Có hai nhân vật làm nên diện mạo nước Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đó là Gorbachev và Boris Yeltsin. Mikhail Sergeevich Gorbachev* sinh ngày 2/3/1931. Ông là nhà lãnh đạo Liên bang Xô viết từ năm 1985 tới năm 1991. Những nỗ lực thực hiện cải cách của ông đã góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh, nhưng cũng làm quyền uy tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô kết thúc và làm tan rã Liên bang Xô viết. Nhưng ông cũng lại được nhận giải Nobel Hoà bình năm 1990.
Sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Privolnoe gần Stavropol và dù thành phần gia đình bình thường, nhưng Mikhail Gorbachev luôn tỏ ra xuất sắc trong lao động và học tập. Ở trường, ông được coi là học sinh thông minh nhất lớp, đặc biệt trong môn lịch sử và toán học.
Nhờ trí tuệ đó mà ông thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp. Ông trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương năm 1971; trở thành đại biểu Xô viết Tối cao năm 1974; vào Bộ Chính trị năm 1979. Trong giai đoạn này, ông được đánh giá cao và có uy tín lớn. Ông đã cùng với Andropov thay 20% số quan chức cao cấp, các bộ trưởng trong Chính phủ cũng như các thống đốc địa phương bằng những người trẻ tuổi. Chính trong thời gian này, những nhân vật như Grigory Romanov − ủy viên chính thức Bộ Chính trị, Nikolai Ryzhkov − Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô và Egor Ligachev − Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng... bắt đầu được cất nhắc và trở thành những đồng minh thân cận của ông.
Thời kỳ làm Tổng Bí thư, Gorbachev đã tạo ra nhiều biến động nhất. Được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 11/3/1985, sau khi Konstantin Chernenko qua đời, Mikhail Gorbachev lúc này 54 tuổi đã tìm cách thay đổi tình trạng trì trệ của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như của nền kinh tế bằng cách đưa ra những mô hình glasnost (“công khai”), perestroika (“cải tổ”) và uskoreniye (“tăng tốc”) với nghĩa phát triển kinh tế. Những chương trình này lần đầu tiên được đưa ra tại Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2/1986. Ông hy vọng qua các chương trình này sẽ cải thiện đời sống nhân dân, năng suất sản xuất, nhưng nhiều biện pháp cải cách của ông bị những thành viên lãnh đạo trong Chính phủ Xô viết vào thời điểm ấy coi là cực đoan.
Trên trường quốc tế, Gorbachev tìm cách cải thiện mối quan hệ chính trị và thương mại với phương Tây. Ông thiết lập mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo phương Tây, như Thủ tướng Đức Helmut Kohl, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Gorbachev cũng có đóng góp to lớn trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân tầm trung ở châu Âu, chấm dứt chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ, và phần nào đó chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, những cải cách trong nước cũng như xu hướng thân phương Tây của ông và nền kinh tế khó khăn, ảm đạm khiến một bộ phận lớn nhân dân và những người cộng sản cứng rắn vẫn là một lực lượng mạnh bên trong Đảng Cộng sản và Quân đội bất bình. Sự tan rã của đất nước Xô viết, sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản, của phe Yeltsin và sự khủng hoảng toàn diện về đời sống kinh tế chính trị xã hội của Nhà nước Liên Xô khiến Gorbachev phải từ giã vũ đài chính trị vào ngày 25/12/1991, khi Liên bang Xô viết chính thức sụp đổ.
