. Việc giảng dạy tính rộng lượng và lòng vị tha không có gì sai, nhưng “sự vị kỷ bẩm sinh” là một điều sai lầm. Điều này chưa được nhận ra cho đến năm 1978 khi tôi bắt đầu nghĩ một cách rõ ràng về sự khác biệt giữa “các phương tiện” (thường là các sinh vật và “các thể tự sao” ngự bên trong chúng (thực tế là các gen: toàn bộ vấn đề này được lý giải trong Chương 13, chương mới được thêm vào ấn bản thứ hai). Xin hãy quên câu nói sai lầm này cùng các câu tương tự khác, và hãy thay thế nó bằng một điều gì đó trong các dòng chữ của đoạn văn này.
Với những sai sót nguy hiểm trên, dễ thấy tiêu đề của cuốn sách có thể bị hiểu lầm như thế nào, và đây là một lý do tại sao mà tôi có lẽ nên sử dụng tiêu đề Gen bất tử. Tiêu đề Phương tiện vị tha là một khả năng khác. Có lẽ cái tên này sẽ là quá khó hiểu, nhưng trong tất cả các khía cạnh, nó giải quyết được sự tranh luận bề ngoài (điều gây băn khoăn kể từ Ernst Mayr đến sau này) giữa gen và sinh vật, hai đơn vị cạnh tranh với nhau trong chọn lọc tự nhiên. Ở đó, không hề có sự tranh chấp giữa chúng. Gen là đơn vị chọn lọc tự nhiên với nghĩa là thể tự sao. Sinh vật là đơn vị chọn lọc tự nhiên theo nghĩa là phương tiện. Cả hai đơn vị này đều quan trọng và không thể chê bai. Chúng đại diện cho hai thể loại hoàn toàn khác nhau và chúng ta sẽ bị nhầm lẫn một cách tuyệt vọng nếu không nhận ra được sự khác biệt.