Một tháng trước, Trương Hằng phát hiện một ngày của mình bỗng có thêm 24 giờ.
Thứ thay đổi đầu tiên chính là đồng hồ đeo tay của hắn, đó là chiếc đồng hồ cơ Tissot Seastar III sản xuất tại Thụy Sĩ, do cha mẹ ở tận Iceland tặng hắn hôm sinh nhật mười tám tuổi.
Đặt hàng trên taobao cực kỳ qua loa, shop giao hàng mới phát hiện phần địa chỉ còn ghi sai.
Trương Hằng cũng chẳng muốn nói nữa, lúc hắn chưa tốt nghiệp tiểu học thì hai ông bà đã vội vàng dọn hành lý bay sang Châu Âu để bắt đầu cuộc sống mới.
Hai người quen nhau trong một buổi giao lưu học thuật, nghề nghiệp đều là nhà thần học, nghĩa cũng giống như tên, chính là chuyên gia nghiên cứu các tôn giáo thần thoại. Tất nhiên ở một đất nước theo chủ nghĩa duy vật này thì khó mà làm ăn gì được.
Nhưng khác với đám thầy bà giả danh lừa bịp, cha mẹ của Trương Hàng đúng là hàng thật giá thật. Một người thì tốt nghiệp đại học Oxford, chuyên nghiên cứu thần thoại Hy Lạp và Bắc Âu, người kia là nghiên cứu sinh học bằng thạc sĩ của đại học Durham, lấy thần thoại Cơ Đốc giáo làm đối tượng nghiên cứu, từng viết vài bài luận văn rất có sức ảnh hưởng trong nghề.
Kết quả, sau khi về nước lại không làm nên cơm cháo gì.
May sao thầy của ba Trương có một hạng mục đang thiếu người. Cả hai bàn bạc với nhau, ném Trương Hằng cho ông ngoại của hắn chăm sóc, sau đó bắt đầu cuộc sống nghiên cứu rày đây mai đó trên khắp thế giới.
Về sau thì cả năm mới về nhà một lần, nên lúc bé Trương Hằng chỉ sống cùng ông ngoại.
Có lẽ là do cảm thấy hổ thẹn với con trai, cho nên hai người không hề keo kiệt với ông cháu hắn về mặt tiền bạc.
Không tính các khoảng học phí với tiền thuê nhà, phí sinh hoạt một năm đại học của Trương Hằng đã là ba mươi ngàn, tuy không bằng đám nhà giàu khác, nhưng so với các học sinh bình thường thì đã là nhiều lắm rồi.
Quay lại vấn đề chính.
Chuyện chiếc đồng hồ nọ rât kỳ lạ, Trương Hằng ngủ một giấc dậy, giơ tay định xem giờ theo bản năng thì phát hiện chữ số khắc trên mặt đồng hồ đã từ mười hai biến thành hai mươi bốn.
Trương Hằng ngẩn tò te một lúc, tiếp theo hắn bình tĩnh đặt đồng hồ về chỗ cũ rồi trùm chăn ngủ tiếp.
Kết quả một tiếng rưỡi sau, đám anh em chung phòng nhắn tin đầy nuối tiếc báo rằng hắn đã bị điểm danh trong lớp toán cao cấp.
Không phải là mơ ư?
Trương Hằng mất chừng mười phút để vệ sinh cá nhân, đoạn hắn ngồi vào bàn học dưới giường rồi mở máy tính lên.
Đầu tiên hắn lên taobao, tìm “ đồng hồ đeo tay gấp đôi giờ, chơi khăm”, kết quả hiện ra là “Không tìm thấy kết quả phù hợp”.
Trương Hằng bèn xóa “ chơi khăm” ở phía sau đi.
Nhưng vẫn chẳng thấy bất kỳ kết quả phù hợp nào.
Không phải chơi khăm à?
Trương Hằng xoa cằm thầm nghĩ, nếu không nhìn mười hai vạch chỉ giờ đột nhiên xuất hiện thì thời gian trên đồng hồ cũng giống như máy tính. Vả lại, sau khi nhìn kỹ, cuối cùng Trương Hằng cũng xác định chiếc đồng hồ khắc hai mươi bốn vạch kia chính là chiếc Seastar mà hắn luôn đeo trước đây.
Kể cả vết xước dưới đáy đồng hồ với nếp hằn trên dây đeo, trừ chủ nhân là hắn ra, người khác chắc chắn sẽ không biết đến những chi tiết này.
Đương nhiên cũng không loại trừ vài chuyên gia làm giả có thể mô phỏng giống hệt hàng thật, nhưng ai lại ăn no rửng mỡ làm tới mức đó vì một trò đùa cơ chứ, có tay nghề và tinh thần thế này thì vào Cố Cung sửa văn vật không tốt hơn à?
Tóm lại, Trương Hằng đã biết là mình có chuyện rồi.
Người bình thường gặp phải hiện tượng thần bí thế này thì đã sợ mất mật rồi, nhưng Trương Hằng không phải là người bình thường, việc này phải cảm ơn hai vị phụ huynh cực phẩm của hắn.
Cha mẹ người ta đều kể chuyện cổ tích bé thỏ, bé sóc để dỗ con mình đi ngủ. Hai vị này lại khác, bọn họ không hề lãng phí kiến thức chuyên môn của bản thân, lúc Trương Hằng còn bé toàn được nghe thần thoại Bắc Âu với kinh thánh để đi ngủ.
