“Gió bụi mười năm, tung tích mười năm, câu chuyện mười năm, đối với tôi là cuộc sống một sớm một chiều, đối với người khác chẳng qua chỉ là mấy mùa hoa nở, mấy độ lá rơi.
Những phong cảnh mà tôi đi qua, những câu chuyện mà tôi gặp, đều trở thành chất liệu, trở thành văn chương, để gặp gỡ với độc giả của trần thế. Nhìn tưởng như sầu não, nhưng kỳ thực lại sáng trong êm dịu, mỗi nhành cây một ngọn cỏ đều có linh hồn, từng câu từng từ đều có tình cảm.”
Sau khi đọc xong “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi”, như bao cuốn sách khác của Bạch Lạc Mai, mình đều có chút e ngại khi viết review. Bởi lẽ văn của Bạch Lạc Mai, ngòi bút nào mới có thể thâu đủ ý, tóm đủ tình, để mà truyền tải những gì có trong câu chữ của cô. Nhưng ngẫm lại, có cơ hội đọc văn Bạch Lạc Mai, cũng có thể coi là cái duyên.
Vậy để viết ra đây những gì đã cảm thấy, qua bài review này, biết đâu lại gián tiếp kết thêm nhiều mối lương duyên giữa Bạch Lạc Mai và những người, biết đâu nữa, sẽ yêu thích dòng văn an tĩnh tự tại, nhẹ nhàng tựa nước chảy mây trôi của cô.
“Tôi muốn ẩn cư ở Giang Nam, cùng người yêu quý là người, viết lách bên bàn. Ngắm khói vờn từ lư đồng, thổi ra ngoài cửa sổ, cùng mây trước sân, bạc đầu bên nhau.
Tôi ở Giang Nam, cùng người đợi chờ một cơn mưa bụi, dưới chiếc ô giấy dầu, có thời gian chúng ta đã từng yêu, cũng từng phụ nhau.
Tôi ở Giang Nam, chỉ để đợi người.”
Mục đích cuối cùng của đời người là gì? Phải chăng là một cuộc tình sâu đậm đến độ sinh tử không rời? Hay là một đoạn tình cảm rung động đất trời, khi lìa xa liền trở thành nỗi tiếc hận không nguôi của thế nhân?
Thực ra tất cả đều không phải.
Thời gian qua đi, mọi sự bốc đồng và nóng nảy thuở thiếu thời đều sẽ được rèn giũa thành phong thái điềm tĩnh an nhiên. Khi xưa ta ngông cuồng đến thế, đau khổ đến thế, chẳng qua chỉ vì cho rằng nếu không có tình cảm ấy, bản thân sẽ không thể hạnh phúc được. Nhưng ai rồi cũng sẽ trưởng thành, để khi đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã, gặp gỡ đủ người, liền ngộ ra chân lí, cái mà ta cần, chẳng qua chỉ là một chốn yên bình thanh thản. Cùng người yêu trồng hoa nuôi thú, đọc sách thưởng trà, sống cuộc đời không dính thị phi, không màng hồng trần.
Nếu không tìm được người yêu, vậy chỉ cầu tri kỉ. Ngồi lại cùng ta uống một chén trà, đàm một bài thơ, sau khi trời sáng, đứng dậy từ biệt. Mình ta bầu bạn với đất trời bao la, đón chờ tuổi già trong ung dung tự tại.
“Sự tu hành đẹp nhất kiếp này chính là, người là trà, còn tôi là nước. Năm tháng thong thả trôi đi, đến hối hận cũng trở thành dư thừa, không có gì đáng cảm động hơn là cả đời bên nhau tình sâu nghĩa đậm, xứng đáng để trân trọng.”
