Lịch Sử Nhà Tù Côn Đảo (1862 - 1975)

Thể loại: Lịch sử
  • Định dạng : Sách PDF
  • Lượt xem : 85
  • Kích thước : 2.23 MB
  • Số trang : 613
  • Số lượt tải : 24
  • Read on mobile :

Cuốn sách là bức tranh toàn cảnh về cuộc đấu tranh ở Côn Đảo qua các thời kỳ, là khúc hùng ca trong thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc trong cuộc chiến chống thực dân, đế quốc để giành độc lập tự do.

Nhà tù Côn Đảo từ cuối thế kỷ 19 luôn luôn phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân qua các giai đoạn, bởi lẽ địch giam ở đây những chiến sĩ cách mạng mà chúng cho là nguy hiểm nhất ở khắp các miền của đất nước.

***

LỜI TỰA CỦA GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU

(Viết riêng cho cuốn Nhà tù Côn Đảo 1955-1975)

Tôi được bạn bè yêu cầu viết tựa cho sách, rất nhiều lần, nhưng lần này, giới thiệu tập “Lịch sử Nhà tù Côn Đảo 1955-1975” tôi lo quá; đọc một lần đã thấy lo đọc hai lần càng thấy lo. Lo không giới thiệu được nội dung cơ bản của tập sử, nội dung cơ bản ấy là cực kỳ sâu sắc, bởi hàm ý những sự việc và nhân cách của những con người được kể ở trong sách.

Những sự việc và con người được ghi lại một cách khách quan, khoa học, đáng là đề tài vô tận của một thiên anh hùng ca mà có lẽ khó có một nhà thơ nào ở nước ta và cả trên thế giới tìm ra ở trong trí tương tượng thâm viễn của mình. Trong trường hợp này, một bài giới thiệu của một thầy giáo lịch sử như tôi chỉ có thể là một lời mời đọc, đọc để rồi đọc lại, đọc đi đọc lại để mà suy gẫm, suy gẫm về đạo làm người chiến sĩ yêu nước yêu dân, suy gẫm về con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, khi đứng trước cảnh ngộ thiên nan vạn nan, khi đứng trên bờ vực giữa cái sống và cái chết, giữa cái vinh không cần ai biết và cái nhục mà chính mình cảm thấy hơn ai hết. Tập sách “Lịch sử Nhà tù Côn Đảo 1955-1975” thực tế là một quyển sách đạo đức học, một quyển triết học.

Trong đời hoạt động cách mạng của mình, tôi đã phải trải qua nhiều nhà tù, trong số đó có ngục Côn Lôn. Tôi lại được đọc nhiều sách xưa nay nói về nhà tù của các vua chúa, của tư bản thực dân, của bè lũ phát xít. Như vậy, tôi có khá nhiều tài liệu để so sánh các chế độ nhà tù tàn bạo, thì các nhà tù đó cái nào cũng tàn bạo, chỉ có mức tàn bạo, cách tàn bạo và mưu sâu bên trong là khác nhau. Cho đến trước khi Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà quốc hội Berlin, thì nhà tù của Hitler là tàn bạo nhất, với ý nghĩa chính là giết nhiều người nhất: hàng triệu, hàng triệu dân Do Thái bị giết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật. Nói ra thì có lẽ không phải, nhưng cái chết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật, giết một lần hàng vạn sinh linh, cái chết đó người chiến sĩ tù nhân Việt Nam mình có mấy ai sợ đâu? So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ ngụy, thì nhà tù Hitler giống như ao cạn so với vực thẳm. Mỹ ngụy thâm độc hơn Hitler biết bao nhiêu! Nhà tù Côn Lôn thời Pháp thuộc đã là địa ngục ở trần gian rồi, đến thời Mỹ ngụy, là địa ngục trong địa ngục, và nói như vậy cũng chưa vừa.

Bị đày ra Côn Lôn (1935), khi ấy tôi từng bị tống ngay vào xà lim số 1, xà lim này rộng 3 x 3 x 1,5 mét, còng một chân. Mà trời ơi, làm sao so được với thời Mỹ ngụy cũng trong cái xà lim đó, Mỹ ngụy nhốt tới 28 người, cửa đóng, lỗ thông hơi bịt kín, tù nhân lại còng tréo 2 tay và 2 chân. Dưới thời thực dân Pháp, tụi tôi ở Banh I bãi thực chống ăn khô mục, cuộc đấu tranh dài nhất là 9 ngày, bị đánh một lần suốt buổi bằng mấy cần xé mây cà dông đến mây tả tơi ra. Vụ Tôn Đức Thắng ở trong số đồng chí bị khủng bố hôm ấy, lưng mỗi người bầm tím 100%.

