Nội dung cơ bản của thời kỳ lịch sử cận đại là sự chuyển biến từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản chủ nghĩa, sự xác lập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trên phạm vi thế giới.
Những cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu và Bắc Mỹ (giữa thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XIX) đã từng bước thiết lập hệ thống chính trị tư sản trong các quốc gia phát triển (Anh, Mỹ, Pháp, Đức) rồi lan tỏa ảnh hưởng ra các nước trên những mức độ khác nhau ở châu Âu, châu Mỹ latinh và châu Á. Cùng với sự hình thành bộ máy nhà nước tư sản là sự xuất hiện các trào lưu tư tưởng về quyền con người và quyền công dân; các học thuyết về thể chế chính trị và quyền tự do dân chủ, nổi bật nhất là Triết học Ánh sáng; các dòng văn học lãng mạn và hiện thực phản ánh cuộc vận động lớn lao đó.
Thời kỳ này còn được đánh dấu bởi cuộc cách mạng công nghiệp, mở đầu bằng việc phát minh và sử dụng máy hơi nước vào sản xuất ở nước Anh cuối thế kỷ XVIII. Một quá trình công nghiệp hóa diễn ra rầm rộ ở châu Âu đã làm thay đổi cách thức sản xuất từ lao động bằng tay, sang sử dụng máy móc và từng bước hình thành một cơ cấu công nghiệp hoàn chỉnh; từ sản xuất quy mô nhỏ lên quy mô lớn với sự ra đời của các nhà máy và các khu công nghiệp, khiến cho loài người trong vòng chưa đầy một trăm năm, có thể sáng tạo nên một lực lượng vật chất to lớn hơn và đồ sộ hơn tất cả các thế hệ trước cộng lại, theo đánh giá của C.Mác và Ph.Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Chính những thành tựu kinh tế và kỹ thuật ấy đã khẳng định ưu thế của chế độ tư bản đối với chế độ phong kiến, đã tạo nên một bước ngoặt cơ bản “từ làn sóng văn minh nông nghiệp sang làn sóng văn minh công nghiệp” theo cách diễn dạt của nhà tương lai học A.Toffler.
Kết quả ấy dẫn tới những biến động lớn lao về đời sống xã hội với sự tăng dân số, sự phát triển đô thị, sự pháp lý hóa chế độ gia đình một chồng một vợ và điều quan trọng là sự hình thành các giai cấp xã hội mới.
Giai cấp tư sản công thương nghiệp và giai cấp vô sản công nghiệp - hệ quả tất yếu của cách mạng công nghiệp - trở thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa, có mối liên hệ khăng khít trong guồng máy sản xuất của nền kinh tế, đồng thời ẩn chứa mối mâu thuẫn cơ bản về quyền lợi giữa những người thống trị và những người bị trị, giữa tư sản và vô sản. Từ trong sự đối lập dai dẳng ấy đã hình thành trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa tiền công nghiệp (Morơ, Mêliê, Babớp…) trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp (Xanh Ximông, Phuariê…) cho đến chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác và Ăngghen. Những cuộc đấu tranh tiếp diễn về mặt ý thức hệ cũng như về mặt tổ chức (Quốc tế I, Quốc tế II) trở thành một trong những nét quan trọng của lịch sử phong trào công nhân quốc tế, đi từ học thuyết Mac đến học thuyết Lênin, từ cuộc thủ nghiệm Công xã Pari (1871) đến thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917).
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản gắn liền với quá trình thực dân hóa ở các châu lục chậm phát triển. Từ các thuộc địa của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha trong thời kỳ phát kiến địa lý (cuối thế kỷ XV) đến hệ thống thuộc địa rộng lớn của người Anh, người Pháp… thì vào cuối thế kỷ XIX hầu như trên hành tinh không còn vùng “đất trống”, nghĩa là không nơi nào không bị người phương Tây xâm lược và thống trị.