Những ý kiến đánh giá về di sản của Gorbachev rất trái ngược nhau. Ở phương Tây, Gorbachev giành được thiện cảm như là người góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Tại Đức, ông được hoan nghênh vì đã đồng ý với việc thống nhất nước Đức. Thế nhưng tại nước Nga và các quốc gia SNG, ông mang tiếng xấu như là kẻ làm sụp đổ đất nước Liên Xô và phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra sau đó. Tuy vậy, những cuộc điều tra sau này cho thấy, phần lớn người Nga hài lòng với những mục tiêu của chính sách hướng tới cá nhân con người − di sản lập pháp chính của Gorbachev − và sự tự do mà quá trình đó mang lại. Nhưng những người khác, đặc biệt những người sống ở Liên Xô cũ, tin rằng Liên bang Xô viết thời kỳ ấy không phải là ở vào tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ như từng được tuyên bố và coi Gorbachev là một chính trị gia kém cỏi đã đưa ra những cải cách sai lầm. Trong những năm cuối đời, Lazar Kaganovich đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng thời kỳ cầm quyền của Gorbachev chính là sự phá hủy trực tiếp đất nước Liên Xô. Có nhiều giai thoại về vết bớt màu đỏ trên cái trán hói của ông. Một số người còn so sánh vết bớt này và hai ngón tay cụt trên bàn tay trái của Boris Yeltsin với một đoạn trong Kinh Thánh nói rằng quỷ Satan vẫn đánh dấu những đứa con của mình trên trán và trên bàn tay.
Cũng như hầu hết các nhân vật lịch sử khác, Gorbachev đã để lại những di sản mà hậu quả còn kéo dài, gây những phản ứng, đánh giá mâu thuẫn, trái ngược nhau. Tất cả những đánh giá đó còn cần rất nhiều thập kỷ nữa mới có thể trở nên chính xác và khách quan.
Nhưng chính những mâu thuẫn, những hành động khác thường, những hậu quả khó lường mà các chính trị gia luôn trở thành tâm điểm cho sự chú ý của xã hội. Thông qua cuốn sách này, Công ty Sách Alpha và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) mong muốn cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết, để nhìn nhận rõ hơn lịch sử và sự thăng trầm của một đất nước có quan hệ mật thiết với dân tộc Việt Nam.***
Bảy nhân vật tên tuổi đã tạo nên rồi phá hỏng Perestroika (Công cuộc cải tổ của Liên bang Xô viết) gồm Mikhail Gorbachev, Eduard Shevardnadze, Aleksandr Yakovlev, Egor Ligachev, Nikolai Ryzhkov, Boris Yeltsin và Georgy Razumovsky. Sau đó chỉ còn lại sáu người, khi Ligachev qua đời vào mùa hè năm 1988. Sau này còn lại năm, khi Yeltsin rời bỏ ê-kíp. Cuối cùng, chỉ còn lại một mình Mikhail Sergeevich Gorbachev. Ông đã rời bỏ mọi người hay mọi người rời bỏ ông? Quanh ông, chỉ còn lại những người bạn phù thịnh, thực dụng như Anatoly Lukyanov, Vladimir Kryuchkov, Sergei Akhromeev, Boris Pugo, Valentin Pavlov, Gennady Yanaev, Dmitry Yazov, Valery Boldin, Oleg Shenin và nhiều nhân vật khác nữa. Nhưng họ đã phụ lòng tin của ông hay theo cách biện bạch của họ rằng họ đang cố giải thoát Liên bang Xô viết khỏi tay Gorbachev? Các nhà cố vấn đến rồi lại đi, nhưng hai nhân vật có ảnh hưởng nhất vẫn ở lại là Anatoly Chernyaev và Georgy Shakhnazarov. Gorbachev hay nổi nóng. Ligachev, Shevardnadze, Ryzhkov và Yeltsin đều cảm thấy khó chịu về cách đối xử của ông. Họ cảm thấy bị ông coi thường ra mặt. Một số thì nghĩ khác. Shevardnadze và Yakovlev cố hàn gắn quan hệ với Gorbachev đã nhưng quá muộn.
