LỜI NÓI ĐẦU
Khi nói đến nhiệm vụ “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, khá nhiều người trong chúng ta thường nghĩ trước tiên đến việc thay thế những từ “Hán-Việt” bằng những từ “thuần Việt” (những từ gốc Môn-Khmer hay mượn của tiếng Thái, tiếng Mã Lai thường được mệnh danh như vậy), mà ít khi nghĩ đến việc tìm cách làm sao cho câu văn được đúng mẹo mực, được trong sáng và chững chạc, không què cụt hay ngô nghê như văn một người ngoại quốc. Ở nhà trường, việc giảng dạy tiếng Việt thiên hẳn về lý thuyết, và hầu hết thì giờ dành cho việc tiếp thu những tri thức, ngôn ngữ học không trực tiếp phục vụ cho việc tu luyện cách sử dụng tiếng mẹ đẻ trong văn viết cũng như văn nói. Các sách giáo khoa về tiếng Việt dành phần lớn nội dung cho việc trình bày những khái niệm khó định nghĩa và khó tiếp thu như từ, âm vị, v.v. và những tri thức lý thuyết mà ngay các nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp cũng không mấy ai hiểu rõ, và lại đang là vấn đề tranh luận gay gắt trong các giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Sách vở thường cung cấp cho học sinh không phải những tri thức chắc chắn, mà là những giả thiết còn phải chứng minh của một số nhà nghiên cứu cá biệt. Giáo viên mất thì giờ vào việc truyền đạt những “tri thức” ấy nhiều đến nỗi không thể sửa lỗi hành văn cho học sinh được, và dù có muốn dạy cho học sinh biết nói và viết đúng tiếng Việt cũng không biết làm việc đó vào lúc nào và bằng cách gì, căn cứ vào tài liệu nào.
Hậu quả tất nhiên của tình hình này là học sinh (khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như khi đã trở thành cán bộ) thường rất yếu về hành văn. Ta có thể nghe thấy ở khắp nơi những lời than phiền, chê trách nặng lời về tình trạng yếu kém về hành văn của những bài báo, những cuốn sách, những bài nói được truyền đi từ các đài phát thanh và truyền thanh, truyền hình. Những câu văn “bất thành cú”, những lỗi thô bạo về lô-gích, những từ ngữ dùng sai nghĩa hay không đúng chỗ, đều có thể gặp nhan nhản trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào.
Tình hình này nghiêm trọng đến nỗi nhiều giáo viên và cán bộ văn hóa đã nhận định rằng đây là một tệ nạn thực sự có nguy cơ làm cho tiếng Việt không còn là một ngôn ngữ văn hóa có đủ sức phục vụ công cuộc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa thực sự văn minh nữa.
Sau một quá trình nghiên cứu những lỗi ngữ pháp phổ biến trên tư liệu điều tra do nhiều giới cung cấp (bài vở của học sinh các trường phổ thông, báo chí, công văn, bài nói trên các đài phát thanh và truyền hình, thư từ, v.v.), chúng tôi đã được Ban Ngôn ngữ học thuộc Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phân công soạn thảo một đề cương phân loại các lỗi ngữ pháp và tìm phương pháp chữa các lỗi đó, dự kiến sẽ lần lượt biên soạn những tập sách mỏng có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh ở nhà trường cũng như cho các cán bộ công tác trong các lĩnh vực cần đến những tri thức thực tiễn về hành văn. Công việc này không phải ngay một lúc đã có thể làm được một cách đầy đủ như chúng tôi mong muốn. Những tập sách “Sửa lỗi hành văn” soạn theo đề cương nói trên cần được kiểm nghiệm qua thực tiễn sử dụng và cần được bổ sung, chỉnh lý không ngừng.
Tập sách mỏng đầu tiên mà chúng tôi cho ra mắt các bạn đọc là một thí nghiệm mong được chính những người dùng sách tiến hành, nhằm tìm thấy những chỗ thiếu sót cần được khắc phục dần qua những lần tái bản sau này. Trong tập này, chúng tôi thử xử lý một trong những loại lỗi phổ biến nhất: Lỗi trong khi dùng những câu có trạng ngữ đặt ở đầu.