Dù cuối cùng bản thân hắn không phụ chín năm giáo dục bắt buộc, trở thành một người theo chủ nghĩa duy vật vinh quang, nhưng dư âm lúc nhỏ vẫn còn đó.
Khả năng tiếp nhận những chuyện thế này của Trương Hằng cao hơn người bình thường rất nhiều.
Dùng khái niệm trong game “Tiếng gọi Cthulhu” khá hot hiện nay để giải thích thì chính là điểm tinh thần của hắn giảm xuống rất chậm.
Thay vì sợ hãi thì hắn lại vô cùng tò mò với việc xảy ra trên người mình.
Trên mặt đồng hồ bình thường chỉ khắc mười hai vạch, kim giờ quay hai vòng đại biểu hết một ngày, giờ chiếc Seastar bản giới hạn số lượng toàn cầu có hai mươi bốn vạch của hắn chỉ cần quay một vòng là hết ngày.
Nếu thế thì hình như cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, sau khi quen rồi thì sẽ thấy khá thú vị.
Nhưng Trương Hằng tin chắc, bất kể là ai làm chuyện này đi chăng nữa thì tuyệt đối sẽ không thỏa mãn với việc đơn giản như đổi mặt đồng hồ của hắn.
Trực giác nói cho Trương Hằng biết, chắc hẳn phải đợi sau khi kim giờ chạy hết một vòng thì chuyện thú vị thật sự mới bắt đầu.
Bây giờ vẫn còn 15 giờ mới hết ngày, tất nhiên Trương Hằng cũng chẳng định sẽ ngồi không trong khoảng thời gian này.
Lớp toán cao cấp buổi sáng không cần đi nữa, dù sao cũng bị điểm danh rồi, dựa theo quy định của giáo sư thì thành tích kiểm tra cuối kỳ sẽ tự động trừ đi 5 điểm.
Vụ này hết cứu nổi rồi.
Trương Hằng dứt khoát tới sân thể dục chạy bù cho buổi sáng.
Lúc bạn cùng lớp nhắc tới Trương Hằng đều cảm thấy tên này rất dị. Sau khi lên đại học, ai cũng ghét phải dậy sớm, chỉ có hắn vẫn kiên trì chạy bộ buổi sáng. Nhưng đại hội thể thao lại không thấy hắn tới đăng ký, mà các hoạt động tập thể khác hắn cũng ít khi tham gia. Nếu tiếp xúc với hắn thì lại phát hiện hắn chẳng lạnh lùng như vẻ ngoài, thậm chí còn rất hóm hỉnh.
Nhóm nữ sinh vẫn rỉ tai nhau rằng Trương Hằng đa tài, đa nghệ. Có người nghỉ sớm trở về trường nói rằng trông thấy một mình hắn ở trong phòng dạy đàn, đánh bản Grandes Etudes de Paganini “La Campanella”, đây là bản độc tấu piano do Franz Liszt soạn lại từ Concerto for violin No. 2, in B minor, Op. 7 của nhà vĩ cầm người Ý Paganini, nổi tiếng bởi độ khó, viết theo kiểu điệp khúc, mỗi một chủ đề đều thay đổi cách diễn tấu, thử thách kỹ thuật trình diễn của người đánh đàn.
Còn có người bảo từng trông thấy hắn tới hội quán bắn cung ở ngoài trường, theo như cậu bạn cùng phòng với Trương Hằng lén tiêt lộ thì hình như hắn còn là thành viên của câu lạc bộ leo núi nào đó.
Mấy tin tức trên đều là sự thật, nhưng cũng không hẳn là sự thật.
Thực tế Trương Hằng không quái dị như mọi người vẫn đồn đãi, việc hắn chạy bộ buổi sáng là do ông ngoại ép, chạy mãi thành thói quen, nhưng tốc độ và sức bền chỉ hơn người bình thường một chút chứ chẳng thể bì được với mấy học sinh có sở trường thể dục được đặc cách tuyển thẳng.
Vụ bắn cung thì do gần đây hắn bỗng nổi hứng nên mới tập thử, vừa học được ba buổi, miễn cưỡng xem như người mới nhập môn. Còn leo núi thì sau khi đăng kí, nhận thẻ tập xong thì hắn lại hết hứng thú nên đã tạm biệt em nó rồi.
Duy chỉ có đàn piano thì hắn đã tập từ nhỏ, nhưng trình độ cũng thuộc dạng nghiệp dư cấp tám chín gì đó mà thôi. Bản Grandes Etudes de Paganini “La Campanella” kia thì hắn đã lưu sẵn trên điện thoại rồi mở nghe trong phòng nhạc, không ngờ lại tạo ra tin đồn này.
Vì thế cứ ngỡ Trương Hằng là người bất thường, nhưng thật ra hắn lại bình thường đến không tưởng.
Hắn thường sinh hứng thú với mọi thứ xung quanh, nhưng thời gian luôn công bằng với mỗi người.
Dù có quý trọng nó hay không, có định tranh thủ dùng từng phút một cách hiệu quả nhất hay không, hay chỉ muốn nằm ì trên giường thì mỗi người cũng chỉ có 24 giờ một ngày.
Không nhiều hơn hay ít hơn dù chỉ là một giây.