Tiểu dẫn
Người xưa có nói: Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn, đó là chân hạnh phúc của con người.
Sự thật dĩ nhiên như vậy. Thiếu một trong hai điều kiện trên đây thì không thể bàn đến hạnh phúc được. Vả lại, có được một thân thể tráng kiện mà không có tinh thần sáng suốt thì có xứng đáng gọi là người chưa? Đối với con người mà có một điều kiện vật chất thôi, không đủ.
Có một định luật về sinh lý mà không một ai tránh khỏi là: bất kí một cơ quan nào thiếu tập luyện, thiếu hoạt động sẽ trở thành phế vật. Mà khối óc ta cũng là một cơ quan như các cơ quan khác có làm cách gì tránh khỏi được cái công lệ tự nhiên ấy. Nếu không tập luyện, nhứt là không hoạt động, lâu ngày rồi nó cũng sẽ thành phế vật không sai.
Nhưng bảo rằng không hoạt động có quá đáng không? Vậy chớ ai là người không tư tưởng, không phán đoán? Vậy chớ hằng ngày ta không thấy họ bàn bạc cãi lẫy nhau đến đánh đập nhau, tương tàn tướng sát nhau sao? Có lẽ họ tư tưởng nhiều hơn họ ăn, ngủ, thở, hát… nữa kia. Thế mà bảo khối óc họ thiếu hoạt động là nghĩa lý gì? Không. Muôn vàn lần không. Nào ai dám bảo là họ không tư tưởng.
Nhưng có điều là họ tư tưởng theo kẻ khác, họ tư tưởng theo giai cấp họ, họ tư tưởng theo sách vở, theo báo chí, theo radio, theo đảng phái hay theo tôn giáo họ. Họ đâu có tư tưởng. Hiện thời thuật nhồi sọ đã đến một trình độ cực kỳ tinh vi, người ta chỉ còn là một bộ máy mặc tình ai sai-sử dụng cách nào cũng được. Cái hiểm tượng há không phải là một ác mộng cho cả thảy chúng ta ngày nay sao?
Nếu ta nhận cho cái định nghĩa về con người của Pascal là đúng[1], thì để cho khối óc ta thành phế vật hay không săn sóc đến sự huấn luyện nó là một việc hết sức ô nhục cho cái nhân phẩm mình.
Có được một khối óc sáng suốt là có được một lợi khí chắc chắn để gìn giữ địa vị ưu thắng trên trường đời, luôn cả cái phẩm cách con người của mình. Thật vậy, một kẻ mà khối óc u mê tăm tối, hỗn độn mù mờ chắc chắn sẽ không làm nên trò trống gì nếu không đi làm tay sai cho kẻ khác, hay sống nhờ nơi kẻ khác họ dìu dắt nâng đỡ cho.
Cũng là “đầu đen máu đỏ” như ai, thế sao lại phải ỷ lại vào kẻ khác họ “nâng niu ẵm bế” mình như một đứa bé lên hai trong khi mình cũng có đủ điều kiện tinh thần vật chất như họ? Vậy, tập luyện cho mình có một khối óc sáng suốt để có thể tự lập và định đoạt lấy mạng vận của mình đầu phải chỉ để mưu hạnh phúc cho mình mà thôi đâu, mà đó là cả một vấn đề nhân phẩm của mình nữa.
Giờ muốn có được một khối óc sáng suốt, ta phải làm thế nào?
