TỰA
Tôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn Ả Rập rất ngộ nghĩnh sau đây do văn sĩ Anatole France thuật lại: Có một nhà vua gọi các bậc trí giả trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các nhà bác học ấy sưu tầm tất cả sách vở hay nhất trong nước để chở đến cho nhà vua. Nhà vua đang bận vui chơi trong một yến tiệc nên không có ngày giờ đọc: “Nhiều quá! Làm sao đọc hết được? Suốt đời ta cũng không đọc hết. Các người hãy tuyển lại trong đống sách ấy những quyển nào hay nhất và cần thiết nhất thôi”.
Các nhà bác học ngày đêm tuyển chọn, còn được một số sách hay nhất, bèn đem chở đến nhà vua. Bấy giờ, nhà vua đang mơ màng buồn ngủ, bèn bảo: “Vẫn còn nhiều quá! Các khanh cố gắng thêm lên, đọc lại thật kỹ các sách này và tóm tắt lại tinh hoa của nó, viết lại thành một quyển sách thôi, rồi ta sẽ đọc quyển ấy để thu thập sự hiểu biết của những bậc thông minh nhất thế giới từ cổ chí kim, có phải tiện hơn không?”.
Các nhà bác học uyên thâm nhất cặm cụi cả năm trường mới rút đặng tinh hoa vào một bộ sách duy nhất. Lòng mừng khấp khởi, vị cao niên nhất trong các nhà thông thái ôm bộ sách quí ấy vào đền. Nhà vua cũng vẫn chê là còn dài dòng lắm: “Khanh hãy cố gắng rút tất cả tinh hoa bộ sách này làm thành một câu thôi, như thế ta chỉ học lấy câu ấy để biết được tất cả cái biết của con người từ xưa đến nay, trong khắp thiên hạ”.
Nhà thông thái trở về, và sau một tháng trở vào đền, cầm theo câu tư tưởng chứa đựng tinh hoa tất cả sự hiểu biết của con người, viết trên một tấm lụa ngà: “Con người sinh ra, yếu đuối, trần truồng. Càng ngày càng lớn hơn, về sức mạnh cũng như về dục vọng, nhưng lòng tham muốn lại không bao giờ thỏa mãn. Rồi tàn tạ, rồi tiêu vong”.
Nhà vua đang bận sửa soạn ra quân, tỏ vẻ giận dữ nói: “Điều ấy có gì mà phải nói. Ta đã biết dư rồi! Các anh toàn là bọn láo cả!”
❉❉❉
Câu chuyện này muốn nói gì thế? Theo Charles Baudoin, trong những ý kiến các trí giả xưa nay, ý kiến này của Alain có lẽ là đúng nhất: “Văn hóa là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt lại được”.
Tôi cũng nhìn nhận lối nhận xét trên đây của Alain là đúng. Như thế, sao lại còn viết ra quyển Tôi tự học để làm gì?
Tự học là một nghệ thuật. Là nghệ thuật thì không thể truyền được. Trang
Tử cũng có câu chuyện ngụ ngôn sau đây, gẫm rất là ý vị: “Hoàn công đọc sách ở trên lầu. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà dưới, nghe tiếng đọc, bỏ tràng, đục, chạy lên thưa với nhà vua:
- Cả dám hỏi nhà vua học những câu gì thế?
Hoàn công nói:
- Ta đọc những câu của Thánh nhân.
- Thánh nhân hiện còn sống không?
- Đã chết cả rồi?
- Thế thì những câu nhà vua đọc chỉ là những cặn bã của cổ nhân đấy thôi.
- À! Anh thợ! Ta đang đọc sách, sao dám được nghị luận. Hễ nói có lý thì ta tha, bằng không có lý ta bắt tội.
Người thợ mộc nói:
- Tôi xin cứ lấy việc tôi làm mà suy luận. Khi đẽo bánh xe, rộng, hẹp, vừa vặn, đúng mực thì thật là tự tâm tôi liệu mà nảy ra tay tôi làm, như đã có phép nhất định, chứ miệng tôi không thể nói ra được. Cái khéo ấy, tôi không thể dạy được cho con tôi, con tôi không thể học được của tôi. Bởi vậy, năm nay tôi đã bảy mươi tuổi rồi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe. Người xưa đã chết thì cái hay của họ khó truyền lại được, tưởng cũng như đã chết cả rồi.
Thế thì những câu nhà vua học, thực ra chỉ là những cặn bã của người xưa mà thôi”.
Thật có đúng như lời của Alain đã nói:
“Văn hóa là một cái gì không thể truyền, cũng không thể tóm tắt lại được”.
❉❉❉
Văn hóa tuy không thể truyền được cái hay nhưng có thể khêu gợi và giúp cho người ta đi đến chỗ hay. Cũng như nguyên tắc dạy vẽ, tuy không truyền lại được cái thiên tài của họa sĩ, nhưng cũng giúp cho người người có thể có được những lề lối làm việc để thành một nhà họa sĩ chân tài.
❉❉❉
Tác giả là người đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tác giả là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khỏe, sau khi ra trường cảm thấy mình bơ vơ, ngơ ngác trước con đường học vấn mênh mông. Thú thật, ở trường tác giả không học được gì hơn là những ý thức thông thường, nhưng không “tiêu hóa” được bao nhiêu. Là vì chương trình quá nặng mà thời gian “tiêu hóa” rất ngắn. Cho nên ra trường được vài năm thì dường như đã quên gần hết những gì mình đã học. Sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả. Tác giả nhận thấy câu nói này của Gibbon rất đúng: “Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự tạo lấy”. Đó là trường hợp của tác giả. Và, như bác sĩ Gustave Le Bon đã nói, tác giả cũng đã “dùng phần thứ hai của đời mình để đả phá những ảo vọng, những sai lầm và những nếp suy tưởng hẹp hòi lạc hậu mà mình đã hấp thụ được trong khoảng đời thứ nhất” của mình ở nhà trường.
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Thu Giang":
- Óc Sáng Suốt
- Thuật Tư Tưởng
- Tôi Tự Học
- Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) - Quyển Thượng
- Dịch Kinh Tường Giải (Di Cảo) - Quyển Hạ
- Để Trở Thành Nhà Văn
- Một Nghệ Thuật Sống