Một con người như vậy hẳn là phi thường. Ông lãnh đạo Đảng rồi tự nguyện từ chức Tổng Bí thư. Nhưng chính ông cũng là người làm suy giảm sức mạnh của Đảng và Nhà nước. Tất cả những điều đó chứng tỏ những tư chất đặc biệt của nhà lãnh đạo này, có tài hấp dẫn, thuyết phục, khéo né tránh vấn đề, giỏi che đậy, giỏi vận động, khôn ngoan và có kỹ năng chiến thuật. Ông còn là người gặp thời. Ông đạt được kỳ tích phi thường là một nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô viết, trở thành nhân vật nổi tiếng ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước. Ông là người nổi tiếng nhất khi sang thăm Mỹ, vùng đất của chủ nghĩa tư bản, kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa cộng sản. Ông làm mê hoặc hai vị tổng thống Mỹ là Reagan và Bush, những người sinh ra đã sẵn có dòng máu chống cộng, và họ đã đạt được nhiều thỏa thuận, sự kiện mà không ai tin nổi vào thời điểm 1985. Những bài phát biểu của ông ở nước ngoài đều mang một ý nghĩa nào đó. Ông tuyên bố Liên bang Xô viết muốn rút quân đội khỏi Afghanistan. Các quan chức tình báo CIA không tin ông nói thật và đánh cược là quân đội Liên Xô sẽ tiếp tục ở lại đây. Ông cũng thuyết phục Margaret Thatcher − một người theo xu hướng thị trường tự do − đến mức bà trở thành người ủng hộ nhiệt tình cải cách trong nước của ông.
Nhưng ông đã thất bại. Ông tiến hành cải cách mà không hiểu rõ về nó và thiếu một tầm nhìn giúp ông nhận biết mình đang lái con tàu cải cách theo hướng nào. Những cải cách lúc đầu của ông là dựa trên những giả định sai. Điểm yếu nhất của ông là chính sách cải cách kinh tế và vấn đề dân tộc, sắc tộc. Ông phải trả giá đắt vì thiếu sáng suốt và thiếu sự thông cảm với các dân tộc không phải Nga. Nhưng vì sao ông lại nắm được quyền lãnh đạo lâu đến vậy? Nhân tố chính giúp ông là sự tự tin, ông tin mình có tài thuyết phục mọi người làm theo ý mình; ông cũng tin mọi việc ông làm đều đúng, sớm muộn gì người ta cũng sẽ nhận ra điều đó. Ông đủ tỉnh táo để nhận ra ông phải bắt kịp thời đại, rằng thời thế và thế giới chẳng chờ đợi ai.
Rất khó để đánh giá hết những việc ông làm. Có rất nhiều nguồn tư liệu và những ghi chép về ông nhưng tính cách của ông vẫn còn là một ẩn số. Ông là một người khó gần và khó hiểu. Tính chuyên quyền của ông làm nhiều người khó chịu. Ông cũng rất cục cằn với các trợ lý và các nhà chức trách. Ông không mấy để ý tới cảm nhận của họ. Ông không bao giờ khen các đồng sự hoặc khuyến khích họ đạt nhiều thành công hơn. Ông không phải là nhà quản lý đội bóng có hiệu quả, có khả năng nhận biết các điểm yếu và lựa chọn các cầu thủ giỏi, vì vậy đội bóng của ông là một tập thể rời rạc, lối chơi phụ thuộc vào một vài cá nhân. Ông sẵn sàng lắng nghe người nước ngoài nhưng lại không chịu nghe người trong nước. Ông được ví như là F. W. de Klerk1 của Liên Xô, một nhà lãnh đạo lớn thời kỳ quá độ. Cả hai đều cho rằng hệ thống các giá trị mà họ theo đuổi đều sai. Do vậy, họ không ngần ngại làm những việc họ cho là đúng.
Nghiên cứu này không có ý định xét lại giai đoạn lịch sử thời kỳ 1985-1991. Cuốn sách chỉ đề cập những khía cạnh góp phần làm sáng tỏ chặng đường sự nghiệp của Gorbachev, không bao gồm các khía cạnh rộng lớn về tri thức, văn học, tôn giáo, khoa học. Gorbachev là con người làm thay đổi thế giới. Chẳng bao giờ có hai người nhất trí về di sản mà ông để lại cho thế giới. Không phải chính trị gia nào cũng thành công nhưng một số người này vấp phải sai lầm nghiêm trọng hơn những người khác. Nếu Gorbachev thất bại thì ông thất bại kinh hoàng.
Nguồn tài liệu chính để viết cuốn sách này là các bài viết của Gorbachev, đặc biệt là cuốn Hồi ký của ông cùng các cuốn sách của Archie Brown và Jack F. Matlock Jr.