Vậy mà so với anh em bị biệt giam thời Mỹ ngụy, cũng ở đây, thì có “thấm” gì? Nhiều lần anh em bãi thực đòi ăn cơm có rau, mà phải bãi thực đến 20 ngày, một tháng, 60 ngày và hơn nữa, bọn chúa ngục lại đập bể các lu nước, bao: “Để bây chết đói và chết khát cho trọn”’. Mà, đã yên để không ăn không uống đâu, ngày ngày chúng vào khám, đánh tù nhân đấu tranh bằng củi đòn, củi chẻ; mây càdông đánh mãi thì tả tơi, củi đòn củi chẻ đánh mãi không mòn, chỉ có sọ vỡ, thịt nát mà thôi!

Đã vậy, ở Chuồng Cọp, bọn gác dang, giám thị còn ban ngày thì đánh, ban đêm thì phân công nhau, đứng trên dội nước lạnh xuống, 10 đêm, 20 đêm, 30 đêm như thế, liên tục, thân xác con người nào mà chịu nổi?

Vậy mà chiến sĩ biệt giam cộng sản ở Chuồng Cọp Côn Lôn chịu nổi, thà chết, không hàng!

Hành hạ một cách tàn ác như vậy, để làm gì?

Có phải để thỏa mãn cái thú tính cửa bọn Mỹ ngụy và những quỷ sứ tay sai của chúng nó chăng?

Không Cốt để cho các chiến sĩ cách mạng phải:

1. Chịu ký tên “ly khai Đảng Cộng sản”;

2. Hô lên “đả đảo Hồ Chí Minh”!

Chỉ cần hạ bút ký tên và mở miệng hô năm tiếng thì khỏi còng, khỏi củi chẻ, khỏi bị xối nước lạnh. Có bạn đã nhận thức đúng, hết sức đúng, rất sâu sắc rằng:

“Hành hạ người tù đau đớn tột cùng về thể xác, truy bức người tù căng thẳng tột độ về tâm lý, dai dẳng và trường kỳ, chúng đẩy người tù đến bên miệng hố của tử thần, để họ day dứt, trăn trở, chết dần chết mòn từng giờ, từng phút. Song cứ mỗi lần họ hấp hối, họ tỉnh dậy, họ thề với lương tâm một lần nữa quyết chết cho lý tưởng, chết để vẹn toàn khí tiết, thì chúng nó lại nhượng bộ một chút, nới ra một tí, cho họ ăn uống trở lại, sinh hoạt bình thường để họ khát khao sự sống. Chập chờn giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết hàng chục lần, hàng trăm lần như vậy, thì tư tưởng, tâm trạng con người luôn luôn căng thẳng, dễ dao động, chẳng khác gì một thỏi thép quẳng vào lò, nung đỏ lên rồi quăng xuống nước cho nó biến dạng, rạn nứt. Bọn cải huấn, công an, mật vụ, tâm lý chiến chực sẵn để chộp lấy những giây phút dao động, mềm yếu của tù nhân mà đánh tiếp những đòn tiến công khác”.

Hiểm độc và tàn bạo, càng tàn bạo càng hiểm độc của Mỹ ngụy và tay sai là như thế.

Cho nên, đã không ít tù chính trị sau bao nhiêu cuộc giao tranh bị thất bại, bị khuất phục trước những ngón đòn tàn bạo và hiểm độc ấy. Hàng ngàn người ở nhà tù Côn Đảo trở về với tấm thân tàn phế, quằn quại cho đến chết, chết trong ân hận đã lỡ bước sa cơ.

Nhưng số đông tù chính trị, nếu bị khuất phục thì ấy là khuất phục tạm thời ngoài mặt để giư lấy mạng sống, hòng có ngày chiến đấu phục thù.

Một số khác, không ít người, sống lại, chết đi hàng chục lần mà vẫn không khuất phục. Trong cuộc chiến đấu dài 20 năm này ( 1955-1975), trong cuộc đấu tranh liên tục, thiên hình vạn trạng này, giữa tàn bạo có vũ khí tận răng và chính nghĩa giải phóng ở trong thế tay chân bị còng, chỉ còn khí tiết và lý tưởng là vũ khí, thì rốt cuộc phần thắng đã về ai?