Sách chia ra làm hai phần: Một phần lý thuyết được trình bày một cách ngắn gọn để người dùng thấy rõ quan điểm của chúng tôi về các lỗi ngữ pháp và nắm vững nguyên nhân cũng như cơ chế của loại lỗi ngữ pháp được bàn đến trong tập này; và sau đó là phần chính, phần thực hành, trình bày từng dạng lỗi một, phân tích cơ chế của lỗi, đề ra cách sửa căn cứ trên việc tận dụng những khả năng dùng nhiều phương tiện khác nhau để diễn đạt cái ý mà người phạm lỗi muốn diễn đạt, và đề ra những bài tập (có đáp án) để giúp người dùng làm chủ được cấu trúc câu mà họ nắm chưa vững.
Chúng tôi hiểu rằng tập sách này còn xa mới đạt đến một chất lượng khả quan. Vì vậy chúng tôi tha thiết mong các bạn đọc quan tâm đến công việc trau dồi ngôn ngữ giúp đỡ chúng tôi bằng cách cung cấp thêm những kiểu lỗi chưa được nêu lên, đề nghị những cách sửa lỗi khác, những câu mẫu tốt hơn, v.v., để cho tập sách này khi in lại sẽ được tốt hơn, và các tập sau, ngay khi ra lần đầu cũng tránh được nhiều sai sót.
NHÓM BIÊN SOẠN
***
Ngữ pháp hiểu theo nghĩa rộng là cách tổ chức bên trong của ngôn ngữ. Là một hệ thống dấu hiệu bằng âm thanh được dùng làm công cụ giao tế, ngôn ngữ phải tổ chức các âm thanh như thế nào để một hệ thống đơn vị có số lượng hữu hạn có thể kết hợp với nhau mà làm thành những tín hiệu (những thông điệp, những phát ngôn) có số lượng vô hạn: Ngôn ngữ phải cho phép con người nói ra bất cứ một ý gì mình muốn nói, kể cả những ý chưa bao giờ có ai nói ra cả. Tính phức tạp và yêu cầu phát triển không ngừng của xã hội đòi hỏi như vậy. Nhưng làm sao một tín hiệu chưa bao giờ gặp, mà người bản ngữ mới nghe lần đầu vẫn hiểu được? Sở dĩ có thể có được điều kỳ diệu đó là vì cái tín hiệu hoàn toàn mới ấy dùng toàn những đơn vị mà người nghe đã biết sẵn, được kết hợp lại theo những quy tắc mà người ấy cũng đã quen thuộc. Ngữ pháp, hiểu theo nghĩa hẹp, chính là tổng số những quy tắc ấy.
Những quy tắc tổ chức các đơn vị thành tín hiệu (thành câu) được người bản ngữ quy nạp ra một cách không tự giác từ những lời nói đã nghe được, và dần dần, vào những năm cuối cùng của tuổi thơ ấu, họ đã có được một hệ thống ngữ pháp hoàn chỉnh về cơ bản trong đầu, cho phép họ diễn đạt được bất cứ ý nghĩ nào dưới một hình thức phù hợp với những tập quán diễn đạt của toàn khối cộng đồng ngôn ngữ của họ. Đây là một thứ tri thức ẩn mặc - không nói ra thành lời được - nhưng là một tri thức tuyệt đối. Về nguyên tắc, người bản ngữ không thể nói sai ngữ pháp được, nếu ta không kể những trường hợp nói nhịu nhầm mà xung quanh và ngay người vừa nói nữa cũng nhận thấy ngay. Những quy tắc được trình bày trong các sách ngữ pháp chính là đúc kết từ những tập quán nói năng của cả khối cộng đồng những người bản ngữ.