Có thể trông cậy nơi giáo dục ở nhà trường không? Chắc chắn là không thể hoàn toàn trông cậy nới đó được. Có nhiều duyên cớ mà có lẽ duyên cớ nầy là quan trọng nhứt: chương trình quá nặng nề mà thời gian để tiêu hóa rất ngắn ngủi. Trong ba bốn năm mà bắt đầu óc phải chứa đựng không biết bao nhiêu điều mà có lẽ suốt đời ta, nếu thật thông minh, cũng không đủ để tiêu hóa. Ta nên nhớ: một sự hiểu biết gì mà không phải tự mình tìm ra, không phải là hiểu biết. Huống chi, bắt người ta phải thâu nhận những điều người ta chưa muốn thâu nhận để thi cử thì cái biết ấy hoàn toàn không ích lợi gì cho khối óc thông minh của mình cả. Đó chẳng qua là một sự nhồi sọ mà thôi. Những cấp bằng ấy là những cấp bằng trí nhớ, một lối trí nhớ cơ giới (mémoire mécanique) không thể hoàn toàn đảm bảo sự thông minh trí thức của họ được như có nhiều người lầm tưởng. Phần đông những kẻ có cấp bằng trung học hay đại học mà làm nên một kỳ công đại nghiệp gì đều nhờ cái học tiếp tục của họ sau khi ra trường.
Những thí sinh qua khỏi cuộc thi rồi, không bao lâu họ sẽ trả lại nhà trường cả và chỉ giữ lại một ít hiểu biết vụn vặt, những cái hiểu biết ngoài da hết sức dở dang, chỉ đủ làm một phận sự thơ lại trong các công sở mà phận sự không cần đến thông minh, chỉ biết cúi đầu làm theo những gì mà bề trên đã sẵn sàng vạch trước. Một anh tú tài vừa tách ghế nhà trường có thể có một cái biết của một nhà thông thái, nhưng mà là một thứ biết không ra hồn: cái gì cũng biết mà không có một thứ gì thật biết. Phải nói: người ta “ăn nhiều quá”, nhưng “chưa kịp tiêu”. Vấn đề văn hóa là một vấn đề thời gian. Bỏ thời gian thì công trình văn hóa phải dở dang hư hỏng cũng như phải có thời gian hoa mới có thể nở, trái mới có thể chín, cây mới có thể mọc… vậy. Bởi thế nói đến công trình văn hóa ở nhà trường thật khó mà trông mong một cách ổn thỏa được.
Những phương pháp giáo dục ở nhà trường, đứng về phương diện trí dục đành là khuyết điểm rồi, nhưng về phương diện đức dục và cách thức cư xử ở đời thì hoàn toàn lại càng khuyết điểm hơn nữa.
Thanh niên ra đời, sau khi rời bỏ nhà trường, thật bỡ ngỡ lạ thường… Bởi vậy, như tôi đã nói ở trên, phần nhiều những kẻ lập nên kỳ công đại nghiệp gì ở đời đều nhờ nơi công phu tự học cả. Muốn được thế họ phải trải qua không biết bao nhiêu gian lao khổ cực để tìm lấy cho mình một lề lối, một kỷ luật để tự dìu dắt trên con đường tu tập. Nhưng tiếc thay, đâu phải hojluoon luôn đều được may mắn cả đâu: một phần đông vì thiếu thời giờ bởi vấn đề sinh kế mà phải “bán đồ nhi phế”, hoặc thiếu tài liệu vì thời cuộc mà phải đành buông trôi ý chí của mình…
Quyển sách nầy viết ra đây là vì những bạn trẻ ấy.
Đây là tinh hoa của rất nhiều bộ sách về phép huấn luyện trí não của các bực vĩ nhân hiền triết đông-tây mà tôi đã đọc qua và tóm tắt cho các bạn, luôn cả những kinh nghiệm của tôi trong thời gian tự học… Cốt cầu được đơn giản và rõ ràng, bao giờ tôi cũng nhắm về thực tiễn hơn là lý thuyết suông.
Người ta thường dung cái danh từ “đa văn quảng kiến” để chỉ những bực tài hoa xuất thế đâu phải là không có lý do. Nhãn quan và thính quan là nguồn gốc của một phần rất lớn trong sự hiểu biết của ta.
Kẻ nào khéo điêu luyện giác quan thì kinh nghiệm của họ về việc đời càng thêm phong phú và sâu rộng. Trái lại có nhiều kẻ đi trên đường đời như người mơ ngủ: họ có mắt nhưng không biết xem, họ có tai nhưng không biết nghe… Những người như thế chắc chắn khối óc họ luôn luôn lù mù, tinh thần họ luôn luôn tăm tối có khác nào kẻ đui người điếc đâu.
