Anh em nhà Karamazov (tiếng Nga: Братья Карамазовы) là tác phẩm cuối cùng của Fyodor Dostoyevsky (Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky). Fyodor Dostoyevsky thuộc loại thiên tài hiếm hoi mà càng về cuối đời thì sự nghiệp sáng tác càng lên tới đỉnh cao hơn. Anh em nhà Karamazov là tác phẩm vĩ đại nhất của ông. Trước khi bắt tay vào viết tác phẩm mà thật ra ông đã ấp ủ ý đồ từ nhiều năm trước, Dostoyevsky đã linh cảm thấy mình nắm bắt được một đề tài xứng đáng với tầm vóc của mình. Ông viết: "Ít khi tôi gặp trường hợp nói lên được những điều mới mẻ, đầy đủ, độc đáo như thế này". Tiếp đó là quá trình làm việc hết sức căng thẳng. Trong một lá thư đề ngày 23 tháng 7 năm 1879, ông viết: "Cuốn tiểu thuyết tôi đang viết (Anh em nhà Karamazov) hiện thời nuốt hết mọi sức lực và thời giờ của tôi… Tôi viết không hối hả, không vội làm cho xong việc, sửa đi sửa lại, gọt tỉa, tôi muốn tận tâm hoàn tất tác phẩm, bởi vì chưa hề có tác phẩm nào mà tôi nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn tác phẩm này"***
Fyodor Mikhailovich Dostoevsky (1821- 1881), sinh ngày 11.11.1821, là nhà văn nổi tiếng người Nga.
Cùng với Gogol, L. Toystol, ông được xem là một trong ba văn hào vĩ đại của Nga thế kỉ 19.
Dostoevsky sinh tại thành phố Moscow, là con trai thứ hai trong 7 người con của ông Mikhail, một bác sĩ quân y được biệt phái qua phục vụ tại Bệnh Viện Maryinski chuyên chữa trị các người nghèo. Ông Mikhail là một con người cứng rắn, thẳng thắn trong khi bà mẹ lại có bản tính trái ngược, bà ta rất thụ động, tử tế và rộng lượng. Các sự kiện của gia đình quý tộc xa xưa này với cha mẹ có một vùng đất và hơn một trăm nông nô, đã là hình ảnh của các nhân vật với các bản tính thái cực trong các cuốn tiểu thuyết của Dostoevsky sau này.
Trong thời gian Fyodor đi học xa nhà, ông Mikhail đã bị giết chết do các nông nô trong vùng nổi loạn và hình ảnh giết người bất ngờ và tàn bạo này luôn luôn ám ảnh Fyodor Dostoevsky khiến cho các tác phẩm của ông thường dùng đề tài là các tội ác. Và vào cuối cuộc đời, cái chết của người cha đã là căn bản cho tác phẩm danh tiếng Anh Em Nhà Karamazov.
Fyodor Dostoevsky rất yêu thích văn chương. Vào tuổi 25, Fyodor đã cầm bút, sáng tác ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên với tên là Những kẻ bần hàn xuất bản vào năm 1846. Đây là một câu chuyện tình cảm mô tả một cách bóng bẩy các cảnh tàn phá của kiếp nghèo. Cuốn truyện này đã được các nhà phê bình khen ngợi, đặc biệt là Vissarion Belinsky, và nhà văn trẻ tuổi Dostoevsky được gọi là một "Gogol mới", tác phẩm của ông trở nên bán chạy nhất, bởi vì từ xưa tới nay chưa có một nhà văn người Nga nào cứu xét một cách kỹ càng sự phức tạp tâm lý của các cảm xúc bên trong tâm hồn con người. Fyodor Dostoevsky đã dùng tới phương pháp phân tích tâm lý để tìm hiểu các hoạt động rất tinh tế của tâm lý mọi người. Sau tác phẩm Những kẻ bần hàn, Fyodor Dostoevsky sáng tác ra cuốn Con người kép đề cập tới sự phân đôi cá tính và đây là căn bản dùng cho nhân vật Raskolnikov của đại tác phẩm Tội Ác và Trừng Phạt.
Qua tác phẩm này, Fyodor Dostoevsky được toàn thế giới công nhận là một trong các Đại Văn Hào của nước Nga, được xem là người sáng lập hay là người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh thế kỷ 20.