Các nước châu Á, châu Phi không đứng vững được trước làn sóng thôn tính ào ạt của phương Tây có trình độ kinh tế cao hơn và trang bị kỹ thuật quân sự tối tân hơn nên lần lượt trở thành các thuộc địa và phụ thuộc. Riêng Nhật Bản, với cuộc Duy Tân Minh Trị (1868) đã vượt qua được thử thách đó, giữ vững chủ quyền, vươn lên thành một nước tư bản và bước vào hàng ngũ đế quốc. Thành công của Nhật Bản gây nên tiếng vang lớn, thúc đẩy phong trào tư sản mới xuất hiện yếu ớt ở một số quốc gia châu Á. Người Trung Hoa thất bại trong việc áp dụng kinh nghiệm duy tân trong cuộc vận động năm Mậu Tuất (1898) đã tìm con đường cách mạng với học thuyết Tam Dân của Tôn Trung Sơn, dẫn đến cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) nhưng phải dừng lại nửa chừng. Sự chọn lựa giữa hai khả năng cải lương và cách mạng của các nhà yêu nước phương Đông đã không đem lại kết quả gì khi thế giới bước vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất - cuộc giành giật thuộc địa giữa các nước đế quốc. Nhưng dẫu sao, khu vực này cũng đã bị lôi cuốn một cách cưỡng bức vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản thế giới.
Như vậy, cho đến trước Cách mạng tháng Mười Nga, cả thế giới đã vận hành ở những tầng cấp khác nhau, vị thế khác nhau trong vòng quay của những quy luật tư bản chủ nghĩa.
*
* *
Có nhiều ý kiến khác nhau trong việc phân định mốc mở đầu và kết thúc của thời kỳ lịch sử thế giới cận đại. Thực ra, lịch sử phát triển liên tục mà sự phân kỳ chỉ có tính chất quy ước, mỗi người theo một quan điểm khác nhau trong việc chọn lựa. Hơn thế nữa, sự vận động lịch sử không diễn ra đồng đều trên tất cả các nước và các khu vực, mốc thời gian phù hợp với nơi này lại không thích ứng với nơi khác.
Tuy vậy, trong khuôn khổ giáo trình đại học, việc định mốc phân kỳ - dù chỉ coi như quy ước - vẫn là điều cần thiết. Nằm trong toàn bộ quá trình lịch sử từ cổ đến kim, thời kỳ cận đại xen vào giữa nên phải nhất quán với phần giáo trình trước nó là lịch sử cổ trung đại và sau nó là lịch sử hiện đại. Do vậy, trong giáo trình này, lịch sử thế giới cận đại được bắt đầu từ cuộc cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ XVII, kết thúc bởi cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga và Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đầu thế kỷ XX. Ngay trong thời kỳ cận đại cũng khó có được một sự phân định rõ rệt thống nhất chung cho cả phương Tây và phương Đông. Cho nên, để tiện cho việc học tập của anh chị em sinh viên, chúng tôi chia giáo trình này thành 2 phần:
Phần một: Lịch sử thế giới cận đại phương Tây.
Phần hai: Lịch sử thế giới cận đại phương Đông.
Lịch sử thế giới diễn biến theo một thể thống nhất, có mối liên hệ khăng khít giữa các quốc gia, các khu vực và các châu lục. Các bài giảng nên gọi mở cho sinh viên suy nghĩ trên bình diện tổng quát và phân tích tác động qua lại giữa các sự kiện nhằm khắc phục những hạn chế của sự phân chia tách bạch tạo nên.
***
Giáo trình lịch sử thế giới cận đại đã được sử dụng trong nhiều năm để giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số trường đại học khác. Ý kiến của các giáo sư, các bạn dồng nghiệp cũng như nhiều câu hỏi của sinh viên đã gợi mở cho chúng tôi những điều cần bổ sung, sửa chữa cho mỗi lần xuất bản. Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả các bạn đọc đã sử dụng và góp ý cho cuốn sách này. Chúng tôi luôn chờ mong và đón nhận các ý kiến đóng góp cho cuốn sách ngày một hoàn chỉnh.