"Tiền!..." vào lúc này, chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn đọc tiếp cận với "thế giới kinh doanh", với "nghệ thuật làm giàu", và còn hơn thế nữa, có một cái nhìn đầy đủ, xác thực về thời đại mình đang sống.
Cậu chàng Frank Cimballi, 19 tuổi, con nhà tỉ phú chỉ biết ăn chơi, bỗng rơi tõm vào một cảnh ngộ bi đát: Bố, mẹ chết, người yêu tự sát, gia tài khổng lồ được thừa kế bị cưỡng đoạt sạch sành sanh. Bị đẩy đến xứ Kenya Châu Phi xa lạ với hai bàn tay trắng - theo đúng nghĩa đen, cậu chàng bắt buộc phải sống, phải làm lại cuộc đời mình. Thế mà chỉ năm năm sau, Cimballi đã trở thành triệu phú, lần luợt đánh bại tất cả những kẻ độc ác đã “gây nên cuộc lừa đảo có tầm cỡ thế kỷ”, kể cả tên trùm tư bản tài chính Martin Yahl. Đánh bại, không phải bằng vũ lực mà bằng chính sức mạnh của đồng tiền, bằng các mánh lới, các thủ đoạn kinh doanh. Và rồi chính Cimballi, đang ngất ngưởng trên đỉnh cao chót vót thắng lợi huy hoàng, lại một lần nữa bị lôi tuột xuống vực cũng bằng những cái “bẫy” nghề nghiệp...
Sòng Bạc là tập thứ 3 của series tiểu thuyết Tiền của tác giả Paul Loup Sulitzer. Bộ Tiền gồm có:- Tiền! Niềm Vui Sướng
- Tiền! Tiền Mặt Trả Ngay
- Sóng Bạc
***
Tác giả Paul L. Sulitzer trước khi trở thành nhà văn đã là một chuyên gia kinh tế, tham vấn cho nhiều công ty lớn. Nhờ thế ông đã có thể đi sâu vào gan ruột “giới làm ăn”, nắm được tối đa những lắt léo, những bí mật mà chỉ người trong cuộc mới biết.
Có lẽ đó là lý do chủ yếu khiến "Tiền!..." có sức hấp dẫn lạ lùng của một cuốn truyện trinh thám. Nhưng khác với loại truyện ấy, vẫn là một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, một bức tranh thu nhỏ của thời hiện đại, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, của tốc độ chuyển dịch, sức mạnh ma quái của đồng tiền, với lý tưởng, tình yêu, hạnh phúc, và khổ đau của con người...***
Tôi nghĩ rằng, ta có thể bắt đầu câu chuyện từ sáng 23 tháng mười một, vào lúc mười một giờ ba mươi phút, trong ngôi nhà ở đường Old Queen bên rìa công viên St. James thành phố London. Sao lại không? Chính vào lúc đó cuộc chơi bắt đầu. Có lẽ không thật đúng vào lúc mười một giờ ba mươi, mà là mười một giờ ba mươi rồi kéo dài trong năm sáu tiếng đồng hồ sau đó.
Viên cảnh sát từ công viên Scotland tới ngồi trước mặt tôi. Đến bây giờ trong mắt tôi vẫn còn lưu lại đường nét chiếc veston bằng vải tuýt anh ta mặc hôm đó. Anh ta trạc độ bốn mươi, có khuôn mặt người xứ Scotland hung hung, mái tóc dày và xoắn có đường ngôi bên trái kéo dài sang phải bởi một làn sóng có hai chỗ duỗi, tên là Ogilvie hoặc Watts. Anh ta theo dõi những người dọn nhà thuê đang khuân vác đồ đạc.
- Anh rời bỏ căn nhà này?
- Chính nó rời bỏ tôi. Người ta đang lấy lại những thứ tôi chưa trả hết tiền. Tôi chưa trả hết tiền một thứ nào.
Điện thoại, tôi nhấc máy, lại ngân hàng gọi tới: Tấm séc thứ hai đã tới nơi, họ không chịu đựng nổi tình thế này, tôi định làm gì, mấy giờ tôi mới đến gặp họ, không biết rằng càng sớm càng tốt hay sao? Tôi có biết chứng thư kháng nghị là cái gì không? “Tôi sẽ cố đến thật sớm! Bao giờ? - Một giờ nữa!” Tôi gác máy, thấy cặp mắt màu hạt dẻ đăm chiêu của viên cảnh sát vẫn dán vào tôi. Chắc chắn gã đã nghe hết, đã biết rõ ai gọi tôi, gọi để làm gì, nhưng cứ giả ngây giả điếc như chẳng hay biết gì. Gã bảo:
- Hay, tôi vừa nảy ra một ý: Có lẽ tốt nhất là anh nên làm lại từng bước một những cái gì anh đã làm đêm hôm đó. Không bắt buộc đâu. Nhưng tranh thủ được thời gian. Và tôi có thể để anh dược tự do sớm hơn.
Tôi đứng lên, chân nặng trịch.
- Nào, đi!
Các người dọn nhà thuê đã và đang làm việc rất tốt: Họ bắt đầu từ lầu hai, đã dọn sạch mọi thứ trên đó, lầu một cũng trống trơn, chẳng sót thứ gì. Bây giờ họ đang tấn công vào tầng trệt, mang đi hết, nhẵn nhụi, có mảnh giấy vẽ ngôi nhà ở St. Tropez bằng bút mực.
- Anh bao nhiêu tuổi?
- Hăm mốt. Hai mươi mốt năm, hai tháng và mười bốn ngày.
- Anh thuê căn nhà này từ bao giờ?
- Cách đây hai tháng mười bốn ngày.
- Buổi tối hôm kia là lần đầu tiên?
Tôi nhìn theo bức tranh trong tay một người dọn nhà thuê.
- Không phải lần đầu.
Giữa lầu một và tầng trệt có vài bậc tam cấp. Chúng tôi trèo lên. Tôi ngoái nhìn lại lần cuối cùng mong trông thấy bức vẽ, nhưng người mang nó đi đã ra tới ngoài phố, tới xe tải.
- Không phải lần đầu, nhưng chắc chắn là lần cuối cùng.
- Đêm ấy anh ăn mừng cái gì là chính?
- Sự phá sản của tôi.
- Chúng tôi lên thang gác lầu một. - Tôi nói - Tôi ở dưới kia, trong phòng khách bên phải. Trông rõ cô ta trèo lên cầu thang này. Cô dừng lại đứng chỗ này, quay đầu nhìn xuống. Nhìn tôi, giơ tay làm dấu rồi tiếp tục lên gác.
- Có tỏ vẻ gì đặc biệt?