Các cụ mất hồi đầu thế kỷ, bây giờ có sống lại mà đứng ở đường Lê Lợi tại Sài Gòn trong các giờ tan sở, chắc phải hoảng lên và la:
- Có giặc cướp hay đám cháy nào thế này? Sao mà thiên hạ chạy tíu tít, vẻ mặt đăm đăm như vậy?
Chỉ đứng độ năm phút, nhìn lớp sóng người qua lại, nghe tiếng chuông, tiếng còi, các cụ cũng đủ choáng váng và hồi hộp.
Nếu các cụ lại sống chung với chúng ta một buổi sáng thôi, thấy chúng ta mới sáu giờ đã dậy tập thể dục, rửa mặt, tắm gội, hấp tấp bận quần áo, húp vội một ly sữa rồi bổ nhào ra ngoài phố, tới đầu đường, liệng một đồng bạc, giựt một số báo, leo lên ô-tô-buýt, tới 12 giờ rưỡi mới về, mặt bơ phờ, nuốt mấy miếng cơm rồi lăn ra ngủ, nếu các cụ thấy như vậy, thì các cụ tất mau mau từ biệt chúng ta để vào rừng ở, dầu chúng ta có đem hết thảy những tiện nghi, xảo diệu của khoa học để dụ dỗ, giữ các cụ ở lại, cũng luống công vô ích.
Từ sau đại chiến thứ hai, đời sống chúng ta ồ ạt quá, gần như đời sống tại các kinh đô ở Âu Mỹ.
Tám giờ sáng một ngày làm việc mà bạn thấy ai vơ vẩn ở bờ sông Sài Gòn, ngắm mây ngắm nước, tất bạn sẽ ngờ người đó muốn tìm chỗ trầm mình; gặp ai ung dung tản bộ, ngâm thơ trong một công viên, chắc bạn sẽ bĩu môi chê là “thi sĩ mơ mộng” nếu không nghĩ người đó mắc bệnh thần kinh, phải đưa vào nhà thương Biên Hoà.
Chúng ta không còn quan niệm được thú nhàn của cổ nhân nữa. Mỗi ngày vẫn chỉ có 24 giờ mà công việc thì tăng lên biết bao nhiêu! Công việc tăng vì nhu cầu tăng. Ta không thể sống như Nhan Hồi với một giỏ cơm, một bầu nước; ta cũng không thể sống như một cụ đồ nho với vài manh áo kép và đơn. Nội khoản chi phí về sách báo của chúng ta đủ nuôi một gia đình hồi trước.
Khi ta có thêm một nhu cầu, ta chẳng những mất thì giờ để thoả mãn nó, mà còn mất thì giờ kiếm tiền để có phương tiện thoả mãn nó nữa. Như nhu cầu hớt tóc chẳng hạn. Mỗi tuần hoặc nửa tháng ta phải bỏ ra nửa giờ để hớt tóc, lại phải làm việc thêm một chút để kiếm được 5-10 đồng trả công người thợ. Có khi một nhu cầu tạo ra ba bốn nhu cầu khác.
Nhu cầu sẽ còn mỗi ngày một tăng thêm, không biết thế nào là cùng. Bạn thử tưởng tượng, như vậy đời chúng ta sẽ còn bận rộn biết bao nhiêu!
Hiện nay, trong phần đông các gia đình, một người không còn kiếm tiền đủ để nuôi 5-6 người, có khi cả chục người như hồi xưa. Tại các châu thành lớn, nhiều gia đình chưa có con mà cả chồng lẫn vợ đã phải làm việc cực nhọc mới đủ ăn. Công việc nhà phải bỏ bê. Người nào có phước thì được mẹ già trông nom giùm.
Mà kiếm được người ở bây giờ, không phải là việc dễ. Ông Tham ông Phán thời này đừng hy vọng gì nuôi một anh xe, một anh bếp, một vú già và một chị sen hoặc một anh bồi cho mỗi cô mỗi cậu nữa. Không ai ham cảnh “cơm thầy cơm cô” và trong xã hội, không thiếu gì công việc cho anh em lao động.
Người ở đã khó kiếm lại khó giữ. Họ đã biết nhân phẩm, quyền lợi của họ: họ hiểu rằng về mặt pháp luật, họ bình đẳng với chủ nhân nên không chịu để chủ bóc lột, bắt làm việc quần quật từ sáng đến tối, tháng này qua tháng khác. Họ muốn nghỉ ngơi mỗi ngày vài giờ, mỗi tuần nửa ngày, mỗi năm dăm bảy ngày. Họ có lý và chỉ những kẻ lạc hậu mới không chịu cho họ những điều họ đòi hỏi ấy.
Tóm lại, tình cảnh của phần đông các gia đình ở châu thành bây giờ như vầy:
- Công việc trong nhà rất nhiều.
- Thời giờ của người chủ thì ít.
- Mà người ở khó kiếm, không chịu làm nhiều giờ như hồi xưa.
Có lẽ chẳng bao lâu nữa, người ở sẽ hiếm như ở Âu, Mỹ và những gia đình trung lưu chỉ còn cách mướn người chuyên môn mỗi ngày lại nhà làm một vài công việc nào đó trong một thời gian nhất định thôi 1.
Trở lại thời trước đã không được mà than tiếc nó chỉ vô ích, nên ta phải kiếm cách thích nghi với thời đại. Thời đã mới, cách sống đã mới thì cách làm việc cũng phải mới. Ta phải biết tổ chức công việc trong nhà cũng như tổ chức công việc trong sở, trong hãng. Tình thế bắt buộc ta như vậy mà sự thế tất nhiên phải tới như vậy.