Nhưng quan sát mà được tinh vi đúng đắn là nhờ khéo biết tập trung tư tưởng. Thiếu tập trung tinh thần thì các quan năng đặc biệt như trí nhơ, trí phán đoán hay suy luận đều không thể phát triển được.
Trong phép điêu luyện tinh thần, phải lấy nó làm gốc. Bởi vậy, trong quyển nầy tôi đã phải dành cho nó và thuật quan sát một địa vị tương đương và quan trọng nhất.
Trong khi quan sát, ta còn phải để ý đặc biệt về yếu tố này: trí tưởng tượng. Sỡ dĩ trong khi quan sát mà thường bị sai lầm là vì nhận xét không tinh và vì óc tưởng tượng quá mạnh nhưng không qui củ.
Trong khi quan sát không gì nguy bằng để cho trí tưởng tượng chen vào, nó thường làm cho ta thấy sự vật, không phải y như sự vật ấy đã xảy ra, mà là theo ý của ta muốn cho sự vật ấy phải xảy ra như thế nào. Trái lại, nếu biết huấn luyện nó cho có qui củ thì trí tưởng tượng sẽ là một lợi khí giúp ta tìm chân lý một cách hết sức đắc lực. Những bực thông thái đã phát minh được những gì đều nhờ biết dùng trí tưởng tượng tạo ức thuyết để dẫn đường trong con đường tìm chân lý. Thiếu trí tưởng tượng, là thiếu một cơ năng quí báu nhứt của tinh thần. Nó là tinh lực của tư tưởng. Thiếu nó, con người không sáng tạo được gì cả mà đời sống cũng không còn gì là hứng thú.
Biết quan sát cho tinh, biết tưởng tượng cho đúng cũng chưa đủ gọi là sáng suốt. Tư tưởng mà đúng đắn, trước hết là nhờ tư tưởng có trật tự và có một trí nhớ trung thành. Thiếu sự tổ chức tư tưởng thì không thể nào có được trí nhớ trung thành, mà không có trí nhớ trung thành thì chắc chắn không làm gì tư tưởng cho có đầu đuôi minh bạch được. Trí nhớ đây, không còn là một thứ trí nhớ cơ giới nữa, mà là một thứ trí nhớ của tinh thần hoạt động điều hòa.
Vì những lẽ nói trên, tôi chia công phu huấn luyện tinh thần làm năm phần, sắp theo thứ tự sau đây:
1. Thuật quan sát;
2. Thuật tập trung tinh thần;
3. Thuật tưởng tượng;
4. Thuật tổ chức tư tưởng;
5. Thuật nhớ lâu;
Một chương trình như thế tuy đơn giản thật nhưng cũng có thể tạm gọi là vừa đủ cho các bạn muốn đào tạo cho mình một khối óc sáng suốt, hoặc không được thế, thì ít ra cũng không đến nỗi mù mờ như xưa nữa.
Những bạn nào muốn lên một từng cao hơn, hãy đọc tiếp quyển sách kế tiếp của nó, quyển THUẬT TƯ TƯỞNG.
Ta có thể gọi quyển này là quyển nhập môn cho Thuật Tư Tưởng cũng nên.
Đọc xong quyển này, các bạn nếu thực hành ngay từng nguyên tắc, chắc chắn cuộc đời bạn sẽ thấy đổi mới, tinh thần bạn sẽ thấy minh mẫn hơn xưa nhiều. Và được bấy nhiều cũng đã nhiều rồi…
Nguyễn Duy Cần
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Thu Giang":
- Óc Sáng Suốt
- Thuật Tư Tưởng
- Tôi Tự Học
- Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) - Quyển Thượng
- Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) - Quyển Hạ
- Để Trở Thành Nhà Văn
- Một Nghệ Thuật Sống