“Không có thành công nào có được mà không trải qua khó nhọc, trở ngại. Thách thức và thất bại là những điều không tránh khỏi nhưng chúng sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”.
Đó là thông điệp mà Jamson Chia muốn nhắn gửi đến những người trẻ qua tác phẩm “Những bài học không có nơi giảng đường”. Nhiều bạn trẻ muốn bay cao bay xa, muốn đạt được “tiếng thơm” nhưng lại chùn chân trước những khó khăn. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ chẳng bao giờ chạm tới được thành công nếu không chịu lăn xả, vật lộn với thế giới ngoài kia, chỉ khi bạn dám bắt đầu thì bạn mới có thể nhận lại được thành quả.
Trong thời đại xã hội phát triển mạnh mẽ, sự cạnh tranh việc làm gay gắt, nhiều bạn trẻ cũng trở nên “mất định hướng” sau tốt nghiệp. Dù đã cầm tấm bằng đại học trong tay nhưng chúng ta đôi khi vẫn cảm thấy lạc lõng và vô định bởi cuộc sống nơi thương trường thật khác xa với những trang lý thuyết nơi giảng đường. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Chúng ta phải làm gì để có được việc làm, phải làm gì để “thành công”, công việc nào là phù hợp với tính cách của bản thân… đây là những vướng mắc hàng đầu của người học.
“Những bài học không có nơi giảng đường” như một cuốn cẩm nang bổ ích, là những kinh nghiệm mà tác giả đúc kết được trên hành trình đi đến thành công của mình. Sau khi khám phá và du ngoạn từng mẩu chuyện qua từng trang sách, các bạn chắc chắn sẽ tìm ra được giải pháp cho những thắc mắc bấy lâu của chính mình.
Bài học nào từ tác giả Jamson Chia
Jamson Chia, doanh nhân người Singapore, hiện là Giám đốc công ty tư vấn dịch vụ tài chính Strategic Alliance. Ông đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp nhưng đáng ngưỡng mộ nhất là ông đã trở thành thành viên của câu lạc bộ Bàn Tròn Triệu Đô (*) trong 3 năm liên tiếp chỉ sau 5 năm lập nghiệp. Và “Những bài học không có nơi giảng đường” như một đứa con tinh thần mà ông đúc kết bằng những trải nghiệm, kinh nghiệm, thất bại và thành công của chính mình trong suốt chặng đường từ thuở mới bước ra cuộc đời.
Jamson Chia cho rằng thành công sẽ đến khi tối đa hóa điểm mạnh của mình thay vì tìm cách khỏa lấp những điểm yếu. Ông đưa ra cách khắc phục và lời khuyên cụ thể trong 8 mục được trình bày một cách logic và rõ ràng. Mỗi vấn đề đặt ra xoay quanh những mẩu chuyện rất quen thuộc tạo nên cảm giác đồng cảm sâu sắc giữa tác giả và độc giả. Những vấn đề được nhắc đến đã xuất hiện nhiều nhưng quyển sách vẫn tạo nên những điểm chấm phá khác biệt. Tiêu biểu nhất là lối hành văn và cách truyền tải của tác giả. Thay vì kể lể dài dòng với những triết lý khô khan, tác giả liệt kê từng trọng điểm, từng bước giải quyết và đều đưa một kết luận chung cuối mỗi vấn đề nhằm gây ấn tượng sâu sắc với người đọc.
Mặc dù mang vẻ ngoài đơn giản, nhỏ gọn nhưng quyển sách mang lại một khối lượng kiến thức “kếch xù”. Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học (DSA) ấn tượng với cách tác giả trình bày những vấn đề tưởng chừng rất quen thuộc mà các bạn trẻ hay canh cánh trong lòng nhưng với một góc nhìn rất mới lạ và đặc biệt:
1. Bằng cấp có phải thang đo thành công?
Tác giả không đi vào phân tích các tranh cãi về “bằng cấp” mà trực tiếp đưa ra những nhận định khách quan và đầy sức thuyết phục. Bằng cấp là cần thiết nhưng chỉ bằng cấp thôi thì vẫn chưa đủ. Vậy thì người trẻ cần phải thu thập thêm những gì để hoàn thiện bản thân? Jamson Chia đã khẳng định:
“Người nhân viên lý tưởng là một “gói” hoàn chỉnh - vừa có kỹ năng cứng (chuyên môn) vừa có kỹ năng mềm”.
Và làm thế nào để trở thành người nhân viên lý tưởng đó thì bạn sẽ tìm được câu trả lời sau khi khám phá từng mục của quyển sách này.
2. Mở rộng mối quan hệ: Chất lượng và Số lượng cái nào quan trọng hơn?
“Làm sao để xác định được hướng đi và đi đúng hướng trên con đường sự nghiệp?” cũng là một câu hỏi nan giải được trình bày rất chi tiết và cặn kẽ. Giải pháp tối ưu nhất là người trẻ cần chủ động tìm cho mình một người hướng dẫn tốt và chọn lọc kỹ để đào thải các mối quan hệ có dấu hiệu độc hại.
3. Bạn có đang quản lý tốt tài chính của bản thân?
Có thể thấy, việc biết cách vận hành, làm chủ và khiến cho đồng tiền làm việc cho mình chính là cách mà những người thành công đã và đang làm. Từ đó, người trẻ biết được cách quản lý tài chính của bản thân là yếu tố thiết yếu để có thể làm nên việc lớn. Câu hỏi “làm bằng cách nào?” lại được nêu lên vàtác giả đã vạch ra những phương pháp và đường lối cụ thể giúp người học tối ưu hoá bản thân trong quản lý tài chính.
4. Sức khỏe là trên hết!
Vấn đề sức khỏe đã quá quen thuộc nhưng nhiều người trẻ lại trở nên lơ là với nó. Tác giả đề cập tới vấn đề này như một lời nhắc nhở và cảnh tỉnh của tác giả với người trẻ để chúng ta đừng mãi cố gắng vùi đầu tìm lối thoát khỏi cơn khủng hoảng, tìm lối đi cho bản thân mà quên đi sức khỏe của mình mới là quan trọng nhất.
Những bài học chia sẻ từ Jamson Chia sẽ trở thành một mớ lý thuyết sáo rỗng nếu bạn không biết cách chắt lọc và ứng dụng đúng vào vấn đề của riêng mình. Từ câu chuyện của tác giả, ông đưa ra cho độc giả rất nhiều hướng giải quyết vấn đề. Dù thế, để phát huy được tối đa các bài học mà tác giả đã truyền tải thì mỗi người phải tự đưa ra được những điều cốt lõi cần cho tương lai và phải biết chiêm nghiệm thực tế để ứng dụng các bài học một cách hiệu quả.
“Những bài học không có nơi giảng đường” của Jamson Chia là một quyển sách được đánh giá cao và khuyên đọc bởi nhiều chuyên gia. Đây là một quyển sách mà DSA cảm thấy nó không chỉ phù hợp với sinh viên loay hoay tìm lối đi sau tốt nghiệp mà còn rất có ích cho nhiều lứa tuổi sinh viên, học viên khác. Với lối viết gần gũi chân thành, cách trình bày ngắn gọn súc tích, dễ nắm bắt, chuyên mục “Sách hay UEH” giới thiệu đến bạn quyển sách thật sự rất đáng để trải nghiệm. Nếu bạn đang mông lung, vô định về con đường của bản thân thì hãy thử để quyển sách này làm kim chỉ nam dẫn lối nhé!