Lời giới thiệu
Mấy lần gặp thầy Viên Ngộ tôi hoan hỷ thấy thầy quan tâm tham vấn pháp học, pháp hành một cách cặn kẽ, và hoan hỷ hơn nữa khi đọc cuốn Hạnh phúc tùy cách nhìn do thầy biên soạn để chiasẻ sự thấy biết đạo lý nhà Phật của mình với những người đồng đạo.
Những điều thầy viết xuất phát từ tư duy và trải nghiệm của chính mình trong đời sống thực tiễn hơn là chỉ “y kinh diễn nghĩa” như những vị Tăng có học thức khác. Chân lý không dành riêng cho chư Tăng Ni trong các tu viện hay thiền viện, cũng không phải độc quyền của một số vị đạo sư nổi tiếng nào. Chân lý luôn thiết thực hiện tại (sanditthiko) cho những ai ít bụi trong mắt có thể thấy ra bất cứ ở đâu và lúc nào.
Chân lý cũng không bị đóng khung trong những quan niệm, công thức, phương pháp hay tông môn nào, cho nên Đức Phật chỉ làm một việc duy nhất để cống hiến cho nhân loại là khai thị sự thật (Svàkhàto Bhagavatà Dhammo), còn giác ngộ hay không thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm, thể nghiệm để khám phá và chứng nghiệm sự thật ngay nơi thực tại đời sống của chính mình. Chân lý là sự thật tuyệt đối hoàn hảo trong chính nó, còn sự vận dụng thành phương pháp chỉ là phương tiện tương đối và bất toàn, cho nên cái khó là người vận dụng chân lý phải tự mình chứng nghiệm và suốt thông chân lý để có thể tùy cơ ứng biến mà không rơi vào công thức, khuôn định hay mẫu mực lỗi thời. Chân lý thì muôn đời vẫn thế, nhưng sự vận dụng thì luôn biến hóa vô cùng, nên không bao giờ dừng lại ở kết luận hay khẳng định nào mới có thể tùy duyên thuận pháp giữa cuộc đời đầy vô thường biến đổi.
Mỗi người xử lý tình huống một cách khác nhau tùy theo trình độ căn cơ, hoàn cảnh và nghiệp mệnh của họ, người giác ngộ chỉ chia sẻ bằng cách gợi ý giúp họ thấy ra hướng đúng để họ tự học bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi qua tình huống đặc thù của họ chứ không đưa ra một giải pháp nào nhất định để họ phải theo. Giống như em học sinh lớp nào thì giải bài toán của mình theo trình độ lớp đó chứ thầy giáo không giải giúp em bài toán theo kinh nghiệm và học lực của riêng thầy. Tất nhiên khi học lên cao hơn em sẽ có cách giải bài toán ấy tốt hơn, cũng như trên đường tu học mỗi hành giả sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình ngày càng đúng tốt hơn chứ không cần phải áp dụng một mẫu lý tưởng nào cho cái đúng, bởi vì cái đúng lý tưởng đôi khi vẫn là cái sai so với cái đúng thực tế trong vị trí và thời gian nhất định của nó.
Tôi mong rằng những gợi ý chân thành của thầy Viên Ngộ sẽ là những thí dụ điển hình có thể giúp cho nhiều Phật tử nhận ra cách xử lý tình huống riêng của mình trong cuộc sống chân không diệu hữu này.
Sài Gòn, ngày 20-04-2012
Tổ Đình Bửu Long, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh
Hòa Thượng Viên Minh