Tính thiền trong văn Bạch Lạc Mai rất rõ. Có thể thấy được, cô là một người hết lòng tín ngộ Phật pháp. Do vậy văn của cô vô cùng tự tại, vô cùng dịu dàng, có khả năng khiến cho lòng người lắng lại. Chúng ta kiếp trước là ai giữa trời đất bao la, là một chú chim cất tiếng hót nơi sơn dã, hay một nhành cỏ xanh mọc bên vách núi. Chúng ta kiếp trước vì sao gặp gỡ, vì sao có duyên giác ngộ chân lý, rồi hóa thành bản thân chúng ta kiếp này. Nếu níu giữ chỉ mang lại đau khổ, vậy chi bằng từ đầu hãy thoải mái buông tay. Vui vẻ hội ngộ, vui vẻ giã biệt, đó mới là kết quả mà chúng ta hết lòng ước ao.
Yêu hận vì đâu, chẳng phải do ta tự khiến ta đau khổ sao, học cách chấp nhận, học cách buông tay. Tất thảy sẽ không còn là gánh nặng, mà chỉ còn như ánh trăng lướt qua cõi lòng. Đau khổ hóa thành dịu dàng thấu suốt, không còn nặng nề thêm nữa.
“Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi”. “Người” là ai. Có thể là bất cứ ai ta đã từng gặp gỡ trong đời. Người ta yêu, người ta gặp gỡ rồi lại phải tiếc nuối li biệt; người là cha, là mẹ, là bè bạn, là gia đình, tri kỉ, là tâm can của ta…
“Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi” - cái tên này có thể sẽ khiến bạn nhầm tưởng rằng đây là một cuốn tản văn về tình yêu rất mực phổ thông, kì thực lại không phải vậy. Bạch Lạc Mai là một trong số ít những người viết tản văn mà bản ngã của mình vẫn được thể hiện rất rõ.
Cô không chỉ nói về nhân tình thế thái, những chiêm nghiệm và cuộc sống đời thường, mà còn nói về bản thân mình. Vì thế khi đọc “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi”, mình còn có cảm giác bản thân đang được gặp gỡ thêm một người nữa - chính là Bạch Lạc Mai, dù chỉ là nối kết qua câu từ trong trang sách. Nhưng mình rất trân trọng cuộc gặp gỡ này.
Bởi lẽ, sau khi đọc xong văn Bạch Lạc Mai, có cảm giác tựa như tìm được tri kỉ vậy. Cách sống mà Bạch Lạc Mai nói chính xác là cách sống mà mình muốn hướng tới, đối đãi với thế gian đều phải thật dịu dàng, không mang tâm lí u uất và nóng nảy mà làm tổn thương bản thân, tổn thương người khác.
Mọi thứ xuất hiện trong văn của Bạch Lạc Mai đều có tính “Duyên” - đây cũng biểu hiện cho việc tín ngộ Phật Pháp của cô - bởi học thuyết của đạo Phật là “Duyên khởi”. Ta gặp gỡ là duyên, vì người tu hành cũng là duyên, xuất hiện kiếp này cũng là duyên. Và thậm chí nếu bạn đang đọc review này của mình, thì đó cũng là duyên luôn. ^^
“Thế giới mà tôi đang sống, hương trà thơm nồng, cỏ cây đều an vui.”
Nếu như bạn đang tìm một cuốn sách triết lí nhẹ nhàng, sâu lắng; hoặc nếu như bạn muốn có gì đó giúp bản thân bình tâm sau mỗi bận giông bão; hay đơn giản chỉ muốn có gì đó phù hợp tâm trạng bình thản, “tâm lặng như nước” của mình, thì hãy thử “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi” xem sao nhé. ^^
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Bạch Lạc Mai":
- Bởi Vì Thấu Hiểu Cho Nên Từ Bi
- Duyên
- Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất
- Ba Nghìn Năm Trước Đóa Sen Nở Trong Đêm Thanh Vắng
- Kiếp Này Chỉ Làm Khách Hồng Trần
- Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên
- Nếu Em An Lành, Đó Là Ngày Nắng
- Ngoảnh Lại Đã Một Đời
- Người Là Cuộc Tu Hành Đẹp Nhất Kiếp Này Của Tôi