Tác phẩm tiêu biểu:
Những kẻ bần hàn (1846)
Con người kép (1846)
Đêm trắng (1848)
Ghi chép từ Ngôi nhà chết (1862)
Những kẻ tủi nhục (1861)
Con bạc (1867)
Hồi Ký Viết Dưới Hầm (1864)
Tội ác và trừng phạt (1866)
Gã Khờ (1868)
Lũ người quỷ ám (1872)
Anh em nhà Karamazov (1880)
Là Bóng Hay Là Hình
***
Alecxei Fedorovich Karamazov là con thứ ba một địa chủ hạt chúng tôi tên là Fedor Pavlovich Karamazov, người đã có thời làm xôn xao dư luận (mà đến tận bây giờ cũng còn được nhắc đến ở vùng chúng tôi) do cái chết bi thảm và mờ ám của ông ta xảy ra đúng mười ba năm trước, rồi đến một lúc nào đó tôi sẽ kể chuyện này. Còn bây giờ, về ông “địa chủ” đó, người ta gọi ông ta như vậy, tuy suốt đời ông ta hầu như không cư ngụ tại điền địa của mình, tôi chỉ nói rằng đấy là một kẻ thuộc loại người lạ lùng tuy là khá thường gặp, chính là loại người chẳng những đồi bại và trác táng mà còn vô lối biết lo liệu rất khôn khéo mọi việc lắt léo liên quan đến tài sản của mình. Chẳng hạn Fedor Pavlovich bước vào đời gần như là tay trắng, vốn điền sản của ông ta rất nhỏ nhoi, ông ta chuyên đi chực bữa nhà người, khét tiếng là kẻ ăn boóng, vậy mà lúc chết ông ta còn có đến một trăm ngàn rúp tiền mặt. Tuy thế suốt đời ông ta cứ là kẻ ngông cuồng nhất trong hạt chúng tôi. Tôi xin nhắc lại lần nữa: đây không phải là ngu xuẩn; phần lớn những kẻ ngông cuồng ấy khá tinh khôn và ranh mãnh, mà đây là vô lối nhưng là cái vô lối khá đặc biệt, mang màu sắc dân tộc.
Ông ta đã hai đời vợ và có ba con trai: con cả, Dmitri Fedorovich, là con người vợ thứ nhất, hai đứa còn lại Ivan và Alecxei, là con người vợ sau. Người vợ đầu của Fedor Pavlovich là con một gia đình khá giàu có và danh tiếng thuộc dòng họ quý tộc Miuxov, cũng là địa chủ vùng chúng tôi. Làm sao một cô gái có của hồi môn, lại xinh đẹp, thêm nữa lại thuộc loại thông minh lanh lợi - loại thiếu nữ không lấy gì làm hiếm trong thế hệ hiện nay, nhưng thời trước cũng vẫn có - mà chịu lấy một gã “còm nhom” (như mọi người hồi ấy vẫn gọi gã) và hèn mọn như thế, điều này tôi sẽ không giải thích rườm rà. Tôi biết một cô gái thuộc thế hệ “lãng mạn” thời trước, sau mấy năm đeo đuổi mối tình bí ẩn với một người danh giá mà cô ta bao giờ cũng có thể rất yên tâm về làm vợ ông ta, nhưng rốt cuộc cô ta lại tưởng tượng ra những trở ngại không thể vượt qua được và một đêm bão bùng, từ mé bờ cao giống như một ghềnh đá cheo leo, cô ta gieo mình xuống dòng sông khá sâu chảy xiết: cô ta chết do tính đồng bóng của chính mình, chỉ cốt để được giống như Ophelia của Shakespeare, thậm chí nếu như bờ đá cheo leo ấy, mà cô đã để ý và ưa thích từ lâu, không được nên thơ như thế, nếu như thay vào đó chỉ là một bờ sông bằng phẳng tầm thường thì có lẽ không làm gì có chuyện tự vẫn.
Đấy là việc có thực, và hẳn là trong đời sống Nga của chúng ta, hai hay ba thế hệ gần đây, những sự việc cùng loại đã xảy ra không ít. Cũng tương tự như vậy, hành động của Adelaida Ivanovna Miuxova chắc chắn là hồi âm của những luồng gió nước ngoài dội vào: đồng thời cũng là sự bực tức của tư tưởng bị cầm tù. Có lẽ nàng muốn biểu lộ ý chí độc lập của phụ nữ, đi ngược lại hoàn cảnh xã hội, chống lại sự chuyên chế của họ mạc và gia đình, và trí tưởng tượng hay chiều lòng người khiến nàng tin chắc, dù chỉ trong giây lát rằng Fedor Pavlovich tuy có tiếng là kẻ ăn chực, nhưng vẫn là một người can đảm nhất và tinh quái nhất trong cái thời đại đang chuyển mình theo chiều hướng tốt: nhưng thực ra gã chỉ là một thằng hề độc ác, không hơn không kém.
Điều giật gân là sự việc xoay chuyển tới chỗ cô nàng bỏ nhà trốn theo gã và lấy thế làm khoái chí. Còn về phần Fedor Pavlovich thì thậm chí do địa vị xã hội của gã, gã hoàn toàn sẵn sàng thực hiện tất cả những trò vào loại đó, và gã háo hức muốn tiến thân bằng bất kì cách nào: chui luồn được vào một gia đình tử tế và kiếm được món hồi môn, là điều hết sức hấp dẫn. Còn về tình yêu đôi lứa thì hình như hoàn toàn không có, cả nàng cũng như chàng, mặc dù Adelaida Ivanovna rất xinh đẹp. Thành thử có lẽ đấy là trường hợp duy nhất thuộc loại này trong đời Fedor Pavlovich, một kẻ suốt đời háo sắc, sẵn sàng bám ngay lấy bất cứ cái váy nào vẫy gọi gã. Duy chỉ có người phụ nữ này không khơi gợi trong gã một hứng thú tình dục đặc biệt nào cả.