Tổng Hợp Truyện Ngắn Chu Thị Minh Huệ

Thể loại: Tâm Lý Kỹ Năng
Tác giả : Chu Thị Minh Huệ
  • Định dạng : Radio
  • Lượt xem : 123
  • Read on mobile :

Mục lục sách nói

00:00:00 
Ngược Dòng Thiên Di
00:20:19 
Những Đứa Gái
00:39:49 
Linh Nghiệm Một Lời Nguyền
01:00:36 
Mùa Đông Nào Cũng Lạnh
01:22:03 
Trên Triền Dốc
01:39:37 
Sâu Lắm Lòng Người

Tập truyện ngắn của tác giả Chu Thị Minh Huệ gồm 16 truyện ngắn, trong đó tên truyện ngắn “Ngược dòng thiên di” được lấy làm tiêu đề cho cả tập truyện. Nói về tập truyện ngắn này của mình, tác giả Chu Thị Minh Huệ chia sẻ: Hình ảnh xuyên suốt trong tập truyện là thân phận của những người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Số phận của mỗi người trong số họ đã làm nên linh hồn của tập truyện. Và tôi chọn “Ngược dòng thiên di” làm tiêu đề chính cho tập truyện bởi đây là truyện ngắn chiếm nhiều tâm huyết và xúc cảm của tôi nhất.

Truyện ngắn “Ngược dòng thiên di” được bắt đầu bằng cuộc chiến dai dẳng của hai dòng họ lớn nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn. Người đau khổ nhất trong cuộc chiến này chính nữ nhân vật Pà, bởi cô không chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến mà bản thân cô cũng luôn bị giằng xé giữa “nhà chồng, nhà đẻ, một dòng Sùng - một dòng Ly” (tr.128). Pà đã bị chính anh trai mình mang ra làm quân cờ trong ván bài tranh quyền đoạt lực. Đến khi cả hai người chồng của cô đều không còn quyền lực nữa thì người đàn bà ấy muốn “ngược dòng thiên di” - đi về nơi mà tổ tiên đã rời bỏ. Nhưng con đường dặm dài thiên lý xuyên qua mấy đời người không phải là con đường dễ dàng gì. Vậy người đàn bà ấy đã làm thế nào để thực hiện được?

Điều đặc biệt của tập truyện này là các nhân vật nữ trong các truyện ngắn đều được tác giả đặt tên khá giống nhau: Súa, Pà, Dua...vv. Họ có thể xuất hiện trong những bối cảnh, những tình huống, những câu chuyện khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau khổ bởi đói nghèo, bởi những người chồng say nhiều hơn tỉnh và là nạn nhân trực tiếp của những hủ tục lạc hậu. Họ bị trói buộc cả đời như những hòn đá kê chân cột, là trâu, là ngựa khi sống và làm ma của họ nhà chồng khi chết. Họ đều khổ từ khi sinh ra với bản mệnh là nữ; họ không biết đến tình yêu hoặc không có được tình yêu bởi cha mẹ đặt đâu con ngồi đó (Nối dây), trọng nam khinh nữ (Bên này - Bên kia), mẹ chồng nàng dâu (Sợi lanh dài), làm lẽ (Cuộc đời ngang qua cuộc đời), thậm chí bị coi như một món hàng để trao đổi quyền lực (Ngược dòng thiên di)...vv.

Nhân vật nữ sáng giá nhất trong tập truyện này có lẽ là Súa trong “Mùa đông nào cũng lạnh”, bởi cô chính là hiện thân cho phụ nữ dân tộc thời đại mới. Súa được đi học, được hiểu về luật hôn nhân gia đình; Súa biết yêu, biết nhận ra giá trị của bản thân mình và dám vươn lên, đấu tranh để tự quyết định cuộc đời mình. Có lẽ, đây chính là lời gửi gắm, là mong ước mà tác giả muốn hướng tới qua tập truyện ngắn này.

Bằng giọng văn dung dị, sử dụng nhiều khẩu ngữ, cùng với lối so sánh mộc mạc, gần gũi, hiện thực đời sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày…đã bước vào trang viết một cách tự nhiên nhất. Qua “Ngược dòng thiên di”, Chu Thị Minh Huệ không chỉ phác họa nên bức tranh những người phụ nữ lam lũ, tù túng, đói nghèo mà còn giúp bạn đọc hiểu hơn về văn hóa (ma chay, cưới hỏi, lễ bái, hủ tục...vv) và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng rẻo cao Hà Giang./.