BÀI GIẢNG THỨ NHẤT
Tối nay tôi sẽ trình bày vắn tắt quan điểm của Phật giáo về đời sống thực của con người, về sự chết và trong khi chết.
Phật giáo dậy rằng con người có một giá trị rất cao, đáng tôn qúi, đặc biệt ở sự thông minh tuyệt vời và trí tuệ siêu đẳng.
Theo quan điểm của Phật giáo, tiến trình phát triển của con người thì khác xa với các loài khác như thú vật, rau cỏ; mỗi một người đều có một tiểu sử rất dài, có một tiến trình phát triển hầu như bất tận, đặc biệt là phần tâm thức của mỗi cá nhân.
Trong Phật giáo chúng tôi quan niệm rằng bản tính tự nhiên của tâm thức (Tâm bản nhiên) con người thì hoàn toàn trong sáng và thanh tịnh. Chúng tôi cũng quan niệm rằng tâm thức của con người mới chính là nguyên tử năng của con người chứ không phải cái thân xác thịt xương máu huyết này.
Đồng thời chúng tôi cũng xác nhận rằng con người có đời sống hạnh phúc hay đau khổ tất cả đều tùy thuộc vào thái độ của tâm thức của riêng từng cá nhân: nếu anh (chị) nghĩ đời anh khổ, anh sẽ khổ. Tất cả những phiền toái, tất cả những vấn đề của con người đều do tâm của con người sáng tạo ra — không phải Thượng Đế, không phải Phật.
Từ quan điểm đó, chúng ta biết con người có khả năng tạo ra những phiền phức cho đời sống thì chính con người cũng có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn của đời sống.
Thực là sai lầm khi nghĩ rằng, ” Những vấn đề của tôi quá vĩ đại, bao la như bầu trời, rộng lớn như không gian, hầu như tất cả đều là phiền phức, rắc rối, dù cho có phá hủy cả mặt trời, cả mặt trăng thì cũng không hủy hết được những vấn đề của tôi! ”
Thật là sai lầm. Thật là u mê! Tất cả chúng ta nên nhìn nhận rằng chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những hành động từ thân, khẩu và ý của chúng ta. Chúng ta không thể đổ, không thể trút lên đầu người khác.
Hầu như tất cả những vấn đề của con người đều do trí thông minh mà ra, bởi vì chúng ta có quá nhiều liên hệ với sự thông minh và những lý lẽ. Dĩ nhiên, cũng có rất nhiều vấn đề đến từ trí tuệ, nhưng hầu như cội nguồn của tất cả những vấn đề trong đời sống của chúng ta như sự giận dữ, sự bạo động đều từ trí thông minh mà ra. Chúng ta đã thông minh hóa sự kiện nên chúng ta đã có những vấn đề.
Khi sinh ra, khi còn là một đứa trẻ nhỏ, chúng ta đã chẳng có một vấn đề chính trị nào, phải không quý vị? Hãy suy nghĩ cho kỹ đi. Trong tâm khảm của một đứa trẻ chẳng có một tí chính trị nào. Khi còn là một đứa trẻ nhỏ, chúng ta chẳng có một chút gì là rắc rối kinh tế, chẳng có một chút gì là khó khăn xã hội, bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng, bởi vì chúng ta chưa trưởng thành để có những xung khắc của cái tôi, để thông minh hóa những sự kiện. Và khi chúng ta còn là trẻ thơ chúng ta không có những sự xung đột tôn giáo hay kỳ thị chủng tộc trong tâm của chúng ta.
Khi chúng ta còn nhỏ chúng ta không có những vấn đề thông minh này; bắt đầu lớn là bắt đầu thông minh hóa, bắt đầu thông minh hóa, thông minh hóa: “Ai đây?” “Tôi là ai?”
“Làm sao tôi nhận ra tôi?” “Cái gì là khuôn mẫu của đời sống?” Cái tôi của chúng ta muốn có một phương pháp, một đường lối để khám phá, để nhận biết mình; phải có một cái gì để bám vào, để chiếm hữu. Chúng ta không còn tự nhiên.
Chúng ta đã không còn hồn nhiên. Đó là lý do tại sao chúng ta hoàn toàn là nhân tạo, hoàn toàn do chúng ta làm ra, nên chúng ta có nhiều lầm lẫn, nên chúng ta không bao giờ hài lòng, không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ thoải mái.
Chúng ta có thể nhìn thấy một cách rất rõ hầu như tất cả những vấn đề trong thế giới tân tiến văn minh ngày nay đều bắt nguồn từ những sự tương quan mâu thuẫn, từ những sự liên hệ đối nghịch nhau mà ra. Đàn ông có vấn đề với đàn bà, đàn bà có vấn đề với đàn ông. Người có vấn đề với người. Tất cả những vấn đề này đều đến từ sự thông minh của chúng ta, chúng ta chơi những trò chơi thông minh với nhau, những vấn đề này không phải từ trí tuệ, không phải từ trực giác, không phải từ tiên thiên tri thức. Chúng ta đã sáng tạo, chúng ta đã xây dựng lên những sự kiện bằng những quan niệm thông minh của chúng ta, ” Đây là đối tượng tuyệt hảo cho tôi, tôi phải có, tôi phải chiếm lấy, nếu không có nó, nếu không chiếm được nó, thà là tôi chết còn hơn! Những cái kia không phải, chỉ có cái này mới thực là của tôi! ”
Vấn đề là chúng ta đã sử dụng trí thông minh một cách không tự nhiên, quá ư là u mê, chúng ta không thực chút nào.
Chúng ta chưa hề chạm được sự thật. Bởi vì chúng ta mù quáng, khi diễn tả một trái táo, chúng ta nói, ” Oâi chao, quả táo này tốt quá, thật là tuyệt, màu sắc tươi rói, thơm phức, tôi thích nó quá.” Chúng ta đã diễn tả sự vật theo chiều hướng xúc cảm của chúng ta, theo chiều hướng bệnh hoạn của một cái tâm tràn đầy ảo tưởng của chúng ta. Chúng ta đã gán cái vọng tưởng tốt đẹp ngon lành trên quả táo để rồi nó làm chúng ta thất vọng, để rồi nó làm chúng ta bất mãn khi chúng ta biết được sự thật, nó chua quá, nó chát qúa. Cái lý do mà chúng ta bất mãn với đối tượng ‘qủa táo’ này là chúng ta đã có sự liên hệ với cái tâm vọng tưởng của chúng ta về quả táo, chúng ta đã tưởng nó tốt, chúng ta đã không thật, chúng ta đã không biết sự thật là quả táo đang như thế nào.