Kỳ diệu thay mà cũng là tất yếu thay, như lời của Nguyễn Trãi tạc trên bia đá Lam Sơn, yếu thắng mạnh, ít thắng nhiều, chí nhân thắng cường bạo. Trong trường hợp cuộc đấu tranh rung động trăng sao, ở Côn Đảo từ 1955 đến 1975, khí tiết cộng sản đã thắng cường quyền và mưu ma chước quỷ của Mỹ ngụy. Những “ngôi sao” của biệt giam Chuồng Cọp hãy còn sống và hãy còn giương cao ngọn cờ Hồ Chí Minh, kẻ địch không có cách nào hạ nổi! Ngọn cờ ấy, thực tế vẫn là ngọn cờ của hầu hết anh em đã gặp phải lúc sa cơ mà ở đáy lòng không bao giờ có ý “ôm cầm thuyền ai”, đông đảo trở lại hàng ngũ đấu tranh. Ngọn cờ ấy lại là tiêu biểu ở Côn Đảo, xứng đáng với ý chí toàn dân Việt Nam đang quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”.

Tôi đồng tình với người viết sách “Lịch sừ Nhà tù Côn Đảo 1955-1975” tuyên dương tinh thần đấu tranh trực diện chống li khai của tù chính trị câu lưu Trại I, của tù án chính trị chống chào cờ ngụy với những tấm gương sáng tiêu biểu như Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Trần Trung Tín; tuyên dương sự bền bỉ chiến đấu vô song của “Năm ngôi sao tù chính trị câu lưu”, của “Sáu ngôi sao tù án chính trị”. Tôi thành thật khâm phục, xin cúi đầu trước ông già Cao Văn Ngọc vốn làm chức hương quản làng dưới thời Pháp, theo cách mạng từ mùa thu 1945; ông chỉ là thư ký nông hội xã; ông không phải là đảng viên cộng sản mà kiên quyết đến cùng, đấu tranh chống ly khai Đảng, chống hô khẩu hiệu đả đảo Cụ Hồ.

- Chúa ngục hỏi: “Ông không phải là đảng viên cộng sản, ông mắc nợ gì với Hồ Chí Minh mà không chịu hô đả đảo”.

- Già Ngọc bình tĩnh đáp: “Tôi mắc nợ Cụ Hồ Chí Minh đã đem lại độc lập tự do cho nước Việt Nam”.

Tôi khâm phục người thợ giày Lưu Chí Hiếu, lưu lạc từ Nam Định ra Hà Nội, vào Sài Gòn, tham gia khởi nghĩa và kháng chiến, chức vụ chỉ tương đương tiểu đội trưởng, nhưng lại thể hiện xuất sắc bản lĩnh người cộng sản, quyết tử chống li khai trong lần quyết định vận mệnh của cuộc chiến đấu vào lúc hiểm nghèo, tên anh đã trở thành một ngọn cờ của tù nhân chính trị toàn đảo.

Đó là thứ “Vàng trong lửa”, đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cua nhân cách Việt Nam, của khí tiết cộng sản.

Mong rằng các vị anh hùng ở nhà tù Côn Đảo được ca tụng xứng đáng nhất bằng những tập sách gối đầu giường cho thanh niên, được biểu dương xứng đáng nhất bằng những pho tượng đặt ở quê hương và ở các nhà trường.

Mong rằng các sự tích ở Côn Lôn, từ thuở Pháp biến nó thành nơi lưu đày tù chính trị cho đến thời 1955-1975, được ghi tạc chẳng những bằng tượng, bằng tranh vẽ và tranh điêu khắc mà còn được phổ biến rộng rãi bằng những cuốn phim. Tất cả những công việc đó của nhà làm lịch sử và làm văn nghệ đều nhằm để lại cho các thế hệ những tấm gương sáng ngời của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Sau hết, tôi như là một thầy giáo có nghiên cứu lịch sử xin hoan nghênh các tác giả Lịch sử Nhà tù Côn Đảo đã có công sưu tầm tư liệu, “nói có sách, mách có chứng”, đã chú ý đến việc hết sức cần thiết là gặp từng cựu tù quan trọng nào có thể gặp được, chép từng bản lý lịch, ghi từng chuyện kể; bằng cách đó, tác giả lưu giữ, tập hợp được một số lượng lớn tư liệu cho bản thân mình, còn viết nhiều về Côn Đảo, có thể là viết cả đời những ai là bạn đồng hành, văn nhân hay nghệ sĩ, trong sự nghiệp tái hiện cái địa ngục trần gian - “ngục Côn Đảo”.

Giáo sư Sử học

TRẦN VĂN GIÀU