Nhưng nếu thế thì tại sao lại có trường hợp được coi là một lỗi ngữ pháp của người bản ngữ? Ở đây cần phân biệt rõ hai trường hợp rất khác nhau.
Ngôn ngữ vốn chuyển biến không ngừng. Không những từ ngữ, cách phát âm, mà ngay cả ngữ pháp cũng chuyển biến theo thời gian, tuy chậm hơn nhiều. Và trong những nguyên nhân quy định những sự chuyển biến của ngôn ngữ có cả những “lỗi” của thế hệ sau trong khi hấp thu ngôn ngữ. Những sự đổi khác đó ban đầu có thể bị thế hệ trước trấn áp quyết liệt. Nhưng nếu nó phù hợp với xu thế phát triển của ngôn ngữ (chẳng hạn như khi nói tạo nên một sự tiết kiệm quy tắc hay làm mất một sự thiếu cân bằng), dần dần nó sẽ thắng và sẽ dành được địa vị chuẩn, nghĩa là sẽ được mọi người coi như “đúng ngữ pháp” hơn cách nói trước kia, nay đã trở thành “cổ”.
Trong những trường hợp như thế, nhà ngôn ngữ học không bảo thủ sẽ có thái độ rộng rãi đối với hình thái mới và sẵn sàng chấp nhận nó sau khi đã nghiên cứu nó kỹ về phương diện hiệu quả giao tế cũng như về phương diện thống kê.
Mặt khác, trong quá trình chuyển biến, phát triển, một ngôn ngữ có thể tiếp thu những từ ngữ, những kiểu nói, những cách đặt ngôn ngữ khác, nhằm làm cho mình dồi dào phương tiện hơn. Thường thường, những sự tiếp thu này, trong thời gian đầu chỉ liên quan đến những khu vực “văn hóa” của ngôn ngữ, nghĩa là chỉ thấy có trong văn khoa học, tôn giáo, triết học, v.v., cho nên quần chúng trung bình còn bỡ ngỡ khi nghe hay dùng những cách viết hay nói như vậy. Và vì không mấy khi sử dụng được cái cảm thức vốn có của mình để xử lý những cách nói như vậy, người bản ngữ trung bình (nhất là khi còn ít tuổi hay chưa có trình độ văn hóa cao) không quy nạp được những quy tắc chi phối cách cấu tạo của những câu ít quen thuộc đó, cho nên khi tự mình đặt câu theo kiểu mới tiếp thu được, họ có thể sai. Những kiểu câu không phải du nhập từ tiếng nước ngoài, những thể loại văn nhất định hay ngay cả những kiểu câu chỉ dùng trong văn viết chứ không dùng trong khi nói chuyện bình thường cũng có thể bị dùng sai như vậy nếu không có sự hướng dẫn và luyện tập đầy đủ.
Thường thường trong khi nói năng, người bản ngữ có thể tránh hẳn những kiểu câu mình chưa nắm vững (dĩ nhiên nếu người đó không có thói ăn nói cầu kỳ); nhưng trong khi viết hay trong khi phát biểu ở những môi trường nhất định, họ có thể vì yêu cầu của hoàn cảnh mà buộc lòng phải dùng đến những kiểu câu chưa nắm vững đó.
Đối với loại lỗi này, người làm công tác giảng dạy hay biên tập cần có thái độ nghiêm khắc hơn. Ỏ đây có thể tin chắc rằng chuyện dùng sai không hề do “xu hướng chuyển biến tự nhiên” của ngôn ngữ mà ra, tuy có thể chịu sự chi phối của những quy luật nào đó của bản ngữ làm cho người dùng dễ bị nhầm lẫn. Nói chung, những lỗi này thường làm cho câu văn không tuân theo những quy tắc vốn có của bản ngữ (chứ không riêng gì của thứ tiếng làm cội nguồn cho sự tiếp thu). Nếu người nghiên cứu đã xác định được như vậy, thì người giáo viên hay biên tập viên cần kiên quyết sửa lại cho đúng.