MẶT TRĂNG VÀ ĐỒNG SÁU XU mượn một phần tiểu sử của danh họa người Pháp Paul Gauguin, một trong những họa sĩ tiên phong, một tên tuổi rất lớn và đầy sáng tạo của hội họa hiện đại, xuất hiện gần như đồng thời với sự ra đời lừng lẫy của các họa sĩ trường phái Ấn tượng.
S. Maugham đã mượn câu chuyện nửa thực nửa hư về cuộc đời của nhà danh họa để trình bày những ý nghĩ của mình về Nghệ thuật, Tình yêu và Con người. Chắc hẳn ông có dựa vào quyển hồi ký của chính nhà danh họa, nhưng ở nhiều chỗ ông đã hư cấu với thủ pháp quen thuộc của mình. Ở đây chúng ta gặp lại Maugham với những chủ đề ta đã từng gặp trong hai tác phẩm kia: con người, dục vọng, nghệ thuật…
Có thể nói trong cả ba tác phẩm nổi bật nhất này của mình, Maugham đều viết về sự ràng buộc mà cái bản năng lớn nhất của con người là Dục vọng (và dĩ nhiên theo nó là Tình Yêu) tác động lên nhân vật chính của tác phẩm, là những người đàn ông. Ở Of Human Bondage đó là sự ràng buộc, của dục vọng - tình yêu, trên một người bình thường. Ở The Radzor’s Edge là ràng buộc trên một người đi tìm sự giải thoát và ở The Moon and Sixpence là ràng buộc trên một nghệ sĩ thiên tài. Câu chuyện của 3 tác phẩm nói chung là mô tả cách những người đàn ông đó đã phản ứng lại sự ràng buộc kia…
Khoảng năm 1972 - 1973 ở Sài gòn xuất hiện bản dịch The Moon and Sixpence dưới cái tên “Đời nghệ sĩ” (nxb Ca dao). Một nhà phê bình khó tính đã than trời về bản dịch này. Tôi tình cờ kiếm được nguyên tác ở chợ sách son trên hè phố Sài Gòn và đã kiểm chứng được lời than phiền này. Quả là một bản dịch quá tệ, tôi thử so vài trang để sửa và kết quả là mỗi trang của bản dịch được tôi sửa chi chít đen kịt, đó chỉ là với khả năng của một người có vỏn vẹn ít năm học tiếng Anh ở trường trung học.
Tình cờ ít năm sau đó cũng trên hè phố bán son, tôi lại “vớ” được quyển nhật ký của Paul Gauguin dịch ra tiếng Anh với cái nhan đề The Intimate Journal. Kể cũng là duyên phận. Sách in lại nhiều bức tranh của Gauguin để minh họa.
***
William Somerset Maugham là nhà văn Anh, sinh năm 1874 và sống ở Pháp cho đến khi lên mười. Học xong đại học ở Anh, ông làm thầy thuốc tại bệnh viện. Có khiếu văn chương, ông sớm bắt đầu viết tiểu thuyết và thành công với vài tác phẩm đầu tay, rồi chuyển hẳn sang sáng tác văn học. Ông nổi tiếng với hai truyện dài Kiếp người (Of Human Bondage) (1914) và Mặt trăng và đồng sáu xu(The Moon and sixpence) (1919). Trong số sách được xuất bản sau đó có: (Bức Bình phong (The Painted Veil) (1925),Quý Ngài trong phòng khách (The Gentleman in the Parlour) (1930), Don Fernando (1935), Lưỡi dao cạo (The Razor’s Edge) (1944), Sổ tay nhà văn (A Writer’s Notebook)(1949), Cách nhìn thiên vị (Points of View) (1958),…
W.S. Maugham đồng thời còn là một nhà soạn kịch trứ danh với những sáng tác như: Phu nhân Frederick (Lady Frederick) (1907), Smith (1909), Đất hứa (The Land of Promise) (1913).
Ông cũng là tác giả nhiều truyện ngắn rất được hoan nghênh. Toàn tập truyện ngắn của ông được tái bản nhiều lần với số lượng mấy trăm nghìn bản, ví dụ như Mưa.
Trong Mặt trăng và đồng sáu xu, tác giả kể lại cuộc đời một nhà buôn cổ phần chứng khoán trở thanh họa sĩ thiên tài mà người đương thời chưa đánh giá đúng giá trị tác phẩm cho tới khi ông qua đời một cách thê thảm ở nơi đất khách quê người.
Kinh doanh thành đạt, sống sung túc, được vợ con hết lòng yêu mến, Charles Strickland bất thình lình bỏ gia đình ra đi, không còn quan hệ với cái xã hội ông đã từng sống, quyết tâm hiến cả đời mình cho hội họa. Ông sống gian khổ trong nhiều năm phấn đấu không thành công ở Paris. Hoàn cảnh xui khiến, ông đi tìm môi trường sáng tác mới ở một nơi xa xôi ở cái tuổi gần năm mươi. Trên đảo Tahiti, trong một gian nhà nhỏ ở một vùng hẻo lánh, được chăm sóc bởi người vợ trẻ, ông miệt mài vẽ cho đến ngày chết vì bệnh hủi, mù cả hai mắt. Tác phẩm cuối cùng của ông là những bức tranh vẽ trên vách và trần nhà mà người được may mắn nhìn thấy đánh giá là kiệt xuất. Với tính khí khác thường vốn có, ông yêu cầu vợ đốt căn nhà, nhưng những bức tranh vẽ trên vải không đóng khung vứt lung tung trong nhà đủ cho những ai hiểu biết hội họa coi ông là một thiên tài.