Ở Mỹ, sau khi khoa học tổ chức đã được áp dụng trong kỹ nghệ, tức là có những người đem thực hành nó trong gia đình, mà người đầu tiên là ông F. Gilbreth. Sau ông, có bà Christiane Frederick, tác giả cuốn “Le Taylorisme chez soi”.
Ở Pháp, ông H.L.Rumpf viết cuốn “L’organisation familiale” (Editions Drouin) cách đây 20 năm. Ngoài ra lại có những tạp chí như “Mamans, avec moins de fatigue”...
Tại nước nhà từ trước đã xuất bản nhiều cuốn về gia chánh, chỉ cách nấu ăn may vá... nhưng chưa có cuốn nào dạy cách tổ chức gia đình. Gần đây, trên tuần báo “Mới” trong mục “Kim chỉ nam của bà nội trợ”, bà Hoàng Thị Hạnh viết một loại bài về cách xếp đặt việc nhà, nhưng lời khuyên rời rạc, không thành một hệ thống và đọc xong, các bà nội trợ không học được tinh thần tổ chức.
Mà chính tinh thần ấy mới là quan trọng hơn cả. Có nó, ta mới biết tổ chức trong mọi trường hợp và biến hoá cách làm việc cho hợp với hoàn cảnh. Thiếu nó, ta sẽ luýnh quýnh mỗi khi gặp một trường hợp không chỉ sẵn trong sách.
Vì lẽ ấy, chúng tôi viết cuốn này để giảng rõ tinh thần đó, vạch những quy tắc quan trọng rồi dẫn nhiều ví dụ giúp độc giả biết cách thực hành.
Tất nhiên là chúng tôi không dám múa rìu qua mắt thợ mà bàn cách luộc rau, kho cá, cắt áo thêu khăn... Chúng tôi không biết gì về những công việc đó. Chúng tôi chỉ chú trọng đến những phương pháp tiết kiệm thì giờ, tiền bạc và sức lực, mục đích là giúp cho bà nội trợ tổ chức gia đình sao cho mọi việc xong xuôi mà có thì giờ để nghỉ ngơi, tiêu khiển, chơi với trẻ hoặc học hỏi thêm, và may ra bớt được nhiều lo lắng về vấn đề tài chính chăng.
Chúng tôi sẽ phải dùng ít nhiều danh từ còn lạ tai đối với phần đông độc giả mà chúng tôi sẽ ráng giảng giải một cách thông thường để những bà nội trợ nào ít học nhưng chịu suy nghĩ cũng có thế hiểu được.
Sách chủ ý viết cho các bà nội trợ, nhưng chúng tôi tưởng các bạn trai đã lập gia đình cũng nên đọc nó. Phụ nữ có nhiều đức quý như lòng vị tha, đa cảm, đức kiên nhẫn, tự tin... nhưng thường theo trực giác mà không chịu luận lý, lại cố chấp, thiếu phương pháp. Vì vậy, nếu các ông chồng hiểu rõ những quy tắc trong cuốn này rồi giúp các bà vợ cùng nhau tổ chức việc nhà thì kết quả sẽ mau hơn và không khí trong gia đình cũng sẽ đầm ấm hơn.
Chúng tôi vẫn biết đàn ông mà bàn về công việc nội trợ thì không khỏi mang cái tiếng việt vị. Nhưng chúng tôi nghĩ đã không dám lấn vào phạm vi gia chánh, tức may vá, nấu nướng, mà chỉ xét những quy tắc để tổ chức việc nhà, thì các bà các cô cũng không nỡ trách; nên chúng tôi không do dự chi nữa mà cho xuất bản cuốn này với mục đích duy nhất là giúp phụ nữ Việt Nam tập sống đời sống mới tức đời sống có tổ chức, tổ chức bản thân và tổ chức gia đình rồi sau cùng tổ chức xã hội.Long Xuyên ngày 15-2-1953
Dưới đây là những tác phẩm đã xuất bản của tác giả "Nguyễn Hiến Lê":
- Kinh Dịch - Đạo Của Người Quân Tử
- 7 Bước Đến Thành Công
- Đắc Nhân Tâm
- Mạnh Tử
- Sống 365 Ngày Một Năm
- Một Lương Tâm Nổi Loạn
- Rèn Nghị Lực Để Lập Thân
- Sống Đẹp
- Khổng Tử Và Luận Ngữ
- Giải Nghĩa 64 Quẻ Kinh Dịch
- Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười
- Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê
- Những Vấn Đề Của Thời Đại
- Rèn Luyện Tình Cảm
- Trang Tử Nam Hoa Kinh
- Ý Cao Tình Đẹp
- Bảy Bước Đến Thành Công
- Dạy Con Theo Lối Mới
- Gương Chiến Đấu
- Gương Hy Sinh
- Hàn Phi Tử
- Liêt Tử Và Dương Tử
- Nghề Viết Văn
- Săn Sóc Sự Học Của Con Em
- Sử Trung Quốc
- Tổ Chức Gia Đình
- Vài Nét Sơ Lược Về Sự Phát Triển Của Triết Học Trung Hoa
- Đường, Tống Bát Đại Gia
- Lão Tử Đạo Đức Kinh - Nguyễn Hiến Lê
- Gương Kiên Nhẫn
- Con Đường Thiên Lý